Tổng Bí thư: “Ai làm trái xu hướng chung, ai có tư tưởng khu biệt cần sửa đi”
Nhấn mạnh nguyên nhân dẫn tới những kết quả đột phá của năm 2018 là từ sự đoàn kết, thống nhất cao, sự ủng hộ đồng tình của các tầng lớp cán bộ, nhân dân tạo nên sự đồng tâm nhất trí của toàn bộ xã hội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhắc nhở: “Vậy nên ai làm trái xu hướng này thì nên sửa đi. Ai có tư tưởng phân biệt, khu biệt thì nên thay đổi đi”.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị Chính phủ với các địa phương sáng 28/12, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng điểm lại, năm 2018 khép lại với đầy ắp các sự kiện để bước vào 2019 với nhiều niềm tin, hi vọng mới.
“ Xã hội còn vấn đề nhưng đời sống đã khác xa”
Hội nghị tổng kết năm 2018, bàn kế hoạch năm 2019 của Chính phủ hết sức quan trọng, không chỉ vì quy mô rất lớn, có lẽ lớn nhất từ trước tới nay mà còn thể hiện ở nội dung phong phú, để thống nhất phương hướng sắp tới cho sự phát triển mạnh hơn nữa. Điều đó mang lại ý nghĩa hết sức quan trọng. Hội nghị của Chính phủ diễn ra ngay sau khi khép lại Hội nghị Trung ương 9 với nhiều thành công, khiến nhân dân phấn khởi, đánh giá cao.
Nhấn mạnh việc tham dự hội nghị quan trọng này là một vinh dự, Tổng Bí thư dẫn lại những báo cáo toàn diện về công tác điều hành của Chính phủ năm qua những như nhiều ý kiến thảo luận của lãnh đạo các địa phương. Tổng Bí thư gợi mở một số vấn đề để hội nghị cũng phát biểu, trao đổi thêm.
Nhìn lại 2018, Tổng Bí thư khái quát, có thể vui mừng nhận thấy trong năm qua, dù phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, đất nước vẫn phát triển toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực. Có 8 điểm nổi bật được Tổng Bí thư nhắc tới.
Đầu tiên là mức tăng trưởng kỷ lục của năm 2018 với toàn bộ 12/12 chỉ tiêu kinh tế xã hội được hoàn thành và hoàn thành vượt mức đề ra, như báo cáo của Chính phủ.
“Hình như chưa có năm nào chúng ta đạt được những chỉ tiêu hết sức tiêu biểu như vậy” – Tổng Bí thư nói.
Tổng Bí thư miêu tả, bộ mặt đời sống ngày càng khác xa. “Quê tôi trước nghèo lắm nhưng giờ nhà cửa, làng xóm, đường sá đều khang trang cả rồi. Nông thôn mà cũng nhà lầu, xe hơi, nhà nhà có tivi, tủ lạnh, người người có điện thoại, di động sử dụng cả. Ở miền núi trẻ nhỏ cũng gọi nhau hỏi đang chăn trâu ở đâu bằng điện thoại. Đó là những điểm hết sức đáng mừng. Dù xã hội còn điểm này điểm kia nhưng đời sống đã khác xa rồi” – Tổng Bí thư nói.
Về đối ngoại, Tổng Bí thư nhắc lại nhận định đã nhiều lần nói là đất nước chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế lớn như hiện tại. So với tình hình phức tạp, bất ổn ở nhiều nơi thì đất nước rất thanh bình, ổn định, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đi đâu cũng được quý trọng, từ nước lớn tới nước nhỏ, nước xa tới nước gần.
Về công tác phòng chống tham nhũng, tổ chức bộ máy, Tổng Bí thư khẳng định những kết quả tích cực đem lại giúp củng cố niềm tin của người dân. Người lãnh đạo đứng đầu Đảng cũng như Nhà nước nhắc tới việc chưa bao giờ hệ thống chính trị xây dựng được quy định nêu gương với những cấp lãnh đạo cao nhất như vừa qua. Trung ương cũng xây dựng được hệ thống các nghị quyết về tổ chức bộ máy mà khắp nơi đều đang làm, hăng say – những quy định để làm được không hề đơn giản.
“Vừa qua xử lý nhiều vụ việc tiêu cực thì, ngoài công tác kiểm tra của Đảng nhưng cũng có cả đóng góp lớn công tác tư pháp. Có những lúc rất nhiều vụ án tưởng như xử lý không xuể có thể thấy sự phối hợp giữa các cơ quan đã nhịp nhàng hơn nhiều. Mọi vụ việc được giải quyết tuần tự, hết khâu này sang khâu kia” – Tổng Bí thư, Chủ tịch nước phân tích.
Đặc biệt, người lãnh đạo đứng đầu đất nước ghi nhận tác động của những đóng góp hiệu quả trong việc tham gia phản biện chính sách xã hội, phong trào xoá đói giảm nghèo. Theo đó, không khí phấn khởi đang lan rộng khắp cả nước.
“Ai đi ngược cần sửa đi!”
Video đang HOT
Nguyên nhân dẫn đến những kết quả, thành công đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho là có 3 điểm cơ bản. Trước hết là do đất nước được thừa hưởng những thành tựu to lớn của 30 năm đổi mới, có nền tảng từ thành công của 2 năm qua. Thứ hai là có sự đoàn kết nỗ lực chung sức chung lòng của toàn đảng, toàn quân, toàn dân, của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp nhịp nhàng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội 12.
Tổng Bí thư cho biết, hàng tháng, lãnh đạo chủ chốt đất nước đều duy trì họp thường xuyên. Chưa bao giờ hoạt động điều hành được tổ chức chặt chẽ như vậy, cứ tuần đầu tiên của mỗi tháng đều họp để theo dõi sát sao tình hình, xem khâu nào còn làm chưa được, vấn đề nào cần tháo gỡ ngay. Cơ chế làm việc đó cũng cho kinh nghiệm quý về sự phối hợp giữa các cơ quan ngay từ trên cấp cao.
Nguyên nhân cơ bản của thành công, như Trung ương đã xác định, Tổng Bí thư nhấn mạnh, cũng từ sự đoàn kết, thống nhất cao. Ngoài ra, không thể không nói đến sự ủng hộ đồng tình của các tầng lớn cán bộ, nhân dân tạo nên sự đồng tâm nhất trí của toàn bộ xã hội. Các cơ quan của Đảng, Nhà nước thường xuyên nhận được thư từ đóng góp, ý kiến. Những cuộc tiếp xúc cử tri cũng đều ghi nhận ý kiến thẳng thắn, chân thành.
“Vậy nên ai làm trái xu hướng này thì nên sửa đi. Ai có tư tưởng phân biệt, khu biệt thì nên thay đổi đi” – Tổng Bí thư nhắc nhở.
Nhiệt liệt hoan nghênh, biểu dương các cơ quan, đoàn thể, các doanh nghiệp, đảng viên, đồng bào chiến sĩ cả nước đã đóng góp to lớn cho kết quả phát triển chung nhưng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng nhắc lại, tuyệt đối không được chủ quan, không quá say sưa với thành tích thắng lợi, không được ngủ quên trên vòng nguyệt quế.
Tổng Bí thư nêu thực tế, bối cảnh thế giới rất phức tạp, diễn biến khó lường. Không phải coi thường nhưng kinh tế nhà nước yếu kém là một sự thực cần lưu ý. Tội phạm, tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em, ô nhiễm môi trường, khiếu kiện đông người vẫn diễn biến phức tạp, nhất là ở các đô thị lớn.
Năm 2019, theo Tổng Bí thư, được coi là năm khởi đầu cho việc chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp, tiến tới đại hội Đảng toàn quốc nên có ý nghĩa hết sức quan trọng. Vậy nên cả nước cần tiếp tục củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao chất lượng tăng trưởng trong việc cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu nền kinh tế. Muốn thế phải tháo gỡ một cách thực chất hơn những rào cản, vướng mắc; xử lý tệ nhũng nhiễu trong việc giải quyết thủ tục hành chính… Đó vẫn là những khâu người dân, doanh nghiệp còn kêu nhiều.
Cán bộ bỏ sinh hoạt Đảng, quên đóng Đảng phí mà không biết
Tổng Bí thư yêu cầu cơ quan điều hành tập trung phát triển lành mạnh và đồng bộ các loại thị trường, nhất là thị trường thiết yếu như thị trường tài chính tiền tệ, thị trường đất đai và các nguồn lực, thị trường điện; xử lý dứt khoát dứt điểm những dự án yếu kém, chậm tiến độ, nâng cao hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công; huy động nguồn lực của xã hội cho đầu tư phát triển.
Tổng Bí thư đòi hỏi Chính phủ triển khai thật nghiêm thật tốt những mục tiêu, kế hoạch đề ra để hoàn thiện kinh tế thị trường định hướng XHCN, phấn đấu đạt những chuyển biến về chất của nền kinh tế.
“Đi đâu giờ cũng thấy nói cách mạng công nghiệp 4.0, nói ào ào đi, nói theo mốt. Như thế là không được” – Tổng Bí thư nhắc nhở.
Tổng Bí thư lưu ý việc chống tư tưởng tự diễn biến, tự chuyển hoá, làm tốt hơn nữa công tác cán bộ; kiên quyết chống tham nhũng, tư lợi; vấn nạn lựa chọn người nhà, người thân, lợi ích cục bộ; nâng cao đạo đức công vụ, tính chuyên nghiệp của cán bộ công chức, viên chức; giải quyết triệt để để tiến tới không còn những vụ khiếu kiện đông người, kéo dài; thu hồi ở mức cao nhất tài sản của nhà nước, của nhân dân…
“Nếu không làm tốt công tác xây dựng Đảng là không làm tốt công tác con người. Nếu chỉ nhăm nhăm phát triển kinh tế thì bỏ quên mất công tác rất quan trọng đó, có khi cán bộ bỏ cả sinh hoạt Đảng, quên đóng Đảng phí cũng không biết” – Tổng Bí thư nói.
Theo Tổng Bí thư, tiến tới Đại hội Đảng lần thứ 13, kỷ niệm 35 năm Đổi mới, 10 năm chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011-2020, hướng tới kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng vào 2030, 100 năm thành lập nước vào 2045… cần quan tâm từng mốc cụ thể, không thể coi đó là việc xa xôi.
Tin tưởng sau hội nghị này với động lực mới, khí thế mới, niềm tin mới, Tổng Bí thư mong muốn các cơ quan sẽ tiếp tục lãnh đạo sáng tạo hơn nữa, đột phá hơn nữa. Tổng Bí thư đề nghị, Chính phủ và các địa phương phấn đấu với tinh thần, 2019 phải hơn 2018 trên tất cả các phương diện. Đó là một thử thách lớn, là sức ép vì 7,08% là một mức tăng trưởng rất cao “nếu không đạt, có khi gần sát Đại hội rồi người ta không bầu nữa đâu”.
P.Thảo
Theo Dantri
Thủ tướng: Chính phủ sẽ không bao giờ cho phép ngủ quên trên vòng nguyệt quế
Phát biểu khai mạc Hội nghị Chính phủ với địa phương sáng 28/12, điểm lại các con số kỷ lục về kinh tế - xã hội năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, con đường chúng ta chọn là đúng, tư duy của chúng ta không lỗi nhịp. "Chính phủ sẽ không bao giờ cho phép ngủ quên trên vòng nguyệt quế"
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Tham dự Hội nghị có Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng và các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố tại các điểm cầu truyền hình trực tuyến.
Hội nghị được tổ chức nhằm triển khai Nghị quyết của Quốc hội về các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2019.
Tư duy của chúng ta không lỗi nhịp
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng nêu rõ mọi thành quả và khó khăn của năm 2018 sẽ tác động quan trọng tới tinh thần và quyết tâm của năm 2019, năm chúng ta bắt đầu tiệm cận giai đoạn chuẩn bị tích cực cho Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng. Với ý nghĩa đó, năm 2019 càng trở nên quan trọng về mọi phương diện chính trị, kinh tế, xã hội.
Theo Thủ tướng, mỗi một thành quả đạt được của Chính phủ từ đầu nhiệm kỳ tới nay là kết quả của sự lãnh đạo sâu sắc, quyết liệt của Ban chấp hành Trung ương, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư, sự đồng thuận của Quốc hội, sự ủng hộ của cả hệ thống chính trị cùng với nhiều nỗ lực vượt bậc của các tỉnh, thành trong cả nước. Tất cả điều đó đã tiếp thêm sức mạnh lớn lao cho Chính phủ kể từ ngày đầu nhận trọng trách trước Đảng, Nhà nước và nhân dân. "Tôi muốn nhấn mạnh điều này bởi lẽ có những hoàn cảnh và thời điểm, chúng ta đã thực sự đứng trước những khó khăn rất lớn, không nằm trong mọi kịch bản hay dự đoán", Thủ tướng nói. Tuy nhiên, chúng ta đã vượt qua một hành trình gian truân nhưng vô cùng có ý nghĩa. Nếu năm 2016, chúng ta trải qua đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong một thế kỷ thì hôm nay, lần đầu tiên trong lịch sử, nông nghiệp nước ta đã xuất khẩu hơn 40 tỷ USD.
Kể từ năm 2008 đến nay, lần đầu trong 10 năm, nền kinh tế chúng ta đã không chỉ đạt mà còn vượt mức tăng trưởng 0,38 điểm phần trăm, từ 6,7% đã lên mức 7,08% trong năm 2018. Nếu năm 2017, chúng ta xuất siêu đạt mức kỷ lục 2,1 tỷ USD thì năm 2018, chúng ta dự kiến đạt mức xuất siêu kỷ lục, lên đến trên 7 tỷ USD, gấp hơn 3 lần kỷ lục mà chúng ta đã xác lập được. Đặc biệt, tăng trưởng xuất khẩu của khu vực trong nước đạt 17%, cao hơn khu vực FDI 14%. Điều càng có ý nghĩa trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ - Trung thì Việt Nam chúng ta có 2 năm "vàng son" liên tiếp về kỷ lục xuất khẩu. Trong khi Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia tăng trưởng kinh tế cao và ổn định hàng đầu châu Á thì chất lượng tăng trưởng của chúng ta cũng có sự cải thiện rõ nét, thể hiện qua tốc độ tăng năng suất lao động. Và đặc biệt, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao kỷ lục trong 10 năm nhưng tăng trưởng tín dụng chỉ đạt dưới 14% so với 17-18% của các năm trước, công nghiệp khai khoáng giảm gần 4%, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng lên trên 12%. "Rõ ràng chúng ta đang có sự chuyển dịch về mô hình tăng trưởng và sự thăng tiến cao hơn về chuỗi giá trị", Thủ tướng khẳng định. Và điều rất đáng mừng là Nghị quyết của Trung ương về kinh tế tư nhân đang thực sự đi vào cuộc sống. Chưa có thời điểm nào trước đây chúng ta được chứng kiến sự lớn mạnh cùng với quyết tâm vươn ra biển lớn của khu vực kinh tế tư nhân như 2 năm vừa qua. Đó là chưa kể tới con số trên 130.000 doanh nghiệp mới thành lập và trên 34.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại trong năm 2018. Trước đây, chúng ta lo lắng, sợ sập đổ tài khóa quốc gia thì lần đầu tiên, đến hôm qua, chúng ta đã có vượt thu ngân sách so với dự toán khoảng 3,5 tỷ USD. Dự trữ ngoại hối đạt kỷ lục. Nợ xấu giảm rất sâu. Những nhiệm vụ về bảo đảm an sinh xã hội, chính sách người có công và giảm nghèo bền vững và bảo vệ môi trường đều thực hiện tốt. Nhiều kết quả tích cực về văn hóa, xã hội, đặc biệt là những thành tích thể thao rất ấn tượng và nhiều cuộc thi quốc tế, đoàn Việt Nam luôn đạt giải cao, nhiều tiến bộ trong lĩnh vực y tế... Đặc biệt, nhiều vụ án tham nhũng lớn được thanh tra, điều tra nghiêm túc, đưa ra xét xử nghiêm minh.
"Điều mà tôi muốn nhấn mạnh chính là niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và quyết tâm của tất cả chúng ta trong việc giải quyết những vấn đề lớn của đất nước, từ công cuộc chống tham nhũng đến vấn đề bảo vệ môi trường, nông nghiệp, nông dân, nông thôn, miền núi, dân tộc... chưa bao giờ lớn và sâu sắc như lúc này", Thủ tướng bày tỏ.
Mọi chủ trương, nghị quyết của Đảng, của Quốc hội đã được Chính phủ thực hiện nghiêm túc và đạt được những kết quả rất cụ thể. Mỗi thành quả đạt được là sự nỗ lực không ngừng nghỉ của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân. Điều này thêm một lần nữa khẳng định con đường chúng ta chọn là đúng, tư duy của chúng ta không lỗi nhịp mà ngược lại đã đem lại cho chúng ta khả năng chủ động ứng phó cũng như dẫn động đến nền kinh tế Việt Nam vào những xu thế phát triển của khu vực và toàn cầu.
"Đến những vùng khó khăn, xa xôi, chúng tôi thấy được ánh mắt, nụ cười của niềm tin của người dân, của người lãnh đạo và các loại hình doanh nghiệp".
Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần Hội nghị hôm nay sẽ không chỉ là sự tổng kết tình hình kinh tế - xã hội 2018 nhằm đề ra nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2019 mà chúng ta cần soi chiếu lại tất cả hành trình từ đầu nhiệm kỳ đến nay bởi lẽ những thành quả đạt được của năm 2018 chính là kết quả của những chính sách, những hành động đã được thực hiện ngay từ lúc bắt đầu nhiệm kỳ, kế thừa cả những thành quả đã đạt được trước đó và tương tự những gì chưa đạt được cũng sẽ là sự phản ánh những tồn tại và yếu kém của toàn bộ quá trình đòi hỏi tất cả chúng ta phải xem xét một cách khách quan, tổng thể và có tính hệ thống.
Thủ tướng gợi ý một số nội dung chính để Hội nghị thảo luận như cần tìm giải pháp mạnh mẽ khơi thông và huy động mọi nguồn lực cho phát triển. Khắc phục nhanh những chậm trễ, trì trệ, kém hiệu quả trong xây dựng cơ chế, chính sách và trong tổ chức thực hiện. "Chúng ta không thể đổ lỗi cho cơ chế, chính sách vì thể chế pháp luật đều do cán bộ, công chức làm ra, do sự hạn chế về tư duy, tầm nhìn, do cách chúng ta thực hiện và quản lý". Những rào cản làm kinh tế tư nhân không bứt phá được, đặc biệt là kinh tế hộ khó chuyển đổi thành doanh nghiệp, những nút thắt của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ và đầu tư vào nông nghiệp. Đào tạo lao động cho năm 2019 và giai đoạn tới trong kỷ nguyên số, tháo gỡ những vướng mắc trong triển khai những dự án đầu tư công cả ở Trung ương và địa phương và chúng ta cũng lưu ý đến công tác phòng chống thiên tai trong bối cảnh thế giới hiện nay.
Cần phải tiếp tục đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí đi liền với hoàn thiện thể chế pháp luật, có cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Phát hiện và sửa ngay những quy định, sơ hở, mâu thuẫn dễ tiêu cực, quan liêu, xa dân.
Xử lý dứt điểm tình trạng khiếu nại, tố cáo đông người, vượt cấp kéo dài. Giải quyết tốt những yếu kém và bức xúc xã hội, làm sao cả hệ thống chuyển động phục vụ sự phát triển, cơ bản giải quyết tình trạng trên nóng dưới lạnh mà nhân dân còn phàn nàn.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu
12 chữ "vàng" cho năm 2019
Thủ tướng đề nghị Hội nghị thảo luận để đi đến thống nhất đề ra triển khai 1 chương trình toàn diện, phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 với phương châm 12 chữ của Chính phủ: "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả, bứt phá".
Thủ tướng nêu rõ: Chúng ta sẽ không đánh đổi hay lựa chọn giữa chất lượng tăng trưởng và tốc độ tăng trưởng mà phải đạt được cả 2, nghĩa là phát triển nhanh và bền vững. Chính phủ luôn kiên trì nguyên tắc "3 trong 1" hay nói cách khác, 3 trụ cột bao gồm kinh tế, xã hội và môi trường. Trong khi tiếp tục phát huy tốt nhất những động lực tăng trưởng đã có, chúng ta phải tích cực tìm kiếm những động lực tăng trưởng mới, ví dụ động lực tăng trưởng đến từ tiến trình đô thị hóa, từ ứng dụng công nghệ mới và từ các loại hình du lịch đa dạng, như du lịch biển và các vùng di sản, du lịch miền núi, du lịch sông nước ĐBSCL.
Mô hình tăng trưởng của Việt Nam sẽ dựa nhiều hơn vào năng suất lao động và thúc đẩy một nền kinh tế số. Chúng ta không chỉ cải thiện các hạ tầng cứng mà sẽ đồng thời phát huy các yếu tố hạ tầng của thế kỷ 21, gắn với mô hình phát triển dựa trên dữ liệu và sức mạnh sáng tạo. Chúng ta thúc đẩy cuộc cách mạng 4.0 vì dư địa tăng năng suất lao động ở đây là rất lớn. Chúng ta không chỉ phát huy các tài nguyên sẵn có mà quan trọng hơn là tinh thần cảm ứng và khả năng tư duy đóng góp của trên 100 triệu người Việt Nam cả trong và ngoài nước.
Thủ tướng sẽ trực tiếp chỉ đạo 3 nhóm vấn đề năm 2019
Trong năm 2019, Thủ tướng cho biết, ông sẽ trực tiếp chỉ đạo việc đánh giá lại một số vấn đề. Đó là các tư duy và hình thành chính sách phát triển do Chính phủ đề xuất. Những yếu kém cố hữu của nền kinh tế khó sửa, cách thức khắc phục những dự án thua lỗ kéo dài, trong đó, phải chỉ ra cho được những giá trị kế thừa và những bài học kinh nghiệm lớn cần tiếp tục được nhận thức và chỉnh đốn một cách nghiêm túc.
Thứ hai, những khía cạnh quản trị của Chính phủ, những mục tiêu như Chính phủ điện tử, Chính phủ số, các giá trị kiến tạo phát triển, sự liêm chính... khó đi vào thực tiễn nếu chúng ta không cải cách những nguyên tắc và mô hình quản trị không còn phù hợp với thực tiễn.
Thứ ba, đánh giá lại toàn bộ thực trạng và tiềm năng đích thực của các ngành kinh tế có tính chủ lực nhằm kiến tạo sức bật mới cho sự phát triển. Ví dụ, riêng ngành xuất khẩu gỗ và lâm sản của Việt Nam năm nay có thể đem lại cho chúng ta kim ngạch tới gần 10 tỉ USD. Đây là lĩnh vực chúng ta nằm trong top 5 các quốc gia xuất khẩu đồ nội thất toàn cầu...
"Mặc dù những con số về tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 là đáng khích lệ, song không có bất kỳ con số nào có thể đo lường và phản ánh đầy đủ mọi cố gắng của toàn bộ hệ thống chính trị trong mục tiêu đưa Việt Nam tiến nhanh trên con đường mang tên độc lập, tự cường và thịnh vượng", Thủ tướng nêu rõ. "Chính phủ sẽ không bao giờ cho phép ngủ quên trên vòng nguyệt quế, không những 2017, 2018 và cả những năm tới đây bởi hành trình của dân tộc ta còn rất dài, với rất nhiều thách thức phía trước và hơn thế nữa nội hàm giá trị cốt lõi và định hướng xuyên suốt của chúng ta trong mọi hành trình, chặng đường phát triển là không để một người dân nào bị bỏ lại phía sau, từ thành thị tới nông thôn, từ miền ngược đến miền xuôi, biên giới, hải đảo".
Ý chí của một dân tộc và quyết tâm của chúng ta trong lần kỷ niệm lần thứ 50 thực hiện Di chúc của Bác Hồ (năm 2019) càng thôi thúc chúng ta cố gắng hơn nữa trong công việc đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Hội nghị hôm nay có sự tham gia của các đồng chí Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và nhiều đồng chí lãnh đạo Trung ương và 63 địa phương trong cả nước thể hiện rõ tầm quan trọng của Hội nghị lần này.
Cùng với ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư hôm nay, Chính phủ sẽ tiếp thu, hoàn thiện và ban hành Nghị quyết 01, 02 ngay sau Hội nghị để cả hệ thống hành chính, các loại hình doanh nghiệp và người dân của chúng ta sớm bắt tay vào việc với tinh thần quyết tâm triển khai thắng lợi toàn diện những mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Quốc hội đề ra trong năm 2019 và cả giai đoạn 2016-2021./.
Đức Tuân
Theo Chinhphu.vn
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước dự họp Chính phủ với các địa phương Đây là lần thứ hai trong nhiệm kỳ này, phiên họp của Chính phủ với các địa phương có sự tham dự của các lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng, Nhà nước và Quốc hội. Ảnh Như Ý Sáng 28/12, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương. Tham dự Hội nghị có Tổng Bí thư, Chủ tịch...