Tôn vinh phở theo những cách riêng
Sự tham gia hưởng ứng của đông đảo bạn đọc cho thấy tình yêu với phở Việt luôn bất tận, đa dạng màu sắc, đầy ước vọng đưa phở bay xa, đi khắp năm châu.
Từ hơn 1.000 bài viết, sáng kiến gửi về báo Tuổi Trẻ tham gia hai cuộc thi cho Ngày của phở, ban tổ chức đã chọn 39 tác phẩm vào vòng chung khảo. Cuối cùng 18 tác phẩm được trao thưởng.
Phở Tàu Bay trên đường Lý Thái Tổ, Q.10, TP.HCM – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Phở – ký ức của no đủ
TS Nguyễn Nhã – nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu ẩm thực Việt nam, trưởng đề án Bếp Việt – Bếp của thế giới, thành viên ban giám khảo – cẩn thận lựa những bài viết chia sẻ về ký ức với phở. Ông xúc động khi đọc những bài viết của những người như ông yêu phở từ khi còn tấm bé, gắn với những gánh phở ở làng quê xa xưa.
“Một ký ức về phở hay, trước hết phải có giá trị về lịch sử của một quán phở hay về phở nói chung trong một thời kỳ nào đó, với những chi tiết rất đặc biệt, có thể trở thành tài liệu quý. Ngoài ra, tôi cũng rất trân trọng những cảm xúc hay, những hình ảnh cụ thể, sinh động” – TS Nhã chia sẻ khi chọn những tác phẩm xuất sắc của cuộc thi.
Những ký ức về phở là những thước phim quý giá cho thấy chiều dài lịch sử của phở Việt, gắn với bao cuộc sống của con người Việt. Đó là câu chuyện phở không người lái, vẫn rất quyến rũ dân nghèo dù chỉ có bánh và nước dùng, không có thịt bò hay gà trong thời kỳ khó khăn của chiến tranh. Rồi phở Tư Lùn, thương hiệu phở Hà thành, đã đi vào rất nhiều văn chương và ký ức người yêu phở, hay phở Mụ Liếc, một cách gọi trứ danh của các mệ, o miền Trung với món ăn họ tự hào.
Video đang HOT
Theo ông Đặng Dũng – phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, điều thú vị là các ký ức về phở gửi về đều chia sẻ những kỷ niệm của phở với cha của mình. “Đó phải chăng cũng nói lên một đặc thù lịch sử tiêu biểu của thời kỳ kinh tế khó khăn: muốn ăn phở phải đi ra quán ăn, cửa hiệu, không dễ nấu được món phở ở nhà, nhất là trong điều kiện nguyên liệu nấu phở khá tốn kém” – ông Đặng Dũng nhận xét.
Các tác phẩm về ký ức phở không chỉ là hoài niệm của một lớp người với tình cảm gia đình, quê hương trong một bối cảnh lịch sử nhất định mà còn cho thấy món phở đã đóng một vai trò ẩm thực quan trọng trong đời sống gia đình Việt Nam. Có lẽ vì thế, phở – được xem là món ăn quốc hồn quốc túy của dân tộc – đã tạo được cảm xúc cho nhiều người, từ nhà văn, nhà thơ lẫn cây bút không chuyên cùng gửi bài viết chia sẻ.
Phở Phú Vương trên đường Lê Văn Sỹ, Q.Tân Bình, TP.HCM – Ảnh: Q.Đ.
Hiến kế cho phở bay xa
Với những hiến kế, ấp ủ trong cuộc thi viết Hiến kế phát triển Ngày của phở, các giám khảo cũng đã có tranh luận sôi nổi xoay quanh 18 tác phẩm được chọn. Chuyên gia nhượng quyền Nguyễn Phi Vân cho biết bà đánh giá cao những tác phẩm có tính khả thi cao khi đưa vào thực tế, những phát kiến có thể giúp lan tỏa hoạt động Ngày của phở rộng hơn, xa hơn, hướng đến thế giới thay vì chỉ dừng lại ở phạm vi trong nước.
“Tôi đặc biệt tâm đắc với ý tưởng đưa phở vào điện ảnh, vì đây là công cụ có thể truyền tải những câu chuyện cảm động, đầy màu sắc và hương vị của phở Việt Nam đến với bạn bè quốc tế” – bà Vân chia sẻ. Hầu hết ban giám khảo đều bày tỏ sự thích thú đối với các tác phẩm lọt vào vòng chung khảo với những ý tưởng vừa đa dạng, sáng tạo vừa mang đậm tính nhân văn.
Chuyên gia Đỗ Hòa, thành viên ban giám khảo, cũng cho rằng các bài hiến kế của độc giả khiến hội đồng chấm giải đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Có tác phẩm hiến kế vừa mang tính kịch bản phác thảo được một ý tưởng hay, vừa chứa đựng tình cảm, tính nhân văn của bát phở Việt trong cuộc sống người Việt như câu chuyện Phố phở hàng rong đong đầy hương sắc Việt.
Các giám khảo khẳng định những hiến kế dự thi phần lớn rất tiềm năng, bám sát thực tiễn và hoàn toàn có thể thực hiện được, nhất là những hiến kế đoạt giải nhất, nhì.
Ban tổ chức cũng kỳ vọng những ý tưởng, hành động từ cuộc thi lần này sẽ không chỉ dừng lại trên giấy bút mà thực sự được đưa vào cuộc sống, góp phần lan tỏa, quảng bá hoạt động Ngày của phở, từ đó mang ẩm thực Việt Nam đi xa hơn trên bản đồ ẩm thực thế giới.
Theo tuoitre
Phở đậu bo hải sản dễ ghiền
Phở, món ăn quốc hồn quốc túy Việt Nam. Xin giới thiệu một món phở ngon, đẹp lộng lẫy mà thanh khiết ít mỡ màng, dùng hoài sẽ ghiền. Phở đậu bo hải sản rất dễ làm mà hấp dẫn vô cùng.
Nguyên liệu:
*Bánh phở: 250gr đậu bo xanh, 350 gr bột gạo, 50gr bột năng, 20 gr bột nếp, 1,5 lít nước, muỗng cà phê muối *Nước dùng phở: kg chân gà, kg xương heo rút sườn, 1 gói gia vị nấu phở (quế, hồi, đinh hương, hạt mùi, thảo quả), 3 viên nêm phở, 1 túi vải nhỏ, 2 lít nước, 1 củ gừng nhỏ, 4 củ hành tím
* Hải sản: kg nghêu, 200 gr tôm bạc thẻ, 200 gr mực, 200 gr nạc cá ba sa, 200 gr nạc cá chẽm *Rau húng quế, rau om, ngò gai, giá, thìa là, hành lá, tỏi, hành tím, hành tây, muối, tiêu, tương đen, tương ớt.
Thực hiện:
Bánh phở: Trộn bột gạo, bột năng, bột nếp với nước, muối ngâm khoảng một đêm, cứ 12 giờ thay nước 1 lần. Khi tráng bánh bỏ nước ngâm chế lại nước mới rồi hòa đậu bo đã luộc chín xay nhuyễn vô. Dùng rây lược lại cho bột thật mịn.
Bắc xửng hấp, để một mâm nhôm hay sắt hoặc dĩa sứ đã tráng dầu vô xửng, nấu nước sôi lăn tăn thì lấy vá múc bột tráng đều lên mâm, đậy nắp xửng lại chừng 5 phút, bột phồng lên là chín. Lấy mâm ra để khoảng 1 giờ thật nguội bánh săn mới lấy kéo cắt thành sợi phở. Tiếp tục đổ bột vô mâm khác tráng bánh cho hết bột.
Nước dùng phở: Nướng gia vị phở, 1 củ gừng nhỏ, 4 củ hành tím xong bỏ vô bao vải thưa nấu cùng xương heo, chân gà, nước chừng 1 giờ. Thêm 3 viên nêm phở sẽ rất đậm đà và ngọt ngào không cần bỏ đường, muối. Rắc nõn hành lá cắt khúc, hành tây thái khoanh lên mặt nước dùng, để lửa riu riu cho nước phở ấm nóng.
Hải sản: rửa nước muối thật kỹ. Cá chẽm lạng mỏng, mực khứa trám, tôm lột vỏ. Nạc cá ba sa trộn chung rau thìa là băm nhuyễn, tiêu, nước mắm, hành tỏi vo viên luộc hay chiên vàng.
Khi dùng để rau ra dĩa, lót giá dưới đáy tô bỏ bánh phở lên. Nhúng các loại hải sản vô nước phở nóng cho chín rồi bày lên tô phở, múc nước dùng chan vào tô phở nhiều ít tùy ý. Thêm tương đen, tương ớt, chanh, ớt tươi nếu thích.
DƯƠNG VĂN MINH LỘC
Theo tuoitre
Phở truyền thống của người Việt trên trang ẩm thực nước ngoài Trong suy nghĩ của người nước ngoài, phở có nước dùng hầm từ xương bò, miền Nam ăn kèm với giá đỗ, rau húng. Theo Vnexpress