Tôn vinh công đức vị Vua Phật Việt Nam
Để tôn vinh công đức của Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông đối với dân tộc và đạo pháp, sáng 13-12, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức Đại lễ tưởng niệm 704 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn (1308 – 2012).
Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông, tên húy là Trần Khâm, sinh ngày 7-12-1258. Ông là con trưởng của Vua Trần Thánh Tông và Hoàng Thái hậu Nguyên Thánh. Thân hình Ngài có những đặc điểm khác thường, nhất là có màu vàng, nên được vua cha đặt cho biệt hiệu là Phật kim. Năm 16 tuổi (1274), Ngài được lập làm Đông cung Thái tử và kết duyên cùng công chúa Quyên Thánh, trưởng nữ Hưng Đạo Đại Vương. Vua Trần Thánh Tông đã mời các bậc trưởng lão thông Nho giáo, Tứ thư, Ngũ kinh để dạy cho Ngài như Lê Phụ Trần, Nguyễn Thành Huấn, Nguyễn Sĩ Cố… tất cả đều hết lòng dạy dỗ. Chính Vua cha cũng đã soạn Di hậu lục để dạy cho Thái tử cách xử thế, chuẩn bị nối nghiệp sau này.
Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, vua Trần Nhân Tông là một trong những lãnh tụ thiên tài, Anh hùng của dân tộc. Đối với đạo pháp, vua Trần Nhân Tông đã từ bỏ ngôi vua để đi tu và đắc đạo, thống nhất được Phật giáo Việt Nam bấy giờ và hình thành tổ chức Giáo hội Trúc Lâm mang đậm nét Phật giáo Việt Nam. Qua những cống hiến của vua Trần Nhân Tông đối với dân tộc và đạo pháp, nhân dân, Tăng ni, Phật tử tôn vinh Ngài là vị Vua Phật Việt Nam.
Video đang HOT
Tại buổi lễ, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã cung tuyên văn tưởng niệm Phật hoàng Trần Nhân Tông, dâng lời tưởng niệm chân thành vị Lịch đại Tổ Sư đã phát nguyện phụng trì Phật pháp, phát huy chân lý Đạo nhà, giữ gìn Tổ ấn vàng son, non sông gấm vóc thiên thành, một cõi vững bền muôn thuở. Đồng thời thành kính nguyện giữ gìn tinh thần đoàn kết hòa hợp dân tộc, độc lập Tổ quốc nêu cao tinh thần phóng khoáng, bao dung trong cộng đồng dân tộc và xã hội, đoàn kết các tôn giáo để cùng tồn tại và phát triển, thực hiện phương châm “tốt đời đẹp đạo”, duy trì truyền thống dân tộc, tự lực, tự cường để phát huy đạo giáo, đất nước phồn vinh, văn minh tiến bộ.
Theo ANTD
Tưởng niệm 704 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn
Chuỗi hoạt động Lễ tưởng niệm 704 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn được mở đầu bằng nghi thức cung nghinh tượng Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông tại Thiền viện Sùng Phúc, diễn ra từ ngày 26/11 đến ngày 9/12/2012.
Hòa thượng Thích Trí Tịnh - Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo (HĐTS TWGHPG) Việt Nam - vừa có văn bản hướng dẫn tổ chức lễ tưởng niệm lần thứ 704 Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn. Theo đó, để tôn vinh những công đức của Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông đối với dân tộc và đạo pháp, đại lễ tưởng niệm sẽ chính thức đồng loạt diễn ra vào lúc 8 giờ ngày 13/12 (tức ngày 1/11 âm lịch) trong cả nước. Riêng văn phòng Trung ương Giáo hội sẽ phối hợp với Thành hội Phật giáo TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh tổ chức lễ kỷ niệm tại trụ sở Trung ương Giáo hội.
Pho tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông bằng ngọc bích lớn nhất Việt Nam được cung nghinh về Thiền viện Sùng Phúc trước khi đến non thiêng Yên Tử.
Mở đầu cho chuỗi hoạt động, sáng ngày 26/11, Thiền viện Sùng Phúc (Long Biên - Hà Nội) đã long trọng cử hành nghi thức cung nghinh tôn tượng Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông - Sơ Tổ Thiền Phái Trúc Lâm. Tôn tượng được an trí tại lễ đài để nhân dân, phật tử gần xa đến chiêm bái từ ngày 26/11 đến ngày 9/12/2012, trước khi được thỉnh lên Yên Tử (Quảng Ninh).
Hàng trăm người dân và phật tử tham gia hoạt động mở đầu cho Đại lễ 704 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn tại Thiền viện Sùng Phúc.
Ông Nguyễn Trung Hải - Giám đốc BQL khu di tích danh thắng Yên Tử - cho biết, BQL đang phối hợp với phía nhà chùa hoàn thành công tác chuẩn bị chu đáo nhất cho ngày lễ kỷ niệm 704 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn để đón nhân dân, du khách thập phương và bà con phật tử về với non thiêng Yên Tử vào ngày đại lễ 13/12 tới.
Trong lịch sử nước nhà, vua Trần Nhân Tông là một trong những vị vua thiên tài, anh hùng dân tộc. Ngài cũng là vị vua duy nhất trên thế giới từ bỏ ngôi vua để đi tu và đắc đạo, thống nhất được Phật giáo Việt Nam bấy giờ và hình thành tổ chức Giáo hội Trúc Lâm mang đậm nét Phật giáo Việt Nam. Qua những cống hiến của vua Trần Nhân Tông đối với dân tộc và đạo pháp, nhân dân, Tăng Ni, Phật tử tôn vinh Ngài là vị Vua Phật Việt Nam.
Theo Dantri
Mỗi ngày, 30 người "mãi mãi không về" vì TNGT Mỗi ngày, đất nước chúng ta có khoảng 30 người đi ra khỏi nhà rồi mãi không về nữa vì TNGT. Số liệu đưa ra tại "Lễ tưởng niệm nhạn nhân tử vong vì TNGT" tối qua (19/11) cho thấy, mỗi ngày, trên đất nước chúng ta trung bình có khoảng 30 người ra khỏi nhà rồi mãi mãi không trở về nữa...