Tôn trọng sáng tạo thay vì “ném đá” đề xuất cải tiến tiếng Việt
Nếu đề xuất của PGS.TS Bùi Hiền hay thì lựa chọn, còn nếu chưa hay, cũng không nên phê phán nặng nề, vì biết đâu, nghiên cứu (dù chưa tới) của ông Hiền cũng sẽ gợi ý cho những người khác đi tiếp trên con đường phát triển ngôn ngữ Việt.
Vượt qua nhiều sự kiện nóng khác, đề xuất cải tiến tiếng Việt của PGS.TS. Bùi Hiền đang trở thành vấn đề gây nhiều tranh cãi nhất mấy ngày qua. Nhiều ý kiến chế giễu, phản đối khá nặng nề. Chỉ có số ít dè dặt bênh vực ông trong sự kiện này.
Tuy nhiên, tôi không ngạc nhiên trước quan điểm của ông Hiền. Hơn 30 năm trước, thế hệ sinh viên chúng tôi đã được giáo sư ngôn ngữ Nguyễn Minh Thuyết dạy rằng, ngôn ngữ là bất biến.
PGS.TS Bùi Hiền
Thực tế cho thấy hành trình của tiếng Việt luôn biến đổi. Ví như người Việt cổ nói Blời, sau mới thành Giời và nay, thời hiện đại chúng ta dùng là Trời; Blầu “tiến hóa” sang Giầu rồi thành Trầu của hôm nay; Blang chuyển thành Giăng trước khi là Trăng. Thế hệ bà và mẹ tôi vẫn dùng từ Giầu, Trăng, gà Sống chứ không dùng Trầu, Trăng và gà Trống như hiện nay.
Năm 1927, Nguyễn Ái Quốc viết “Đường Kách mệnh” chứ không phải là “Đường cách mạng” và điều này cũng chứng minh tiếng Việt không ngừng biến đổi chỉ từ đầu thế kỷ 20 đến nay.
Trên thực tế, ông Hiền đúng khi cho rằng, chữ quốc ngữ đã bộc lộ nhiều bất hợp lý, cần cải tiến để giản tiện, dễ nhớ, dễ sử dụng, nhất là sang đến thời kỳ công nghệ 4.0.
“Bây giờ tôi và các bạn làm việc hầu như không viết tay nữa mà toàn đánh máy. Như vậy, tiếng nói của Việt Nam cần phải gọn, ngắn và khoa học. Mỗi văn bản nếu áp dụng bằng chữ mới có thể tiết kiệm khoảng 8 đến hơn 8%. Ngoài ra, lỗi chính tả trong các văn bản hiện nay cũng tràn ngập. Bạn muốn biên tập cũng phải tra từ điển, phải làm rất nhiều việc và mất 8% nữa. Nếu áp dụng chữ mới, chúng ta sẽ không phải đi sửa chữa lại lỗi chính tả nữa” – ông Hiền lý giải.
Cải tiến tiếng Việt qua đề xuất của PGS.TS Bùi Hiền
Video đang HOT
Có một điều chắc chắn rằng, rất nhiều người Việt vẫn không thông thạo cách viết lẫn phát âm các chữ C, K và Q; hay Ng với Ngh, L với N… Người Việt “xịn” còn thế, người nước ngoài học tiếng Việt còn khó chừng nào. Đã có câu “phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam”, nên việc nghiên cứu và đề xuất cải tiến cũng là nên làm, còn việc có được sử dụng hay không lại là việc khác.
Hơn 10 năm trước, nhiều người lớn tuổi từng sốc khi bắt gặp sự “ sáng tạo” trong sử dụng ngôn ngữ mạng của các bạn trẻ, khi họ biến tấu cả phụ âm đầu lẫn âm đệm, rồi âm chính, âm cuối vv…của các từ tiếng Việt: chữ “qu” thành “w”, chữ “ơ” thành “u” và chữ “giờ” thì thành “h”, “a” thành “ư”, chữ “ng” thì chỉ còn chữ “g” và “ă” thì thành “e” v.v… Đọc câu “Trui ui, lam j ma cac chi iu qui jan ju the? Bi h e moi roi khi juog. Nhug chu e mut chut thui mư, e dín day!” mà không có mấy bạn trẻ “dịch” hộ thì tôi cũng không thể biết nội dung câu này là: “Trời ơi, làm gì mà các chị yêu quí giận dữ thế? Bây giờ em mới rời khỏi giường. Nhưng chờ em một chút thôi mà, em đến đây!”
Nhưng với tiêu chí nhanh và tiết kiệm thời gian, các bạn trẻ vẫn làm theo cách của họ. Nhiều người không thích, nhưng cách dùng ngôn ngữ kiểu này vẫn thích hợp với một bộ phận và đến nay, vẫn tồn tại và không chỉ riêng người trẻ sử dụng.
Ngôn ngữ tuổi teen vẫn sử dụng.
Như vậy, ý tưởng của ông Bùi Hiền thực ra không mới mẻ. Cũng chỉ là một trong các đề xuất cải tiến sự bất hợp lý của tiếng Việt để sử dụng giản tiện, nhanh chóng, tiết kiệm mà thôi.
Dù cá nhân tôi chưa thấy công trình của ông Hiền là tuyệt vời, tôi vẫn ủng hộ việc cần có các nghiên cứu để đưa ra được điều gì đó mới mẻ dù là một chút còn hơn là cứ “ao tù nước đọng”, bằng lòng với những gì đã có, kể cả những điều chưa hợp lý.
Bởi ngôn ngữ của chúng ta chưa thật hoàn hảo để không cần thay đổi và phát triển. Cho nên, nếu ý tưởng của ông Hiền hay thì lựa chọn, còn nếu chưa hay, cũng không nên phê phán nặng nề, vì biết đâu, nghiên cứu (dù chưa tới) của ông Hiền cũng sẽ gợi ý cho những người khác đi tiếp trên con đường phát triển ngôn ngữ Việt.
Vả lại, như ông Hiền cho biết, đây mới chỉ là đề xuất trong cuốn sách vừa xuất bản và mới có một nửa đề án, là phần về phụ âm chứ chưa phải tất cả. Hơn nữa, sự phê phán quá đà sẽ làm nhụt chí cả những người mong muốn sáng tạo, nhất là các bạn trẻ với các startup đôi khi rất lãng mạn nhưng cũng đầy thú vị.
Tôi đồng ý với quan điểm của TS. Nguyễn Đức Thành- Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách là “Làm nghiên cứu phải vậy. Cứ nghĩ kỹ trong cái lý của mình rồi đề xuất thôi. Việc của học giả là cứ công bố những gì mình đã suy tư, một cách nghiêm túc. Và tôi tin rằng ông đã làm việc với tinh thần ấy. Còn lựa chọn hay vứt bỏ, là việc của lịch sử”.
Chúng ta vẫn luôn kêu gọi sáng tạo, cải tiến, lẽ ra cũng nên trân trọng mọi ý kiến mới. Tiếc rằng, lắm khi những gì mới mẻ lại khiến nhiều người không quen mắt quen tai, nên phản đối, chế giễu, thậm chí vùi dập, mà nếu người thiếu bản lĩnh, thiếu tự tin chắc chắn sẽ bỏ cuộc.
Hơn 10 năm trước khi họa sĩ Đào Anh Khánh trình diễn nghệ thuật thị giác, đã bị không ít người chửi là điên. Thậm chí, khi anh biểu diễn ở ven sông Hồng còn bị đuổi. Nhưng Khánh vẫn tiếp tục niềm đam mê, để rồi, ngày một trưởng thành và giờ đã khẳng định mình ở lĩnh vực nghệ thuật này.
Gần 10 năm trước, khi khái niệm về Nano bạc ở Việt Nam còn mới mẻ, TS. Trần Thị Ngọc Dung -Trưởng phòng Công nghệ thân môi trường (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) bắt tay nghiên cứu chế tạo Nano bạc bằng phương pháp dung dịch nước, nhiều nhà khoa học nói thẳng là chị sẽ không thể làm được trong điều kiện thiếu thốn ở Việt Nam.
TS. Dung tâm sự đây là rào cản tâm lý lớn nhất, khiến chị hoang mang. Nhưng thực tế chị đã chứng minh niềm đam mê khoa học của chị là đúng, khi chế tạo thành công Nano bạc bằng phương pháp dung dịch nước và đưa vào ứng dụng rộng rãi trong y học. Đó là một trong những công trình đưa chị đến với Giải thưởng L’Oreal – UNESCO Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học sẽ trao vào ngày 12.12.2017.
Dù chỉ là “cơn bão trong tách trà” như có người ví, nhưng ít nhất, ông Hiền còn có ý tưởng cải tiến tiếng Việt, hơn là chỉ ngồi phê phán sự bất hợp lý của tiếng Việt mà không làm gì. Hãy tôn trọng khát vọng sáng tạo và niềm đam mê khoa học của ông Hiền, hơn là “ném đá” ông ấy.
Theo Danviet
Đề xuất cải tiến tiếng Việt: Đừng vội "giết chết" tư duy sáng tạo
Đề xuất cải tiến cách viết tiếng Việt của PGS.TS Bùi Hiền - nguyên Hiệu phó ĐH Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội - đang khiến nhiều người chỉ trích gay gắt. Nhưng cũng có người cho rằng, việc cải tiến nên được trân trọng, đừng vội "ném đá" mà "giết chết" ý tưởng sáng tạo của các nhà khoa học.
Theo đề xuất cải tiến của PGS Bùi Hiền, chữ Việt hiện nay sẽ được "vắn tắt" nhiều, ví như: "Luật giáo dục" phải viết là "luật záo zụk", "nhà nước" là "n'à nướk", "ngôn ngữ" là "qôn qữ"...
Ngay sau khi được đăng tải, thông tin này đã làm không ít chuyên gia về ngôn ngữ bị "sốc". Dư luận tỏ ý không hài lòng và cho rằng cải tiến của PGS Bùi Hiền giống kiểu gàn dở, ngớ ngẩn và... thừa giấy vẽ voi. Điều khá ngạc nhiên là đề xuất cải tiến lại nhận được sự ủng hộ của không ít học sinh lứa tuổi teen.
Ngôn ngữ mà tuổi teen vẫn thường sử dụng. (Ảnh minh hoạ: IT)
Tương tự, em Trần Huyền My - học sinh lớp 9 tại TP.Hải Dương - cho biết, các bạn tuổi em đều thường xuyên sử dụng chữ viết lược bỏ các âm tiết khó viết như: ngh, nh, kh, gi, ng... mà chuyển sang viết tắt cho các âm tiết tiếng Anh như: J, W vào thay thế: "Có thể PGS Hiền khi nghiên cứu cũng đã tham khảo cách viết của tuổi teen nên em thấy khá gần gũi. Tuy nhiên, nếu chỉ coi như là một cách viết thứ 2 không bắt buộc thì được, còn coi là cách viết thay thế thì sẽ có rất nhiều vấn đề" - My nói.Em Nguyễn Thu Hiền - học sinh một trường THPT tại Mỹ Đình (Cầu Giấy - Hà Nội) chia sẻ, nếu người lớn nhìn cách viết mới rất khó hiểu thì đối với em nó lại không hề phức tạp. "Từ khá lâu rồi, học sinh bọn em cũng đã lưu truyền nhau cách viết, cách nhắn tin giản lược rất nhiều chữ cái, âm tiết, cũng thay đổi một số chữ cái tiếng Việt bằng tiếng Anh như: giáo dục => jao zuc; giờ => jo, hành khách => han khak... cũng vì cách viết này mà các bậc phụ huynh thường kêu trời vì không đọc được. Bọn em gọi là ký hiệu tuổi teen, nhắn tin rất nhanh nhưng chỉ các bạn tuổi teen mới đọc được".
Trả lời báo chí về vấn đề này, PGS.TS Bùi Hiền thừa nhận: "Nếu như tự dưng nhìn chữ cải tiến, tôi cũng thấy ngớ ngẩn". Ông Hiền cho biết, tuy đã thực hiện nghiên cứu hơn 20 năm nhưng hiện, công trình chữ viết này của ông vẫn chưa hoàn chỉnh và chưa có sự chuẩn bị để công bố. Chính vì vậy, để dư luận, những người chưa quen, chưa hiểu phải chấp nhận nó thì rất khó.
Tuy nhiên, ông Hiền cũng khẳng định, nếu việc cải tiến chữ tiếng Việt được thực hiện sẽ tiết kiệm được 8% thời gian, sức lực và vật tư. "Nếu một nhà xuất bản 1 năm dùng 100 tấn giấy thì với phương thức cải tiến này, một năm sẽ rút giảm được 8 tấn giấy" - ông Hiền nói.
Nhận xét về cách cải tiến chữ viết gây tranh cãi, TS Vũ Thu Hương - giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội - cho rằng, đây là một nghiên cứu khoa học rất hay, nó rất mới mẻ, tuy nhiên, nếu áp dụng, hệ lụy là rất lớn. Nó sẽ gây khó khăn cho việc đọc viết thông dụng của mọi người, khó khăn khi truyền tải thông tin, chi phí tập huấn cho các bộ làm việc với văn bản, với các tài liệu trong ngành giáo dục...
PGS.TS Bùi Hiền.
Ngoài ra, theo TS Hương: "Việc sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt giờ đã khá phức tạp với mấy bạn người dân tộc thiểu số, người Việt sống ở nước ngoài. Nếu áp dụng nghiên cứu này vào cuộc sống, chắc chắn các bạn ấy còn khó học tiếng hơn".
Chưa đồng tình với cải tiến này nhưng nhiều chuyên gia lại cho rằng, cần bình tĩnh nhìn nhận đây là một đề tài nghiên cứu khoa học, không nên theo trào lưu "ném đá" mà triệt tiêu sự sáng tạo.
"PGS Hiền là một nhà ngôn ngữ học, ông còn là nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Ngoại ngữ nên có điều kiện tiếp xúc với nhiều nhà ngôn ngữ trong và ngoài nước, nhiều ngôn ngữ khác nhau trên thế giới. Đề xuất này ông cũng dành tâm huyết nghiên cứu đến 20 năm. Chúng ta phải thấy rằng đó là một nỗ lực nghiên cứu và một sự mạnh dạn trong việc đề xuất cải tiến. Chúng ta ủng hộ tư duy "tự do học thuật" thì nên cởi mở với các sáng kiến" - một chuyên gia nói.
Chữ Việt qua đề xuất của PGS Bùi Hiền sẽ hoàn toàn "lột xác" .
Ý tưởng cải cách tiếng Việt được PGS.TS Bùi Hiền đưa ra trong bài viết "Chữ quốc ngữ và hội nhập quốc tế" in trong cuốn sách Ngôn ngữ ở Việt Nam - Hội nhập và phát triển (tập 1) dày 2.200 trang, do NXB Dân trí phát hành.Ở bài viết của mình, PGS.TS Bùi Hiền đưa ra những bất hợp lý của chữ quốc ngữ như: Việc chúng ta sử dụng 2, 3 chữ cái để biểu đạt một âm vị phụ âm đứng đầu là rất phức tạo và khó nhớ. Ví dụ C - Q - K (cuốc, quốc, ca, kali), Tr - Ch (tra, cha), S - X (sa, xa)... Bên cạnh đó, lại dùng 2 chữ cái ghép lại để biểu đạt âm vị một số phụ âm đứng cuối vần như Ch, Ng, Nh (mách, ông, tanh...).Ông cho rằng, những hiện tượng không thống nhất, không theo nguyên tắc chung sẽ gây khó khăn cho người đọc, người viết. Ông kiến nghị một phương án làm cơ sở để tiến tới một phương án tối ưu trình Nhà nước. Chữ quốc ngữ cải tiến của tác giả Bùi Hiền dựa trên tiếng nói văn hóa của thủ đô Hà Nội cả về âm vị cơ bản lẫn 6 thanh điệu chuẩn, nguyên tắc mỗi chữ chỉ biểu đạt một âm vị và mỗi âm vị chỉ có một chữ cái tương ứng biểu đạt.Theo đó, sẽ bỏ chữ Đ ra khỏi bảng chữ cái tiếng Việt hiện hành và bổ sung thêm một số chữ cái tiếng Latin như F, J, W, Z. Bên cạnh đó, thay đổi giá trị âm vị của 11 chữ cái hiện có trong bảng trên, cụ thể: C = Ch, Tr; D = Đ; G = G, Gh; F = Ph; K = C, Q, K; Q = Ng, Ngh; R = R; S = S; X = Kh; W =Th; Z = d, gi, r. Vì âm "nhờ" (nh) chưa có kí tự mới thay thế, nên trong văn bản trên tạm thời dùng kí tự ghép n' để biểu đạt.
Theo Danviet
PGS.TS đề xuất "Tiếq Việt": "Nếu tự dưng nhìn chữ cải tiến, tôi cũng thấy ngớ ngẩn!" Tác giả ý tưởng cải tiến "Tiếng Việt" thành "Tiếq Việt" khẳng định, ngôn ngữ nếu cải tiến sẽ dễ viết, dễ nhớ và tiết kiệm vật lực. Đơn cử, một nhà xuất bản dùng 100 tấn giấy trong 1 năm thì với phương án cải tiến này, họ rút giảm được 8 tấn giấy. PV Dân trí vừa có cuộc trao đổi...