Tôn trọng khác biệt là động lực phát triển
Tiểu học trường làng, trung học trường huyện, tốt nghiệp đại học tỉnh, hoàn thành luận án tiến sĩ Harvard chỉ trong một năm rưỡi… thông điệp mà TS Huỳnh Thế Du (giảng viên chính chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright) đưa ra cũng độc đáo như con đường học vấn của anh: một xã hội lành mạnh là một xã hội thừa nhận bản chất con người và để cho nó phát triển một cách tự nhiên.
Đâu là kỷ niệm tuổi thơ mà anh nhớ nhất?
Thời bao cấp, hầu hết các gia đình Việt Nam đều khó khăn. Bố mẹ tôi phải nuôi bảy người con nên còn nan giải hơn. Tuy nhiên, nhà tôi luôn đầm ấm và điều đặc biệt là bố mẹ gần như không ép buộc chúng tôi bất cứ điều gì. Tôi được làm những gì mình thích và tự chịu trách nhiệm về những quyết định của mình. Có lẽ đây là tài sản quý giá nhất mà tôi được bố mẹ dành cho.
Thời sinh viên của anh thế nào, và đâu là thời khắc khó khăn nhất?
Thời đại học của tôi rất bình thường với kết quả học ở mức trung bình. Tôi quyết định mọi thứ và chúng cứ bình bình trôi qua nên bây giờ được hỏi đâu là thời khắc khó khăn nhất, thực tình tôi nghĩ không ra!
Động lực nào khiến anh theo nghiệp chữ nghĩa của một ông giáo?
Ảnh: Hoàng Tường
Học xong ngành xây dựng ở đại học Bách khoa Đà Nẵng, tháng 9.1996 tôi đi làm ở ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) Bình Định được năm năm thì thấy mình phải đi học thêm một cái gì đó. Tình cờ một anh ở cơ quan đi học tại chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright (FETP) mang thông tin về. Tôi nộp hồ sơ và đi thi.
Cách học hoàn toàn mới ở FETP làm tôi rất thích nên tôi đã học một cách say mê. Tháng 6.2002, tôi trở về cơ quan cũ làm việc khoảng nửa năm thì FETP mời tôi tham gia nghiên cứu và giảng dạy. Cũng may là lúc đó sếp tôi chuyển từ BIDV Bình Định vào sở giao dịch 2 ở TP.HCM nên kéo tôi theo.
Từ tháng 3.2003, tôi làm việc chính thức ở BIDV và bán thời gian ở FETP. Đến đầu năm 2005, tôi thấy việc giảng dạy và nghiên cứu phù hợp hơn nên thôi làm ngân hàng cho dù cơ hội ở BIDV đang rất tốt. Hơn thế, trước đó mấy tháng tôi cũng nhận được lời mời về điều hành một ngân hàng cổ phần đang chuẩn bị nâng cấp từ nông thôn lên đô thị.
Học xây dựng ra làm ngân hàng rồi chuyển sang giảng dạy và nghiên cứu về chính sách công – đúng là việc chọn người chứ người không chọn được việc. Từ kinh nghiệm của mình, tôi cho rằng đúng chuyên môn ngay từ ban đầu không phải là yếu tố quan trọng vì khi học xong trung học, rất khó để biết được ngành gì phù hợp với mình. Khi sang đến Mỹ tôi nhận ra rằng, ngay cả sinh viên Harvard cũng thế.
Là một giảng viên đại học, anh thấy động lực học và động lực sống của các bạn trẻ thế nào?
Có ý kiến cho rằng, thế hệ trẻ bây giờ không bằng các thế hệ trước đây. Họ thiếu động lực học và động lực sống. Tôi thì rất lạc quan về thế hệ trẻ. Bây giờ họ rất giỏi và dám thể hiện mình. Nhiều bạn có động cơ học và phong cách sống rất mạnh mẽ. Họ biết tận dụng và nắm bắt các cơ hội cũng như lợi thế của mình.
Nhìn sự “nổi loạn” của một số bạn trẻ muốn khẳng định mình, sẽ thấy một vấn đề xã hội rất lớn. Bản chất của con người là ai cũng vì mình trong khi không ít người trong xã hội chúng ta vẫn quan niệm rằng con người có thể, thậm chí là phải vì người khác. Con cái phải thế này thế kia mà thực chất là phải vì bố mẹ. Ở cơ quan phải nói vì tập thể, vì cơ quan. Nếu ai dám nói là tôi sống, tôi làm việc vì tôi thì bị cho là ích kỷ, cá nhân.
Video đang HOT
Thực ra, con người có thể vì người khác, vì cái chung trong một số bối cảnh đặc biệt trong ngắn hạn như đối diện một mất một còn trong chiến tranh chẳng hạn. Thời chiến, người ta có thể dỡ cả nhà của mình để xây chiến luỹ, nhưng khi trở lại với cuộc sống hàng ngày, chẳng ai chịu thiệt dù nửa viên gạch. Sẽ khập khiễng nếu lấy bối cảnh thời chiến để nhìn thời bình.
Để tạo động lực cho người trẻ, theo tôi là nên để cho họ được theo đuổi những gì mà họ thích, họ đam mê. Tuy nhiên, cũng cần phải cho mỗi người thấy được trách nhiệm cũng như điều hơn lẽ thiệt trong mỗi hành động hay quyết định của mình. Nói một cách đơn giản: anh có quyền làm bất cứ điều gì, nhưng anh phải chịu trách nhiệm về những việc làm của mình.
Theo anh, điều tiên quyết để người trẻ say mê sáng tạo, là gì?
Được làm những việc mình thích, mình đam mê.
Vừa bảo vệ thành công luận văn tiến sĩ tại Harvard, anh có thể giới thiệu qua luận văn của mình?
Luận văn của tôi với tiêu đề “Chuyển đổi ở TP.HCM: Những vấn đề trong quản lý tăng trưởng”, tập trung vào bốn vấn đề chính: vai trò thực chất của quy hoạch đô thị; tính ưu việt cũng như những thách thức của cấu trúc nhà phố – nhà hẻm; phát triển các khu đô thị mới; những thách thức trong tái phát triển khu trung tâm hiện hữu ở TP.HCM.
Có hai điểm khác biệt trong luận văn này. Thứ nhất, đây là một trong những nghiên cứu hiếm hoi phân tích về phát triển đô thị ở TP.HCM một cách tổng thể, nhất là từ Đổi mới đến nay. Thứ hai, các bằng chứng thực nghiệm về những lý thuyết đô thị từ các nước phát triển đã được tìm thấy ở một nền kinh tế chuyển đổi và đang phát triển.
Nghe nói anh là người đầu tiên bảo vệ luận văn tiến sĩ ở chương trình này trong vòng một năm rưỡi?
Tôi nghiên cứu về phát triển đô thị trong chương trình tiến sĩ ba năm (Doctor of Design) của trường Thiết kế Harvard (Harvard Graduate School of Design). Nhờ may mắn và những điều kiện thuận lợi khác nên tôi đã có thể bảo vệ luận văn sớm hơn và điều này cũng có những điểm lợi. Giờ đây tôi có nhiều thời gian hơn để làm những thứ mình thích thay vì “phải học” để hoàn thành chương trình. Thêm vào đó, gánh nặng tài chính cũng nhẹ đi rất nhiều.
Theo anh, ưu điểm của hệ thống giáo dục Hoa Kỳ là gì?
Hệ thống giáo dục ở Hoa Kỳ cho mỗi cá nhân phát huy tối đa khả năng sáng tạo và năng lực của mình. Ai cũng có thể nghĩ khác và làm khác. Rất nhiều vấn đề dường như không có đáp án chung nên các câu trả lời trái ngược cùng được đánh giá cao là chuyện thường tình. Tính hợp lý trong các lập luận được đặt lên hàng đầu chứ không phải đúng hay sai. Nói một cách khác là con người được dạy cách tư duy “vừa là… vừa là…” chứ không phải “hoặc là… hoặc là…” Mỗi sự vật, mỗi người đều có mặt này mặt kia chứ không có chuyện người tốt thì không có điểm không hay và người xấu thì không có điểm tốt.
Điểm quan trọng khác trong hệ thống giáo dục Hoa Kỳ là họ dạy cho mỗi người biết coi trọng bản thân và phải biết được những rủi ro trong các hành động của mình. Lời khuyên đối với những tình huống nguy hiểm đang xảy ra trước mắt không phải là xả thân cứu người, mà là nếu không có chuyên môn về lĩnh vực đó và không có công cụ hỗ trợ thì nên tránh xa. Mỗi người phải biết lượng sức mình, chớ có anh hùng rơm.
Đây là một triết lý rất quan trọng và không hề vị kỷ. Mỗi người cần phải nhận thức được rằng sức khoẻ và sinh mạng của mình là quan trọng nên cần phải cẩn thận và có lý trí trong các hành động. Điều này sẽ giúp giảm đi những rủi ro, những tình huống không hay. Phòng bệnh bao giờ cũng tốt hơn.
Xét về mặt kinh tế học, theo anh, để một dân tộc đi lên, cần có những động lực gì?
Để cho mỗi người được làm việc mình thích. Tôi chưa thấy một đất nước nào, một dân tộc nào theo triết lý mỗi cá nhân phải vì cái chung, không được thể hiện cái tôi, không được vì mình mà thịnh vượng. Những quốc gia thành công là những nơi cá nhân mỗi người được phát huy, được tôn trọng. Ở đó, các thể chế, luật chơi được thiết kế để mỗi người tự do chạy theo mục tiêu của cá nhân mình nhưng lợi ích cá nhân cùng hướng với lợi ích tập thể. Cuối cùng thì cả xã hội đều cùng tốt lên.
Là chủ tịch hội Thanh niên sinh viên Việt Nam tại Hoa Kỳ, theo anh, động lực quay về đóng góp cho đất nước ở các bạn trẻ như thế nào?
Một chút gì đó về quê hương về đất nước thì ai cũng có. Tuy nhiên, ưu tiên hàng đầu và thường trực của mỗi người là tương lai của bản thân và gia đình mình. Là người nghiên cứu về hành vi cá nhân cũng như hành vi tập thể, tôi tin rằng đa số đều vì mình. Mỗi người khi làm gì đều cân đo, đong đếm được và mất cho mình. Do vậy, động lực chính để du học sinh quay về là họ kỳ vọng rằng tương lai hay công việc của mình sẽ tốt hơn so với ở lại chứ không phải vì điều này điều kia.
Đối với nhiều người, khả năng tìm được một việc làm phù hợp chuyên môn với mức thu nhập ổn định ở nước ngoài là không khó. Tuy nhiên, sau một thời gian động lực làm việc có thể giảm đi rất nhiều vì sự lặp lại của công việc. Với một xã hội đã ổn định thì khả năng đột biến lớn là rất khó. Trong khi, với nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, những cơ hội tạo ra đột biến lớn rất nhiều.
Hơn thế, ở “xứ người” phân biệt đối xử, mình thuộc nhóm thiểu số vẫn là một vấn đề. Có được một việc làm ổn định thì không khó, nhưng để có thể vươn tới đỉnh cao trong một lĩnh vực nào đó thì mình phải nỗ lực lớn hơn những người thuộc nhóm “đa số” rất nhiều.
Tuy nhiên, tôi xin nói rõ rằng những người chưa về không có nghĩa là họ thờ ơ hay không có đóng góp cho quê hương, đất nước. Trên thực tế, nhiều người ở lại nhưng có những đóng góp rất lớn cho đất nước bằng những việc làm cụ thể. Ở đâu tốt cho mình thì nên chọn ở đó.
Đối với mỗi người, làm ở đâu là phụ thuộc vào công việc hiện tại và triển vọng tương lai. Tuy nhiên, tôi thấy có hai vấn đề hiện nay:
Thứ nhất, những nước phát triển là nơi có đông đảo du học sinh trở về. Ngược lại, nếu một nước có nhiều du học sinh ở lại bên ngoài sẽ thành “quán quân về kiều hối” và rất khó phát triển.
Thứ hai, đối với mỗi cá nhân, được làm việc trong môi trường, văn hoá của mình, mình thuộc nhóm đa số sẽ dễ phát huy khả năng và thành đạt hơn. Tuy nhiên, mỗi người khi trở về cần có một khoảng thời gian nhất định để thích ứng. Đơn thân độc mã rất dễ nản và bị hất ra khỏi hệ thống.
Đây là hai trong những lý do chính để du học sinh chúng tôi cùng thành lập hội Thanh niên sinh viên Việt Nam tại Hoa Kỳ, để mỗi thành viên có thể phát huy tốt nhất khả năng bản thân và đạt được mục tiêu của mình nhưng cũng tốt cho xã hội nói chung mà ở đây cụ thể là Việt Nam.
Như vậy, thay vì kiềm toả nhau, mỗi chúng ta hãy chấp nhận sự khác biệt của những cá nhân xung quanh và tôn trọng ý nguyện phát triển riêng của họ?
Đúng vậy! Tôi chỉ muốn nói rằng, con người được sinh ra là để vì mình chứ không phải vì người khác hay vì một cái chung nào đó. Một cách bản năng, hầu hết mọi người đều hành xử như vậy. Do vậy, một xã hội lành mạnh là một xã hội thừa nhận bản chất của con người và để cho nó phát triển một cách tự nhiên. Các thể chế trong xã hội nên được tạo ra để mỗi người được theo đuổi những đam mê hay mục tiêu cá nhân của mình, nhưng kết quả sẽ góp phần gia tăng phúc lợi cho toàn xã hội. Hãy để cho mỗi người tự quyết định điều gì là tốt cho họ, điều gì nên làm và không nên làm chứ không nên tạo ra các thể chế hay cách hành xử mà hầu hết mọi người phải nói một đằng, làm một nẻo!
Theo Lê Ngọc Sơn/ Sài Gòn tiếp thị
Hà Nội: Cháy lớn thiêu rụi một kho hàng
Khoảng 15h hôm nay, 1/6, một ngọn lửa lớn kèm theo khói đen mù mịt bốc lên từ phía khu dân cư Đầm Trấu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đã khiến nhiều đi đường vô cùng hoảng hốt.
Ngay lập tức còi xe cứu hỏa từ các hướng hú còi inh ỏi tiếp cận hiện trường. Vào lúc này, cơ quan chức năng đã xác định vị trị cột khói đen phát ra từ hai dãy nhà kho liền kề thuộc HTX vận tải - công nghiệp Động Lực có địa chỉ tại 38 Lãng Yên.
Để tránh ngọn lửa lan rộng, lực lượng chữa cháy gồm cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC Hoàn Kiếm, Ban chỉ huy quân sự quận Hai Bà Trưng... đã phải tiếp cận vị trí cháy từ hai hướng khu vực sân kho và từ các khoảng trống liền kề.
Mọi nỗ lực của lực lượng chức năng cơ bản đã khống chế được ngọn lửa không lây lan sang khu dân cư liền kề. Tuy nhiên hai kho hàng có diện tích 200-300m2 đã hoàn toàn bị thiêu rụi.
Hiện nguyên nhân vụ cháy đang được làm rõ.
Một số hình ảnh về vụ cháy:
Khói mù mịt khiến người đi đường hoảng hốt.
Lực lượng PCCC tiếp cận từ nhiều hướng.
Nhiều xe cứu hỏa được điều động đến hiện trường.
Theo Dantri
Thay cầu Chương Dương vì sốt ruột Đà Nẵng nhiều cầu đẹp? Nói về ý tưởng thay thế cầu Chương Dương, theo ông Nguyễn Văn Nhậm, Đà Nẵng người ta xây hàng loạt cầu đẹp, nên có lẽ Bộ Giao thông vận tải cũng muốnHà Nộicó cầu đẹp. Hiện Bộ Giao thông vận tải đang phối hợp với TP. Hà Nội nghiên cứu phương án sửa chữa, hoặc thay thế cầu Chương Dương bằng cầu...