Tốn tiền cấp 21 triệu thẻ căn cước cho trẻ dưới 15 tuổi để làm gì?
“Người dưới 15 tuổi chủ yếu đi học – độ tuổi này giấy khai sinh là quan trọng nhất. Có hợp lý hay không khi bỏ ra một số tiền không nhỏ làm khoảng trên 21 triệu thẻ căn cước cho người dưới 15 tuổi chỉ để… cất giữ?”, đại biểu Đỗ Ngọc Niễn nói.
Ngày 19/8, thảo luận tại hội trường về dự án Luật căn cước công dân, nhiều đại biểu tỏ ra hoài nghi với việc thẻ căn cước công dân có thể thay thế giấy khai sinh cho người dưới 15 tuổi. Trong khi đó lại phải bỏ ra một số tiền không hề nhỏ làm khoảng trên 21 triệu thẻ căn cước công dân cho người dưới 15 tuổi, chiếm 24% dân số, để cất giữ, không quan hệ giao dịch gì phổ biến.
Đồng loạt bác quy định cấp thẻ căn cước cho trẻ dưới 15 tuổi
“Liệu thẻ căn cước công dân có thể thay thế giấy khai sinh được không. Tôi thấy vấn đề này cần phải được thảo luận để làm rõ hơn, tính toán hợp lý hơn. Người ở độ tuổi dưới 15 chủ yếu là đi học và không tự giao dịch được mà cần nhờ đến vai trò của người giám hộ. Vậy cấp thẻ căn cước công dân cho người dưới 15 tuổi để làm gì, nhất là đối với trẻ sơ sinh và các cháu ở bậc mẫu giáo, bậc tiểu học?”, đại biểu Đỗ Ngọc Niễn (Bình Thuận) nói.
Theo đại biểu Đỗ Ngọc Niễn, người dưới 15 tuổi chủ yếu đi học – độ tuổi này giấy khai sinh là quan trọng nhất
Từ những phân tích trên, đại biểu Niễn băn khoăn rằng, có hợp lý hay không khi bỏ ra một số tiền không hề nhỏ làm khoảng trên 21 triệu thẻ căn cước công dân cho người dưới 15 tuổi, chiếm 24% dân số, để cất giữ. Đại biểu đề nghị xem xét lại việc cấp thẻ căn cước công dân ngay khi mới sinh; chỉ cấp thẻ căn cước công dân cho người đủ 14 tuổi trở lên như quy định hiện hành.
Cùng vấn đề trên, đại biểu Đặng Thị Kim Liên (Yên Bái) cũng đề nghị cân nhắc kỹ có nên quy định việc cấp thẻ đối với trẻ dưới 14 tuổi với lý do trẻ dưới 14 tuổi đặc điểm nhận dạng chưa ổn định, chưa phải chịu trách nhiệm về hình sự và trong các giao dịch dân sự cũng cần có cha mẹ hay người dám hộ nào đại diện. Ngoài ra, việc này còn tạo sự phiền hà cho công dân, trẻ sinh ra đã được đăng ký khai sinh.
“Cấp thẻ căn cước công dân cho trẻ từ khi sinh ra là thêm thủ tục cho công dân. Tạo sự tốn kém không cần thiết. Theo tôi nên quy định theo hướng trẻ sinh ra, bên cạnh đăng ký khai sinh vẫn đăng ký thông tin vào cơ sở dữ liệu đến khi đủ 14 tuổi sẽ cấp thẻ đầy đủ với định dạng cá nhân như quy định của dự thảo luật” – đại biểu Liên đề nghị.
Video đang HOT
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cũng không đồng tình với việc cấp căn cước cho công dân dưới 15 tuổi, vì đặc điểm nhân dạng chưa ổn định. Hơn nữa, việc cấp thẻ căn cước cho công dân dưới 15 tuổi không phù hợp và gây phiền hà. Đặc biệt giá của thẻ căn cước này sẽ đắt hơn giấy khai sinh rất nhiều, trong lúc chưa thực sự cần sử dụng đến.
Bấm nút thông qua kéo theo nhiều phức tạp
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho biết, ông không đồng tình với việc thay đổi tên gọi chứng minh nhân dân thành căn cước nhân dân. “Quốc hội bấm nút đồng tình để thông qua thì rất đơn giản, nhưng hệ lụy kéo theo rất phức tạp. Ví dụ, tất cả các Bộ, ban, ngành phải thay đổi toàn bộ hồ sơ, lý lịch và những giấy tờ chúng ta đã in sẵn để thay từ chứng minh nhân dân thành căn cước nhân dân thì bao nhiêu là tốn kém”, đại biểu nói.
Đại biểu Nguyễn Đức Chung đề nghị để chứng minh thư chứ không nên để căn cước công dân (Ảnh Việt Hưng)
Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Đức Chung (Hà Nội) cho biết, qua tiếp xúc cử tri nhận thấy để chứng minh thư thuận tiện hơn. Hơn nữa, quy định chứng minh thư ở miền bắc được quy định tại nghị định từ năm 1957 và cả nước thống nhất quy định từ năm 1976 đến nay.
“Chúng ta đã làm được 68 triệu dân, khi làm việc với nước ngoài người ta nói đây là cơ sở vô cùng quý báu. Bây giờ chúng ta thay đổi lại toàn bộ phần mềm quản lý này sẽ có những khó khăn nhất định. Từ những lập luận như vậy, tôi đề nghị chúng ta nên để là chứng minh chứ không nên để căn cước công dân”, đại biểu Nguyễn Đức Chung đề nghị.
Đại biểu Trương Hoàng Minh (Cà Mau) cũng cho rằng hiện có 68 triệu người được cấp giấy chứng minh nhân dân 9 số, do vậy việc thay đổi, điều chỉnh rất tốn kém cho người dân.
Phân tích rõ vấn đề trên, đại biểu Vũ Chí Thực (c) cho rằng, căn cước hay chứng minh, về bản chất của vấn đề này không thay đổi, nội dung mà quản lý trong đó không thay đổi. “Do vậy, nên cứ để là chứng minh, bởi vì cũng dùng quen toàn quốc rồi. Bây giờ tất cả những giao dịch, tất cả những giấy tờ đều in những vấn đề này rồi, tôi cho rằng nên để chứng minh thì thuận tiện hơn”, đại biểu nói.
Theo Dantri
Đề nghị giữ giấy khai sinh, chứng nhận kết hôn
Chiều 4/6, Quốc hội đã nghe tờ trình cũng như các báo cáo thẩm tra về hai dự án luật, đó là Luật Hộ tịch và Luật Căn cước công dân.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, tại Tờ trình dự án Luật Hộ tịch, Chính phủ trình xin ý kiến Quốc hội và đề nghị trong giai đoạn hiện nay cần duy trì việc cấp Giấy khai sinh cho trẻ em và cấp Giấy chứng nhận kết hôn cho người dân.
Ông Phan Trung Lý cho biết, qua thảo luận, nhiều ý kiến trong Ủy ban pháp cũng luật tán thành với đề nghị của Chính phủ là cần duy trì việc cấp Giấy khai sinh để làm cơ sở cho các hoạt động quản lý của Nhà nước đối với công dân và để công dân thực hiện các quyền cơ bản như học tập, khám chữa bệnh, cư trú, đi lại.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, theo quy định của Luật căn cước công dân thì Thẻ căn cước công dân sẽ được cấp cho cá nhân khi làm thủ tục khai sinh, do đó, đề nghị cân nhắc lại việc cấp Giấy khai sinh để tránh làm phát sinh thêm giấy tờ đối với người dân. Một số ý kiến đề nghị Chính phủ có giải trình rõ để quy định thống nhất vấn đề này trong Luật căn cước công dân và Luật hộ tịch.
Ngoài ra, liên quan đến việc đơn giản hóa các giấy tờ về hộ tịch khác, Ủy ban pháp luật cho rằng, do ảnh hưởng của cơ chế quản lý đất nước trải qua các thời kỳ phát triển khác nhau, trong đó có thời kỳ trải qua chiến tranh, thời kỳ quản lý tập trung, bao cấp, nên hiện nay công dân có rất nhiều loại giấy tờ tùy thân. Các loại giấy tờ này cần được rà soát lại, khắc phục sự chồng chéo, trùng lắp để từng bước loại bỏ.
Đồng thời, để việc đơn giản hóa các giấy tờ và thủ tục hành chính cho công dân đạt kết quả (giảm 21/46 thủ tục hành chính và bỏ hầu hết các giấy tờ về hộ tịch) thì còn phụ thuộc rất nhiều vào mức độ hoàn thành của việc xây dựng cơ sở dữ liệu về dân cư, cơ sở hạ tầng kỹ thuật được đặt ra trong Đề án số 896. Theo Ủy ban Pháp luật, điều quan trọng là Chính phủ cần quan tâm, chỉ đạo quyết liệt nhằm thực hiện đúng hoặc sớm hơn lộ trình hoàn thành Đề án này, bảo đảm kết nối liên thông, chia sẻ thông tin giữa các bộ, ngành, địa phương thì mới có thể loại bỏ được giấy tờ, thủ tục không cần thiết trong công tác quản lý.
Về lệ phí hộ tịch quy định tại Điều 11, ông Phan Trung Lý cho biết, Ủy ban pháp luật cơ bản nhất trí với quy định của dự thảo Luật về việc không thu lệ phí trong các trường hợp đăng ký khai sinh, khai tử, giám hộ. Đối với các trường hợp khác, khi đăng ký hộ tịch thì phải nộp lệ phí. Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật đề nghị cần nghiên cứu, rà soát để quy định phù hợp với Hiến pháp như những việc hộ tịch nào thuộc trách nhiệm quản lý của Nhà nước thì không được thu lệ phí. Ngoài ra, việc miễn lệ phí cần phù hợp với chính sách khuyến khích việc đăng ký hộ tịch đối với đồng bào dân tộc ít người ở vùng sâu, vùng xa và người nghèo. Do đó, đề nghị rà soát để quy định theo hướng mở rộng hơn nữa phạm vi và đối tượng được miễn lệ phí hộ tịch.
Liên quan đến vấn đề quản lý thông tin cá nhân, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, qua thảo luận, nhiều ý kiến trong Ủy ban pháp luật cho rằng, các thông tin cơ bản về hộ tịch của công dân như về khai sinh, kết hôn, khai tử... có nhiều thông tin được nêu lại trong các dữ liệu về hộ khẩu, căn cước công dân. Đây đều là vấn đề về quản lý dân cư, nếu để hai bộ quản lý sẽ tạo ra chồng chéo, trùng lắp, gây lãng phí, tốn kém cho Nhà nước và nhất là gây phiền hà cho công dân trong việc kê khai, đăng ký và thực hiện quyền của mình. Do đó, ý kiến này đề nghị Chính phủ giao thống nhất nội dung về quản lý dân cư cho một cơ quan (Bộ Tư pháp hoặc Bộ Công an) thực hiện để tránh chồng chéo, trùng lắp, bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý trình bày báo cáo thẩm tra về Luật Hộ tịch
Về Luật Căn cước công dân, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh (QPAN) Nguyễn Kim Khoa cho biết, Ủy ban QPAN tán thành với việc quy định số định danh cá nhân trong Luật và cho rằng, đây là bước đột phá quan trọng về cải cách thủ tục hành chính liên quan đến quyền, nghĩa vụ của công dân theo Đề án 896.
Tuy nhiên, để bảo đảm cơ sở pháp lý và tính khả thi, Ủy ban QPAN cho rằng, dự thảo Luật cần bổ sung một số quy định cụ thể hơn về phương thức xác lập số định danh cá nhân, thủ tục và thẩm quyền cấp số định danh cá nhân; việc cấp số định danh cá nhân đối với những người đã có chứng minh nhân dân (đã có dữ liệu cá nhân); việc cấp số định danh cá nhân trước và sau khi xây dựng xong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; giá trị sử dụng số định danh cá nhân; thời điểm, phương thức cấp số định danh cá nhân, thẻ (giấy tờ) ghi số định danh cá nhân v.v...
Đối với vấn đề thẻ căn cước công dân, ông Nguyễn Kim Khoa cho biết, nhiều ý kiến nhất trí quy định cấp thẻ Căn cước công dân thay cho chứng minh nhân dân và được cấp ngay từ khi công dân sinh ra, góp phần đơn giản hóa nhiều loại thủ tục hành chính, giấy tờ công dân, khó làm giả, đồng thời phù hợp với xu hướng hiện đại trong quản lý nhà nước về dân cư.
Có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định về tuổi cấp thẻ và hạn sử dụng của thẻ Căn cước công dân cho phù hợp với quá trình phát triển sinh học của con người Việt Nam nói chung, phù hợp các quy định của pháp luật về quyền, nghĩa vụ của công dân. Một số ý kiến đề nghị quy định nội dung thông tin trên thẻ Căn cước công dân cần phải bảo đảm bí mật thông tin cá nhân, phù hợp thông tin được xác lập trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và yêu cầu quản lý nhà nước về dân cư. Có ý kiến đề nghị lấy tên gọi "thẻ công dân" để tránh hiểu lầm giữa căn cước công dân và thẻ căn cước công dân.
Sau khi nghe các ý kiến, Ủy ban QPAN cơ bản thống nhất với dự thảo Luật và cho rằng: việc cấp thẻ Căn cước công dân như dự thảo Luật với mục tiêu tiến tới thực hiện quản lý dân cư bằng thẻ công dân điện tử và thông qua việc cấp thẻ Căn cước công dân, xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cấp số định danh cá nhân, trong tương lai việc quản lý dân cư sẽ được thực hiện đơn giản, thuận tiện cho công dân, thay thế được nhiều loại giấy tờ cá nhân hiện nay như giấy khai sinh, chứng nhận kết hôn, sổ hộ khẩu và những giấy tờ khác trong việc giao dịch, đi lại của người dân, từ đó nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, vừa tránh gây phiền hà cho nhân dân, bảo đảm yêu cầu Nhà nước phục vụ nhân dân.
Ngọc Quỳnh
Theo_VnMedia
Chưa thể bỏ Giấy khai sinh, đăng ký kết hôn Chiều 4-6, Quốc hội đã nghe Tờ trình dự án Luật hộ tịch. Cùng ngày, Quốc hội đã nghe Tờ trình Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quốc tịch Việt Nam và thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hàng không dân dụng Việt Nam. Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp...