Tóm tắt tiểu sử đồng chí đại tướng Võ Nguyên Giáp
Báo ANTĐ xin trân trọng giới thiệu Tóm tắt tiểu sử đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Quân ủy Trung ương, nguyên Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam.
Đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tên khai sinh Võ Giáp, bí danh: Văn. Sinh ngày 25-8-1911, tại xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.
Từ năm 1925 đến năm 1926, đồng chí tham gia phong trào học sinh ở Huế; năm 1927 tham gia Đảng Tân Việt cách mạng (một tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Đông Dương, nay là Đảng Cộng sản Việt Nam).
Năm 1930, đồng chí bị địch bắt và kết án 2 năm tù. Sau khi ra tù, đồng chí tiếp tục hoạt động tuyên truyền, gây cơ sở cách mạng trong thanh niên, học sinh. Năm 1936, đồng chí hoạt động trong phong trào dân chủ bán hợp pháp của Đảng ở Hà Nội; là biên tập viên các báo của Đảng: Báo Lao động, Báo Tiếng nói chúng ta, Báo Tiến lên, Thời báo Cờ Giải phóng.. . Đồng chí được cử làm Chủ tịch Ủy ban Báo chí Bắc kỳ.
Tháng 6-1940, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương; đồng chí được Đảng cử ra nước ngoài gặp đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Năm 1941, đồng chí về nước, tham gia công tác chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang ở căn cứ địa Cao – Bắc – Lạng.
Video đang HOT
Tháng 12-1944, đồng chí được đồng chí Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Tháng 4-1945, tại Hội nghị Quân sự Bắc kỳ, đồng chí được cử vào Ủy ban Quân sự Bắc kỳ. Từ tháng 5-1945, đồng chí là Tư lệnh các lực lượng vũ trang cách mạng mới, thống nhất thành Việt Nam giải phóng quân; tháng 6-1945, được đồng chí Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ thành lập Ủy ban Chỉ huy lâm thời Khu giải phóng.
Tháng 8-1945, đồng chí được cử vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc. Tại Đại hội Quốc dân Tân Trào, đồng chí được bầu vào Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam; là Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và được bổ sung vào Thường vụ Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Tháng 3-1946, đồng chí là Chủ tịch quân sự, Ủy viên trong Chính phủ Liên hiệp; khi thành lập Quân ủy Trung ương, được cử làm Bí thư Quân ủy Trung ương. Tháng 10-1946, là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, được Chủ tịch Hồ Chí Minh ủy quyền làm Tổng Chỉ huy Quân đội nhân dân và Dân quân tự vệ Việt Nam. Tháng 1-1948, đồng chí được phong quân hàm Đại tướng, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam.
Tháng 2-1951, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, đồng chí được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Bộ Chính trị.
Từ tháng 9-1955 đến tháng 12-1979, đồng chí là Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Tháng 9-1960, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương; được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Bộ Chính trị.
Tháng 12-1976, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng, đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương; được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Bộ Chính trị.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V và lần thứ VI của Đảng, đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương.
Từ tháng 1-1980, đồng chí là Phó Thủ tướng thường trực; từ tháng 4-1981 đến tháng 12-1986, là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó Thủ tướng Chính phủ). Đồng chí liên tục được bầu làm Đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa VII.
Do công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, uy tín lớn trong và ngoài nước, đồng chí đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.
Theo ANTĐ
Nỗi tiếc thương vô hạn
Từ ngã năm Chu Văn An - Tôn Thất Đàm - Chùa Một Cột trước cửa lăng Bác, dòng người cứ nhích từng chút một. Lặng lẽ, nghiêm cẩn và tiếc thương, họ tiến về ngôi nhà số 30 đường Hoàng Diệu, nơi mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã sống và làm việc suốt mấy chục năm qua. Đường Điện Biên Phủ hôm nay, ngày mai... sẽ chứng kiến dòng người như dài thêm mãi, hệt như dòng người 59 năm về trước đã theo Đại tướng lên Điện Biên đánh Pháp...
Rất nhiều thanh niên mang hoa đến tư gia của Đại tướng chia buồn. Ảnh: Phú Khánh
5h30 chiều 6-10, theo quy định của Ban tổ chức sẽ chỉ còn 30 phút nữa là hết giờ vào thăm tư gia Đại tướng, nhưng không một ai muốn về. Người dân vẫn từ khắp mọi tỉnh, thành tiếp tục đổ về đây, ai cũng mong sẽ tới lượt mình vào thăm nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp để bày tỏ lòng tiếc thương vô hạn với vị anh hùng vừa ra đi mãi mãi. Họ là những em học sinh, sinh viên, sỹ quan trẻ măng; những bà con tiểu thương, cán bộ, nông dân đứng tuổi hay những cựu chiến binh, thanh niên xung phong với mái đầu bạc trắng. Phần nhiều trong số đó chưa một lần được gặp mặt vị tướng lỗi lạc, nhưng tất cả đều biết đến ông qua 2 cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Với người dân, Đại tướng giống như một huyền thoại và đến nhà ông trong những giờ phút này là cơ hội cuối cùng để bày tỏ lòng kính trọng trước mất mát to lớn của đất nước.
Từ sáng sớm, dòng người ấy đã tới đây. Tấm bảng thông báo bắt đầu "Đón khách từ 14h30" trước cửa tư gia Đại tướng không những không khiến người dân vãn bớt mà ngược lại càng khiến người ta đổ về ngày càng đông hơn. Hay tin Đại tướng qua đời, bác Ngô Lê Lợi - Bí thư chi bộ số 38 phường Trung Hòa nguyên là cựu binh chống Mỹ của Sư đoàn 4, Quân khu 9 miền Tây Nam bộ đã có mặt ở đây từ sáng sớm. Ông kể từng được một lần bắt tay Đại tướng tại mặt trận chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975. "Với những người lính chúng tôi, Đại tướng là cấp chỉ huy tối cao. Nay Đại tướng qua đời, tôi tự thấy mình có nghĩa vụ phải tới chào thủ trưởng lần cuối. Tôi không chắc sẽ được vào viếng Đại tướng hôm tổ chức lễ tang nên chọn cách tới tư gia của ông để bày tỏ lòng thành", vị cựu binh xúc động.
Cũng hòa trong dòng người lặng lẽ vào dâng hoa tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, anh Nguyễn Đức Anh - cán bộ Công ty thiết bị điện Đông Anh còn dẫn theo vợ, cô em gái và đứa con nhỏ mới 15 tháng tuổi của mình. Từ sáng sớm anh đã tự tay kết một lẵng hoa hồng mang hình cờ đỏ sao vàng để bày tỏ tấm lòng tiếc thương vô hạn trước sự ra đi của vị tướng mà anh thần tượng. Anh Đức Anh sinh ra khi chiến tranh đã kết thúc và cũng chưa một lần được thấy sự khốc liệt của 2 cuộc chiến. Nhưng anh bảo: "Cha ông tôi đều đã từng theo Đại tướng đi đánh giặc. Tôi biết đến Đại tướng qua những câu chuyện mà cha ông từng kể từ thuở ấu thơ. Sau này, khi lớn lên biết thêm nhiều câu chuyện về Đại tướng qua sách báo, tôi nghiêng mình trước đức độ, tài năng và nhân cách của ông. Có lẽ không chỉ với riêng tôi, ông mãi mãi là Đại tướng trong tâm thức những người Việt Nam yêu nước".
Cả bác Lợi, anh Đức Anh và hàng vạn người dân khác trong dòng người hôm nay có lẽ đều suy nghĩ như vậy. Họ đều nóng ruột và không thể chờ tới lúc lễ tang chính thức để tiễn biệt một trái tim vĩ đại vừa ngừng đập. Ngày mai, dòng người chắc chắn sẽ dài thêm. Và nỗi tiếc thương này chưa biết tới bao giờ mới dứt.
Theo ANTD
Phong cách sống bình dị của Đại tướng qua lời kể người thân "Bác sống rất giản dị, mỗi lần về quê bác chỉ thích ăn những món ăn dân dã, nghe những làn điệu hò khoan, ân cần thăm hỏi bà con lối xóm, căn dặn con cháu phát huy tính tự lập, không được ỷ lại và không làm ảnh hưởng đến gia phong, dòng họ..." Từng là Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng...