Tokyo đề nghị chính phủ ban bố tình trạng khẩn cấp
Chính quyền thủ đô Tokyo và ba tỉnh lân cận kêu gọi chính phủ ban bố tình trạng khẩn cấp để ngăn chặn ca Covid-19 đang tăng nhanh.
Thống đốc Tokyo Yuriko Koike, Thống đốc tỉnh Saitama Motohiro Ono, Thống đốc tỉnh Kanagawa Yuji Kuroiwa và Thống đốc tỉnh Chiba Kensaku Morita hôm nay đề nghị Bộ trưởng Kinh tế Yasutoshi Nishimura ban bố tình trạng khẩn cấp trong cuộc họp kéo dài hơn ba giờ.
Thống đốc Koike sau đó nói với phóng viên rằng chính phủ phải hạn chế việc di chuyển của người dân do ca nhiễm mới ngày càng tăng.
Thống đốc Tokyo Yuriko Koike (thứ hai từ phải sang) gặp Bộ trưởng Kinh tế Yasutoshi Nishimura (thứ hai từ trái sang) cùng thống đốc các tỉnh Kanagawa, Saitama và Chiba. Ảnh: Nikkei .
Bộ trưởng Nishimura cho biết ông hiểu rõ tình hình khó khăn của các thống đốc.
“Chúng tôi tiếp nhận yêu cầu này một cách nghiêm túc và sẽ xem xét các biện pháp phù hợp”, ông nói. “Chúng tôi thống nhất rằng chúng ta đang trong tình huống nghiêm trọng để đảm bảo xem xét việc ban bố tình trạng khẩn cấp. Chúng tôi sẽ nghe ý kiến chuyên gia trước khi quyết định”.
Nishimura yêu cầu các thống đốc đưa ra yêu cầu nghiêm ngặt hơn đối với người dân và doanh nghiệp, như hối thúc nhà hàng rút ngắn giờ mở cửa và khuyến khích công ty cho phép nhân viên làm việc tại nhà. Ông cũng đề nghị các thống đốc yêu cầu nơi làm việc và trường học tăng cường các biện pháp ngăn chặn, đồng thời nhấn mạnh các thống đốc có thể thắt chặt hạn chế tổ chức sự kiện và tụ tập đông người.
Video đang HOT
Trong cuộc họp với thành viên Hội đồng Thủ đô Tokyo trước đó, Thống đốc Koike cho biết bà “sẽ yêu cầu Bộ trưởng Nishimura ban bố tình trạng khẩn cấp ở Tokyo và ba tỉnh”.
Ca nhiễm ở Tokyo ngày càng tăng nhanh. Thủ đô Nhật Bản hôm 31/12 ghi nhận kỷ lục 1.337 ca nhiễm, mức cao nhất từ khi dịch bệnh bùng phát. Tỉnh Kanagawa gần đó ghi nhận 588 ca.
Chính quyền Tokyo đã yêu cầu nhà hàng và các cơ sở khác rút ngắn giờ làm việc và đóng cửa trước 22h. Tuy nhiên, các biện pháp này không có tác dụng đáng kể, nên chính quyền thủ đô yêu cầu chính phủ ban bố tình trạng khẩn cấp. Nếu thủ tướng không ban bố tình trạng khẩn cấp, thống đốc có thể yêu cầu người dân hạn chế ra ngoài và các doanh nghiệp đóng cửa.
Chính phủ Nhật Bản hồi tháng 4 ban bố tình trạng khẩn cấp đối với 7 tỉnh, gồm cả Tokyo và Osaka, trước khi mở rộng biện pháp trên toàn quốc. Tình trạng khẩn cấp được dỡ bỏ ngày 25/5.
Thủ tướng Yoshihide Suga hôm nay gặp Hideki Tarumi, thứ trưởng hành chính về y tế, lao động và phúc lợi, để phân tích tình hình dịch bệnh. Thủ tướng Suga sẽ họp báo các vấn đề năm mới vào 4/1 và công bố chi tiết các biện pháp đối phó.
Ông Suga đang trong hai trận chiến chính sách cùng lúc: đối phó dịch bệnh và duy trì kinh tế phát triển. Tuy nhiên, virus đang lây lan nhanh đến mức khiến các quản lý bệnh viện và cơ sở y tế cảm thấy quá tải.
Cuối tháng trước, 9 hiệp hội y tế, gồm Hiệp hội Y tế Nhật Bản, tuyên bố “tình trạng khẩn cấp y tế”, nói rằng các cơ sở chăm sóc sẽ không thể cung cấp các dịch vụ y tế thông thường nếu ca Covid-19 tiếp tục tăng nhanh. Trong cuộc khảo sát gần đây, 48% số người được hỏi trả lời rằng chính phủ nên ban bố tình trạng khẩn cấp.
Trung Quốc phát triển tiêm kích tàng hình hai chỗ
Trung Quốc đang phát triển tiêm kích tàng hình chỗ ngồi hai bên dựa trên mẫu J-20, đóng vai trò máy bay cảnh báo sớm và trung tâm chỉ huy.
Viện Thiết kế máy bay Thành Đô (CADI), đơn vị chịu trách nhiệm phát triển chương trình J-20, đang nghiên cứu mẫu tiêm kích tàng hình hai chỗ ngồi đầu tiên trên thế giới. Mẫu tiêm kích này được cải tiến trên nền tảng tiêm kích tàng hình J-20, theo báo cáo được công ty Quantum Defence Cloud Technology có trụ sở tại Thâm Quyến công bố hồi đầu tuần trước.
Báo cáo này bao gồm bản phác thảo thiết kế của mẫu tiêm kích tàng hình có hai chỗ song song trong buồng lái, gần giống cách bố trí buồng lái tiêm kích bom Su-34 của Nga. Việc bố trí phi công ngồi cạnh nhau trong buồng lái giúp họ liên lạc và chia sẻ thông tin hiệu quả hơn so với cách sắp xếp chỗ ngồi trước sau.
"Mẫu máy bay thế hệ mới với khả năng tàng hình và bay vượt âm, có thể chỉ huy các máy bay không người lái (UAV), tiêm kích và thậm chí cả bệ phóng trên mặt đất, chiến hạm nổi lẫn tàu ngầm, biến nó thành một mẫu máy bay cảnh báo sớm cỡ nhỏ", báo cáo của CADI cho biết.
Phác thảo biến thể chỗ ngồi hai bên của tiêm kích J-20. Đồ họa: CADI.
Một nguồn tin quân sự Trung Quốc cho biết mẫu máy bay này sẽ được trang bị vũ khí không đối không mới và không được sử dụng làm oanh tạc cơ, trái với đồn đoán trên truyền thông Trung Quốc.
"Đây không phải oanh tạc cơ thực sự. Để duy trì khả năng tàng hình và tính cơ động, toàn bộ tên lửa cần được đặt bên trong khoang vũ khí, do đó máy bay chỉ có thể mang theo vũ khí đối không hạng nhẹ", nguồn tin cho biết.
Các loại tên lửa hạng nặng có thể tấn công mục tiêu dưới đất và trên biển chỉ có thể lắp trên giá treo dưới cánh, làm giảm đáng kể khả năng tàng hình của mẫu máy bay mới.
"Tất cả oanh tạc cơ mang vũ khí hạng nặng đều dễ dàng bị lưới phòng không đối phương phát hiện", nguồn tin cho biết. "Do đó, mẫu tiêm kích tàng hình hai chỗ ngồi này không thể gây ra bất cứ mối đe dọa nào với căn cứ quân sự hoặc các nhóm tác chiến tàu sân bay của Mỹ", nguồn tin cho biết.
Phần lớn máy bay huấn luyện và một số oanh tạc cơ bố trí phi công chính chuyên điều khiển ngồi phía trước, phi công phụ điều khiển vũ khí ngồi phía sau. Thiết kế của mẫu tiêm kích tàng hình dựa trên J-20 với chỗ ngồi hai bên được giới chuyên gia nhận định là "đáng chú ý".
Tiêm kích J-20 của tại Triển lãm hàng không Quốc tế Trung Quốc ở thành phố Chu Hải, tháng 11/2018. Ảnh: AP.
Chuyên gia quân sự tại Hong Kong Tống Trung Bình cho rằng J-20 có thể được nâng cấp và sửa đổi thành các biến thể khác nhau do khả năng phát hiện mục tiêu mạnh mẽ, kết nối thông tin tình báo đa kênh và tác chiến điện tử.
"Tuy nhiên, có thể mất nhiều thời gian hơn để phát triển mẫu máy bay mới nếu nó có thiết kế chỗ ngồi hai bên. Hình dáng khí động học của máy bay sẽ có những thay đổi lớn", Tống Trung Bình nói. "Mẫu máy bay sau đó sẽ không còn giống J-20 mà trở thành một kiểu máy bay mới".
CADI và Viện Thiết kế máy bay Thẩm Dương (SADI), đơn vị phát triển tiêm kích hạm J-15, đang chạy đua trong chương trình chế tạo tiêm kích mới có khả năng cạnh tranh với tiêm kích hạm thuộc dòng F-35 của Mỹ.
Covid-19 phá nát giấc mơ của tầng lớp trung lưu Ấn Độ Cho tới cuối tháng 3, Ashish Kumar vẫn đang sản xuất hộp nhựa đựng sôcôla cho Ferrero Rocher và thìa nhựa cho trứng Kinder Joy. Với tấm bằng về công nghệ khuôn nhựa, chàng trai 20 tuổi đã đặt bước chân đầu tiên lên nấc thang sự nghiệp mà mình đã chọn. Trong khi em trai của Kumar là Aditya chọn nghề luật,...