Tôi yêu cầu người thân ‘bỏ mặc’ cô em họ bất trị
Hôm nay mẹ con bé suy sụp và gọi cho tôi nói em bị trường đuổi học, không thể liên lạc được với em.
Hình ảnh minh họa
Tôi 25 tuổi, tính cách dân chủ, hiện đại, có việc làm ổn định. Tôi có một cô em họ 18 tuổi, gọi bố mẹ tôi là bác ruột, bố em là cậu ruột của tôi. Tính con bé từ nhỏ đã bất cần, không tập trung hay để tâm vào việc gì. Khoảng 13-14 tuổi, cậu mợ tôi ly dị. Cậu tôi rất yêu thương bọn trẻ nhưng đang ở trong trại cai nghiện. Còn mợ tôi sống đơn thân nuôi 2 đứa con, mới tái hôn vào năm ngoái. Hồi đó, tòa phán quyết con bé sống với bố, nhưng gần như đại gia đình tôi chu cấp để em về sống với mẹ, cách nhà tôi 5 km. Tiền học, quần áo hay mua xe cộ đều do gia đình tôi lo cho em. Tôi kể như vậy để biết rằng mọi người quan tâm và yêu thương em rất nhiều. Khi em đau ốm, mọi người hỏi han và lo lắng.
Tôi phải thừa nhận rằng gia đình mình và mợ tôi thất bại trong cách dạy em nên người. Em thường xuyên cúp học, đánh nhau, chơi bời lêu lổng, đúng nghĩa một đứa trẻ bất cần. Tôi hiểu con bé không phải là đứa ngu dốt, kém cỏi, mà nó chỉ đang dựa vào lý do bố mẹ ly dị, không ai quan tâm và tự cho mình cái quyền vô trách nhiệm với bản thân. Khi em học xong THPT, tôi định hướng em đi học ngoại ngữ, chỉ cần học ở trung tâm khoảng 2 năm là có thể tự kiếm tiền. Tôi nghĩ đó là một hướng đi phù hợp trong thời buổi đào tạo đại học không còn thực sự hiệu quả. Nhưng con bé không nghe ai, nhập học vào một trường cao đẳng. Hiện giờ tôi nhận được thông báo em bị trường đuổi học vì nghỉ quá nhiều. Gia đình tôi và mẹ em thường xuyên trao đổi với nhau, nhưng chỉ là xung quanh chuyện em bất hảo thế nào, từ việc nghỉ học cho đến đua đòi theo bạn bè, bỏ nhà đi bụi. Chúng tôi rất bất lực khi cố gắng kiểm soát và hướng cho em đi đúng đường.
Hôm nay mẹ con bé suy sụp và gọi cho tôi nói em bị trường đuổi học, không thể liên lạc được với em. Tôi nghĩ đã đến lúc nên thử phương pháp trái ngược, tức là thay vì quan tâm, lo lắng thì chúng tôi mặc kệ. Tôi nói tất cả mọi người im lặng, không ai gọi điện hay nhắc đến chuyện này nữa, kể cả em có về nhà thì cũng coi như không có chuyện gì xảy ra. Tôi muốn xem gia đình không chu cấp nữa thì bạn bè xã hội hay cậu bạn trai nào đó của em sẽ lo cho em được bao lâu, rồi “đói đầu gối sẽ tự phải bò”. Nhưng thực sự lòng tôi cũng hoang mang và lo sợ, liệu hướng đi nào là tốt nhất đây, cách nào để em không tự hủy hoại tương lai của mình? Mong chuyên gia và độc giả cho tôi lời khuyên.
Ngọc
Chuyên gia tham vấn tâm lý Nguyễn Bá Đạt gợi ý:
Chào Ngọc,
Video đang HOT
Với những thông tin như bạn chia sẻ, em họ của bạn chưa phải là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Cho dù cha mẹ đã ly hôn, người bố đang đi cải tạo thì mẹ của em vẫn còn và có trách nhiệm chăm sóc em, cùng sự hỗ trợ của gia đình bạn. Tuy nhiên, với hoàn cảnh của em họ bạn, trong cuộc sống có những thời điểm em ấy bị bỏ rơi, không ai quan tâm, không nhận được sự chăm sóc từ cha mẹ đẻ, nhiều khi còn chứng kiến hoặc trải nghiệm bạo lực giữa cha mẹ và bị ngược đãi. Chính hoàn cảnh như vậy khiến em có những ứng xử như bất cần đời, không hoàn thành chương trình học, ngại làm việc gì đó đến nơi đến chốn, bốc đồng, đi chơi qua đêm. Những hành vi này là cách thức mà một thanh thiếu niên bị bỏ rơi và ngược đãi biểu hiện ra bên ngoài để lấp đi sự tổn thương tâm lý bên trong.
Vì thiếu thốn tình cảm nên em ấy cần sự cảm thông, chia sẻ và đồng cảm của mọi người. Do vậy, khi bạn và người thân trong gia đình gặp em thì đừng trách móc, chỉ trích hoặc nói em phải làm gì, giảng giải đạo đức. Thay vào đó là lắng nghe em xem có những vướng mắc gì và thúc đẩy em tự chịu trách nhiệm, tự giải quyết. Người thân nên là chỗ dựa tinh thần cho em. Những điều này tưởng là dễ nhưng thực ra rất khó làm bởi thói quen của chúng ta là góp ý và giảng giải đạo đức cho những người có hoàn cảnh như vậy mà không tin họ.
Bạn và gia đình không nhất thiết phải tiếp tục chu cấp tiền bạc, thay vào đó hãy mời em đến chơi nhà, nghe em nói chuyện và động viên, đi cà phê cùng em. Cũng có thể đưa em ấy lên thăm bố bởi đôi khi làm như vậy lại có thể giúp được nhiều cho em. Khi thăm bố, mối quan hệ cha con được thiết lập lại, em hiểu và chấp nhận bố hơn thay vì trách móc bố. Nhìn hoàn cảnh của bố, em bạn cũng có thể tự rút ra bài học cho bản thân, chẳng hạn không chơi và kết giao với bạn nam có xu hướng sử dụng ma túy…
Chúc bạn và gia đình bình tĩnh và kiên trì, chấp nhận em để giúp đỡ em.
Theo vnexpress.net
Gia đình tứ đại đồng đường, không phải mẹ chồng mà đây mới là điều khiến tôi ngộp thở
Chồng mua cho em một cái áo mới thì cũng nói xa nói gần là tiêu xài hoang phí vòi vĩnh chồng. Em mua cho mẹ chồng một cái váy thì bảo là trong mắt chỉ có mẹ chồng không có người khác...
Tình yêu có đáng để con người ta hy sinh tất cả như vậy không Mai Tình Yêu ơi?
Em lấy chồng đầu năm ngoái, đến giờ thì đã sinh được một bé trai kháu khỉnh.
Thực ra, chúng em không được môn đăng hộ đối cho lắm, chính xác thì so với nhà anh thì nhà em nghèo và vất vả hơn rất nhiều. Vậy nên ngày em bước vào nhà anh, nhiều người bên nhà anh có vẻ không vui cho lắm.
Dù sao chúng em vẫn rất yêu nhau và anh thì đủ tiếng nói để yêu cầu cả nhà chấp nhận em. Và thế là em theo anh về, bắt đầu cuộc sống làm dâu.
Ảnh minh họa.
Anh sống trong một gia đình tứ đại đồng đường, có bà ngoại, có bố mẹ anh và các cô chú cùng nhiều cháu chắt. Nhà đông người nên mọi việc sinh hoạt hàng ngày lại càng phức tạp.
Em lấy anh thì đi làm khá xa, nhưng anh vẫn chở em ra bến xe buýt gần nhà để tự đi làm vì chúng em đi làm ngược hướng. Tối thì hôm nào anh tan sớm sẽ đón em tại công ty, không thì đón tại bến xe gần nhà,
Mọi người lớn có vẻ không vui lắm khi thấy con trai cháu trai họ vất vả như thế. Về nhà cơm nước của bà và nhà bố mẹ chồng là em lo, vất vả nhưng là việc phải làm nên em không kêu ca.
Vậy mà dù có làm đến đâu đi chăng nữa thì các bác (anh trai của mẹ chồng em) vẫn không ngừng chê bai.
Mẹ chồng em không quá khó tính, nhưng bà ngoại của chồng em và các bác thì thật sự là một cơn ác mông, cái gì cũng so sánh, cái gì cũng phàn nàn.
Chồng mua cho em một cái áo mới thì cũng nói xa nói gần là tiêu xài hoang phí vòi vĩnh chồng. Em mua cho mẹ chồng một cái váy thì bảo là trong mắt chỉ có mẹ chồng không có người khác...
Giờ em sinh xong con, cả nhà đòi em ở nhà, không cho phép em đi làm. Nhưng trước giờ em là con người hướng ngoại, nên việc chỉ ở nhà trông con đang ép em đến phát điên.
Cả tháng nay em chả ăn nổi gì mấy, vì trong nhà nhiều quá nên em cảm thấy tù túng ngột ngạt đến mức khó thở.
Em đã nghĩ đến việc ly hôn, vì em không chịu được cuộc sống như thế này, từng ngày từng ngày trôi qua với em như một cơn ác mộng, bên tai chỉ có lời phàn nàn của các cô các bác...
Em nên làm gì đây?
Chuyên gia tư vấn:
Làm dâu là một việc rất khó, nhất là khi bên nhà chồng bạn có đông nhân khẩu và phức tạp như vậy.
Đặc biệt bạn lại vừa sinh con, bạn đang trong thời kì rất nhạy cảm và cần sự cảm thông, Mai Tình Yêu mong bạn có thể giãi bày tâm sự của mình với chồng bạn. Giờ phút này, người duy nhất có thể giúp bạn chính là chồng bạn mà thôi.
Bạn cần chồng đứng về phía bạn, gánh đỡ cùng bạn, là một hậu thuẫn để bạn có được tiếng nói của mình. Hai vợ chồng yêu nhau thì phải biết sẻ chia cho nhau, thấu hiểu cho nhau, đừng chịu đựng một mình, cũng đừng im lặng, càng không nên nổi giận mà không để chồng bạn không hiểu được lí do.
Cố lên cô gái, hãy là một người vợ, một bà mẹ mạnh mẽ! Sóng gió rồi sẽ qua!
Theo tintuconline.com.vn
Cô giáo gần 20 năm mang trong mình căn bệnh HIV Đã 13 năm kể từ ngày những người thân yêu nhất cuộc đời cô giáo Hoàn ra đi vì căn bệnh HIV, chưa một thời khắc nào cô nguôi thương nhớ họ. Những ngày này cô giáo Nguyễn Thị Hoàn (giáo viên dạy văn trường THPT Mỏ Trạng, Yên Thế, Bắc Giang) vẫn cần mẫn trên giảng đường. Bài giảng chính là nguồn...