Tôi vẫn muốn báo hiếu dù mẹ đã bỏ rơi mình
Dù mẹ từ chối nhận tiền nhưng bằng cách này hay cách khác, tôi vẫn nhờ người quan tâm đến mẹ. Có lẽ, ngày xưa mẹ bị dồn vào bước đường cùng, mới bỏ ba con tôi để theo người khác.
Tôi có một tuổi thơ rất cực khổ, bây giờ nhớ lại vẫn thấy rùng mình. Quê tôi ở một vùng thường xuyên phải gánh chịu thiên tai bão lụt, Nhà nào cũng nghèo đến mức ăn bữa nay lo bữa mai chứ ít khi nghĩ đến chuyện tích lũy.
Không chịu được cuộc sống vất vả, mẹ đã bỏ hai cha con tôi để đi theo người khác. (Ảnh minh họa)
Năm tôi lên 10 tuổi, lũ về cuốn trôi hết tài sản, mẹ tôi không chịu nổi cực khổ đã bỏ lại hai cha con tôi để theo người khác. Người đàn ông đó về quê tôi xây cầu chống lũ, cầu xây xong thì tôi cũng không còn mẹ nữa.
Ba tôi đau đớn, hận mẹ đến tột cùng rồi lao vào nhậu nhẹt. Bốn năm sau, ông mất để lại mình tôi bơ vơ. Tôi chỉ còn một người cô bà con nhưng gia cảnh cũng không khấm khá hơn. Cô cưu mang được vài tuần chứ không thể nuôi tôi mãi được.
Tôi nghe người làng kháo nhau, đất Sài Gòn dễ sống, chỉ cần chăm chỉ là có cái ăn. Tôi xin làm lơ xe để theo người ta vào miền đất hứa. Ở đây, tôi đã lăn lộn đủ thứ nghề để kiếm sống từ nhặt rác, bán vé số, rửa chén thuê đến phục vụ cà phê, quán ăn, phòng trà.
Năm 20 tuổi, tôi trổ mã thành một chàng thanh niên cao ráo, đẹp trai. Lúc đó, tôi đang làm phục vụ cho một phòng trà ở quận 1. Nhờ thế, tôi mới quen biết vợ tôi bây giờ.
Cô ấy là con của một gia đình giàu có, có địa vị xã hội. Còn tôi không có gì ngoài tình yêu dành cho cô ấy. Gia đình phản đối quyết liệt, vợ vẫn không chịu rời bỏ tôi. Vợ bị đuổi ra khỏi nhà, chuyển đến phòng trọ ở với tôi.
Sau đó, vợ mang thai nhưng nhà ngoại vẫn một mực không chấp nhận. Đến khi con gái 2 tuổi, bi bô biết nói gọi ông bà ngoại thì ba mẹ vợ mới mủi lòng đồng ý. Nhà vợ cho chúng tôi vốn làm ăn, cho quản lý công ty kinh doanh nhà hàng khách sạn của gia đình.
Hiện tại, tôi đã làm chủ một khách sạn riêng lớn bậc nhất thành phố. Khi cuộc sống khá giả, tôi thường nghĩ về quê hương và những ngày khốn khó. Việc đầu tiên tôi làm là trở về quê, xây cất mộ phần cho ba đàng hoàng.
Về quê sau mấy chục năm biền biệt, tôi biết được tin tức của mẹ. Mẹ đã đưa hai đứa con với người chồng sau về làng sinh sống sau khi tôi bỏ làng đi mấy năm. Cuộc sống rất cực khổ, mẹ đau yếu bệnh tật còn các em không có nghề nghiệp, nợ nần chồng chất.
Video đang HOT
Tôi muốn gặp mẹ một lần nhưng bà luôn tìm cách né tránh. (Ảnh minh họa)
Ngày tôi xây mộ cho ba, mẹ đến nhưng chỉ đứng từ xa nhìn lại. Hàng xóm kể, thỉnh thoảng vẫn thấy mẹ ra mộ thắp hương cho cho ba. Nhìn mẹ như thế, tôi không nỡ lòng thờ ơ dù đã từng hận mẹ vô cùng.
Tôi nhờ người quen chuyển cho mẹ 500 triệu để chi trả nợ nần và ổn định cuộc sống. Nhưng mẹ không nhận mà gửi lại số tiền bởi xấu hổ vì đã bỏ rơi ba con tôi. Tôi muốn gặp mặt mẹ một lần nhưng bà luôn tìm cách né tránh. Trở về thành phố, lòng tôi vẫn canh cánh những suy nghĩ về mẹ.
Mẹ không nhận tiền của tôi nhưng bằng cách này hay cách khác, tôi vẫn nhờ người quan tâm đến mẹ để cuộc sống đỡ khó khăn phần nào. Bởi khi ra đời bươn chải, tôi mới hiểu được cảm giác bị dồn vào bước đường cùng là như thế nào. Có lẽ, ngày xưa mẹ cũng thế mới bỏ ba con tôi để theo người khác. Tôi đã không còn oán trách mẹ như trước nữa.
Thái Huy
Theo phunuonline.com.vn
Chồng nằng nặc đòi bán đất nhà vợ, mua ôtô cho em trai
Muốn mua xe ô tô cho em trai chạy taxi công nghệ, chồng tôi về nằng nặc đòi bán mảnh đất của bố mẹ vợ.
Tôi kết hôn đã 10 năm, làm công nhân xưởng may, chồng làm bảo vệ. Nhà chồng tôi ở xa, quanh năm chủ yếu ông bà ngoại đỡ đần. Hai vợ chồng ở chung với bố mẹ tôi.
Trước khi con gái lấy chồng, bố mẹ tôi cho con gái mảnh đất nhỏ. Tôi không làm thủ tục sang tên. Hiện trên pháp lý, vẫn là tài sản do bố mẹ tôi sở hữu.
Trên đó, tôi xây 3 gian phòng trọ cho thuê, lấy tiền trang trải sinh hoạt phí.
Bố mẹ tôi sống chân chất, mộc mạc. Thương con, cháu, chưa bao giờ ông bà nói câu gì đụng chạm khiến con rể phải phật ý.
Ảnh: Shutterstock.
Thông gia lên thăm, ông bà làm cơm thết đãi tươm tất, mua quà biếu, thể hiện lòng hiếu khách.
Chồng tôi có cô em gái và cậu em trai chưa lập gia đình. Em gái đã vào Bình Dương sống, lập nghiệp với nghề may.
Cậu em mới 21 tuổi, vừa học xong cao đẳng kế toán. Anh bảo tôi xin phép bố mẹ vợ, cho em lên ở cùng gia đình vợ. Với tính cách quý người, bố mẹ tôi tất nhiên đồng ý.
Chồng tôi xin cho em làm cùng công ty bảo vệ của mình với mức lương 4 triệu.
Thời gian làm việc theo ca, 10 tiếng/1 ca. Cách 1 ngày lại làm đêm. Suốt ngày cậu ấy còn kêu công việc vất vả, đầu tắt mặt tối.
Cơm nước, ăn ở bố mẹ tôi không lấy một đồng. Ông bà bảo, thêm bát, thêm đũa, lấy tiền chỉ mang tiếng.
Tiền lương, em trai chồng tôi chi tiêu riêng cho cá nhân. Vậy nhưng, tháng nào cậu cũng kêu thiếu, xin thêm anh trai vài trăm nghìn.
Phòng ốc bừa bộn, quần áo vứt ra chậu, để mẹ tôi giặt hộ, coi đó là việc bà phải làm. Lương tháng được vài triệu, em trai chồng tôi mua trả góp chiếc điện thoại xịn 15 triệu đồng.
Bố tôi có chai thuốc quý, cất trong tủ mấy năm chưa dùng. Nhân dịp cả nhà đi ăn cưới, em chồng về mang đi bù khú với đồng nghiệp.
Tôi nhắc nhở em trai chồng, ở nhà tôi không mất đồng nào nhưng ít ra giữ phép tắc, cất gọn gàng đồ dùng cá nhân, đồ đạc riêng tư của ai, muốn mượn phải hỏi.
Bị chị dâu nói, em chồng có vẻ không hài lòng, gọi cho mẹ ở quê than vãn, kể khổ. Mẹ chồng còn gọi bố mẹ tôi nói mát mẻ.
Tôi giận, định bảo em chồng ra ngoài thuê trọ, tự lo cuộc sống. Nhà tôi cưu mang, giúp đỡ như thế, không biết ơn, lại đặt điều nói xấu. Bố mẹ tôi muốn giữ hòa khí, khuyên con gái im lặng. Cách đây 1 tháng, chồng tôi bất ngờ về nhắc vợ làm thủ tục sang tên mảnh đất của bố mẹ vợ.
Tôi từ chối vì cho rằng việc đó là việc không cần thiết. Nhà có mỗi mình tôi, sau này bố mẹ có tuổi, về với tiên tổ, mọi thứ cũng là của hai vợ chồng.
Nghi ngờ chồng có vấn đề, tôi căn vặn, hỏi cho ra nhẽ. Anh thú nhận, em trai vay tiền đi học bằng lái xe ôtô, làm nghề tài xế.
Hai anh em họ bàn tính bỏ ra 500 triệu, mua ôtô về chạy xe công nghệ và kinh doanh chở khách đi chùa chiền, lễ hội. Theo chồng dự tính, chỉ 3 năm là hồi vốn.
Thấy kế hoạch mạo hiểm vì em chồng không phải người chí thú làm ăn, tôi khước từ luôn. Vậy mà chồng mặt mũi sưng sỉa với vợ. Anh liên tục đưa ra các lý lẽ, ép vợ nhanh chóng bán đất.
Tối đó, trong phòng ngủ, hai vợ chồng cãi nhau to, lời qua tiếng lại. Chồng tôi và em trai xách balô rời đi, tuyên bố không thèm ở nhà tôi. Họ nói tôi sống bạc bẽo, ích kỷ.
Bố mẹ tôi buồn lòng. Ông bà hỏi đầu đuôi câu chuyện nhưng tôi không tiết lộ. Mấy ngày nay tâm trạng tôi mệt mỏi. Gia đình tôi cư xử tử tế như vậy, anh em họ còn mang ra trách cứ.
Tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc sẽ ly hôn nhưng trước tình cảnh này, tôi bối rối không biết tháo gỡ sao cho êm ấm.
Xin hãy cho tôi lời khuyên!
Theo kenhsao.net
Tôi làm ra rất nhiều tiền nên không muốn công bằng nội ngoại Cô ấy không hiểu lấy chồng làm được nhiều tiền và giỏi giang là do gia đình chồng đã cố gắng nuôi dạy. Hình ảnh minh họa Tôi 29, còn vợ 28 tuổi, hiện sống ở Sài Gòn. Trước đây, gia đình hai bên khá nghèo so với mặt bằng chung ở quê. Thời sinh viên, tôi lập được công ty. 24 tuổi,...