Tôi từng sốc và hoảng hốt khi biết siêu âm con gái không xinh
Hình ảnh mà có lẽ tôi không bao giờ quên là khuôn mặt méo mó già căm của con. Lại còn thêm lời phán có lẽ vô tình của bác sĩ: “Xấu!”. Vì vậy, tôi không khỏi ngỡ ngàng sau khi nhìn thấy hình ảnh con qua lần siêu âm ấy.
Gửi chị Vân Anh, tác giả bài viết “Nỗi lòng tê tái của người mẹ có con gái mới chào đời không xinh”!
Có lẽ bài viết của chị đã được đăng từ khá lâu. Và không hiểu sao mới hôm qua tôi mới vô tình đọc được trong lúc lần mò đọc lại các bài viết cũ.
Chị ạ, tâm trạng của chị tôi cũng đã từng trải qua, nhưng may mắn hơn cho tôi, cái cảm giác buồn bã và chán nản vì con gái sẽ chào đời không xinh xắn chỉ thoáng qua không lâu và từ trước khi bé chào đời.
Con gái tôi giờ đã hơn 6 tháng. Lúc này, mỗi khi nhìn con chơi, con ngủ, tôi lại tận hưởng cảm giác sung sướng khi con bên cạnh. Trong mắt tôi lúc này, con là cô bé đáng yêu nhất, xinh đẹp nhất.
Nhưng tôi còn nhớ ngày mình mang thai con 29 tuần. Khi vào bệnh viên làm hồ sơ sinh và bác sĩ siêu âm 4 chiều cho tôi nhìn thấy mặt con trên màn hình. Tôi đã thực sự sốc và vô cùng hoảng hốt.
Hình ảnh mà có lẽ tôi không bao giờ quên là khuôn mặt méo mó già căm của con. Lại còn thêm lời phán có lẽ vô tình của bác sĩ: “Xấu!”. Làm mẹ, ai chẳng muốn con cái mình xinh đẹp. Vì vậy, tôi không khỏi ngỡ ngàng sau khi nhìn thấy hình ảnh con qua lần siêu âm ấy.
Video đang HOT
Trở về nhà, chồng tôi từ công ty gọi điện thoại hỏi thăm hai mẹ con. Tôi chỉ dám kể rằng em bé trộm vía khỏe, phát triển tốt, còn tuyệt nhiên không dám nhắc tới chuyện xấu đẹp. Vài ngày sau đó, tôi bị ám ảnh với cái hình ảnh siêu âm của con. Tôi tự so sánh với những hình ảnh các bé xinh đẹp mà người ta thường hay quảng cáo bên ngoài phòng khám.
Rồi tôi lên mạng tìm kiếm thông tin và hỏi dò các chị đồng nghiệp xem hình ảnh siêu âm liệu giống bao nhiêu phần trăm ngoài đời thực. Tôi cứ loanh quanh như thế suốt mấy ngày. Có lúc, tôi còn khéo léo dò ý chồng về chuyện xấu đẹp của con cái. Và mặc dù chồng tôi luôn bảo rằng con sinh ra chắc chắn sẽ xinh đẹp, nhưng điều đó càng làm tôi suy nghĩ.
Vài ngày, tôi mang một tâm trạng không vui khi sợ con sinh ra không xinh đẹp, rồi tương lai của con sẽ thế nào? Rồi mọi người có yêu thương con không? Cứ thế nhưng sau cùng, tôi đã tự trấn an mình và nhủ rằng: “Con là con của tôi, con xấu đẹp tôi cũng yêu thương con. Nếu thực sự con chẳng may xấu xí thì tôi sẽ càng yêu thương con hơn gấp nhiều lần, bù đắp cho con phần thiệt thòi đó”.
Suy nghĩ ấy khiến tôi bình tâm và sẵn sàng đón nhận con. Tuy nhiên sau 32 tuần, tôi đi siêu âm lại một bác sĩ quen, hình ảnh con rõ nét hơn và bác sĩ lại khen: “Con gái thế này là xinh rồi”. Đến lúc ấy tôi đã thở phào nhẹ nhõm.
Có lẽ các mẹ sẽ cười khi đọc bài viết này của tôi, bởi con cái vốn đã là một tặng phẩm thiêng liêng cho cha mẹ. Nhưng làm cha mẹ, ai chẳng mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho con cái.
Con gái tôi lúc này đã biết bò, mọc 2 răng. Cháu trộm vía khỏe mạnh và phát triển tốt. Nhiều khi nghĩ lại tôi vẫn tự cười mình. Có lẽ tôi hay lo xa, cũng có thể tôi ngốc nghếch, nhưng được làm mẹ đã là điều giá trị nhất trong cuộc đời này.
Theo VNE
Còn ai nữa đâu mà về...
Mỗi khi nhắm mắt, tôi lại thấy gương mặt hiền từ của mẹ, giọng nói ấm áp, bàn tay chai sần thô ráp của mẹ... Tất cả những thứ đó, khi mẹ còn, tôi thấy thật bình thường; chỉ khi mẹ mất đi rồi, nó mới trở thành hoài niệm làm buốt nhói trái tim.
Bà xã hay nói tôi thật là lẩm cẩm. Cứ tháng Chạp là lại mua sắm, chuẩn bị mọi thứ giống y như thể sắp về quê ăn một cái Tết thật to. Xong đâu đó, đến gần Tết lại vác đi cho mấy người nghèo ở xóm hoặc mấy người bán vé số, lượm ve chai. Đơn giản vì tôi còn có ai đâu mà về? Ngay cả mồ mả ông bà, cha mẹ cũng không có...
"Năm nay khó khăn lắm, lương thưởng đều giảm, anh bớt tào lao cho vợ con nhờ nghen"- vợ tôi đã càm ràm như vậy từ đầu tháng. Thế nhưng trong cuộc sống có những điều đã trở thành thói quen, thành máu thịt thì thật khó mà sửa đổi. Tôi không phải muốn chơi nổi hay tỏ ra tốt bụng, mà đơn giản vì tôi nhớ nhà, nhớ mẹ. Nhưng mẹ tôi ở đâu, đến giờ tôi vẫn không biết.
Năm đó, mẹ nhắn tôi về. "Có ít gạo mới, con về lấy mang vô trong đó mà ăn". Mẹ tôi viết thư vào nói vậy. Khi ấy tôi đang học đại học năm thứ ba. Mùa giáp hạt mà có gạo mới thì còn gì bằng? Hẳn là mẹ tôi không dám ăn, để dành cho thằng con trai duy nhất đi học xa nhà. Nhưng lúc đó tôi đang bận thực tập. Với lại, tôi nghĩ, đổ đường đi mấy trăm cây số về Quảng Ngãi chỉ để lấy mấy ký gạo thì thà mua ở trong này còn hơn.
Tôi đâu biết, gạo mới chỉ là cái cớ vì đã 2 năm rồi tôi không về. Đơn giản vì tôi không có tiền. Vừa đi học, vừa đi làm kiếm tiền, tôi chẳng còn thời gian để nghĩ ngợi chuyện gì khác. Với lại năm đó mẹ tôi còn trẻ lắm. Mẹ sinh tôi năm 18 tuổi, nên đến khi tôi vào đại học, mẹ vẫn chưa đến bốn mươi, còn trẻ hơn cả bà xã tôi bây giờ.
Trong suy nghĩ của tôi, mẹ là một người phụ nữ rất trẻ và rất khỏe. Khi tôi còn ở nhà, mẹ đi làm từ sáng đến tối mịt. Nhà chỉ có một khoảnh đất nhỏ sau hè nên quanh năm mẹ toàn đi làm mướn. Khi tôi còn bé, mẹ ẳm tôi theo, để ngồi trong cái thúng trong lúc mẹ làm việc. Tôi ngồi trong đó với mấy củ khoai lang hoặc vài trái bắp. Đói thì ăn, buồn ngủ thì lăn ra đó mà ngủ. Lớn lên một chút, khi tôi bắt đầu đi học thì mẹ để tôi ở nhà một mình. Sáng sớm mẹ nấu nồi cơm để sẵn. Tôi đi học về ăn cơm rồi học bài, quanh quẩn trong nhà chỉ có một mình. Có những hôm mẹ về muộn thì tôi đã ngủ lâu rồi...
Tôi viết thư về cho mẹ: "Đi lại tốn kém lắm, với lại con cũng không có thời gian. Ráng chờ tới Tết, con thu xếp được thì về ăn Tết với mẹ". Tôi gởi thư đi và cũng không để ý xem đã bao lâu không thấy mẹ trả lời. Cho đến một hôm, tôi nhận được thư từ Ủy ban xã. Ngạc nhiên tôi mở ra xem. Trời ơi, đến lúc đó tôi mới hay mẹ tôi đã bị nước cuốn trôi không tìm thấy xác trong trận lũ quét kinh hoàng. Trận lũ cuối mùa mưa bão năm ấy đã vùi lấp mẹ tôi ở nơi nào, cho đến giờ, tôi vẫn còn bị ám ảnh.
Mỗi khi nhắm mắt, tôi lại thấy gương mặt hiền từ của mẹ, giọng nói ấm áp, bàn tay chai sần thô ráp của mẹ... Tất cả những thứ đó, khi mẹ còn, tôi thấy thật bình thường; chỉ khi mẹ mất đi rồi, nó mới trở thành hoài niệm làm buốt nhói trái tim.
"Còn ai nữa mà về?", câu nói của vợ tôi như những mũi kim châm vào lòng. Một đứa trẻ không lớn lên từ nguồn cội của mình sao thấy thật chông chênh. Hôm rồi, thằng con út của tôi thỏ thẻ: "Bạn con có quê để về ăn Tết, sao tụi con lại chẳng có vậy ba? Ngoài đó chắc cũng còn bà con, dòng họ, hay mình cứ thử về tìm lại xem...".
Câu nói của thằng con khiến tôi thức tỉnh. Đúng rồi. Vẫn còn bà con, dòng họ xa gần ngoài đó; nếu chịu khó tìm thì chắc chắn sẽ gặp. Hơn nữa, mẹ tôi vẫn đang nằm đâu đó giữa lòng đất quê hương. Tết này tôi phải về, dù chỉ để thắp một nén nhang nơi đầu cây, ngọn cỏ thì có lẽ hương hồn mẹ tôi cũng sẽ ngậm cười.
Vậy là tôi quyết định chuẩn bị mọi thứ và đăng ký vé tàu cho 3 cha con. Bà xã tôi lại cằn nhằn: "Còn ai nữa mà về? Anh đúng là dở hơi".
Tôi không giận bà xã. Câu hỏi đó đã làm day dứt lòng tôi tôi bao nhiêu năm. Bây giờ có lẽ tôi phải đi tìm câu trả lời... Tết này cha con tôi đi bụi nhưng có lẽ đi bụi ở quê nhà sẽ có nhiều cảm xúc lắm đây. Tôi hồi hộp chờ đến những giây phút ấy và khẩn cầu rất nhiều cho chuyến đi này.
Mong là đừng có ai như tôi, để đến khi mất mát rồi mới lại quay quắt đi tìm...
Theo VNE
Chi tiết đẻ dịch vụ ở viện Phụ sản Hà Nội Khi vào viện phải nộp tạm ứng 10 triệu đồng, trong đó 6 triệu chi phí đẻ và người nhà cũng được vào phòng đẻ cùng sản phụ. Hiện nay, các bà mẹ khi sinh nở có nhiều sự lựa chọn hơn về dịch vụ, nơi sinh con cũng như bác sĩ đỡ đẻ. Những người nhiều tiền sẽ chọn các bệnh viện...