Tôi thực sự choáng trước dự thảo “sặc mùi Mỹ”
Tiếp theo trong loạt bài Hai mươi năm bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ, Tuần Việt Nam giới thiệu góc nhìn của “người trong cuộc” – ông Nguyễn Đình Lương, nguyên Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định BTA.
LTS: Tác động của Hiệp định thương mại song phương Việt Nam – Hoa Kỳ (BTA) đã được phân tích, mổ xẻ nhiều từ các góc độ khác nhau trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Đường đi còn tắc
Cuộc đàm phán Hiệp định thương mại song phương Việt Nam – Hoa Kỳ (BTA) bắt đầu từ cuối năm 1995. Cho đến lúc đó, Việt Nam đã gia nhập ASEAN và bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ trên tinh thần “Việt Nam chủ trương đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ; sẵn sàng làm bạn với tất cả các quốc gia, dân tộc, phấn đấu vì hòa bình và phát triển”. Việt Nam khi đó chưa có hướng dẫn về hội nhập kinh tế; Nghị quyết 07 về hội nhập kinh tế của Bộ Chính trị ban hành tháng 11/2001 tức là hơn một năm sau khi BTA được ký kết, trong đó đề cập đến mục tiêu, yêu cầu, nguyên tắc hội nhập…
Ở cái thời đó, xã hội Việt Nam, sau khi đã không thành công với nền kinh tế bao cấp, kinh tế kế hoạch hóa tập trung, đã nhận thức được rằng, phải chấp nhận kinh tế thị trường để phát triển, rằng kinh tế thị trường là sản phẩm của xã hội loài người, không phải là sản phẩm riêng của CNTB. Việt Nam bắt đầu bằng một quá trình “phá”, cố gắng “phá” hết những cái gì có màu sắc “bao cấp”, những cái gì cho là không phải kinh tế thị trường. Phá thì dễ, nhưng “xây” thế nào để có một nền kinh tế thị trường trong lòng CNXH thì chưa rõ, còn bàn cãi.
Tôi còn nhớ, Luật thương mại được viết lại và ban hành năm 1995, nhưng mười năm sau ít thấy một điều khoản nào đi vào cuộc sống. Vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ được “chốt” khá chặt chẽ ở 3 chương, 80 điều trong Bộ luật dân sự 1995, nhưng ở một cửa hàng bán các đĩa nhạc trên phố Tràng Tiền ngay cạnh tòa nhà Bộ thương mại, bán toàn đồ rởm, đồ nhái mà không ai làm gì được. Lý do là bởi Luật không quy định điều khoản thực thi, không quy định giao cho ai bắt, ai thu. Bắt, thu xong xử lý thế nào…
Tổng thống Bill Clinton tiếp ông Nguyễn Đình Lương, Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ, tại Nhà Trắng, Washington, ngày 13/7/2000. (Ảnh: tác giả cung cấp)
Một dự thảo “sặc mùi Mỹ”
Sau mấy vòng gặp gỡ cả ở Hà Nội, cả ở Washington D.C tìm hiểu luật lệ, cơ chế, chính sách của các bên, sáng ngày 12/4/1997 đầu giờ vòng đàm phán thứ 4 tại phòng khách Bộ thương mại, 31 phố Tràng Tiền Hà Nội, ông Jozeph Damond, Trưởng đoàn đàm phán Hoa Kỳ trao cho tôi bản dự thảo Hiệp định BTA gồm 4 phần: Thương mại hàng hóa, sở hữu trí tuệ, quan hệ đầu tư, thương mại dịch vụ… và báo cho chúng tôi biết rằng: Dự thảo được thiết kế trên những nguyên tắc của WTO.
Sau khi đọc bản dự thảo tôi thực sự bị choáng, nó “sặc mùi Mỹ”, nó quá mới mẻ, hàng loạt khái niệm chưa được tiếp cận, làm quen:
Thứ nhất, bản dự thảo thiết kế trên những nguyên tắc WTO, mà ở thời điểm đó, ở Việt Nam chỉ mới nghe chứ chưa biết nội dung của nó là gì. Ngay cả những nội dung của GATT (Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại) ở Việt Nam cũng chưa được chuyển tải trên phương tiện thông tin vì đó là luật chơi của “phe tư bản”, xa lạ với luật chơi XHCN.
Thứ 2, trong dự thảo, Hoa Kỳ đưa ra quy chế Đối xử quốc gia (National Treatment), Đối xử bình đẳng giữa hàng hóa trong nước và ngoài nước, giữa đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài, giữa doanh nghiệp trong nước và ngoài nước. Trong từ điển tiếng Việt ở Việt Nam chưa có từ này. Nó trái với quan điểm, đường lối, chính sách và luật lệ kinh tế XHCN ở Việt Nam.
Thứ 3, Hoa Kỳ yêu cầu gỡ bỏ hết mọi rào cản thương mại theo quy định của WTO, thực thi một nền thương mại tự do. Điều này vi phạm nguyên tắc quyền độc lập tự chủ của Việt Nam.
Thứ 4, Hoa Kỳ đòi Việt Nam giảm thuế xuất nhập khẩu. Đây cũng là điều khó, vì ở Hoa Kỳ thuế XNK chỉ chiếm chưa đầy 2% nguồn thu ngân sách, ngoài ra còn có thuế VAT, thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tài sản… Trong khi đó, ở Việt Nam, cũng như ở các nước XHCN trước đó, thuế XNK là nguồn thu chủ yếu cho ngân sách, chiếm gần 20% ngân sách, ngoài thuế XNK lúc đó Việt Nam chưa có thuế nào khác. Nếu cắt giảm thuế XNK thì ngân sách khó khăn.
Video đang HOT
Thứ 5, trong chương Thương mại dịch vụ: là chương mới được thiết kế vào trong WTO, trước đây trong GATT chưa có.
Trong lúc trên thế giới, đặc biệt ở Hoa Kỳ, các ngành dịch vụ phát triển mạnh mẽ, đã có luật lệ hoàn chỉnh để điều tiết, thì ở Việt Nam lúc đó các dịch vụ như ngân hàng, vận tải… vẫn được coi như chỉ là khâu nối giữa sản xuất và tiêu dùng, chưa có bất kỳ một luật nào điều tiết hoạt động dịch vụ. Hoa Kỳ quan tâm và yêu cầu Việt Nam mở cửa cả những ngành dịch vụ nhạy cảm mà lúc đó Việt Nam coi là lĩnh vực liên quan an ninh quốc gia, là vùng cấm như tài chính, viễn thông…
Thứ 6, trong chương quan hệ đầu tư: Nội dung mà Hoa Kỳ đưa ra đàm phán là dựa vào Hiệp định đầu tư mẫu (Model Investment Treaty) mà Hoa Kỳ đã ký trong NAFTA (Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ) và với các nước phát triển khác. Những nội dung này hoàn toàn khác với các Hiệp định bảo hộ đầu tư mà Việt Nam đã ký với hàng chục nước trong đó có cả những nước phát triển. Đặc biệt có những quy định mới và chặt chẽ như: Khái niệm về đầu tư, về nhà đầu tư, quy định về vấn đề trưng dụng, quốc hữu hóa, đền bù, sử dụng trọng tài quốc tế để giải quyết tranh chấp…
Chung quy lại những nguyên tắc mà Hoa kỳ muốn cài đặt vào BTA để làm hành lang pháp lý vận hành quan hệ kinh tế thương mại Hoa Kỳ – Việt Nam là:
Nguyên tắc bình đẳng: Bình đẳng không phân biệt đối xử giữa hàng hóa trong nước và hàng nhập khẩu; Bình đẳng không phân biệt giữ đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài, giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.
Nguyên tắc kinh tế mở: Các doanh nghiệp tự do kinh doanh XNK mọi hàng hóa mà luật không cấm. Các nhà đầu tư được xuất khẩu những hàng hóa do mình sản xuất ra và nhập khẩu những hàng hóa phục vụ cho sản xuất; Mở cửa cho đầu tư nước ngoài vào, thực thi một chính sách đầu tư minh bạch, bảo vệ lợi ích nhà đầu tư, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, thực thi một cơ chế đầu tư thông thoáng phù hợp với thông lệ quốc tế.
Nguyên tắc luật pháp: Phải công khai, minh bạch, thống nhất đồng bộ, dễ hiểu, dễ thực thi, dân và các doanh nghiệp phải được tham gia góp ý trong quá trình xây dựng luật.
Cuộc đàm phán diễn ra trầy trật, kéo dài, lên bờ xuống ruộng. Chấp nhận những cam kết như thế này nghĩa là phá vỡ gần như toàn bộ khung pháp lý hiện hành. Đó là điều chưa có trong một cuộc đàm phán quốc tế.
Nhưng rồi, trên cơ sở nhận diện được xu thế phát triển của thời đại, những thay đổi sâu sắc trong nền kinh tế thế giới, cùng với nhu cầu bình thường hóa đầy đủ quan hệ với Hoa Kỳ, và trên cơ sở xã hội cũng đã nhận ra được rằng, hệ thống pháp lý Việt Nam thời điểm đó đang cản trở sự phát triển, đang làm bế tắc mọi ý tưởng đổi mới, không thể vận hành được nền kinh tế thị trường, chúng ta đã đi đến kết luận: Muốn hội nhập, muốn phát triển phải cải tạo hệ thống luật pháp.
Hai bên từng bước tìm hiểu luật lệ của nhau, tìm cách tiến gần nhau và cuối cùng BTA được hoàn tất ký kết và có hiệu lực từ tháng 12/2001.
(Còn tiếp)
Nguyễn Đình Lương (Nguyên Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ)
Theo Vietnamnet
Việt - Mỹ: Ai hiểu ai?
Đại sứ VN tại Hoa Kỳ Phạm Quang Vinh dành riêng cho VietNamNet cuộc phỏng vấn sau khi trình quốc thư lên Tổng thống Obama, thẳng thắn trao đổi về quan hệ hai nước ở thời điểm ý nghĩa: tròn 20 năm bình thường hoá quan hệ.
20 năm bình thường hóa quan hệ, từ cựu thù trở thành đối tác toàn diện, VN và Hoa Kỳ ngày nay đã trở thành đối tác quan trọng của nhau trong khu vực. Có nhận định rằng, tuy không phải là đối tác chiến lược của VN, nhưng Hoa Kỳ lại là nước có tầm ảnh hưởng toàn cầu lớn nhất, quan hệ giữa VN với Hoa Kỳ có tầm quan trọng vượt qua cả khuôn khổ đối tác chiến lược. Đại sứ suy nghĩ thế nào về nhận định này?
Tôi hoàn toàn chia sẻ và nhất trí với ý kiến cho rằng đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ là khuôn khổ quan hệ thực sự mang tầm chiến lược. Điều này nằm ở chính các nguyên tắc điều chỉnh và nội hàm quan hệ đối tác toàn diện, mang tính chất chiến lược, toàn diện và lâu dài, dựa trên sự song trùng về lợi ích, vì lợi ích của mỗi nước và của chung khu vực.
VN đã xác lập khuôn khổ quan hệ lâu dài, là đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với tất cả 5 nước uỷ viên thường trực HĐBA LHQ. Việc Hoa Kỳ là một quốc gia có tầm ảnh hưởng hưởng toàn cầu lớn nhất, đương nhiên cũng làm cho mối quan hệ này càng có ý nghĩa.
Đại sứ Phạm Quang Vinh và gia đình buổi trình quốc thư lên Tổng thống Obama
Để thấy rõ tính chiến lược của mối quan hệ, tôi muốn nhấn mạnh thêm mấy điểm sau. Thứ nhất, khuôn khổ đối tác toàn diện đã khẳng định các nguyên tắc cơ bản của mối quan hệ, trong đó, ngoài Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế, đặc biệt nhấn mạnh việc tôn trọng thể chế chính trị và độc lập chủ quyền của nhau - tôi cho đây là cơ sở của mọi cơ sở để thúc đẩy hợp tác và xây dựng lòng tin.
Thứ hai, phạm vi và nội hàm các trụ cột hợp tác thực sự mang tính toàn diện và chiến lược sâu sắc, từ chính trị, ngoại giao, kinh tế, đến khoa học kỹ thuật, giáo dục, văn hóa, giao lưu nhân dân, đến quốc phòng, an ninh, khắc phục hậu quả chiến tranh và các lĩnh vực khác.
Thứ ba, hai bên thừa nhận những sự khác biệt, bao gồm cả về vấn đề dân chủ nhân quyền, nhưng sẽ hợp tác và đối thoại một cách thẳng thắn, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau.
Thứ tư, vượt ra khỏi khuôn khổ song phương, hai bên khẳng định tăng cường hợp tác tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, bao gồm ASEAN, ARF, EAS, APEC... vì hòa bình, an ninh và thịnh vượng ở khu vực.
Câu chuyện từ cựu thù trở thành đối tác rồi đối tác toàn diện đã khái quát mô tả một chặng đường lịch sử bốn thập kỷ quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, đó là một bước tiến vượt bậc mà như Ngoại trưởng John Kerry từng nói: Ngay cả người trong cuộc cũng khó mà có thể hình dung được.
Tuy nhiên, đây không phải là chặng đường bằng phẳng. Có những lúc người ta đã tưởng rằng những hội chứng chiến tranh và định kiến từ hai phía khó mà có thể vượt qua được.
Đã phải mất hai thập kỷ để bình thường hóa quan hệ và phải cần tới hai thập kỷ tiếp theo để xác lập khuôn khổ quan hệ đối tác toàn diện. Vì vậy, điều đạt được là rất quan trọng và là khuôn khổ để quan hệ hai bên phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong các thập kỷ tới.
Biết mình, biết người
Nhìn từ 20 năm bình thường hóa quan hệ, theo Đại sứ, VN hiểu về Hoa Kỳ nhiều hơn hay Hoa Kỳ hiểu VN nhiều hơn? Hai bên thực sự đã hiểu nhau, nếu cắt nghĩa sự hiểu không phải trong phạm vi tầng quan hệ chính trị, ngoại giao mang tính chiến lược, mà là đất nước, từng người dân, doanh nghiệp của mỗi bên, để qua đó có thể biết được hai bên trông chờ gì từ nhau? Như nước láng giềng TQ của ta đã coi Hoa Kỳ là đối tượng nghiên cứu lớn của họ bài bản, rất hệ thống. Ông, trong vai trò Đại sứ, sẽ làm gì để Hoa Kỳ hiểu VN hơn và ngược lại?
Nói đến hiểu biết nhau, tức là để biết, hiểu và ứng xử thế nào với nhau, chắc khó có thể gói gọn được trong một câu trả lời, vì nội hàm của điều này rất rộng, đa diện, đa chiều, đa đối tượng.
Việc hai nước từ hai bán cầu xa xôi, một đang phát triển, một giàu mạnh nhất toàn cầu, lại có chế độ chính trị xã hội khác nhau, mà lại trở thành đối tác toàn diện, mang tính chiến lược và gần như vậy, thì chắc chắn là phải hiểu và biết nhau rồi.
Ở đây có yếu tố lịch sử, có vị trí chiến lược của mỗi bên, có sự song trùng về lợi ích của cả hai bên và sự tôn trọng lẫn nhau. Khuôn khổ đối tác toàn diện đã thể hiện điều đó.
Từ cựu thù để trở thành đối tác toàn diện, hai nước đã đã đạt được những bước tiến vượt bậc, kể cả vượt qua những hội chứng chiến tranh và những định kiến vốn có từ hai phía.
Đó là chặng đường lịch sử khó khăn, khép lại quá khứ, hướng tới tương lai, và như Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng John Kerry đã trao đổi: Chưa từng thấy có hai nước nào làm việc cật lực hơn, để vượt qua những khó khăn, trở thành đối tác và xác lập được quan hệ đối tác toàn diện như VN và Hoa Kỳ.
Ngoài việc xác lập những lĩnh vực hợp tác mang tính toàn diện, tôi rất chú ý đến điểm, mà như trên đã nêu, đó là: tôn trọng thể chế chính trị, độc lập chủ quyền của nhau và thừa nhận những khác biệt lập trường để đối thoại thẳng thắn, hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau. Cái hiểu biết nhau ở đây là như vậy.
Thứ nữa là câu chuyện của những người dân. Hình ảnh những người cựu binh hai phía gặp nhau, gặp người dân đã chứa đựng không ít tình người cảm động. Như vậy, hiểu biết nhau có cả cấp chính sách và cả người dân hai phía.
Chắc còn nhiều điểm nữa, nhưng để trả lời câu hỏi là liệu hai bên đã hiểu nhau chưa và ai hiểu ai hơn ai, để ngắn gọn, tôi xin chia sẻ như thế này, có hiểu, nhưng còn thấu đáo thì chắc là chưa, và khó có thể khái quát hóa ai hiểu ai nhiều hay kém hơn ai.
Nó có yếu tố chính trị, rồi văn hóa, tập quán, giáo dục, lối sống, thể chế... khác biệt giữa hai bên.
Do vậy, càng mở rộng quan hệ và hợp tác, thì chắc chắn càng phải nghiên cứu nhiều hơn, bài bản và cụ thể hơn. Điều này, chúng ta phải làm nhiều hơn nữa.
Như về thương mại, câu chuyện xử lý các vụ kiện chống bán phá giá rõ ràng đòi hỏi chúng ta phải nắm rất kỹ càng các quy định nội luật, cung cách làm ăn của Mỹ.
Cuối cùng, để làm cho hai bên hiểu nhau hơn, tôi nhớ ngay đến câu đúc kết các thế hệ đi trước truyền lại, đó là: biết mình, biết người.
Khi mở rộng quan hệ, hợp tác, mình đến với họ và muốn họ đến với mình, thì rõ ràng càng phải cần nhiều hơn hai điều này, nhất là với những người làm công tác ngoại giao, đại diện quốc gia ở nước bạn. Lâu nay chúng ta đã làm nhiều việc để tăng cường hiểu biết giữa hai bên.
Ngoại giao bây giờ cũng phải toàn diện, từ chính trị, đến kinh tế, văn hóa, cộng đồng, và phải chủ động hội nhập. Càng mở rộng quan hệ thì càng cần phải tăng cường hiểu biết, tin cậy và tôn trọng lẫn nhau.
Theo đó, càng cần phải gia tăng hơn nữa trao đổi và giao lưu, không chỉ ở cấp chính sách, mà cả giữa các doanh nghiệp, người dân, nhất là thế hệ trẻ của hai nước.
Theo Xuân Linh
Vietnamnet
(Tiếp: Đại sứ muốn đối thoại với kiều bào không trùng quan điểm)
Đại sứ Hoa Kỳ: "Tương lai mối quan hệ Việt - Mỹ là vô hạn" "Tôi đã học cách trân trọng quá khứ. Tôi có lý do để chào mừng thành công của 20 năm qua. Tôi biết rằng, tương lai mối quan hệ giữa hai nước là vô hạn. Tôi tin dân Mỹ và Việt Nam sẽ tiếp tục cùng nhau tiến lên, hợp tác nhiều hơn trên mọi lĩnh vực". Đó là những tuyên bố chắc...