Tối thiểu và bị động
Tại hội nghị đặc biệt hôm qua 24.4 tại Brussels (Bỉ), các nhà lãnh đạo EU đã đạt được một số thỏa thuận nhằm ngăn chặn nạn nhập cư bất hợp pháp.
Người dân tại Malaga, phía nam Tây Ban Nha, biểu tình phản đối chính sách người nhập cư của Liên minh châu Âu. Người biểu tình dành một phút mặc niệm cho các nạn nhân của vụ chìm tàu trên Địa Trung Hải hôm 19.4 – Ảnh: Reuters
Trong đó có tăng ngân sách dành cho chương trình tuần tra và cứu hộ ở Địa Trung Hải (Triton) từ 3 triệu euro lên 9 triệu euro/tháng. Nhiều nước như Anh, Bỉ, Đức, Pháp cũng cam kết hỗ trợ thêm nhân lực và trang thiết bị cho chương trình này. Tuy nhiên, tất cả chỉ có vậy.
Hội nghị khẩn cấp đã không đạt được những kết quả mang tính đột phá như mong đợi, khi các nhà lãnh đạo EU chỉ đồng ý hỗ trợ tiếp nhận “tùy theo khả năng” những người nhập cư được công nhận là người tị nạn. Trước đó, có ý kiến đề xuất là mỗi nước bắt buộc nhận tối thiểu 5.000 người để chia sẻ áp lực với các quốc gia ven Địa Trung Hải như Hy Lạp, Malta, Tây Ban Nha và đặc biệt là Ý.
Đề xuất xem xét mở chiến dịch quân sự để truy quét các băng nhóm chuyên tổ chức nhập cư lậu tuy rất được ủng hộ nhưng sẽ gặp rất nhiều trở ngại, đặc biệt về pháp lý. Ngoài ra, ngân sách dành cho chương trình Triton tuy được tăng gấp 3 nhưng cũng chỉ bằng mức Ý từng chi cho một chương trình cứu hộ được áp dụng trong những năm trước đây.
Trong khi đó, Địa Trung Hải đang trở thành “mồ chôn tập thể khổng lồ” sau một loạt vụ tai nạn tàu bè chở người nhập cư lậu từ châu Phi với cả ngàn người chết. Bọn tổ chức nhập cảnh trái phép đã khiến EU trở tay không kịp với thủ đoạn để mặc người nhập cư lênh đênh trên những con tàu mỏng manh và vì lý do nhân đạo, các nước EU ven biển không thể bỏ mặc họ.
Video đang HOT
Những kết quả nói trên cho thấy nhiều thành viên EU vẫn chưa chân thành chung tay chia sẻ gánh nặng này. Liên minh vẫn đang mò mẫm với những giải pháp cho phần ngọn, vẫn xơ cứng về tài chính và bất cập về pháp lý trong khi chuyện người nhập cư đang trở thành vấn đề chính trị xã hội ngày càng nan giải.
Nguyễn Ngọc Lan Chi
Theo Thanhnien
Châu Âu "loay hoay" tìm giải pháp cho khủng hoảng người nhập cư
Những bước đi vừa qua của các nước EU được cho là chưa đủ để ngăn chặn dòng người nhập cư từ khu vực Trung Đông, Bắc Phi tới châu Âu thời gian tới.
Trong một nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng người nhập cư đang làm đau đầu các nhà lãnh đạo châu Âu thời gian qua, lãnh đạo 28 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) ngày 23/4 nhất trí tăng gấp 3 nguồn tài chính cho chiến dịch tìm kiếm, cứu nạn trên biển Địa Trung Hải, thống nhất đưa ra nền tảng chung cho hành động quân sự chống lại những kẻ buôn lậu người.
Những bước đi này của các nước EU được cho là chưa đủ để ngăn chặn dòng người nhập cư từ khu vực Trung Đông, Bắc Phi tới châu Âu thời gian tới.
Các nước châu Âu quyết định tăng nguồn tài chính cho chiến dịch tìm kiếm, cứu nạn trên biển Địa Trung Hải, lên 120 triệu euro. Ngoài tàu thuyền, các quốc gia cũng sẽ huy động thêm máy bay trực thăng cùng nhân sự tăng cường tuần tra trên biển Địa Trung Hải.
Hải quân và lực lượng bảo vệ bờ biển Italy đang cứu những người nhập cư trái phép ở Địa Trung Hải (ảnh: AP)
Cao Ủy liên minh châu Âu phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini được chỉ định xem xét những lựa chọn ngoại giao, cho phép quân đội của EU tấn công những chiếc thuyền buôn lậu người.
Thủ tướng Italy Matteo Renzi- nước đang phải đối mặt hàng ngày với thảm kịch người nhập cư gọi đây là một bước tiến lớn , đồng thời kêu gọi Liên Hợp Quốc sớm đưa ra nghị quyết về vấn đề khủng hoảng người nhập cư.
Ông Renzi nói: "Italy đề nghị sự hỗ trợ của Pháp, Tây Ban Nha và Anh ủng hộ một nghị quyết của Liên Hợp Quốc. Chúng tôi hi vọng có thể đạt được một nghị quyết của Liên Hợp Quốc trong thời gian sớm nhất về cuộc khủng hoảng mà châu Âu đang phải đối mặt".
Hội nghị thượng đỉnh về nhập cư của Liên minh châu Âu được tổ chức sau làn sóng di cư ồ ạt từ các nước châu Phi, đặc biệt là những quốc gia đang có xung đột như Libya, Syria đến châu Âu. Tổ chức Di cư quốc tế (IMO) cho biết, có hơn 1.700 người thiệt mạng tại Địa Trung Hải năm nay khi cố gắng tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn tại châu Âu. Tuy vậy, ngay cả những người lạc quan nhất cũng cho rằng, những đề xuất " chậm trễ" đưa ra tại hội nghị hôm qua sẽ không hoàn toàn ngăn chặn làn sóng tới châu Âu qua Địa Trung Hải thời gian tới.
Malta - một nước thành viên nhỏ của EU cho rằng, hội nghị này không đưa ra những đề xuất nào mới, ngoài quyết tâm phá vỡ các mạng lưới buôn lậu. Các đề xuất tại hội nghị không đủ để ngăn chặn dòng người di cư tới châu Âu trong tương lai. Giới quan sát cũng cho rằng, nếu áp dụng hành động quân sự chống lại những kẻ buôn người sẽ phức tạp và mất nhiều thời gian hơn.
Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định, bất kì hành động quân sự nào cũng cần phải dựa vào luật pháp quốc tế, trong đó cần có một nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc hay của chính phủ đoàn kết ở Libya. Nhiều nước châu Âu thì cho rằng, châu Âu không nên phải gánh vác những trách nhiệm này. Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte nhấn mạnh, châu Phi- nguồn gốc của vấn đề cũng cần phải có chung trách nhiệm.
Chính nội bộ các nước châu Âu cũng đối mặt với sự bất đồng trong việc chia sẻ gánh nặng người nhập cư. Các quốc gia như Đức, Thụy Điển, Pháp và Italy đang phải đối mặt với một lượng lớn đơn yêu cầu xin tị nạn, trong khi những quốc gia thành viên phía đông hoặc Ban Tích lại hầu như không có. 5 trong số 28 quốc gia thành viên đang xử lí gần 70% số người di cư đến châu Âu.
Thủ tướng Anh David Cameron gần đây tuyên bố, nước này không có kế hoạch để nhiều người di cư đến mà không có lí do thích hợp. Các tàu của Anh sẽ đưa những người di cư đến những nước an toàn gần nhất như Italy.
Bên cạnh việc giải quyết vấn đề người nhập cư, các nhà lãnh đạo EU cũng cho rằng, quốc tế cần phải tìm ra một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng tại Libya hiện nay- quốc gia có số lượng người di cư đông nhất tới châu Âu.
Tổng thống Pháp Francois Hollande cho biết: "Mọi thứ sẽ tồi tệ hơn nếu không có biện pháp nào được thực hiện. Nếu không giải quyết tình hình tại Libya những kẻ khủng bố sẽ từ nước này đến châu Âu. Vì vậy chúng ta cần phải hành động khẩn cấp. Không chỉ riêng châu Âu mà toàn bộ cộng đồng quốc tế cũng cần phải giúp Libya giải quyết khủng hoảng".
Tổng thống Pháp cũng cho biết, EU sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh ở Malta với các nước châu Phi vào mùa hè này, để phối hợp những nỗ lực chung của hai châu lục giúp giải quyết cuộc khủng hoảng đang ngày càng một gia tăng trong thời gian gần đây./.
Phạm Hà Theo AP, Reuters
Theo_VOV
Đối phó nhập cư lậu, EU tăng gấp ba ngân sách cứu hộ trên biển Bốn ngày sau thảm kịch hơn 800 người thiệt mạng ngoài khơi Libya khi đang tìm đường vào châu Âu, lãnh đạo các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) hôm 23.4 thống nhất tăng gấp ba ngân sách dành cho hoạt động tìm kiếm và cứu hộ trên biển của khối. Lực lượng hải quân Malta quăng chai nước uống cho...