Tôi thấy “trầm cảm” khi nghe Việt Nam thiếu tiến sĩ
“Tôi cũng thấy nhiều khi văn bằng tiến sĩ chỉ là một cách hợp thức hoá các chức vụ đã được “quy hoạch”. Có người còn đề ra mục tiêu cụ thể như đến năm nào thì tất cả quan chức phải có bằng tiến sĩ..
GS Nguyễn Văn Tuấn.
Những suy nghĩ và chủ trương như thế chẳng những làm lệch ý nghĩa thật của văn bằng tiến sĩ, mà còn có hiệu quả tầm thường hoá văn bằng cao nhất trong hệ thống khoa bảng.
Tôi nghĩ cần phải xem lại những tiêu chuẩn đề bạt và bổ nhiệm quan chức, không nên quá xem trọng văn bằng tiến sĩ (vì họ chẳng cần), mà nên chú ý đến khả năng giải quyết vấn đề và quản lí cho tốt và có đạo đức.
Một giáo sư y khoa thì dí dỏm cho rằng, tiến sĩ Việt Nam có vẻ cái gì cũng biết nhưng biết chút chút thôi. Mới hôm nay, tôi nhận được email của một giáo sư Úc mới đi dự một hội nghị y khoa ở Hà Nội về, ông phàn nàn rằng, phẩm chất khoa học của những báo cáo trong hội nghị có vẻ chẳng cải tiến gì so với 20 năm trước.
Video đang HOT
Trong thực tế chẳng có bao nhiêu người nước ngoài quan tâm đến vấn đề phẩm chất đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam vì đó là vấn đề địa phương. Khi cạnh tranh xin việc và xin các làm nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ ở nước ngoài thì sẽ lộ rõ những khiếm khuyết trong đào tạo và những điểm yếu của nghiên cứu sinh Việt Nam.
Trong việc đào tạo tiến sĩ (hay giáo dục nói chung), tuyệt đối không nên chạy theo số lượng, mà phải duy trì phẩm chất đào tạo.
Tôi có khi cảm thấy “trầm cảm” khi nghe những người lãnh đạo than phiền là chúng ta thiếu tiến sĩ hay phải có tiến sĩ thì tư duy mới đột phá, đó là những suy nghĩ hết sức lệch lạc.
Phải xác định rõ ràng rằng mục tiêu đào tạo tiến sĩ là đào tạo ra những nhà khoa học chuyên nghiệp (professional scientists), những người có khả năng đóng góp vào nền khoa học và giáo dục đại học nước nhà”.
(GS NGUYỄN VĂN TUẤN, giáo sư thỉnh giảng tại Đại học New South Wales(Úc), trả lời trên Đất Việt về đề án 12.000 tỉ đồng đào tạo 9.000 tiến sĩ của Bộ Giáo dục và Đào tạo).
Theo NLĐO (Người Lao Động)
Đào tạo tiến sĩ nhiều, sử dụng được bao nhiêu?
Chi 12.000 tỷ đào tạo 9.000 tiến sĩ là vấn đề đang gây "nóng" trong dư luận những ngày qua. Nhiều chuyên gia cho rằng, việc Bộ GD-ĐT "mạnh tay" đào tạo tiến sĩ có thể gây lãng phí khi việc sử dụng số lượng tiến sĩ hiện có vẫn chưa hiệu quả.
Mục tiêu đào tạo 9.000 tiến sĩ nằm trong đề án nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục ĐH và các trường CĐ sư phạm đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển giáo dục ĐH giai đoạn 2018-2025, tầm nhìn 2030 của Bộ GD-ĐT.
Lý giải về mục tiêu này, Bộ GD-ĐT cho biết, hiện tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ công tác tại các cơ sở giáo dục ĐH còn thấp và chưa hợp lý về cơ cấu độ tuổi, chưa cân xứng giữa các ngành nghề. Trong khi đó, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ còn rất thấp so với các nước lân cận. Cụ thể, đến năm 2017, Việt Nam mới đạt tỷ lệ 22,7% trong khi Thái Lan là 24% từ năm 2005, Malaysia đạt 73% từ năm 2010...
Đào tạo tiến sĩ nên theo chất lượng đừng chạy đua số lượng. (ảnh minh họa: IT)
Đồng tình với việc cần nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên để cải thiện chất lượng giáo dục ĐH, tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, việc đào tạo nếu không vì "chất" mà chỉ chạy đua theo số lượng sẽ gây lãng phí lớn. Trong khi đó, hiện cả nước vẫn có 23.000 GS, PGS, TS nhưng hiệu quả nghiên cứu khoa học thì chưa đâu vào đâu.
Chia sẻ với báo chí, TS Lê Viết Khuyến - nguyên Vụ phó Vụ giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) cho rằng, phải thừa nhận rằng, hiện nay, ở nước ta, việc đào tạo tiến sĩ vẫn diễn ra một cách dễ dãi, qua loa, chất lượng chưa ổn. Chính vì vậy, Bộ GD-ĐT nên thực hiện ngay việc rà soát lại các cơ sở đào tạo tiến sĩ. "Không phải cơ sở nào cũng có thể đào tạo, đã đến lúc cần cương quyết hơn. Trường nào đào tạo tiến sĩ phải nghiên cứu khoa học mạnh, có bề dày truyền thống, có cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên tốt" - TS Khuyến cho hay.
Trong khi đó, GS.TS Đặng Quốc Bảo - nguyên Hiệu trưởng Học viện Quản lý giáo dục lại cho rằng, chủ trương thì tốt nhưng vấn đề là đào tạo như thế nào để mang lại hiệu quả thực sự. Đó cũng là một câu chuyện phải bàn kỹ.
"Tôi nghĩ rằng, những người được chọn đi học phải học thật và quá trình đào tạo phải mang lại kết quả thật. Chúng ta chấp nhận kéo dài thời gian thậm chí là tốn kém nhưng vấn đề là tiến sĩ phải có trình độ thực sự" - GS Bảo nói.
TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, nếu ngành giáo dục có thêm nhiều tiến sĩ thì cũng tốt nhưng chất lượng tiến sĩ của chúng ta chưa cao, nhất là khoa học giáo dục của ta chưa phát triển.
"Phải xem xét lại quy trình đào tạo tiến sĩ ở các trường ĐH làm sao cho thực sự cải tiến và có hiệu quả đào tạo. Còn nếu chỉ chạy theo số lượng mà không củng cố chất lượng thì dù có học thật, bằng thật thì chất lượng vẫn giả" - ông Lâm nói.
Ông Lâm cho rằng, nên lấy chi phí nghìn tỷ trên để cải thiện lương cho giáo viên trước, tạo động lực cho họ làm việc. Theo ông, chỉ cần mỗi một ngành có những mũi nhọn, có những người nghiên cứu kịp thời là được. Phải đào tạo làm sao cho có hiệu quả mới đảm bảo yếu tố chất lượng.
Được biết, tổng chi phí của đề án 12.000 tỷ bao gồm 10.200 tỷ đồng từ kinh phí còn lại của Đề án Đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2010-2020, được phê duyệt theo Quyết định số 911/QĐ-TTg ngày 17.6.2010 của Thủ Tướng Chính phủ; 1.800 tỷ từ các cơ sở giáo dục đại học và đối tượng thụ hưởng Đề án.
Theo Danviet
Quốc hội quyết tiếp tục chi tiền đào tạo tiến sĩ Với 88,39% đại biểu tán thành, chiều 14/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2018. Theo đó, Quốc hội quyết định tiếp tục chi một phần tiền cho đề án 911 về đào tạo tiến sĩ cho các trường ĐH, CĐ giai đoạn 2010-2020. Theo Nghị quyết, tổng số thu ngân sách Trung ương...