Tôi thấy cô đơn dù cuộc sống tốt hơn
Em 21 tuổi, đang học đại học tại một trường top ở Hà Nội, đi làm thêm và đủ chi trả cho cuộc sống riêng gồm sinh hoạt, du lịch…
Bạn bè nhìn vào bề nổi cuộc sống hiện tại của em luôn cảm thấy em rất vui, rất tận hưởng với những chuyến du lịch trong và ngoài nước, nhưng thực ra trong em luôn tồn tại một cảm giác cô đơn khó nói thành lời.
Bố mất sớm từ khi em mới lên 4, rồi gia đình nhà nội có mâu thuẫn với mẹ, họ đuổi mẹ con em ra khỏi nhà. Hai mẹ con phải về nương nhờ nhà ngoại. Nuôi em đến năm 14 tuổi, mẹ quyết định đi bước nữa với một người đàn ông đã có 4 con gái và mất vợ ở làng bên nhà ngoại. Khoảnh khắc mẹ đi lấy chồng, em thấy tim mình như chết lặng, cảm thấy cả thế giới như sụp đổ.
Lúc ấy chỉ ước mình là con trai để có thể khiến mẹ an tâm hơn, để mọi người thôi không còn ca thán chỉ con trai mới nuôi được mẹ, mới bảo vệ được mẹ. Năm em 15 tuổi, mẹ sinh em bé. Do sợ mẹ vất vả nên em đã xin bà ngoại cho sang ở cùng mẹ để giặt giũ, cơm nước đỡ đần. Thời gian ấy, em như sống trong một đống đổ vỡ khi mâu thuẫn chìm nổi giữa mẹ và gia đình nhà chồng như muốn nhấn chìm em. Giờ đây khi nhìn lại, em thấy đó là khoảng thời gian đen tối nhất trong cuộc đời mình.
Đến năm cấp 3 ở thành phố học, do thường xuyên phải về muộn, sợ nguy hiểm nên bác ruột (anh trai của bố đẻ) mở lời mời em về sống chung cùng họ cho bớt nhọc nên em đã đồng ý. Mọi chuyện cứ thế trôi qua cho đến hiện tại. Mỗi lần về quê em lại thấy trống trải vô cùng, không biết và cũng không thấy mình thuộc về đâu. Mỗi lần về em vẫn cố gắng chia đều thời gian để ghé qua nhà bác và thăm mẹ.
Lắm lúc mỏi mệt, tuyệt vọng đến kinh khủng, thậm chí rơi vào trầm cảm nhưng nhớ ra mình chẳng có một nơi để về nên đành nán lại phòng trọ như một chỗ ẩn trú và gồng mình lên để cố gắng, để vượt qua. Mỗi khi về, em lại thấy mình thừa thãi, không chốn dung thân nên cảm thấy rất bế tắc, xa nhà chỉ muốn về, nhưng về rồi thì lại muốn đi thật xa. Liệu em có bị rối loạn tâm lý hay gặp phải vấn đề tâm lý gì không? Mong mọi người hãy chia sẻ, cho em hướng giải quyết và cách để dung hòa với hiện tại.
Linh
Chuyên gia tâm lý Phong Nguyên gợi ý:
Thân gửi Linh,
Bức thư bạn gửi đến khiến tôi cảm nhận được bạn đang thực sự cảm thấy lạc lõng trong chính cuộc sống của mình. Những chấn thương tinh thần ngày bé đã để lại ở bạn những lỗ hổng và nỗi đau khó kể thành lời với bất cứ ai. Cảm giác bất lực khi không thể níu giữ, bảo vệ những người mình yêu thương càng khiến bạn cảm thấy cô đơn hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, bên cạnh những uẩn ức đó, câu chuyện của bạn cùng lúc mang lại cho tôi hình ảnh về một người con gái trẻ nhưng mạnh mẽ. Những đau khổ trong quá khứ hay nỗi cô đơn không cản trở bạn bước tiếp mà phát triển độc lập. Điều này cho thấy bạn hoàn toàn có đủ khả năng để bước ra khỏi cái bóng của quá khứ, trở thành chỗ dựa cho chính mình và bảo vệ những người mình yêu thương.
Cảm giác bế tắc, bất lực do những sự kiện trong quá khứ mang đến đã để lại những vết sẹo tinh thần nơi Linh. Bạn luôn nhớ về những điều đã qua và sống với chúng. Tuy nhiên, Linh đã đúng khi giờ đây bạn đặt ra câu hỏi hứa hẹn rất nhiều sự thay đổi tích cực trong tương lai, đó là: Làm thế nào để dung hòa bản thân với cuộc sống?
Dung hòa là cân bằng cả bên trong lẫn bên ngoài. Suy nghĩ rằng bản thân không có nơi để về khiến bạn cảm thấy đau lòng, điều này khiến bạn dù có đi đâu cũng không cảm thấy an yên, mỗi lần đi đi về về cũng chỉ là cách để bạn đi tìm cho mình nơi mà bạn thực sự cảm thấy thuộc về. Bạn mải đi tìm sự vỗ về rất nhiều ở những thứ bên ngoài mà vô tình quên mất rằng khi bên trong không cảm thấy đủ đầy thì sẽ rất khó có thể tìm được nơi nào khác để cảm thấy an toàn. Chỗ dựa tốt nhất và bền vững nhất của Linh chính là bản thân bạn.
Video đang HOT
Khả năng tin tưởng vào bản thân luôn bị ảnh hưởng ít nhiều bởi trải nghiệm của cá nhân trong cuộc sống, nhất là khi còn nhỏ. Tuy nhiên, là một người luôn có khả năng độc lập và tiềm năng vươn lên phát triển, Linh hoàn toàn có thể tự mình thay đổi được điều này. Dưới đây sẽ là một số gợi ý có thể sẽ hữu ích với Linh vào lúc này:
- Chú tâm vào thực tại chánh niệm là một bài tập phù hợp giúp bạn chú ý đến những trải nghiệm ở thời điểm hiện tại thay vì bị cuốn vào cảm xúc và luồng suy nghĩ không ngừng của bản thân.
Chẳng hạn, nếu bạn đang uống một tách cà phê ở ngoài trời, hãy tập trung vào thưởng thức mùi hương của cà phê, cảm nhận sự ấm áp của ánh nắng thay vì để tâm đến những suy nghĩ, ưu tư thường nhật. Và để đảm bảo hiệu quả của bài tập, trong 5 phút thực hiện chánh niệm, Linh sẽ thực hiện 3-4 hành động để miêu tả những gì bạn đang trải qua: Quan sát, chụp ảnh cốc cà phê, ghi lại miêu tả về màu sắc, mùi vị, độ ấm của cà phê khi bạn uống, viết một lời bình về những trải nghiệm của bạn ở thời điểm hiện tại.
Thực hành chánh niệm sẽ khiến bạn cảm thấy thư giãn và thoải mái hơn mà không để cảm xúc và suy nghĩ làm chủ bạn như trước. Chánh niệm sẽ cho bạn thấy rằng, cảm xúc đến và cũng sẽ đi, rằng bạn hoàn toàn có khả năng cân bằng và trải nghiệm sự bình yên trong cuộc sống, nó hỗ trợ bạn trong việc phát triển khả năng tự chấp nhận và đồng cảm với chính mình.
- Dành nhiều hơn tình yêu thương cho chính mình: Người duy nhất có khả năng khiến bạn cảm thấy tốt hơn là chính bạn. Đây là lý do tại sao việc nuôi dưỡng lòng trắc ẩn, đồng cảm với chính mình lại cần thiết đến vậy. Điều này có nghĩa rằng bạn thấu hiểu và đối xử với chính mình giống như cách bạn giúp đỡ những người thương yêu, thay vì phán xét và so sánh mình với người khác.
Bước đầu tiên để luyện tập được điều này chính là mỗi khi bạn cảm thấy tệ và có những suy nghĩ tiêu cực, hãy đặt câu hỏi cho mình: “Những suy nghĩ này có đang dán nhãn bạn và có giúp bạn yêu thương bản thân hơn không?” và “Bạn có thể thay thế chúng bằng những ý tưởng tích cực nào khác?”.
Yêu thương bản thân còn là những hành động rất nhỏ để chăm sóc mình như: ăn ngủ đủ giấc đủ bữa, uống một cốc nước ấm nhỏ trước khi ngủ để vào giấc sâu hơn, thi thoảng tặng cho mình một ngày nghỉ làm những gì mình thích,…
Bao năm qua, người duy nhất luôn ở bên Linh chính là bản thân bạn, cho dù ở bất cứ nơi đâu hay tình huống nào. Đây cũng là người để bạn dựa vào mỗi khi mệt mỏi và cần được nghỉ ngơi. Vì vậy, bạn là người quan trọng đáng để bảo vệ, để yêu thương trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Ai rồi cũng sẽ có những lúc một mình và cảm thấy cô đơn, nhưng không phải ai cũng có thể nhìn nhận một cách tích cực và tìm được cân bằng trong cuộc sống. Chúc cho Linh sẽ sớm cảm nhận được sự đủ đầy nơi tâm hồn và hạnh phúc với chính mình.
5 tác động của tình yêu tới đời sống tinh thần mà phụ nữ nhất định phải nằm lòng để không vô tình chọn nhầm "Mr.Right"
Hầu hết mọi người đều khát khao tìm thấy tình yêu của cuộc đời mình.
Nhưng chắc hẳn, không phải ai cũng biết rõ những ảnh hưởng của loại cảm xúc kỳ diệu này đến sức khỏe thể chất và tinh thần.
Liệu đã bao giờ bạn thầm quan sát những cặp đôi xung quanh mình và thắc mắc: Tại sao có người trở nên hạnh phúc, vui tươi hơn khi bước vào tình yêu nhưng cũng có người lại ở chiều ngược lại - luôn gặp trắc trở và nhiều tổn thương?
Tình yêu không chỉ đơn thuần là việc bạn có một người để hẹn hò, để cùng ăn uống, vui chơi. Khi bạn đã nghiêm túc bước vào một mối quan hệ tình cảm, điều đó có thể tác động rất nhiều lên sức khỏe tinh thần và cả thể chất của bạn.
Và dưới đây là 5 tác động của tình yêu lên đời sống của một người, theo quan điểm của hai Giáo sư: Donnica Moore - Chủ tịch Hội sức khỏe phụ nữ Sapphire và David Gruener - Chuyên gia tim mạch của Hiệp hội Phẫu thuật New York.
1. Giấc ngủ
Chúng ta đều biết giấc ngủ quan trọng như thế nào đối với cơ thể. Một giấc ngủ đủ có thể giúp bạn tỉnh táo và làm việc hiệu quả vào sáng hôm sau. Dù bạn có thừa nhận mình là một người dễ ngủ thì việc thời gian đầu xuất hiện một người nằm cạnh mình sẽ mang đến sự thiếu thoải mái.
David Gruener giải thích: " Một giấc ngủ đủ cần phải trải qua 4 giai đoạn trong một đêm. Bạn thật sự cần ngủ sâu trong vòng 4 đến 6 tiếng đồng hồ để đạt đến giai đoạn 3 - giai đoạn rất quan trọng. Khi đó cơ thể tiết ra hormone có lợi, nhưng điều đó sẽ không xảy ra nếu đêm đó bạn thức giấc nhiều lần."
Vậy nên nếu người ấy thường xuyên chuyển mình, có thói quen thức giấc sớm hoặc vào giường ngủ muộn, cơ thể bạn có khả năng không thể hồi phục đủ sau một ngày dài.
2. Thuốc lá
Chỉ cần một trong hai người hút thuốc lá thì người còn lại cũng bị ảnh hưởng đến sức khỏe. Moore nói rằng: " Hít phải khói thuốc cũng giống như hành động hút thuốc gián tiếp vậy. Dù bạn không hút nhưng bạn đã tiếp nhận làn khói độc hại ấy vào người mình".
Do đó, đừng nghĩ rằng bản thân bạn không hút thuốc thì sức khỏe của bạn sẽ không bị ảnh hưởng. Hãy góp ý và giúp người bạn yêu thay đổi thói quen không mấy tích cực này và thay bằng một thói quen khác có lợi cho sức khỏe hơn.
3. Bệnh tâm lý
Nếu một nửa của bạn đang gặp vấn đề về tinh thần, họ sẽ thường xuyên mệt mỏi và cáu gắt, dễ sinh ra những cuộc cãi nhau không đáng có giữa hai người. Điều này vô tình tạo thêm căng thẳng dù cả hai chẳng ai muốn.
Những giấc ngủ khi ấy có thể sẽ không mấy dễ dàng, những bữa ăn cũng không còn đầm ấm. Bạn nên hiểu rằng chỉ với sự giúp đỡ của một mình bạn cũng chưa thể làm họ khỏe lại ngay được. Việc có ích nhất lúc này chính là khuyên họ tìm đến một bác sĩ chuyên khoa để thực hiện những liệu pháp tinh thần chữa dứt điểm căn bệnh.
4. Cảm giác căng thẳng
Căng thẳng là điều mà chắc chắn chẳng ai muốn có nhưng vẫn sẽ đến lúc họ phải đối mặt với nó khi bước vào một mối quan hệ, đặc biệt là sau khi kết hôn. Bạn sẽ lo lắng nhiều hơn về thu nhập tài chính như tiền nhà, tiền điện, các chi phí sinh hoạt sẽ bị đôn thêm nếu gia đình có thêm thành viên mới.
Mỗi khi căng thẳng, cơ thể sẽ tiết ra cortisol - thành phần chống lại sự tăng trưởng hormone. Nó góp phần làm tăng lượng đường trong máu khiến người ta dễ rơi vào trạng thái nóng giận và có những hành động thiếu suy nghĩ. Về lâu dài, lượng đường trong máu tăng gây ra rất nhiều căn bệnh nguy hiểm cho sức khỏe bạn. Chính vì vậy, hãy học cách cân bằng cuộc sống, luôn lạc quan và giải quyết mọi việc từng chút một.
5. Tình dục
Tình dục luôn là một trong những hoạt động không thể thiếu trong tình yêu và hôn nhân. Những vấn đề liên quan đến tình dục đều có ảnh hưởng trực tiếp đến hạnh phúc của cả hai người. Vài ví dụ được nói đến chính là giai đoạn tiền mãn kinh khiến tâm trạng người phụ nữ thất thường hay sau khi sinh con, phụ nữ thường phải đối mặt với triệu chứng bị khô âm đạo.
Theo Moore, khô âm đạo có thể gây ra sự đau đớn khi quan hệ và khiến cả hai bên đều không thoải mái. Không chỉ vậy, việc sử dụng một số loại thuốc như thuốc tránh thai, thuốc chống trầm cảm, thuốc huyết áp đều chứa những thành phần có ảnh hưởng tiêu cực đối với ham muốn tình dục, có thể làm bạn khó đạt được khoái cảm như xưa.
Tìm được một nửa đích thực vốn không phải điều dễ dàng. Dù cho bạn cảm thấy anh ấy/cô ấy phù hợp với mình đến đâu, chắc hẳn cũng sẽ có những điểm ở đối phương khiến bạn cảm thấy chưa hài lòng.
Tuy nhiên, tình yêu không phải là việc bạn cố gắng tìm ra một người hoàn hảo theo đúng như kỳ vọng của bản thân, mà là học cách hòa hợp, tôn trọng và giúp cuộc sống của nhau cùng trở nên tiến bộ hơn.
Bởi thế, " việc ghi nhớ những tác động của tình yêu đến sức khỏe thể chất và tinh thần không chỉ giúp bạn luôn tỉnh táo, mà còn khiến bạn cùng nửa kia hướng tới một tương lai lành mạnh, cân bằng và tích cực hơn" - Moore chia sẻ.
Mẹ đơn thân không còn mộng mơ mà thực tế Giờ đây, khi cuộc sống đã cân bằng sau nhiều gian truân, tôi mong mình tìm được một tri kỷ, có cùng quan điểm sống, nhân sinh quan, độc lập kinh tế và tự do. Tôi đã đi qua gần nửa đời người, từng có gia đình, bây giờ là mẹ đơn thân của hai con đang tuổi trưởng thành. Tôi không còn...