Tôi quá bực mình với người thân của vợ
Buổi sáng tôi không thể ngủ nướng được nữa mà phải dậy sớm, gật gà gật gù ngồi canh nhà tắm, rồi canh toilet bởi cứ người ra vào tấp nập. Nhiều lần vác bụng đói đến cơ quan mà ấm ức tức không chịu nổi.
Khi đã có công việc ổn định, lại mua được một căn hộ chung cư nho nhỏ, đủ cho một gia đình chung sống êm ấm tôi mới quyết định đi đến hôn nhân.
Vợ chồng tôi cùng là dân tỉnh lẻ lên thành phố lập nghiệp nên có nhiều điểm chung trong cuộc sống, hai người ăn uống rất đơn giản, tiết kiệm, mọi thứ trong nhà thì luôn ngăn nắp, sạch sẽ, vì là vợ chồng son nên hai chúng tôi có những phút giây rất lãng mạn trong căn nhà chỉ có 2 người.
Hạnh phúc êm ấm cứ thế trôi đi nhẹ nhàng cho đến một ngày, hai đứa em họ lên trọ học thì cuộc sống của vợ chồng tôi không còn là mộng đẹp nữa.
Cứ nghĩ chúng chỉ ở mấy ngày rồi sẽ thuê phòng ở bên ngoài, ai ngờ cứ tuần này sang tuần khác chúng ở lì ra, nhiều lần tôi ngỏ ý thăm dò xem khi nào nó chuyển thì ai ngờ:
- Thuê phòng ở ngoài đắt lắm lại bẩn thỉu không an toàn, thôi anh chị còn thừa 2 phòng trống để em thuê, mỗi tháng hết bao nhiêu bọn em trả.
Tôi há hốc mồm không nói được gì, chẳng nhẽ chúng nói thế lại đuổi chúng sao, mà anh chị nào dám ngửa tay cầm tiền của em mình, chúng tính toán khôn hết chỗ nói.
Chẳng kiếm được cái cớ gì mà đuổi bọn chúng đi cả, nói với vợ thì cô ấy lại cho tôi là khó tính, keo kiệt, không biết giúp đỡ người nhà nên thôi ngậm bồ hòn làm ngọt đành mắt nhắm mắt mở mặc kệ.
Video đang HOT
Tưởng có hai đứa cho cam, mấy ngày sau đó vợ chồng cô chú của vợ lên chữa bệnh, tôi đang bận công việc túi bụi vợ gọi điện bắt tôi ra đón về nhà mình, trong lòng dù bực bội nhưng vẫn phải ra đón, lại cố tỏ ra tươi cười với những người mà chưa một lần tôi gặp mặt.
Hai người không thuộc đường phố nên tôi lại phải xin nghỉ việc để chở đến bệnh viện khám bệnh, tưởng khám bệnh xong họ về ngay, ai dè lại còn lưu lại mấy ngày để thưởng thức hương vị thành phố. Rồi cuối tuần vợ chồng tôi lại phải mất cả buổi đưa họ đi chơi những nơi nổi tiếng nữa.
Sau nhiều ngày vất vả, cuối cùng cũng tiễn được hai vị khách nhà vợ về quê an toàn. Tưởng đã yên tâm đi làm việc của mình, thấy vợ chồng tôi hiếu khách quá nên lần này là đến lượt hai bác của vợ tôi dẫn con ra thành phố để kiếm việc.
Lại điệp khúc đưa đón và mở tiệc ăn mừng người nhà em ra phố chơi. Vợ chồng tôi lại phải cưu mang thêm một người em nữa ở trọ, cứ nghĩ nhà rộng nhưng đến bây giờ mới thấy chật chội thực sự.
Buổi sáng tôi không thể ngủ nướng được nữa mà phải dậy sớm, gật gà gật gù ngồi canh nhà tắm, rồi canh toilet bởi cứ người ra vào tấp nập sốt hết cả ruột. Sau đó lại vội vàng chạy đi làm đến ăn sáng cũng chẳng kịp, nhiều lần vác bụng đói đến cơ quan mà ấm ức tức không chịu nổi, nhưng đành phải nhẫn nhịn vì mình là đàn ông, phải thoáng, phải ga lăng mà.
Buổi tối về nhà muốn được nằm nghỉ ngơi xem tivi vậy mà cũng chẳng thể giành nổi với ba đứa cháu đang nằm chềnh ềnh ra, tay cầm điều khiển bấm loạn xạ khiến tôi nhức hết cả mắt, chúng làm như thể nhà này là của chúng vậy.
Chúng còn tị nạnh nhau rửa bát, dọn dẹp nhà cửa nữa chứ, trong bữa ăn cơm chúng cãi nhau ỏm tỏi cả lên, đứa con gái thì nấu cơm còn phần rửa bát thì dành cho hai thằng con trai nhưng chúng chẳng chịu rửa, mỗi lần ăn xong để bày ra đấy cho hai vợ chồng tôi thay nhau rửa.
Nhà cửa ngày trước sạch sẽ, gọn gàng là vậy mà bây giờ nhìn chỗ nào cũng thấy đồ đạc của bọn chúng bày ra, giày dép đi trong nhà cũng như đi ngoài chúng chẳng biết giữ ý tứ gì cả, nhiều lần tôi phải nhắc nhở, biết chúng khó chịu nhưng tôi vẫn phải giữ kỷ luật cho ngôi nhà.
Một ngày vợ tôi đi làm về, mặt xị ra rồi gọi các cháu đến để nói chuyện:
- Tao cho chúng mày ở trọ không mất tiền, còn tiền ăn mỗi tháng đóng có 500 nghìn đồng đáng gì so với ở ngoài, vậy mà dám về quê nói xấu anh chị khó tính, khó nết suốt ngày chửi mắng bọn bay, đóng tiền nuôi cả anh cả chị rồi lại còn bắt làm hết việc này đến việc khác nữa, lại còn nói kiểu anh chị giàu vậy mà lấy tiền ăn của các em.
Từ ngày mai chúng mày ra ngoài ở hết cho tao nhờ, vì thương các em ở quê nghèo khó nên tao mới thuyết phục anh rể cho bọn bay ở nhờ ai ngờ bọn bay lắm điều quá. Chúng mày ở đây chỉ khiến anh chị tốn kém, chật chội, vất vả chứ đừng nghĩ làm được mấy việc cỏn con là có công rồi, chị đây không có các em càng dễ thở, từ nay chắc tao không dám vác mặt về quê vì bọn lắm mồm chúng mày đấy.
Lần đầu tiên thấy vợ giận dữ với chính những đứa cháu mà em suốt ngày muốn bảo vệ, tôi chỉ im lặng mừng thầm trong bụng, thật may cuối cùng em đã nhận được hậu quả cho việc quá tốt bụng của mình rồi chúng cắn cho lúc nào không hay.
Mấy hôm sau với những câu nói nặng lời của chị, chúng không còn mặt mũi nào mà ở lại nhà chúng tôi nữa, cuộc sống bình yên của hai vợ chồng được ổn định trở lại, thật thoải mái quá thôi. Từ lần đó mỗi khi mọi người đến chơi thì chúng tôi sẽ tiếp đón, còn ở lại thì chúng tôi chối ngay để mất lòng trước được lòng sau còn hơn phải vừa làm ơn lại phải tội.
Theo Phununet
Chồng quá chu đáo với họ hàng bên nội tôi sắp không chịu nổi nữa rồi
Chuyện này tôi kể ra có khi cũng là nỗi bức xúc chung của nhiều người. Ít ra thì cùng trong văn phòng công ty chỗ tôi làm việc, khi nghe tôi kể, đã có ngay ba chị đồng tình, hùa vào, ồ à rất là bức xúc.
Số là chúng tôi lấy nhau lúc cả hai đúng là đều tay trắng, đều là sinh viên mới tốt nghiệp, đi làm được hai ba năm, gia đình hai bên đều ở quê. Nhưng tuổi trẻ sợ gì, có tuổi trẻ, có tình yêu là có tất. Hai đứa hăng hái bảo nhau thế. Hồi xưa bố mẹ mình còn nghèo túng bằng mấy, vẫn sống được, vẫn sinh con đẻ cái, nuôi các con khôn lớn hết đấy thôi.
Cưới nhau rồi, ở quê ít ngày hai vợ chồng kéo nhau lên thành phố, về chỗ tôi vẫn thuê trọ để sống. Tôi may mắn trước đó kiếm được một căn phòng trên tầng hai một căn nhà trong ngõ nhỏ, chủ nhà không ở, cho thuê hết bốn tầng nhà. Căn phòng chưa đầy hai chục mét vuông nhưng cũng đủ phòng vệ sinh, bếp, giá cả lại phải chăng.
Một mình còn ở được, nói gì hai vợ chồng. Hai lương gộp vào, tiền nhà, tiền điện, tiền ga, tiền nước... chi chung, kiểu gì chả sống được, khéo co kéo còn có tiền dự trữ ấy chứ. Hai vợ chồng vừa nằm xem tivi vừa tính toán thế. Và đúng là những ngày tháng đầu sống chung, mọi sự diễn ra đúng như hai vợ chồng mong đợi. Cứ cái đà này, chăm chỉ làm lụng, thêm nếm cả thứ bảy chủ nhật thì chả mấy chốc, cùng lắm là dăm bảy năm nữa là có thể tính đến việc mua trả góp một căn chung cư nào đấy chừng năm sáu chục mét vuông.
Rồi tôi có bầu. Là chuyện thường tình nhưng hai vợ chồng đều mừng húm. Ở đô thị bây giờ, không biết bao nhiêu cặp vợ chồng lấy nhau hàng mấy năm giời mà có con cái gì đâu. Hai vợ chồng bàn nhau, phải cố làm lụng chăm chỉ hơn để có tiền tích lũy, sau này lúc con ốm con đau đỡ phải lo lắng, chưa kể phải tính đến việc thuê giúp việc hoặc gửi con vào nhà trẻ nữa.
Tôi đang có bầu đến tháng thứ ba, đang ốm nghén vật vã, mặt mày xanh rớt, người mỏng dính thì ông chú bên chồng gửi một đứa con lên cho nó ôn thi đại học. Nghe qua điện thoại, chồng tôi gật đầu cái rụp. Hai hôm sau thì cả chú cả thím đưa con gái lên. Một cô bé béo tròn mũm mĩm. Chú thím nhìn căn hộ ngao ngán: Hơi chật nhể! Chồng tôi dọn dẹp đồ đạc lấy chỗ cho chú thím ngồi, xởi lởi: Nhà chật chứ lòng dạ không chật là được chú ạ. Chú cứ để em ở đây, cháu khắc thu xếp cho. Bao giờ thi xong cháu đưa về tận nhà. Chú thím cười tươi rói: Nhất cháu.
Thế là từ hôm ấy chúng tôi phải tự tìm cách thu xếp chỗ ăn nghỉ thêm cho em. Chồng tôi ôm chăn trải xuống sàn, nhường giường cho em nằm với vợ. Con bé được cái nết ăn nết ngủ, ngồi ôn bài chỉ được mươi mười lăm phút là lăn ra ngáy pho pho. Chưa kể, ở nhà chắc được chiều, không biết làm gì hết. Bát cũng không biết rửa, làm được mỗi một việc là xách rác đi đổ, mọi việc cứ mặc kệ, quần áo bẩn thay ra vứt lung tung, mỗi nơi một cái.
Tôi thì đang ốm nghén, ngửi mùi thức ăn đã sợ, bình thường có hai vợ chồng thì toàn bỏ bữa, cố uống sữa thay cơm. Giờ có em, nó lên ôn thi vất vả thì phải cơm nước đàng hoàng. Em bận học, chị thì nghén, anh đành phải chạy về sớm để nấu cơm ngày hai bữa phục vụ. Chiều chiều, cứ đến bữa nấu nướng, mùi xào nấu bay ra là tôi phải chạy sang hàng xóm ngồi chơi. Đợi hai anh em ăn xong mới dám về. Chịu đựng mãi cuối cùng em nó cũng thi đại học xong, chồng tôi đưa về tận quê trả cho bố mẹ. Nhẹ cả người. Tối đầu tiên được leo lên giường nằm, chồng tôi sung sướng: Ôi, thoải mái quá. Tôi giễu: Tưởng nằm đất cho nó mát. Chồng tôi cười hì hì, ôm vợ: Mát nhưng đau lưng, nằm với vợ vẫn là nhất.
Tưởng thế là xong, ai dè, nửa tháng sau bà bác lại lên khám bệnh. Chồng tôi lại đón bác về nhà. Hàng ngày trước khi đi làm còn chở bác qua viện. Bác bị dăm bệnh lặt vặt, điều trị ngoại trú ở viện y học cổ truyền. Nhưng y học cổ truyền nó không giống Tây y, cứ phải nửa tháng mới hết một đợt. Thế là lại quay về sinh hoạt theo kiểu người dưới đất người trên giường, chồng đi đằng chồng vợ đi đằng vợ. Công ty dạo này nhiều việc, tôi bụng to cũng không dám nghỉ, tối toàn 8-9 giờ mới về đến nhà. Về thì bác đã ngủ, làm gì cũng phải rón rén, ăn cơm cũng không dám chạm đũa vào mâm.
Sau bác thì đến dì rồi đến cô, rồi đến ông trẻ bà trẻ... nhà tôi cứ thế lần lượt đón tiếp các vị khách ở quê lên. Chủ yếu là đi khám bệnh, rồi đi thăm con, rồi đi viếng lăng Bác một lần dối già, v.v và v.v... Khách nào chồng tôi cũng đón hết, chăm sóc chu đáo, đưa đi đón về đâu vào đấy hết.
Thậm chí khi tôi đã sinh con rồi, các vị khách vẫn cứ hồn nhiên kéo đến căn hộ nhỏ như lỗ mũi của chúng tôi. Quần áo tã lót của chủ của khách giăng khắp nơi, trời nồm, cả tuần không khô. Tôi có một vài lần ý tứ nói với chồng thì chồng tôi gạt đi. Nào là ông A, bà B, dì C, cô D... lúc anh ở quê mọi người đều chăm bẵm, yêu thương. Giờ mọi người cần một tí, anh từ chối làm sao được.
Cứ thế, cuộc sống của chúng tôi đã từ lúc nào không còn là cuộc sống của hai vợ chồng với con nhỏ nữa. Mà cũng không biết bao giờ mới có thay đổi. Tôi thấy mình sắp không chịu nổi mất rồi.
Theo VNE
Tôi không chịu nổi tiếng khóc và cả cách khóc vô lý của con Sáng dậy không thấy mẹ là khóc. Mẹ kêu đi chà răng cũng khóc. Mẹ nói tự soạn quần áo đi học, giữa một đống áo đầm, cháu không biết chọn cái nào cũng khóc. Có nhiều cái cháu khóc mà tôi không thể hiểu nổi. Con gái tôi năm nay học lớp Lá, không biết vì cháu nhõng nhẽo hay vì tôi...