Tội phạm vùng “tam giác đen” – Kỳ 2: Mất ngủ vì trộm cắp, móc túi
Mấy năm qua, các băng trộm cắp xuất hiện ở khu vực giáp ranh này khá nhiều. Người dân, sinh viên, công nhân đã mất ăn mất ngủ vì đám trộm cắp ngày càng đông đảo và táo tợn.
Đường dây tiêu thụ xe gian quy mô lớn tại vùng giáp ranh bị sa lưới – ảnh: Đàm Huy
Hàng chục băng chuyên “thịt” xe gắn máy
Nỗi ám ảnh lớn nhất của người dân khu vực giáp ranh là mất trộm xe. Mấy năm trở lại đây, vùng này đã trở thành địa điểm lý tưởng cho bọn tội phạm chuyên “đá xế” (trộm xe gắn máy nói chung – PV), mà phương thức chủ yếu là “đua nóng” (đi rảo khắp nơi thấy xe gắn máy dựng ngoài đường không có người trông coi là bẻ khóa lấy trộm xe – PV) và tiêu thụ xe gian.
Theo tài liệu của công an, tại vùng giáp ranh này có hàng chục băng nhóm chuyên trộm cắp xe gắn máy (khoảng 2 – 4 tên bắt tay nhau lập thành một băng nhóm) với hơn 50 đối tượng hoành hành. Đa số các đối tượng này ở Nghệ An, Hải Dương, Nam Định vào đây thuê nhà trọ gần khu vực bến xe Lam Hồng (Bình Dương) hành nghề. Trong đó, băng Nghệ An hoạt động mạnh nhất với khoảng 25 đối tượng.
Đáng chú ý, hầu hết các đối tượng trộm cắp ở đây có tuổi đời khá trẻ, trên dưới 30 tuổi, ăn mặc lịch sự giả nhân viên văn phòng tiếp cận xe dựng trước cửa hàng, công ty, cơ quan xí nghiệp; dùng đoản bẻ khóa “đua nóng” hoặc dàn cảnh làm mất tập trung người trông coi xe để lấy trộm xe. Các băng nhóm này hành nghề có bài bản hơn nhiều so với đám con nghiện đánh lẻ (lấy được xe nào là mang đi bán để giải quyết cơn nghiện, không có đầu mối tiêu thụ “chuyên nghiệp” nên bán rất khó, bán xong rồi mới tiếp tục đi “ăn hàng”).
“Các băng nhóm chuyên nghiệp hành sự cũng chuyên nghiệp hơn, bài bản hơn: “ăn” được hàng chỉ cần “alô” cho bọn tiêu thụ “tiền trao cháo múc”, rồi tiếp tục đi “ăn hàng” ngay sau đó. Cho nên có ngày chúng bẻ khóa vài chiếc là chuyện bình thường. Bọn chúng thường hay chọn các loại xe có giá để trộm vì dễ tiêu thụ. Đặc biệt là nếu “ăn hàng” ở Bình Dương thì chúng đem qua địa bàn TP.HCM để giao dịch; trộm xe ở TP.HCM thì mang qua Bình Dương giao dịch. Thậm chí, chúng còn đem xe trộm cắp lên ô tô, chở lên Tây Ninh hoặc xuống Long An đưa qua Campuchia tiêu thụ. Xe trộm nào có giấy đăng ký xe (do chủ xe thường để giấy tờ trong cốp xe bị mất trộm – PV) thì làm giả giấy tờ cầm vào các tiệm cầm đồ được giá cao” – một cán bộ của PC45 tiết lộ.
Bằng chứng là đầu năm 2010, Công an TP.HCM đã triệt phá đường dây tiêu thụ và trộm cắp xe gắn máy, mà số vụ thực hiện trót lọt lên đến cả ngàn; trong đó một phần (cả trăm chiếc xe tay ga đắt tiền như: PS, SH, Dylan, Air Blade) được bọn trộm cầm cố ở hơn 20 tiệm cầm đồ tại TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Cần Thơ… Vào thời điểm này, Công an Bình Dương cũng triệt phá được một số băng trộm xe gắn máy thực hiện trót lọt và tiêu thụ hơn 1.000 xe. Cách đây vài tháng, Công an TP.HCM đã triệt phá ít nhất 2 băng “đá xế” của Nghệ An và bàn giao hơn chục đối tượng cho Công an Bình Dương thụ lý.
Video đang HOT
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện còn không ít băng trộm vẫn còn đang hoạt động như: băng nhóm do một người tên Thành hoạt động ở khu vực làng đại học thuộc Bình Dương, Q.Thủ Đức – TP.HCM; Đông (quê Nghệ An) hành nghề ở khu vực Sóng Thần; K. (quê Long An)…
Những chuyến xe bất an
Cũng theo hồ sơ trinh sát của Công an TP.HCM, các băng nhóm móc túi tập trung hoạt động tại khu vực giáp ranh này khá nhiều bởi “thiên thời địa lợi”. Quốc lộ 1A đi qua 3 tỉnh, thành của vùng giáp ranh, phương tiện xe buýt, xe khách lưu thông nhiều, tập trung đông người nên đây là “miền đất hứa” cho các băng nhóm móc túi tung hoành. Không ít đối tượng cộm cán đã bị bắt giữ nhiều lần, nhưng khi được tha về lại “ngựa quen đường cũ” như băng nhóm móc túi: Phước “lùn”, Cu Phương, Sanh “con”, Anh “cao”…
Nổi cộm trong đám đó là băng nhóm của Phước “lùn” với cả chục đối tượng. Lãnh địa hoạt động của chúng là trên các tuyến đường: quốc lộ 13 (TP.HCM, Bình Dương) – quốc lộ 1A (TP.HCM, Đồng Nai) – ngã ba Vũng Tàu… Đoạn đường này đã trở hành nỗi khiếp sợ của hành khách đi xe buýt, xe khách. Thành tích “ăn hàng” của băng nhóm Phước “lùn” có lẽ không có đối thủ. Băng nhóm này trung bình thực hiện trót lọt từ 5 – 10 vụ/ngày. Thực tế, hắn là đối tượng quá quen mặt với lực lượng trinh sát (PC45), Công an Q.Thủ Đức. Phước (có 1 tiền án về tội giết người) đã từng bị công an bắt 2 lần về tội trộm cắp cùng đồng bọn, trong đó lần cuối là năm 2009; mỗi lần bị bắt như thế băng nhóm này khai thực hiện trót lọt hàng trăm vụ. Đầu năm 2011, Phước được tha về và tiếp tục hành nghề. Do tiếng tăm của Phước khá nổi nên trong giới trộm cắp đều biết hắn. Vậy nên Cu Phương (một đối tượng trộm chuyên nghiệp, cầm đầu một băng trộm tại khu vực này cũng từng bị đi tù trước đó) đã phối hợp với băng của Phước “lùn” để tung hoành.
Cạnh tranh được với Phước “lùn” – Cu Phương chỉ có băng móc túi khét tiếng của hai anh em Sanh “con” và Quý. Hai đối tượng này quê ở miền Trung nhưng vào đây hành nghề tại vùng giáp ranh hàng chục năm nay nên ngón nghề cũng thuộc loại siêu hạng. Vừa qua (năm 2011), Công an TP.HCM đã bắt được Quý khi đang “ăn hàng” trên xa lộ Hà Nội, nhưng cũng là lúc người em ruột của hắn là Sanh “con” được tha tù. Sanh “con” đã tập hợp đồng bọn để tiếp tục hoạt động. Ngoài các băng nhóm nói trên, còn một số băng móc túi cộm cán khác như: Anh “cao”, Kiên “con”, Tâm, Nhân…
Một cán bộ của Đội chống trộm cắp, Công an TP.HCM nhận định: “Bọn trộm cắp vùng giáp ranh này rất táo tợn, truy bắt chúng gặp nhiều khó khăn. Bọn chúng thường xuyên thay đổi chỗ ở, trong một ngày chúng có thể gây án ở địa phận các tỉnh khác nhau nên gây không ít khó khăn cho chúng tôi trong việc triệt phá. Nhiều chuyên án sau khi khám phá, chúng tôi phải bàn giao hồ sơ đối tượng cho tỉnh bạn thụ lý. Như vậy tỉnh bạn lại phải bắt đầu theo dõi lại từ đầu, mất thêm thời gian. Đa số bọn trộm cắp này sau khi đi tù về đều quay lại con đường cũ. Có đối tượng chúng tôi bắt 2 – 3 lần cùng một tội danh trộm cắp tài sản… Tuy nhiên, các đối tượng mà báo nêu, chúng tôi khẳng định đều nằm trong tầm ngắm của trinh sát”.
Xe trộm cắp thu giữ được – ảnh: Đàm Huy
Theo Thanh Niên
Tội phạm vùng "tam giác đen"
Nhóm phóng viên của Thanh Niên vừa có những ngày thâm nhập, tìm hiểu hoạt động của các băng giang hồ tại vùng giáp ranh giữa TP.HCM, Đồng Nai và Bình Dương.
Theo Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (Bộ Công an), vùng giáp ranh giữa TP.HCM - Đồng Nai - Bình Dương là 1 trong 16 cụm địa bàn phức tạp nhất cả nước. Các băng nhóm thường gọi đây là "vùng dạt biên", tức là nơi giang hồ khắp nơi quy tụ về hoạt động. Địa bàn của "tam giác" này kéo dài theo 2 trục lộ chính. Trục thứ nhất theo QL1A, từ ngã ba Vũng Tàu (Đồng Nai) nối Bình Dương về Q.Thủ Đức (TP.HCM). Trục thứ hai, dọc theo QL1 (từ cầu vượt Sóng Thần về phía H.Hóc Môn). Hiện công an các địa phương đang đối mặt với 24 băng nhóm hoạt động đòi nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản, cướp, trộm cắp tại khu vực này.
Bọn chúng xuất hiện ở cây xăng Hiệp Phú 2 để quan sát xe tải trước khi "ăn hàng" - Ảnh: Công Nguyên
Bám sát băng đầu trộm đuôi cướp
Giữa tháng 11.2011, Báo Thanh Niên nhận được thông tin phản ánh của cánh tài xế xe tải đường dài về nạn trộm cướp dọc QL1A (đoạn qua địa bàn giáp ranh Đồng Nai - Bình Dương - TP.HCM), dữ dằn nhất là đoạn từ nghĩa trang TP.HCM đến ngã ba Vũng Tàu.
Chúng tôi chọn cây xăng Hiệp Phú 2 (xã Bình Thắng, TX.Dĩ An, Bình Dương) để bắt đầu tìm hiểu về một băng chuyên "trộm mà như ăn cướp" đang hoành hành tại đây. Hầu hết cánh tài xế chúng tôi tiếp xúc đều khiếp sợ băng nhóm này.
Sau 1 tuần bám địa bàn, chúng tôi phát hiện một băng trộm khoảng 6 tên (5 nam, 1 nữ) đi trên 3 xe gắn máy khống chế khu vực trên. Chúng hoạt động từ 2 - 7 giờ sáng, luẩn quẩn săn "mồi", phát hiện xe tải nào không có người trông coi là ập đến. Thủ đoạn của chúng rất táo tợn, khi tiếp cận, 2 tên leo lên buồng lái, nếu tài xế để cửa mở thì lấy tài sản như ví, tiền... Sau đó, 2 tên đứng chốt 2 cửa bên hông, nếu tài xế phát hiện muốn mở cửa xuống tri hô sẽ bị 2 tên này chốt cửa bên ngoài nhốt lại bên trong để đồng bọn tháo trộm bình ắc quy. Ngoài ra, 1 đồng bọn đứng xa hiện trường có nhiệm vụ cảnh giới công an.
Tôi từng can ngăn nhưng bị bọn chúng 2 lần tấn công. Một lần bị ném đá, một lần bị dùng cây đánh vào đầu "
Một bảo vệ của công ty tại địa bàn giáp ranh Đồng Nai - Bình Dương - TP.HCM
Khoảng 24 giờ ngày 16.11, chúng tôi vào vai tài xế, phụ xe của xe tải và có mặt tại cây xăng Hiệp Phú 2. Lúc đó, có khoảng chục xe tải đang đậu phía trước cây xăng. Đến 3 giờ 30 thì phát hiện 5 thanh niên đi trên 3 xe gắn máy tiến sát chiếc xe tải 76K-417... Chúng tôi liền tiếp cận, dùng camera bí mật ghi hình. Cách hiện trường khoảng 30m, 1 đối tượng đi xe Future màu đỏ đứng dưới gốc cây xanh ven đường quan sát đối tượng đi xe Wave màu xanh đậm đứng gần hiện trường cảnh giới 3 đối tượng khác chạy chiếc Attila tiếp cận một xe tải. Vừa ập đến, chúng leo lên buồng lái quan sát nhưng không phát hiện tài sản nào đáng giá nên quay xuống tháo trộm 2 bình ắc quy nằm bên hông xe. Phụ xe treo võng ngủ cách bình ắc quy hơn 1m nhưng chúng vẫn ngang nhiên dùng kềm cộng lực cắt dây xích sắt, mở bù lon. Chúng tôi lân la hỏi chuyện đối tượng đi xe Wave màu xanh đậm, tên này trợn mắt: "Mày biến chỗ khác cho tụi tao làm ăn". Chỉ 5 phút sau, bọn chúng đã tháo xong, lấy 2 bình ắc quy bỏ lên xe Attila chạy ngược chiều về hướng nghĩa trang thành phố. Khoảng 10 phút sau, bọn chúng ung dung quay trở lại hiện trường, tiếp tục tìm "con mồi" khác...
Trong lúc đó, mãi đến 5 giờ sáng, khổ chủ mới phát hiện bị mất trộm. Anh N.T.Đức (45 tuổi, quê Quảng Ngãi, tài xế xe 76K-417...) buồn bã: "Tôi có nghe các đồng nghiệp rỉ tai nhau về tình trạng trộm cắp dọc đoạn đường này nhưng buồn ngủ quá, không cảnh giác nổi".
Dù các tài xế luôn tìm cách bảo vệ nhưng bọn trộm vẫn lấy được bình ắc quy và các tài sản khác (Ảnh: Công Nguyên - Đàm Huy)
"Ngủ tiếp đi, dậy làm gì cho mất mạng"
Các đêm trước đó tại địa điểm trên, chúng tôi ghi nhận cũng chính băng nhóm này trộm 6 bình ắc quy của 3 xe tải mang biển số TP.HCM, Đà Nẵng và Nam Định.
Nhưng có lẽ "đau" nhất là trường hợp của anh Nhạc (tài xế xe tải Đà Nẵng). Anh Nhạc vừa tấp xe vào cây xăng Hiệp Phú 2, gục đầu lên vô lăng định chợp mắt một chút thì chiếc quạt trên buồng lái bất ngờ tắt. Theo kinh nghiệm, anh biết là bọn trộm đang tháo ắc quy. Anh mở cửa định nhảy xuống nhưng 2 cửa đã bị 2 đối tượng chặn lại, nhìn qua gương chiếu hậu thấy 4 tên đang tháo bình ắc quy. Khi tung được cửa nhảy ra thì cũng đành bất lực nhìn hai chiếc bình ắc quy trị giá gần 10 triệu đồng bị chúng chở đi. Anh Nhạc cho biết đó không phải lần đầu tiên anh gặp "xui" tại đây. Hồi giữa năm 2010, trong lúc đậu xe, ngủ quên, anh cũng bị chúng lấy cắp bình ắc quy và chiếc ví có hơn 5 triệu đồng.
Với cánh tài xế, dừng chân ở khu vực này luôn thường trực sự bất an. Có hôm bọn tội phạm thậm chí táo tợn đến mức cầm dao xông lên buồng lái để... canh chừng tài xế ngủ cho đồng bọn phía dưới lấy bình, hút dầu, bẻ kính chiếu hậu, mặt nạ xe. Đến bây giờ, anh Ban (một tài xế xe tải đường dài ở Hà Nội) vẫn còn bị ám ảnh. Anh kể, vào một đêm cuối năm 2010, anh đang ngủ thì nghe tiếng động lạ từ phía dưới gầm xe. Anh vùng dậy và "chết đứng" khi thấy 2 thanh niên cầm hai cây dao kê vào cổ mình. Anh chưa kịp tri hô thì bọn chúng dọa: "Ngủ tiếp đi, dậy làm gì cho mất mạng". Bất lực, anh đành nằm im.
Các đối tượng này cũng sẵn sàng tấn công tài xế nếu bị phát hiện, đánh dằn mặt những ai cản trở việc "làm ăn" của bọn chúng. "Tôi từng can ngăn nhưng bị bọn chúng 2 lần tấn công. Một lần bị ném đá, một lần bị dùng cây đánh vào đầu. Tôi có báo cho dân phòng đi tuần tra ở đây nhưng bọn này vẫn ngày càng manh động, công khai hơn", một bảo vệ của công ty trên đoạn đường này bức xúc.
Theo Thanh Niên
Lại bùng phát đánh bạc vùng ven Tình trạng đánh bạc bằng máy tại vùng nội thành TP.HCM đã giảm sau khi Báo Thanh Niên có nhiều bài phản ánh. Tuy nhiên, gần đây máy đánh bạc lại nổi lên rầm rộ tại một số vùng ven TP.HCM. Công khai hoạt động Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, tại vùng giáp ranh Q.Tân Phú và Q.6, có gần 20...