Tội phạm vùng “tam giác đen”: Khách vãng lai thành miếng mồi ngon
Tuy số lượng các băng cướp, cưỡng đoạt tài sản không nhiều như trộm cắp, nhưng chúng hung dữ và táo tợn, gây án tập trung vào hành khách trên các chuyến xe qua lại khu vực này…
Cướp “cạn”
Trong lúc chúng tôi đang điều tra về băng “đầu trộm đuôi cướp” ở cây xăng Hiệp Phú 2, người dân tại khu vực cầu vượt Sóng Thần (P.Tam Bình, TX Dĩ An, Bình Dương) gọi đến đường dây nóng Báo Thanh Niên tỏ thái độ bức xúc về sự lộng hành của băng nhóm cưỡng đoạt tài sản do tên T. (bị chột mắt, quê Nghệ An) cầm đầu. Tìm hiểu, chúng tôi phát hiện băng nhóm này có khoảng 6 – 8 tên. Mỗi lần đi “hành sự”, bọn chúng hẹn nhau tập trung dưới cầu vượt Sóng Thần (Bình Dương); sau đó một tốp đi vào Bến xe Miền Đông (BXMĐ) săn “mồi”, một tốp ở lại cầu vượt, chờ đồng bọn ở bến xe gọi điện thoại mô tả “con mồi” đang đi trên xe khách nào để bọn chúng chặn lại, lên xe cưỡng đoạt tài sản…
Một nhà xe bị kẻ lạ mặt tấn công tại vùng “tam giác đen” – Ảnh: C.T.V
Một phụ nữ bán nước gần cầu vượt Sóng Thần (xin được giấu tên) cho biết: “Băng nhóm này hoạt động từ tờ mờ sáng đến chiều tối. Thủ đoạn của bọn chúng là hành nghề “cò” xe khách chạy tuyến bắc – nam để lấy tiền “cò”. Nhưng lợi dụng lúc đẩy khách lên xe, bọn chúng ép hành khách đưa tài sản, nếu không sẽ bị ăn đòn…”. Hầu hết nhà xe qua đây đều nhẵn mặt và rành chiêu thức của chúng nhưng không ai dám hó hé vì muốn được yên thân làm ăn.
Ngoài băng nhóm của T. “chột” còn có băng nhóm của Hoàng “khùng” với phương thức dữ dằn hơn nhiều. Cũng bằng thủ đoạn tương tự, đồng bọn của Hoàng “khùng” giả “cò” xe, nhà xe vào BXMĐ bắt khách, rồi chở ra QL1A, QL13 thuộc địa phận giáp ranh Bình Dương – TP.HCM đưa lên xe khách, dùng hung khí, kim tiêm dính máu… đe dọa cưỡng đoạt tài sản. Cách đây hơn 1 tháng, băng nhóm này bị Công an TP.HCM bắt giữ…
Hoàng “khùng” cùng đồng bọn gây ra hàng trăm vụ cướp
Một tài xế xe khách (xin được giấu tên) chạy tuyến TP.HCM – Quảng Nam bức xúc: “Xe mỗi lần đi qua khu vực cầu vượt Sóng Thần đều có một nhóm người đưa khách lên xe, sau đó đi ra băng ghế phía sau cưỡng đoạt lấy hết sạch tài sản của khách. Biết như vậy nhưng tôi đang ở thế kẹt nên không dám đứng ra tố cáo mà chỉ hướng dẫn người dân đến trình báo công an. Tuần vừa rồi, tôi kiên quyết không cho chúng lên xe, lập tức bị chúng chửi bới, đe dọa… Còn tại ngã tư Bình Phước thì có một băng chuyên bán thuốc “gia truyền” thu tiền của hành khách, rồi lợi dụng sơ hở nhảy xuống xe tẩu thoát. Vì vậy, khi xe chuẩn bị đi qua 2 khu vực trên, tôi đều thông báo cho hành khách biết thủ đoạn của 2 băng nhóm nói trên để hành khách đề phòng, nhưng một số hành khách vẫn gặp nạn”.
Video đang HOT
Một phó giám đốc của BXMĐ thừa nhận: “Thời gian qua, nhiều nhà xe, hành khách có đến trình báo kẻ gian lên xe móc túi, cướp, đe dọa cưỡng đoạt tài sản của hành khách gây mất an ninh trật tự. Tất cả vụ việc trên, BX đều trình báo công an. Sau đó, Công an TP.HCM cũng đã xuống phối hợp với BX lên phương án truy bắt và thực tế đã triệt phá được một số băng nhóm. Tuy nhiên, khi công an tạm ngưng truy bắt thì chúng lộng hành trở lại”.
Giang hồ bảo kê cho trộm, cướp
Cái khác ở vùng giáp ranh so với những nơi khác là hầu hết các băng nhóm trộm, cướp ở đây đều được một số băng nhóm hoạt động theo kiểu “ xã hội đen” bảo kê, nên nạn trộm, cướp càng lộng hành. Công an cũng thừa nhận có hiện tượng trên. “QL1A đoạn từ ngã tư Bình Phước (TP.HCM) qua khu vực cầu vượt Sóng Thần (Bình Dương) đến ngã ba Vũng Tàu (Đồng Nai) là tuyến giao thông đầu mối quan trọng; đồng thời là địa giới hành chính mang tính đặc thù nên thường xuyên bị bỏ ngỏ, buông lỏng quản lý trong lĩnh vực an ninh trật tự. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho tội phạm phát sinh và phát triển, hoạt động trong một thời gian dài mà không bị các cơ quan bảo vệ pháp luật tấn công và triệt phá”, một cán bộ của Công an TP.HCM nhận định.
Nhiều năm nay, Công an TP.HCM đã tung lực lượng xuống điều tra, lập chuyên án khám phá. Qua đó, trinh sát đã phát hiện băng nhóm Hải “mèo” vừa hành nghề “cò” xe vừa cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản kiêm “bảo kê” cho các băng nhóm tội phạm khác tại khu vực cầu vượt Sóng Thần thuộc Dĩ An (Bình Dương) là nổi cộm nhất. Hải “mèo” thường trú Q.9 (TP.HCM) nhưng qua tạm trú xã Bình An, H.Dĩ An (Bình Dương). Dưới trướng của Hải “mèo” bấy giờ có hàng chục “đàn em” máu lạnh. Trong số đó, trinh sát nắm được danh tính một số thân tín của Hải, như Tuấn “cường”, Hoàng “gù”, Thu “nhí”, Cường “cắc”, Tám hùng, Bé Tư, Tài “chó”… Hoạt động song song với băng nhóm của Hải “mèo” là băng nhóm của Hiệp “lambađa”, Tâm “bi”, Dũng “bò”, gây ra hàng loạt vụ cưỡng đoạt tài sản, trộm cướp với số tiền hơn 1 tỉ đồng. Sau đó, Công an TP.HCM đã triệt phá các băng nhóm tội phạm này. Tuy vậy, nhiều đối tượng đến nay đã được tha tù và có dấu hiệu đang tập hợp hoạt động trở lại…
Cảnh giác cuối năm
Một cán bộ của Công an TP.HCM khuyến cáo: “Hiện có một số đối tượng được tha tù về và đang có dấu hiệu hoạt động trở lại như H., T., D… song đều nằm trong tầm ngắm của công an. Gần tết, hành khách đi về quê ăn tết, tập trung đông (thường mang tiền về quê); đây là cơ hội cho kẻ gian ra tay nên hành khách cần cảnh giác cao độ. Nhà xe cần thực hiện đúng quy định, không dừng xe dọc đường bắt khách tạo điều kiện cho kẻ gian lên xe gây án…”.
Theo Thanh Niên
Tội phạm vùng "tam giác đen" - Kỳ 2: Mất ngủ vì trộm cắp, móc túi
Mấy năm qua, các băng trộm cắp xuất hiện ở khu vực giáp ranh này khá nhiều. Người dân, sinh viên, công nhân đã mất ăn mất ngủ vì đám trộm cắp ngày càng đông đảo và táo tợn.
Đường dây tiêu thụ xe gian quy mô lớn tại vùng giáp ranh bị sa lưới - ảnh: Đàm Huy
Hàng chục băng chuyên "thịt" xe gắn máy
Nỗi ám ảnh lớn nhất của người dân khu vực giáp ranh là mất trộm xe. Mấy năm trở lại đây, vùng này đã trở thành địa điểm lý tưởng cho bọn tội phạm chuyên "đá xế" (trộm xe gắn máy nói chung - PV), mà phương thức chủ yếu là "đua nóng" (đi rảo khắp nơi thấy xe gắn máy dựng ngoài đường không có người trông coi là bẻ khóa lấy trộm xe - PV) và tiêu thụ xe gian.
Theo tài liệu của công an, tại vùng giáp ranh này có hàng chục băng nhóm chuyên trộm cắp xe gắn máy (khoảng 2 - 4 tên bắt tay nhau lập thành một băng nhóm) với hơn 50 đối tượng hoành hành. Đa số các đối tượng này ở Nghệ An, Hải Dương, Nam Định vào đây thuê nhà trọ gần khu vực bến xe Lam Hồng (Bình Dương) hành nghề. Trong đó, băng Nghệ An hoạt động mạnh nhất với khoảng 25 đối tượng.
Đáng chú ý, hầu hết các đối tượng trộm cắp ở đây có tuổi đời khá trẻ, trên dưới 30 tuổi, ăn mặc lịch sự giả nhân viên văn phòng tiếp cận xe dựng trước cửa hàng, công ty, cơ quan xí nghiệp; dùng đoản bẻ khóa "đua nóng" hoặc dàn cảnh làm mất tập trung người trông coi xe để lấy trộm xe. Các băng nhóm này hành nghề có bài bản hơn nhiều so với đám con nghiện đánh lẻ (lấy được xe nào là mang đi bán để giải quyết cơn nghiện, không có đầu mối tiêu thụ "chuyên nghiệp" nên bán rất khó, bán xong rồi mới tiếp tục đi "ăn hàng").
"Các băng nhóm chuyên nghiệp hành sự cũng chuyên nghiệp hơn, bài bản hơn: "ăn" được hàng chỉ cần "alô" cho bọn tiêu thụ "tiền trao cháo múc", rồi tiếp tục đi "ăn hàng" ngay sau đó. Cho nên có ngày chúng bẻ khóa vài chiếc là chuyện bình thường. Bọn chúng thường hay chọn các loại xe có giá để trộm vì dễ tiêu thụ. Đặc biệt là nếu "ăn hàng" ở Bình Dương thì chúng đem qua địa bàn TP.HCM để giao dịch; trộm xe ở TP.HCM thì mang qua Bình Dương giao dịch. Thậm chí, chúng còn đem xe trộm cắp lên ô tô, chở lên Tây Ninh hoặc xuống Long An đưa qua Campuchia tiêu thụ. Xe trộm nào có giấy đăng ký xe (do chủ xe thường để giấy tờ trong cốp xe bị mất trộm - PV) thì làm giả giấy tờ cầm vào các tiệm cầm đồ được giá cao" - một cán bộ của PC45 tiết lộ.
Bằng chứng là đầu năm 2010, Công an TP.HCM đã triệt phá đường dây tiêu thụ và trộm cắp xe gắn máy, mà số vụ thực hiện trót lọt lên đến cả ngàn; trong đó một phần (cả trăm chiếc xe tay ga đắt tiền như: PS, SH, Dylan, Air Blade) được bọn trộm cầm cố ở hơn 20 tiệm cầm đồ tại TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Cần Thơ... Vào thời điểm này, Công an Bình Dương cũng triệt phá được một số băng trộm xe gắn máy thực hiện trót lọt và tiêu thụ hơn 1.000 xe. Cách đây vài tháng, Công an TP.HCM đã triệt phá ít nhất 2 băng "đá xế" của Nghệ An và bàn giao hơn chục đối tượng cho Công an Bình Dương thụ lý.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện còn không ít băng trộm vẫn còn đang hoạt động như: băng nhóm do một người tên Thành hoạt động ở khu vực làng đại học thuộc Bình Dương, Q.Thủ Đức - TP.HCM; Đông (quê Nghệ An) hành nghề ở khu vực Sóng Thần; K. (quê Long An)...
Những chuyến xe bất an
Cũng theo hồ sơ trinh sát của Công an TP.HCM, các băng nhóm móc túi tập trung hoạt động tại khu vực giáp ranh này khá nhiều bởi "thiên thời địa lợi". Quốc lộ 1A đi qua 3 tỉnh, thành của vùng giáp ranh, phương tiện xe buýt, xe khách lưu thông nhiều, tập trung đông người nên đây là "miền đất hứa" cho các băng nhóm móc túi tung hoành. Không ít đối tượng cộm cán đã bị bắt giữ nhiều lần, nhưng khi được tha về lại "ngựa quen đường cũ" như băng nhóm móc túi: Phước "lùn", Cu Phương, Sanh "con", Anh "cao"...
Nổi cộm trong đám đó là băng nhóm của Phước "lùn" với cả chục đối tượng. Lãnh địa hoạt động của chúng là trên các tuyến đường: quốc lộ 13 (TP.HCM, Bình Dương) - quốc lộ 1A (TP.HCM, Đồng Nai) - ngã ba Vũng Tàu... Đoạn đường này đã trở hành nỗi khiếp sợ của hành khách đi xe buýt, xe khách. Thành tích "ăn hàng" của băng nhóm Phước "lùn" có lẽ không có đối thủ. Băng nhóm này trung bình thực hiện trót lọt từ 5 - 10 vụ/ngày. Thực tế, hắn là đối tượng quá quen mặt với lực lượng trinh sát (PC45), Công an Q.Thủ Đức. Phước (có 1 tiền án về tội giết người) đã từng bị công an bắt 2 lần về tội trộm cắp cùng đồng bọn, trong đó lần cuối là năm 2009; mỗi lần bị bắt như thế băng nhóm này khai thực hiện trót lọt hàng trăm vụ. Đầu năm 2011, Phước được tha về và tiếp tục hành nghề. Do tiếng tăm của Phước khá nổi nên trong giới trộm cắp đều biết hắn. Vậy nên Cu Phương (một đối tượng trộm chuyên nghiệp, cầm đầu một băng trộm tại khu vực này cũng từng bị đi tù trước đó) đã phối hợp với băng của Phước "lùn" để tung hoành.
Cạnh tranh được với Phước "lùn" - Cu Phương chỉ có băng móc túi khét tiếng của hai anh em Sanh "con" và Quý. Hai đối tượng này quê ở miền Trung nhưng vào đây hành nghề tại vùng giáp ranh hàng chục năm nay nên ngón nghề cũng thuộc loại siêu hạng. Vừa qua (năm 2011), Công an TP.HCM đã bắt được Quý khi đang "ăn hàng" trên xa lộ Hà Nội, nhưng cũng là lúc người em ruột của hắn là Sanh "con" được tha tù. Sanh "con" đã tập hợp đồng bọn để tiếp tục hoạt động. Ngoài các băng nhóm nói trên, còn một số băng móc túi cộm cán khác như: Anh "cao", Kiên "con", Tâm, Nhân...
Một cán bộ của Đội chống trộm cắp, Công an TP.HCM nhận định: "Bọn trộm cắp vùng giáp ranh này rất táo tợn, truy bắt chúng gặp nhiều khó khăn. Bọn chúng thường xuyên thay đổi chỗ ở, trong một ngày chúng có thể gây án ở địa phận các tỉnh khác nhau nên gây không ít khó khăn cho chúng tôi trong việc triệt phá. Nhiều chuyên án sau khi khám phá, chúng tôi phải bàn giao hồ sơ đối tượng cho tỉnh bạn thụ lý. Như vậy tỉnh bạn lại phải bắt đầu theo dõi lại từ đầu, mất thêm thời gian. Đa số bọn trộm cắp này sau khi đi tù về đều quay lại con đường cũ. Có đối tượng chúng tôi bắt 2 - 3 lần cùng một tội danh trộm cắp tài sản... Tuy nhiên, các đối tượng mà báo nêu, chúng tôi khẳng định đều nằm trong tầm ngắm của trinh sát".
Xe trộm cắp thu giữ được - ảnh: Đàm Huy
Theo Thanh Niên
Tội phạm vùng "tam giác đen" Nhóm phóng viên của Thanh Niên vừa có những ngày thâm nhập, tìm hiểu hoạt động của các băng giang hồ tại vùng giáp ranh giữa TP.HCM, Đồng Nai và Bình Dương. Theo Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (Bộ Công an), vùng giáp ranh giữa TP.HCM - Đồng Nai - Bình Dương là 1 trong 16 cụm địa bàn phức...