Tội phạm và những “ông trùm” án ngàn tỉ
Dư luận vẫn còn nóng hổi với vụ “trùm lừa” Dương Thanh Cường vừa bị tòa án tuyên phạt tù chung thân, có xuất thân là kẻ tội phạm với “thành tích” khá dày, thì nay lại xuất hiện một “ông trùm” khác với những “bề dày thành tích” không kém.
Theo đó, những khoản tiền thiệt hại cực lớn trong vụ án kinh tế đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (gọi tắt là VNCB) vừa được Cơ quan CSĐT Bộ Công an hoàn tất kết luận điều tra. “Ông trùm” trong vụ án này là Phạm Công Danh có tiền án, tiền sự khá “nổi” về lạm dụng, chiếm đoạt tài sản, vậy mà vẫn làm “sếp” tại VNCB và gây ra trọng án.
Phạm Công Danh có “bề dày” về tiền án và tiền sự trước khi gây ra những vụ trọng án hàng ngàn tỉ… !
Tổ kiểm soát bị… vô hiệu hóa
Nguồn tin của Báo Lao Động & Đời sống, Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa tống đạt kết luận điều tra vụ án xảy ra tại VNCB và đề nghị truy tố Phạm Công Danh (SN 1965, quê tỉnh Quảng Ngãi, nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Cty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh) và các đồng phạm… đã gây thiệt hại hơn 9.133 tỉ đồng trong vụ án này. Ngoài ra, Cơ quan CSĐT cũng cho biết đã tách nhiều vụ để xử lý bằng những vụ án khác với số tiền thiệt hại cực lớn.
Theo kết luận điều tra, năm 2012, sau khi được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận chủ trương về phương án tái cơ cấu TrustBank (ngày 6.9.2012), Phạm Công Danh đã nắm toàn quyền kiểm soát, chi phối TrustBank, sau này đổi tên là Ngân hàng Xây dựng – VNCB. Trong khi ngân hàng này đang bị NHNN đặt vào tình trạng kiểm soát và mọi giao dịch có giá trị từ 5 tỉ đồng trở lên phải có ý kiến của Tổ kiểm soát của NHNN, thì lợi dụng nắm quyền chi phối, Phạm Công Danh – người đang giữ vị trí Chủ tịch HĐQT VNCB – đã chỉ đạo HĐQT, ban điều hành và ban kiểm soát VNCB, cấp dưới thuộc Tập đoàn Thiên Thanh và VNCB thực hiện lập các hồ sơ khống để rút tiền, vay tiền của VNCB nhằm trả các khoản nợ, trả lãi ngoài và chi tiêu cá nhân.
Ngoài Cty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh, Phạm Công Danh còn lập 29 doanh nghiệp khác và nhờ những người thân, quen của mình đứng tên làm giám đốc, đứng tên sở hữu cổ phần của VNCB (nhóm cổ đông chi phối 84,92%). Phạm Công Danh quản lý toàn bộ con dấu, giấy chứng nhận cổ phần của VNCB. Kết quả điều tra xác định, Phạm Công Danh là “ông chủ” duy nhất và có quyền quyết định tại VNCB và các doanh nghiệp liên quan. Do vậy, nhiều khoản tiền được Phạm Công Danh rút ra từ VNCB và khai là sử dụng để “chăm sóc khách hàng”, duy trì ổn định của ngân hàng, chi vào việc chung của Tập đoàn Thiên Thanh, nhưng bản chất việc làm đó là phục vụ cho lợi ích bản thân Phạm Công Danh.
Bên cạnh đó, các cán bộ nhân viên VNCB gồm 4 bị can bị khởi tố là Hà Tấn Phước, Lê Văn Thanh, Phạm Thế Tuân và Ngô Văn Thanh – từng là thành viên Tổ giám sát của NHNN đặt tại VNCB – đã phạm vào tội “Thiếu trách nhiệm….” theo Điều 285 BLHS. Bởi tổ giám sát này đã để cho Phạm Công Danh và các đồng phạm rút số tiền hơn 18.678 tỉ đồng.
Hàng loại phi vụ béo bở
Hành vi của Phạm Công Danh được Cơ quan CSĐT Bộ Công an xác định là phạm vào tội “Cố ý làm trái…”, theo Điều 165 BLHS. Hành vi cố ý làm trái của Phạm Công Danh xác định cụ thể qua các phi vụ như lập hồ sơ khống về nâng cấp hệ thống Corebanking gây thiệt hại cho VNCB hơn 62 tỉ đồng. Phi vụ này, 7 bị can liên quan đã bị khởi tố gồm Phạm Công Danh, Phan Thành Mai (nguyên Tổng GĐ VNCB), Mai Hữu Khương, Nguyễn Quốc Viễn, Phan Minh Tùng, Phạm Việt Thép và Lê Công Thảo. Đến phi vụ lập hồ sơ khống thuê trụ sở tại 268 Tô Hiến Thành, phường 15, quận 10, TPHCM, gây thiệt hại cho VNCB hơn 181 tỉ đồng, phi vụ này khởi tố 6 bị can gồm: Phạm Công Danh, Phan Thành Mai, Mai Hữu Khương, Nguyễn Quốc Viễn, Bạch Quốc Hào và Trần Văn Bình.
Chưa hết, phi vụ lập hồ sơ khống trong vụ thuê trụ sở tại 816 Sư Vạn Hạnh, phường 12, quận 10, TPHCM, gây thiệt hại cho VNCB 400 tỉ đồng, vụ này khởi tố 5 bị can gồm: Phạm Công Danh, Phan Thành Mai, Mai Hữu Khương, Nguyễn Quốc Viễn và Nguyễn Thị Kim Vân. Chưa hết, vụ rút 5.190 tỉ đồng nhưng không được sự đồng ý và không có chữ ký của chủ tài khoản Trần Ngọc Bích trên các ủy nhiệm chi. Đối với hành vi này đã khởi tố 4 bị can gồm: Phạm Công Danh, Phan Thành Mai, Mai Hữu Khương và Hoàng Đình Quyết. Với hàng loạt phi vụ khác ngoài những phi vụ nêu trên, Phạm Công Danh và các đồng phạm đã gây tổng thiệt hại mà Cơ quan CSĐT xác định là hơn 7.037 tỉ đồng. Ngoài ra, hành vi của Phạm Công Danh và các đồng phạm đã phạm vào tội “Vi phạm quy định về cho vay…”, theo Điều 179 BLHS trong việc cho 14 Cty vay tổng cộng 5.000 tỉ đồng (chỉ mới tất toán một khoản vay 300 tỉ đồng), đối với hành vi này, Cơ quan CSĐT đã khởi tố 33 bị can.
Theo Cơ quan CSĐT Bộ Công an, trong vụ án này chỉ đề nghị truy tố Phạm Công Danh và đồng phạm liên quan đến các hành vi rút số tiền hơn 12.057 tỉ đồng của VNCB, trong đó gây thiệt hại cho VNCB hơn 9.133 tỉ đồng. Đây là hành vi “cố ý làm trái” và “vi phạm về cho vay…”. Ngoài vụ án này, cơ quan điều tra cũng tách những vụ khác để xử lý bằng những vụ án khác sau này đối với Phạm Công Danh và đồng phạm về gây thiệt hại những khoản tiền “khủng” khác nữa, theo xác định ban đầu là có con số tổng cộng lên đến hơn 16.000 tỉ đồng.
Video đang HOT
Dương Thanh Cường.
Những vụ án ngàn tỉ và “ông trùm” tội phạm
Theo Cơ quan điều tra Bộ Công an, Phạm Công Danh (SN 1965, tại tỉnh Quảng Ngãi) từng mang tiền án, tiền sự. Ngày 20.6.1990, Phạm Công Danh bị Công an tỉnh Quảng Ngãi bắt về hàng loạt tội, gồm “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản XHCN” theo Điều 134 BLHS năm 1985, tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN” theo Điều 135 BLHS năm 1985 và tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân” theo Điều 157 BLHS năm 1985. Kết quả, Phạm Công Danh bị TAND tối cao xử phạt 6 năm tù giam về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo Điều 135 BLHS năm 1985. Như vậy, trước khi làm “sếp” VNCB, Phạm Công Danh đã có “thành tích” về tiền án, tiền sự, vậy mà không hiểu vì sao, Phạm Công Danh lại được nắm chức vụ, quyền hạn cao đến như vậy, rồi để xảy ra vụ trọng án gây thiệt hại nghiêm trọng như trên?
Dư luận vẫn còn nhớ vụ án lừa đảo chiếm đoạt hàng ngàn tỉ đồng xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam – Agribank chi nhánh 6, TPHCM và tại Agribank Bình Chánh, TPHCM mà chính Dương Thanh Cường (nguyên Tổng Giám đốc Cty cổ phần Tập đoàn Bình Phát) là một “trùm lừa”. Ngày 5.11.2015 vừa qua, TAND TPHCM đã tuyên bản án hình sự sơ thẩm, phạt Dương Thanh Cường tù chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt số tiền của nhà nước lên đến hàng ngàn tỉ đồng (hơn 1.127 tỉ đồng).
Điều kỳ lạ là Dương Thanh Cường cũng có “thành tích” phạm tội trước khi gây ra những cú lừa ngàn tỉ, từng nhận tiền án, tiền sự về nhiều tội. Dương Thanh Cường (SN 1966, người gốc Hoa, tên gọi khác là Mã Cường, ngụ quận 6, TPHCM) từng bị bắt từ những năm 1994. Ngày 27.6.1996, Cường bị TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tuyên phạt 18 năm tù về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa”, 13 năm tù về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của công dân” và 3 năm tù về tội “trốn thuế”, tổng cộng hình phạt là 20 năm tù.
Điều khiến Dương Thanh Cường khét tiếng thời đó là thành tích lừa đảo và phạm nhiều tội cùng lúc, bởi ngày 27.6.1996 Cường bị TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tuyên phạt như nêu trên, thì chỉ sau đó chưa đầy 2 tháng, tức vào ngày 11.8.1996, Dương Thành Cường lại bị TAND tỉnh Tiền Giang tuyên phạt 10 năm tù về tội “đưa hối lộ”. Như vậy, trong năm 1996, Dương Thanh Cường đã cùng lúc bị 2 TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và Tiền Giang tuyên phạt với hàng loạt tội danh và tổng hợp hình phạt mà Dương Thanh Cường phải chấp hành là 20 năm tù, thời hạn tù tính từ năm 1994, bởi Cường bị bắt tạm giam sau 2 năm mới đưa ra xét xử. Đến ngày 1.2.2005, Dương Thanh Cường được đặc xá tha tù trước thời hạn tại Trại giam Đồng Tháp.
Ngay sau khi ra tù, Dương Thanh Cường thành lập hàng loạt doanh nghiệp không để kinh doanh mà lại lao vào con đường phạm tội với những cú lừa kinh hoàng hơn, mức độ lừa táo tợn hơn và số tiền lừa chiếm lên đến con số hàng ngàn tỉ đồng.
Theo Chí Hải
Lao động
Mánh xe ôm lên ngôi "ông trùm"
Gia nhập vào đội quân vận chuyển hàng lậu cho những ông chủ nổi tiếng ở Móng Cái, nhờ sự gian xảo, đôi khi "làm liều" mà chẳng mấy chốc Thắng "Cành" đã vươn lên vị thế là một "ông trùm" buôn lậu.
Gian manh, xảo quyệt
Theo tài liệu mà PV thu thập được, Lương Quang Thắng (tức Thắng "Cành", SN 1978) là một kẻ đầy mưu mô, xảo quyệt. Thậm chí, hắn được xếp hạng gian manh và khá nhanh nhẹn trong việc "ngửi mùi tiền" - một biệt tài không phải ai cũng có được.
Thắng là người gốc Hải Dương, vì gia cảnh khó khăn nên Thắng nghỉ học khá sớm để bươn chải. Nhờ vào các mối quan hệ, Thắng quyết định dạt ra vùng biên kiếm kế sinh nhai.
Những ngày đầu tại Móng Cái, dường như Thắng đã choáng ngợp trước cảnh sống náo nhiệt, cách kiếm tiền của dân tứ xứ. Ngay lập tức, hắn tự chọn cho mình một phương thức kiếm sống đó chính là làm xe ôm. Không chỉ có vậy, khi nắm bắt được đường đi, lối lại ở khu vực Móng Cái, Thắng xin nhập vào đội quân vận chuyển hàng lậu thuê cho các đầu nậu.
Được làm trong những đường dây vận chuyển thuê, thu nhập của Thắng "Cành" cũng tăng lên trông thấy. Cứ nhận được "hợp đồng" là hắn lên đường. Mỗi ngày, hắn chỉ làm vài tiếng.
Sau khi giao hàng an toàn, Thắng lại về nghỉ ngơi hoặc tranh thủ làm vài cuốc xe ôm kiếm tiền thuốc, nước. Ngoài sự chăm chỉ kiếm tiền, Thắng "Cành" cũng được biết đến là một kẻ tiêu xài khá chi li, chắt bóp.
Anh Nguyễn Hoàng L. (quê Đông Triều, Quảng Ninh), một người từng đi làm cửu vạn với Thắng, nay đã giải nghệ cho hay: "Hắn là người khá tằn tiện và kín kẽ. Hiếm khi thấy Thắng tiêu xài hoang phí. Ngay cả chuyện ăn uống, Thắng cũng rất hà tiện, kiếm được đồng nào là cất đi đồng đó. Để chắc ăn hơn, Thắng thường mua vàng đưa cho vợ cất giữ".
Sông Ka Long - một trong những địa điểm được Thắng "Cành" lợi dụng làm nơi vận chuyển hàng lậu.
Cũng theo những người dân sống ở TP.Móng Cái thì chỉ đến khi thấy Thắng mua được miếng "đất vàng" ở phường Hải Hòa, TP.Móng Cái thì họ mới ngã ngửa rằng Thắng lắm tiền đến thế. Không chỉ có vậy, sau vài năm làm cửu vạn vận chuyển hàng lậu, những mánh khóe của các "ông trùm" được Thắng "lĩnh hội" rất nhanh.
Ngoài những đầu mối nhập, xuất hàng thì Thắng cũng nhanh nhạy thiết lập các mối quan hệ hòng làm bàn đạp, bức bình phong cho hoạt động của hắn sau này.
Cứ như vậy, sau khi hiểu rõ khoản lợi kếch xù của hàng lậu, ngay lập tức, Thắng về Hải Dương bán toàn bộ đất, vườn cộng với số tài sản đã tích cóp được trong quá trình làm ăn tại Móng Cái, quyết định kinh doanh... hàng lậu.
Kể từ khi Thắng trực tiếp điều hành đường dây làm ăn xảo trá, "một vốn, bốn lời" này, vợ chồng Thắng phất lên như diều gặp gió. Chẳng mấy chốc, đã xây được dinh thự trị giá hàng chục tỉ đồng tại khu đô thị Ngọc Hà, phía Tây Ka Long, phường Ka Long, TP.Móng Cái.
Tuy có tiền, có của, nhưng với hàng xóm của Thắng tại khu 4, phường Hải Hòa, TP.Móng Cái, Thắng rất biết cách che giấu hành vi gian lận của mình. Theo tìm hiểu của PV, người dân địa phương không hề hay biết Thắng "Cành" là một "ông trùm" điều hành đường dây buôn lậu thuộc hạng khủng hoạt động trong suốt một thời gian dài. Chỉ đến khi hắn bị bắt
và đường dây hàng lậu này bị chặt đứt thì người dân địa phương mới thực sự ngỡ ngàng. Một cán bộ phường Hải Hòa tiết lộ cho chúng tôi: "Anh ta rất khéo léo trong việc che giấu thân phận và hành vi của mình. Thậm chí, mọi thắc mắc liên quan đến tranh chấp tại địa phương, Thắng đều nhờ đến cơ quan chính quyền địa phương giải quyết. Anh ta luôn tỏ ra mình là người chấp hành đúng chủ trương chính sách pháp luật".
Biệt danh Thắng "Cành" và những lần phạm pháp
Tìm hiểu của PV từ một số cánh cửu vạn, xe ôm tại khu vực chợ ASEAN thì thời điểm Thắng còn làm cửu vạn, trong nhóm này có nhiều người tên Thắng nên để phân biệt, họ quyết định dùng biệt danh. Do mẹ của Lương Quang Thắng tên là Cành nên người ta gọi hắn là Thắng "Cành".
Nói về điều này, anh Nguyễn Hoàng L. cũng giải thích: "Trong tổ của chúng tôi có 4 người tên Thắng, để dễ phân biệt nên chúng tôi đành phải gọi bằng biệt danh. Sở dĩ Thắng không lấy biệt danh "hổ báo" bởi thực ra thời gian làm thuê ở đây, Thắng khá hiền lành và chăm chỉ. Lúc đầu Thắng cũng không bằng lòng bởi mỗi lần gọi tên lại réo cả tên mẹ anh ta nhưng lâu dần Thắng cũng quen".
Cũng theo lời anh L., từ khi Thắng đứng đầu đường dây buôn hàng lậu thì quân cán của hắn chẳng bao giờ dám gọi tên Thắng "Cành". Biệt danh này chỉ có những người có "số má", bạn bè thân thiết cũng như các bạn hàng mới dám gọi. Điều đó cho thấy uy thế của Thắng "Cành" lớn như thế nào trong mắt của đám cửu vạn kiếm cơm tại một trong những thành phố sôi động nhất vùng biên.
Một tài liệu nữa mà chúng tôi cũng thu thập được, đó chính là trước khi bị bắt vào ngày 2/11/2014, Lương Quang Thắng từng có 5 tiền án, tiền sự liên quan đến hành vi cố ý gây thương tích và vận chuyển, tập kết hàng lậu.
Lần đầu tiên hắn "dính chàm" là vào năm 1999, thời điểm đó, Thắng đã bị Công an tỉnh Quảng Ninh bắt về hành vi cố ý gây thương tích.
Tiếp theo, kể từ khi tham gia làm cửu vạn rồi trở thành "ông trùm" trong đường dây nhập lậu, Thắng "Cành" liên tục bị bắt nhưng chỉ bị xử phạt hành chính.
Theo đó, ngày 27/6/2005, hắn bị Công an thị xã Móng Cái (nay là TP.Móng Cái) bắt và xử phạt hành chính về tội Vận chuyển hàng hóa nhập lậu. Gần hai năm sau, Thắng tiếp tục bị lực lượng chức năng sờ gáy. Bằng chứng là ngày 16/4/2007, hắn tiếp tục bị Công an thị xã Móng Cái bắt giữ và xử lý hành chính về hành vi tập kết hàng hóa lậu.
Dù liên tiếp bị bắt và bị xử lý hành chính, nhưng vì lợi nhuận siêu khủng từ hành vi nhập hàng lậu, dường như Thắng đã bất chấp tất cả. Chỉ trong năm 2008, Thắng đã bị Công an TP.Móng Cái bắt và xử phạt hành chính 2 lần với hành vi vận chuyển hàng hóa nhập lậu.
Cũng trong quá trình tìm hiểu về những đối tượng, những "mắt xích" trong đường dây do Thắng "Cành" cầm đầu, PV nhận thấy đây thực sự là những đối tượng có mối quan hệ mật thiết và được Thắng giao cho những trọng trách đặc biệt.
Ngoài Thắng "Cành", 9 bị can khác bị C46 khởi tố đều là người gốc ở 3 tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng và Hải Dương. Những đối tượng này được biết đến là "cánh tay" hỗ trợ đắc lực cho hành vi buôn lậu của Thắng.
Kỳ 2: "Trùm" bao biên và quy trình điều hành khép kín
Một chuyến hàng lậu đã lên tới 10 tỉ đồng Trao đổi với PV, đại diện cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (bộ Công an) cho biết: "Vụ án Lương Quang Thắng và đồng phạm buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới Trung Quốc - Việt Nam là vụ án gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, số lượng hàng lậu đặc biệt lớn. Chỉ tính riêng số hàng lậu và phương tiện thu giữ trong ngày 2/11/2014 đã có giá trị gần 10 tỉ đồng. Đường dây này hoạt động trong thời gian dài, có tổ chức chặt chẽ, có sự phân công, phân chia giai đoạn cho từng đối tượng, từ việc mua hàng bên Trung Quốc rồi đến khâu vận chuyển về Việt Nam, tàng trữ và đưa đi tiêu thụ hàng lậu với quy mô lớn... Việc bắt giữ, khởi tố điều tra vụ án đã góp phần ngăn chặn hoạt động buôn lậu trên địa bàn biên giới nói chung và TP.Móng Cái nói riêng, tịch thu, sung công quỹ Nhà nước số lượng tài sản lớn".
Nguyễn Hường - Nguyễn Bắc
Theo_Người Đưa Tin
Chân dung ông trùm mở "casino" tại rừng tràm ở xứ Nghệ Từng tham gia đánh bạc nhưng Sơn được cơ quan công an cho tại ngoại. Trong thời gian này, hắn ngang nhiên "lấy số" và trở thành ông trùm sới bạc có quy mô lớn trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu. Tổ chức đánh bạc quy mô lớn Công an huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) vừa bắt 39 con bạc trong khi chúng...