Tội phạm Trung Quốc ngày càng lộng hành: Đến lúc kiểm soát chặt người nước ngoài vào Việt Nam
“ Người Việt quản lý rất tốt người Việt, không lý gì đối với người nước ngoài, người Trung Quốc chúng ta lại không làm hiệu quả”, TS Đinh Thế Hưng nói.
Thời gian qua, nhiều ổ nhóm tội phạm người Trung Quốc tại Việt Nam bị phát hiện, triệt phá, khiến dư luận đặt nhiều câu hỏi về giải pháp an ninh với người nước ngoài. Dư luận lo ngại liệu cơ chế kiểm soát người nước ngoài, đặc biệt là người Trung Quốc cư trú tại Việt Nam đã chặt chẽ?
Trả lời VTC News, TS Đinh Thế Hưng, Trưởng phòng Tư pháp Hình sự, Viện Nhà nước và Pháp luật (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng, tình hình tội phạm do người nước ngoài, đặc biệt là người Trung Quốc gia tăng với tính chất, mức độ nguy hiểm cao hơn là do khâu tổ chức thực hiện pháp luật, tổ chức các biện pháp phòng ngừa chuyên biệt, phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ của chúng ta chưa đạt kết quả.
Theo TS Hưng, việc đầu tiên phải làm để hạn chế tình trạng này là phải kiểm soát được người nước ngoài, người Trung Quốc vào Việt Nam.
TS Đinh Thế Hưng cho rằng: “Người Việt quản lý rất tốt người Việt, không lý gì đối với người nước ngoài, người Trung Quốc chúng ta lại không làm hiệu quả”.
- Tình hình tội phạm người nước ngoài, đặc biệt là tội phạm người Trung Quốc ở Việt Nam ngày càng đáng báo động, không chỉ tội phạm cờ bạc, ma túy mà còn có cả tội phạm ấu dâm, tội phạm công nghệ cao…, thưa ông?
Tội phạm Trung Quốc ở Việt Nam đang gia tăng về số lượng, tính chất, mức độ nguy hiểm, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt hơn TS Đinh Thế Hưng
Qua thống kê của các công trình nghiên cứu về tội phạm người nước ngoài ở Việt Nam trong thời gian qua mà tôi được tiếp cận, có thể đánh giá, tội phạm Trung Quốc ở Việt Nam đang gia tăng về số lượng, tính chất, mức độ nguy hiểm, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt hơn.
Điều này có tính quy luật bởi quá trình hội nhập quốc tế với mức độ, phạm vi hội nhập sâu, rộng và đa dạng hơn nên tội phạm do người Trung Quốc thực hiện ở Việt Nam cũng tăng lên, trở thành hiện tượng đáng chú ý mà cơ quan phòng ngừa tội phạm phải quan tâm.
Bên cạnh đó, nguyên nhân nữa là do đặc thù của Việt Nam là láng giềng của Trung Quốc – một đất nước đông dân nhất thế giới và tội phạm cũng nhiều nhất thế giới, xét bình diện chung.
Việt Nam đang trở thành nơi lý tưởng để một số loại tội phạm phát sinh, ví dụ tội phạm rửa tiền, làm tiền giả, ma túy, mua bán người… Điều này cũng đã được các cơ quan chức năng nhận định và đánh giá.
- Quy định pháp luật của Việt Nam ra sao đối với các loại tội phạm này, liệu có kẽ hở nào để chúng ngang nhiên hoạt động?
Quy định của pháp luật không thiếu, Bộ luật Hình sự, Tố tụng Hình sự, Luật quản lý lao động nước ngoài… cũng như chiến lược phòng ngừa tội phạm đều đã đề cập đến vấn đề này và có những giải pháp đồng bộ để phòng ngừa tội phạm do người nước ngoài, người không quốc tịch thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam.
Ví dụ, Điều 5 Bộ luật Hình sự Việt Nam đã khẳng định nguyên tắc: Bộ luật Hình sự áp dụng đối với mọi hành vi phạm tội thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam. Đây là sự khẳng định chủ quyền.
Tuy nhiên nguyên tắc này có ngoại lệ, Điều 5 Bộ luật Hình sự quy định tiếp: Đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam thuộc đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc theo tập quán quốc tế, thì vấn đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết theo quy định của điều ước quốc tế hoặc theo tập quán quốc tế đó; trường hợp điều ước quốc tế đó không quy định hoặc không có tập quán quốc tế thì trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết bằng con đường ngoại giao.
Luật Hình sự các nước trên thế giới như Đức, Pháp, Hoa Kỳ đều có quy định tương tự nguyên tắc này. Ngoài ra, dẫn độ tội phạm ở Việt Nam được quy định trong Luật Quốc tịch năm 1998, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, đặc biệt vấn đề dẫn độ tội phạm đã được quy định trong một văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành đó là Luật Tương trợ Tư pháp năm 2007.
Hàng loạt điều ước song phương giữa Việt Nam và các nước về dẫn độ tội phạm đã được ký kết (12 Hiệp định với 12 quốc gia) và đang xúc tiến ký kết với nhiều quốc gia nữa.
Tuy nhiên, tình hình tội phạm do người nước ngoài cứ gia tăng với tính chất, mức độ nguy hiểm cao hơn thì có lẽ nằm ở khâu tổ chức thực hiện pháp luật, tổ chức các biện pháp phòng ngừa chuyên biệt, phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ chưa đạt kết quả như mong muốn. Pháp luật hình sự chỉ là khâu trong hệ thống phòng ngừa đó.
Video: Dẫn độ gần 400 người Trung Quốc rời ‘đại bản doanh’ cơ bạc công nghệ cao ở Hải Phòng về nước
- Dư luận đặt ra nhiều băn khoăn với hiệp định dẫn độ tội phạm có thể “tiếp tay” cho tội phạm người nước ngoài, đặc biệt là người Trung Quốc ở Việt Nam, thưa ông?
Dẫn độ tội phạm từ nước này về nước kia đã có từ thời cổ đại và có hệ thống lý thuyết cũng như pháp luật đồ sộ về vấn đề này ở cấp độ quốc gia và quốc tế. Nó là một phần tất yếu trong quan hệ ngoại giao giữa các quốc gia. Dẫn độ cũng là để hợp tác phòng ngừa tội phạm xuyên quốc gia, bảo vệ công dân nước mình.
Ví dụ Mexico mới đây đề nghị dẫn độ tội phạm người Mỹ đánh bom khủng bố cửa hàng Walmart ở thành phố El Paso, bang Texas (Mỹ) về Mexico để xét xử vì lo ngại luật pháp Hoa Kỳ không bảo vệ quyền lợi của các công dân Mexico là bị hại trong vụ khủng bố đó.
Đa số các quốc gia đều tham gia các điều ước quốc tế về dẫn độ tội phạm. Việt Nam cũng đã ký nhiều hiệp định dẫn độ tội phạm hoặc tương trợ tư pháp với nhiều quốc gia (12 nước).
Thực tế tội phạm trốn tránh bằng cách chạy sang một số nước không tham gia điều ước về dẫn độ cho thấy nếu không tham gia các điều ước quốc tế về dẫn độ thì các quốc gia rất khó khăn trong việc xử lý tội phạm. Quốc gia đó sẽ trở thành thiên đường cho tội phạm ẩn náu.
Tuy nhiên, dẫn độ phải có những nguyên tắc nhất định và cơ sở pháp lý nhất định. Không phải cứ có yêu cầu là dẫn độ. Hiệp định dẫn độ giữa các nước đều có điều khoản về từ chối dẫn độ.
Thực tế là Việt Nam đã từ chối dẫn độ nhiều trường hợp rồi. Và trên thực tế không phải người Trung Quốc nào phạm tội ở Việt Nam cũng dẫn độ về Trung Quốc.
Các cơ quan tư pháp Việt Nam đã xử rất nhiều vụ án do người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam, trong đó có người Trung Quốc, thậm chí họ phải chịu hình phạt tử hình. Rất nhiều phạm nhân người Trung Quốc đang thi hành án trên lãnh thổ Việt Nam.
Cách đây không lâu, TAND Cấp cao tại TP.HCM xét xử bị cáo Han JinKun (sinh năm 1976, quốc tịch Trung Quốc) về tội giết người (giết vợ là người Việt Nam) trên lãnh thổ Việt Nam.
Ngược lại, phía nước ngoài trong đó có Trung Quốc cũng dẫn độ tội phạm thực hiện ở Việt Nam trốn sang Trung Quốc cho nhà nước Việt Nam xét xử, ví dụ như tội phạm buôn bán người.
Đương nhiên dẫn độ là tất yếu nhưng pháp luật nào trong đó có pháp luật quốc tế ban hành, ký kết đều phát sinh phản xạ lách luật để trốn tránh trách nhiệm từ phía tội phạm. Vấn đề là ta phải không để điều đó xảy ra bằng các cơ chế khác nhau.
- Việc quản lý người Trung Quốc trong các hoạt động kinh doanh, buôn bán ở Việt Nam phải được thực hiện thế nào để đảm bảo an ninh, an toàn?
Giải pháp chúng ta đã đặt ra nhiều. Bởi lẽ tình hình người Trung Quốc nhập cứ vào Việt Nam tăng lên qua từng năm và trong số đó vi phạm pháp luật Việt Nam không hiếm.
Người Việt quản lý rất tốt người Việt, không lý gì đối với người nước ngoài và người Trung Quốc chúng ta lại không làm hiệu quả.
TS Đinh Thế Hưng
Giải pháp đầu tiên là kiểm soát được người nước ngoài, người Trung Quốc vào Việt Nam. Họ vào nước ta với mục đích gì, đi đâu, làm gì chính quyền không thể không biết, dù chúng ta có hệ thống cơ quan lý nhân khẩu hộ khẩu đồ sộ từ trung ương đến địa phương, chưa kể các tổ chức khác trong hệ thống chính trị làm việc này.
Người Việt quản lý rất tốt người Việt, không lý gì đối với người nước ngoài, người Trung Quốc chúng ta lại không làm hiệu quả.
Pháp luật cần quy định rõ trách nhiệm của lực lượng công an quận, huyện, thị xã trong quản lý người nước ngoài để nâng cao tinh thần, trách nhiệm và sự chủ động trong công tác đặc biệt là sự phối hợp giữa cơ quan quản lý xuất nhập cảnh và công an địa phương.
Chấn chỉnh hoạt động bảo lãnh nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam nhưng thực chất là lao động, cư trú bất hợp pháp. quy định cụ thể việc miễn thị thực, hủy thị thực và quy định loại đối tượng, điều kiện và hành vi vi phạm pháp luật của người nước ngoài như trục xuất, hủy thị thực, buộc xuất cảnh hoặc rút ngắn thời hạn thị thực.
Ngoài ra, cần xây dựng hướng dẫn xác định chế tài trong trường hợp người nước ngoài tạm trú tại cơ sở lưu trú mà chủ cơ sở lưu trú không biết; xác định người chịu trách nhiệm khai báo tạm trú trong trường hợp cơ sở lưu trú được cho thuê qua nhiều người.
Giải pháp thì đã đầy đủ, quan trọng là tổ chức thực hiện và truy cứu trách nhiệm trong việc buông lỏng quản lý, vi phạm pháp luật trong quản lý và thực hiện pháp luật về người nước ngoài ở Việt Nam.
- Xin cảm ơn ông!
(thực hiện)
XUÂN TRƯỜNG
Theo VTC
Tội phạm Trung Quốc ngày càng lộng hành, mở sào huyệt cờ bạc, xưởng ma tuý, sản xuất phim đồi truỵ ở Việt Nam
Gần đây, tội phạm Trung Quốc ngày càng lộng hành, chúng mở từ xưởng sản ma túy, phim đồi trụy đến lập đại bản doanh cờ bạc, hoạt động tín dụng đen.
Thời gian gần đây, Bộ Công an và công an các địa phương liên tục triệt phá nhiều ổ nhóm tội phạm có tổ chức của người Trung Quốc tại Việt Nam. Chúng ngang nhiên lộng hành và phạm tội ngày càng nhiều ở Việt Nam.
Các ổ nhóm này hoạt động với số lượng lớn dưới "vỏ bọc" doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, khách du lịch nhưng lại tạo nên những "căn cứ bất khả xâm phạm" hoạt động phi pháp trong một thời gian dài khiến cơ quan chức năng khó xử lý.
Thao túng thị trường chứng khoán
Gần đây nhất, ngày 17/9, Công an quận Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng) bàn giao 34 người Trung Quốc có hành vi hoạt động tội phạm công nghệ cao cho cơ quan chức năng xử lý.
Theo điều tra, nhóm người Trung Quốc này xin visa vào Việt Nam với mục đích du lịch, sau đó cả nhóm thuê nguyên khách sạn Chula trên đường Võ Nguyên Giáp, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn để lưu trú.
Khách sạn Chula trên đường Võ Nguyên Giáp, nơi nhóm người Trung Quốc thuê để thao túng thị trường chứng khoán. (Ảnh: Xuân Tiến)
Sau quá trình nắm thông tin, ngày 15/9, Công an quận Ngũ Hành Sơn phối hợp Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an TP Đà Nẵng ập vào khách sạn Chula, khống chế 34 người Trung Quốc đang ở đây.
Tang vật tạm giữ tại hiện trường gồm nhiều laptop, điện thoại di động kết nối mạng để truy cập các trang web ở Trung Quốc nhằm đầu tư phi pháp, thao túng chứng khoán.
Những người bị bắt khai nhận do hành vi này bị cấm ở Trung Quốc nên cả nhóm sang Việt Nam để thực hiện, tất cả đều làm thuê cho một ông chủ tại Trung Quốc.
Thuê nhà làm phim đồi trụy
Ngày 16/9, Công an TP Đà Nẵng cũng bắt giữ khẩn cấp nhóm 5 người Trung Quốc và 1 người Việt Nam để điều tra về hành vi giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi.
Ngày 13/9, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Đà Nẵng tiếp nhận đơn tố cáo việc từ tháng 3/2019, em N.H.K.D (sinh năm 2004, trú Đà Nẵng) bị nhóm người này dụ dỗ, bắt quan hệ tình dục và livestream (phát trực tiếp) trên mạng xã hội Trung Quốc. Hoạt động trên diễn ra tại số 31 đường Lê Minh Trung (phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà).
Ngày 14/9, công an kiểm tra hành chính căn nhà 4 tầng tại số 31 đường Lê Minh Trung, phát hiện 5 người mang quốc tịch Trung Quốc đang lưu trú, gồm: Tưởng Đăng Quân (sinh năm 1989), Trương Huệ Mẫn (sinh năm 1981), Phương Tuấn Kiệt (sinh năm 1986), Đới Hồng Hi (sinh năm 1997), Lưu Tiểu Duy (sinh năm 1989). Ngoài ra còn có 2 người Việt Nam là Sầm Thị Sen (sinh năm 1995, trú xã Tân An, huyện Đắc Cơ, Gia Lai) và Nguyễn Thị Sửu (sinh năm 1962, Gia Lai).
5 người đàn ông Trung Quốc và 1 phụ nữ Việt Nam thuê người đóng phim sex bị công an Đà Nẵng phát hiện, bắt giữ. (Ảnh: Xuân Tiến)
Trong điện thoại di động và máy vi tính xách tay của họ có hình ảnh, video đồi trụy nghi là do nhóm này trực tiếp thực hiện và phát tán lên Internet.
Công an bước đầu xác định, Sen cùng với Quân, Mẫn, Kiệt, Hi, Duy tổ chức quay trực tiếp các clip kích dục, quan hệ tình dục để tung lên mạng. Sen cũng đăng thông tin tuyển người làm việc lên các nhóm trên Facebook để tìm kiếm phụ nữ tham gia quay clip đồi trụy.
Từ đầu mối này, Sen hẹn gặp và thỏa thuận nếu quay cảnh sexy và làm tình (không giao cấu) trong vòng 6 tiếng đồng hồ sẽ trả 700 nghìn đồng, còn quay cảnh có quan hệ tình dục giá 1 triệu đồng.
Mở xưởng ma tuý
Cách thời điểm Công an TP Đà Nẵng triệt phá xưởng phim người lớn kể trên không lâu, ngày 6/8, Cục CSĐT tội phạm về ma túy chủ trì phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ công an cùng công an các tỉnh như: Kon Tum, Bình Dương, Bình Định, Ninh Thuận, TP.HCM và Đoàn 3, Cục phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ tư lệnh Biên phòng, Vụ kiểm sát điều tra án ma túy bắt 7 nghi can mang quốc tịch Trung Quốc có hành vi sản xuất ma túy.
Kho thiết bị dùng để sản xuất ma túy do người Trung Quốc cầm đầu vừa bị Bộ Công an triệt phá ở Kon Tum. (Ảnh: Xuân Trường)
Tại hiện trường, lực lượng chức năng thu giữ hàng trăm lít dung dịch (lấy mẫu giám định kết luận là ma túy tổng hợp); khoảng 13 tấn hóa chất, tiền chất và khoảng 20 tấn máy móc, thiết bị, dụng cụ phục vụ sản xuất trái phép chất ma túy.
Công ty xuất nhập khẩu Đồng An Viên hoạt động từ tháng 7/2013 về lĩnh vực bán buôn vật liệu, thiết bị xây dựng. Xưởng do ông Trần Ngọc An làm chủ, nhưng lại được người Trung Quốc thuê để tập kết vật chất tiền ma túy, máy móc hóa nghiệm, dụng cụ tinh chiết chất ma túy phục vụ sản xuất ma túy.
Công an tỉnh Kon Tum cho biết, nhóm người Trung Quốc trên thông qua người Việt đến Công an Kon Tum đăng ký lưu trú dưới hình thức đi du lịch. Còn lãnh đạo địa phương khi được hỏi về xưởng sản xuất ma túy "khủng" này thì đều nói không hề hay biết bởi công ty này luôn kín cổng cao tường, không thể tiếp cận.
Mở sào huyệt cờ bạc
Ngày 27/7, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ của Bộ Công an và Công an TP Hải Phòngập vào kiểm tra hành chính Tòa nhà chính khu đô thị Our City, bên đường Phạm Văn Đồng (đoạn qua phường Hải Thành, quận Dương Kinh, TP Hải Phòng), nơi có rất nhiều người Trung Quốc lưu trú.
Tại đậy, lực lượng cảnh sát phát hiện rất nhiều người Trung Quốc đang vận hành hệ thống thiết bị đánh bạc quốc tế. Quá trình kiểm tra, lực lượng cảnh sát phát hiện tại khu vực tòa nhà trung tâm đặt rất nhiều máy móc thiết bị phục vụ cho việc vận hành hệ thống đánh bạc qua mạng. Còn tại các tòa nhà vực xung quanh, trong các phòng kín cũng đều có máy móc, thiết bị liên quan.
Người Trung Quốc ngang nhiên biến khu đô thị ở Hải Phòng thành sào huyệt cờ bạc quốc tế. (Ảnh: Minh Khang)
Tối 28/7, cơ quan chức năng thông tin hơn 380 người Trung Quốc bị bắt quả tang khi đang vận hành hệ thống thiết bị đánh bạc quốc tế tại khu đô thị nói trên. Vụ án này được xác định là lớn nhất từ trước đến nay, với quy mô, số lượng người nước ngoài và cả số tiền vi phạm pháp luật trên lãnh thổ Việt Nam.
Hơn 100 phòng làm việc ở đây được các con bạc thuê để thực hiện hành vi phạm tội. Cơ quan chức năng cho biết, từ khi vào vận hành, người lạ rất khó có thể vào được trong khu đô thị này. Tuy nhiên, công tác triển khai phá án đã được thực hiện thành công, đúng kế hoạch, đảm bảo an toàn.
Theo số liệu xác định sơ bộ ban đầu, số tiền đã giao dịch trên hệ thống mạng đánh bạc này là hơn 3 tỷ nhân dân tệ (tức hơn 10.000 tỷ đồng Việt Nam).
Cơ quan Công an đã thu giữ gần 2.000 điện thoại di động thông minh, hơn 530 máy tính các loại, nhiều thẻ ngân hàng, tiền mặt cùng nhiều tài liệu và đồ vật liên quan khác.
Gần 400 nghi phạm người Trung Quốc này sau đó được dẫn độ về nước để công an nước bạn xử lý theo quy định.
Ngang hiên hoạt động "tín dụng đen"
Không chỉ mở tụ điểm cờ bạc, người Trung Quốc sang Việt Nam còn tổ chức hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi, đánh cắp thông tin, làm giả thẻ ATM để rút tiền.
Ngày 17/9, Công an quận 2, TP.HCM cho biết triệt phá đường dây cho vay nặng lãi do người nước ngoài cầm đầu. Cảnh sát chuyển hồ sơ cùng 9 nghi phạm (6 người Trung Quốc, 3 người Việt Nam) cho Công an TP.HCM để điều tra, xử lý theo thẩm quyền.
Nhóm 6 người Trung Quốc và 3 người Việt Nam tổ chức hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi ở TP HCM. (Ảnh: Minh Anh - Song Ngư)
Làm giả hàng trăm thẻ ATM
Tại Nghệ An, ngày 16/9, Trung tá Phạm Thế Anh, Đội trưởng Đội điều tra tổng hợp (Công an TP Vinh, tỉnh Nghệ An cho biết, Công an TP Vinh vừa chủ trì, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an; các phòng nghiệp vụ của Công an tỉnh phá thành công chuyên án T919 bắt giữ 3 người Trung Quốc có hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
Ba người Trung Quốc bị tạm giữ là: Yang Chang Cai (SN 1986), Denh Cong Cong (SN 1990) và Lian Yu (SN 1985), cùng trú tại tỉnh Giang Tây (Trung Quốc).
Theo điều tra ban đầu, băng nhóm này thực hiện thành công 2 lần cài đặt các thiết bị điện tử vào máy ATM của Ngân hàng Vietinbank tại phường Hưng Dũng, TP Vinh để đánh cắp thông tin tài khoản phục vụ cho việc làm giả thẻ ngân hàng để chiếm đoạt tài sản.
Lực lượng công an đang dẫn nhóm trộm cắp ra thực nghiệm hiện trường.
Cụ thể, Denh Cong Cong và Lian Yu sử dụng các thiết bị điện tử rồi gắn vào máy rút tiền tự động ATM để đánh cắp mặt khẩu và thông tin tài khoản cá nhân của khách hàng rồi chuyển cho Yang Chang Cai xử lý thông tin ban đầu.
Sau đó, Yang Chang Cai gửi dữ liệu về Trung Quốc cho một kẻ tên là Lý Văn giải mã để chuyển thông tin lại cho Yang Chang Cai và đồng bọn chế tạo thẻ ATM giả để rút tiền của chủ thẻ.
An ninh quốc phòng, chủ quyền lãnh thổ bị đe dọa
Trước hàng loạt những vụ phạm tội có tổ chức ở nhiều lĩnh vực do người Trung Quốc cầm đầu, ông Lê Việt Trường, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội cho rằng, để các tổ chức tội phạm Trung Quốc hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam như vậy cho thấy có sự yếu kém của các cơ quan quản lý, gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến an ninh quốc phòng, đe dọa đến chủ quyền lãnh thổ của nước ta.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội đánh giá, những sự việc xảy ra như ở Hải Phòng hay Kon Tum cho chúng ta thấy công tác an ninh trên địa bàn là không ổn, đặc biệt là quản lý người nước ngoài cư trú trên lãnh thổ Việt Nam.
Trách nhiệm quản lý nhà nước đối với người nước ngoài thuộc về chính quyền địa phương và ở tầm vỹ mô là của Bộ Công an.
Ông Lê Viết Trường cho rằng, để người nước ngoài, đặc biệt là tội phạm vào nước ta mà trong một thời gian dài, số lượng đông là rất nguy hiểm.
"Chẳng hạn như tại Hải Phòng vừa rồi có tới gần 400 người, số lượng tương đương một tiểu đoàn, nếu số này mà có trang bị vũ trang và tiến hành một hoạt động phá hoại nào đó thì sẽ để lại hậu quả rất ghê gớm. Tất nhiên là chúng ta có đủ sức dẹp nhưng sẽ có hậu quả lớn.
Điều lớn hơn nữa là để một lực lượng tội phạm có số lượng đông như thế hoạt động trong một thời gian dài trên lãnh thổ của chúng ta thì rõ ràng vấn đề chủ quyền lãnh thổ đã bị đe dọa..", nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội phân tích.
Ông Lê Viết Trường cho rằng, Việt Nam là một quốc gia độc lập có chủ quyền, chúng ta là chủ mà lại để người ngoài vào muốn làm gì thì làm, lại là những hành động vi phạm pháp luật Việt Nam đến người Việt còn không dám làm thì rất nguy hiểm.
NGUYỄN VƯƠNG
Theo VTC
Bắt 3 người Trung Quốc làm giả thẻ ATM để chiếm đoạt tiền Khám xét nơi lưu trú của 3 người Trung Quốc, công an thu giữ hơn 300 thẻ ngân hàng nghi làm giả, cùng nhiều tang vật liên quan đến hành vi trộm cắp thông tin thẻ ATM của khách hàng để chiếm đoạt tiền của nhóm này. Lực lượng công an đang thực nghiệm hiện trường việc gắn chip điện tử cài vào...