‘Tội phạm ngân hàng có xu hướng trẻ hóa, táo tợn’
Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng nguyên nhân khiến người trẻ tuổi phạm tội gia tăng bắt nguồn từ điều kiện kinh tế khó khăn, bất cập trong giáo dục…
Ngày 1/11, thảo luận về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm công tác thi hành án và phòng, chống tham nhũng năm 2012, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng tội phạm ngày càng trẻ hóa.
Nhận định “đây là vấn đề nguy hiểm cho xã hội”, đại biểu Phạm Trường Dân cho biết không chỉ ở Quảng Nam nơi ông làm đại biểu mà tại nhiều địa phương khác tình trạng teen phạm tội ngày càng phổ biến và càng nhiều.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thái Học cho rằng tội phạm trong lứa tuổi thanh thiếu đang diễn ra khá phức tạp. Trước việc Chánh án TAND Tối cao báo cáo số người chưa thành niên bị đưa ra xét xử năm 2012 tăng hơn 40% so với năm trước, vị đại biểu đến từ Phú Yên này cho rằng “đây là con số đáng để mọi người phải suy nghĩ”.
Video đang HOT
Ngày 25/10 do hiếp dâm bé gái 8 tuổi, chém chết đứa trẻ lên 4, Đặng Trần Hoài (26 tuổi) bị TAND Hà Nội tuyên án tử hình. Ảnh: Hà Anh.
Lo ngại tình trạng phạm tội ở lứa tuổi thanh thiếu niên, đại biểu Học đề nghị cần phải có cách chấn chỉnh kịp thời. “Chính phủ cần rà soát đánh giá thực trạng để có giải pháp phòng, chống hiệu quả trong năm 2013″, ông Học nói.
“Với người chưa thành niên phạm tội phải chăng do chính sách giáo dục của chúng ta từ xưa đến nay chỉ dạy chữ mà không dạy kỹ năng sống…”, đại biểu Trần Văn Độ nêu quan điểm. Ông cho biết, qua hai nhiệm kỳ tại Quốc hội đã nghe nhiều báo cáo về các chính sách kinh tế – xã hội, các biện pháp để điều hành, quản lý song chưa có báo cáo nào nêu những kẽ hở gì dẫn đến nảy sinh tội phạm. “Chúng ta cứ loay hoay với việc xử thật nặng, thật nghiêm với người vị thành niên phạm tội. Tôi thấy như vậy là không ổn, không giải quyết được vấn đề”, đại biểu nhấn mạnh.
Nguyên nhân của tình trạng tội phạm ngày càng trẻ hóa được đại biểu Lưu Thị Huyền (Ninh Bình) cho rằng là “điều đáng lo ngại” và bắt nguồn từ điều kiện kinh tế khó khăn. Theo bà, số lượng doanh nghiệp phá sản tăng khiến nhiều người trong tuổi lao động không có việc làm, một bộ phận thanh niên phải đi làm ăn xa, làm ăn tự do. “Do chưa quản lý hộ tịch, hộ khẩu chưa chặt chẽ nên đây được xem là nguyên nhân chính dẫn đến gia tăng các loại tội phạm”, nữ đại biểu nêu quan điểm.
Đánh giá năm vừa qua nhiều vụ án nghiêm trọng được phá nhanh chóng, nhiều vụ việc có tính nhạy cảm bị phanh phui (vụ bắt bầu Kiên, vụ án xảy ra tại ngân hàng ACB và vụ truy bắt bị can Dương Chí Dũng…) đã củng cố niềm tin trong nhân dân, song bà Huyền lo ngại trước thực trạng tội phạm về trật tự an toàn xã hội, ma túy. “Đặc biệt là tội phạm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng có xu hướng trẻ hóa, ngang nhiên táo tợn”, bà nói.
Theo bà, một số nơi vẫn coi công tác phòng chống tội phạm là nhiệm vụ của ngành công an nên chưa có sự phối hợp nhịp nhàng. Trong khi đó, cán bộ trực tiếp đấu tranh phòng chống tội phạm và xử lý vi phạm pháp luật còn thiếu. Chế độ tiền lương phụ cấp và các điều kiện để cán bộ sẵn sàng đối mặt với hiểm nguy còn hạn chế… cũng dẫn đến việc ngăn ngừa, điều tra phòng chống tội phạm chưa được đáp ứng yêu cầu.
Buổi thảo luận về thực trạng tội phạm ở lứa tuổi thanh thiếu niên diễn ra chiều nay thu hút được sự quan tâm của nhiều đại biểu. Có vị cho rằng cần phải sửa đổi, bổ sung bộ luật theo hướng tăng mức phạt với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Song cũng có nhiều ý kiến khác đề nghị tăng cường giáo dục pháp luật trong các nhà trường, các cấp. “Theo Luật Lao động, người đủ 15 tuổi có thể giao kết hợp đồng lao động, tức là chỉ cần học sinh tốt nghiệp cấp 2 đã có năng lực pháp luật đủ để giao kết một số giao dịch dân sự. Như vậy, cần tăng cường giáo dục pháp luật dân sự và hình sự cho học sinh từ cấp 2, để các em hình thành và tích lũy ý thức pháp luật”, đại biểu Đặng Minh Châu gợi ý.
Cuối buổi thảo luận, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận tội phạm có chiều hướng phức tạp, nhưng ở một số tỉnh, thành như Hà Nội vẫn có những mô hình tấn công tội phạm có hiệu quả.
“Không thể có văn hóa con giết cha, vợ giết chồng… chúng ta cần đồng thanh lên án để có hành vi văn hóa trong gia đình và xã hội”, Phó thủ tướng nói và đánh giá nguyên nhân của tình trạng này là do bất cập trong giáo dục, là tác động mặt trái của nền kinh tế thị trường.
Để hạn chế và đạt hiệu quả hơn trong công tác phòng chống tội phạm, ông cho rằng bên cạnh trách nhiệm của công an cũng như chính quyền địa phương, sức mạnh của người dân thì thể chế giáo dục với các loại tội phạm cũng cần được quan tâm. “Chúng tôi thấy trách nhiệm của mình trong thời gian vừa qua. Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống tội phạm đã đưa chương trình hành động để tấn công tội phạm từ nay đến Tết nguyên đán sắp đến”, Phó thủ tướng cho hay.
Theo VNE
Truy bắt băng cướp táo tợn trên quốc lộ 19
Rạng sáng 28.10, trên QL19, anh Phan Văn Hữu (40 tuổi, ở xã Bình Tường, H.Tây Sơn, Bình Định) điều khiển xe máy chở vợ là Nguyễn Thị Bích Hạnh (40 tuổi), khi đến đoạn thuộc xã Bình Nghi (H.Tây Sơn) thì bị 6 người đi trên 2 xe máy chặn đường cướp tài sản. Bọn cướp đâm anh Hữu trọng thương và nạn nhân đã chết trong lúc cấp cứu tại bệnh viện.
Trước đó khoảng 30 phút, anh Thân Trọng Hùng (42 tuổi, ở P.Nhơn Hòa, TX.An Nhơn) đang đi xe máy trên QL19, đến đoạn thuộc xã Tây Giang, H.Tây Sơn, cũng bị 6 người dùng dao đâm bị thương ở tay, cướp 80.000 đồng và 1 ĐTDĐ. Tiếp đó, 2 chị Bùi Thị Nữ (41 tuổi) và Kiều Thị Sương (34 tuổi, cùng ở thị trấn Phú Phong, H.Tây Sơn) trong lúc chở hàng bằng xe máy đến chợ Bình Tường để bán, lần lượt trở thành nạn nhân của bọn cướp. Chúng dùng dao khống chế cướp của chị Nữ 700.000 đồng và của chị Sương 1,7 triệu đồng.
Nhận được tin báo của chị Nữ và chị Sương, Công an H.Tây Sơn khẩn trương tổ chức lực lượng truy tìm băng cướp. Khi đến địa phận xã Nhơn Tân, TX.An Nhơn, phát hiện 2 xe máy chở 6 người đang chạy phía trước có nhân dạng, đặc điểm giống như mô tả của nạn nhân, một tổ công tác đã bám sát để bắt giữ. Ngay lập tức, những tên ngồi sau nhảy xuống xe dùng dao tấn công lại công an. Mặc dù bọn cướp liều lĩnh, manh động, nhưng hai cán bộ Công an Tây Sơn đã dũng cảm áp sát, quật ngã bắt được 1 tên. Người dân ở gần đó và những người đi đường biết công an đang bắt cướp đã hỗ trợ, đuổi bắt được 2 tên khác.
Ba tên cướp bị bắt là Huỳnh Văn Lập (23 tuổi), Nguyễn Ngọc Vương (20 tuổi) và Đinh Văn Vũ (18 tuổi, cùng ở thôn Định Nhứt, xã Vĩnh Hảo, H.Vĩnh Thạnh, Bình Định). Bước đầu chúng khai nhận, khoảng 3 giờ sáng 28.10, cùng các tên Nguyễn Hoàng Thịnh (24 tuổi), Nguyễn Cao Duy (17 tuổi), Nguyễn Công Thạnh (20 tuổi, đều ở cùng xã) điều khiển 2 xe máy, mang theo 4 con dao và 1 bình xịt hơi cay đi cướp tài sản và gây ra các vụ cướp trên. Hiện Thịnh, Duy và Thạnh đã bỏ trốn, công an đang truy lùng.
Theo TNO
'Tội phạm ngân hàng, biết nhưng không chịu xử lý' Bức xúc trước tình trạng tham nhũng có tổ chức, quy mô lớn trong lĩnh vực ngân hàng, độc quyền phân phối vàng... đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh đề nghị cần tập trung lực lượng để theo dõi sát, phát hiện sai phạm. Chiều 26/10, các đại biểu thảo luận ở tổ về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và...