“Tội phạm đang chi phối một số cơ quan chức năng”
Lãnh đạo TP.HCM, ông Lê Hoàng Quân cảnh báo quyết liệt: “Tội phạm đang chi phối một số cơ quan chức năng!”
Ông Trần Lệ Nguyên, nguyên chủ tập đoàn nổi tiếng Kinh Đô đã từng là nạn nhân của nạn “tội phạm chi phối cơ quan chức năng” như cách nói của chủ tịch UBND TP.HCM.
Giai đoạn 1999- 2000, tập đoàn Kinh Đô mở một số cơ sở tại Q.1, TP.HCM. Cơ sở vừa mở, chưa kịp hoạt động thì bị bọn xã hội đen đến quấy phá, đánh đập công nhân khiến không thể hoạt động được. Ông Nguyên làm đơn tố cáo công anphường, công an quận 1 rồi đến công an thành phố nhưng chẳng ai can thiệp. Bí quá, qua người quen giới thiệu, ông chủ Kinh Đô phải “ngỏ lời” nhờ Năm Cam. “Anh Năm” vui vẻ trả lời : “Tưởng chuyện gì. Để anh Năm nói mấy đứa một tiếng…”.
Kỳ lạ thay, bọn đầu trâu mặt ngựa quấy phá kia biến đâu mất như chưa hề xuất hiện trên cõi đời này. Tập đoàn Kinh Đô yên ổn mở cơ sở. Ngày khai trương, cũng chẳng thấy bóng dáng kẻ “xin đểu” mạt hạng nào như thường thấy ló lạng.
Tuy nhiên, cái giá phải trả cho ông chủ Trần Lệ Nguyên là “anh Năm” rủ tới “đánh bài cho vui”. Ngay đêm “anh Năm” nhận lời “nói mấy đứa một tiếng”, Trần Lệ Nguyên phải vào sòng đánh “cho vui” với “anh Năm” bị thua gần 20.000 USD. “Anh Năm” vui vẻ “cho mượn để đánh tiếp! Và cứ như thế ông chủ Kinh Đô trở thành con nợ lớn của “anh Năm”.
Với luật pháp thì không đơn giản Trần Lệ Nguyên là nạn nhân của “anh Năm”. Chuyên án “Năm Cam và đồng bọn” do tướng Nguyễn Việt Thành chỉ huy đã đập tan bè đảng Năm Cam. Năm 2003, TAND TP.HCM mở phiên tòa xét xử công khai kéo dài kỷ lục xét xử ở nước ta hơn 3 tháng ròng rã, Năm Cam và đồng bọn phải trả giá đích đáng. Những kẻ vốn là cán bộ công an bảo kê, che chắn và làm tay sai cho Năm Cam trong bộ máy công quyền bị đi tù. Tuy nhiên, “nạn nhân” Trần Lệ Nguyên cũng là bị cáo trước tòa, cũng phải thọ án 4 năm vì tội “Đánh bài”!
Câu chuyện đã 10 năm, nhưng nay được nhiều doanh nghiệp, người dân nhắc lại với nỗi lo lắng, băn khoăn.
CSGT ra quân xử lý vi phạm
Băng nhóm Năm Cam bị đập tan, tưởng như nạn tội phạm lũng đoạn, chi phối cơ quan công quyền đã bị dẹp tan. Thế mà, giờ đây, nó không chỉ tái xuất giang hồ mà còn tỏ ra tinh vi quỷ quyệt, nguy hiểm, trầm kha hơn.
Video đang HOT
Tội phạm lũng đoạn, hoành hành
Nhiều DN ở các tỉnh phía Bắc kêu trời vì bị xã hội đen quậy phá. Tối hậu thư chúng đưa ra là: “Muốn phá sản hay chịu bảo kê?”. Mức bảo kê lên đến con số vài trăm triệu đồng/tháng. Có doanh nghiệp ban đầu không chịu, tố cáo lên cơ quan chức năng nhưng chẳng ai giải quyết. Đứng trước nguy cơ phá sản, phải chấp nhận bảo kê của tội phạm với mức giá “phạt” cao gấp đôi! Phải đến khi Bộ CA nhập cuộc, đám xã hội đen kia mới bị dẹp, các doanh nghiệp mới thoát nạn!
Đại tá Hồ Sĩ Tiến, Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự (C 45) Bộ Công an đã đưa ra nhận định: ” Nơi nào chính quyền, cơ quan chức năng lơ là, lơi lỏng là tội phạm trỗi dậy! Một số nơi có biểu hiện bao che”.
Tuy nhiên, nhận định của đại tá Hồ Sĩ Tiến bị xem là “nói giảm” khá nhiều cho thực trạng đáng báo động hiện nay.
Tại TP.HCM, đã có lúc tội phạm trỗi dậy chém người, cướp của khiến người dân mỗi khi ra đường cứ nơm nớp lo sợ. Trong nhà có ai đi về trễ là cả nhà lo lắng, luôn miệng “Nam mô A di Đà Phật”. công an thành phố uy bắt được nhiều thủ phạm ngay sau khi gây án. Tuy nhiên, phải đến khi Bộ Công an tung 600 chiến sĩ cảnh sát đặc nhiệm vào hỗ trợ, nạn cướp chém mới bị đẩy lùi.
Qua những nhóm côn đồ lưu manh bị bắt sau khi gây án, người dân hết sức ngạc nhiên vì chúng có băng có nhóm, thuê nhà cửa sống đàng hoàng. Sinh hoạt của chúng tất nhiên không giống người lao động bình thường, đến người dân cũng cũng biết đó là đám bất lương. Thế mà cảnh sát khu vực, công an phường, chính quyền địa phương chẳng mảy may để ý? Đây là câu hỏi vô cùng nhức nhối, xót xa vì chính câu trả lời ẩn vào bên trong!
Nhiều vụ việc người dân bị xã hội đen xiết nhà, đe dọa đánh đập, nạn nhân trình báo, tố cáo. Ngay lập tức xã hội đen trừng phạt vì “tội” dám tố cáo! Chính vì vậy người lương thiện cũng không còn tin tưởng pháp luật. Tại kỳ họp HĐND TP trước tết vừa qua, một vị đại biểu đã nêu lên thực trạng này như sau: ” Người ngay sợ kẻ gian; số đông sợ số ít”.
Một điều rất bất bình thường là khi xảy ra vụ án lớn, bị dư luận chú ý thì thủ phạm mới bị bắt, bị pháp luật trừng trị. Còn rất nhiều vụ việc khác chưa đến tai dư luận thì ít khi bị xử lý.
Phải chăng, xã hội đen bảo kê doanh nghiệp, hoạt động phi pháp ngang nhiên kéo dài bất chấp pháp luật là do ai đó trong bộ máy công quyền bảo kê cho chúng? Câu hỏi này cũng chính là câu trả lời.
Tội phạm thâm nhập?
Tại Đồng Nai, một trung úy CA bị phát hiện nguyên là một tội phạm bị …truy nã! Không hiểu vì sao mà tên tội phạm này chui lọt vào ngành công an?Trước đó, ngành công an thành phố phát hiện một số chiến sĩ công an nghiện …ma túy! Đáng lưu ý là những con nghiện này đã là đệ tử của nàng tiên nâu từ lâu.
Những chuyện như vậy khiến chúng ta rung mình, nhớ lại vụ Năm Cam. Lúc Năm Cam còn tự do làm ông trùm của tập đoàn tội ác, ngoài những hành vi mua chuộc, không chế cán bộ, y còn tìm cách “cấy” người của mình vào các cơ quan nhà nước; “bảo trợ” cho một số con em của người thân tín, đàn em vào học tại các trường đào tạo nhân lực cho các cơ quan bảo vệ pháp luật. Tầm nhìn xa của ông trùm này thật đáng nể. Bằng đồng tiền mở đường, Năm Cam đã thực hiện trót lọt nhiều vụ “quy hoạch” nhân sự quan trọng cho tập đoàn của y.
Nay thì Năm Cam đã bị pháp luật trừng phạt, hắn phải xuống địa ngục như mong muốn của người dân. Nhưng những “bài” của Năm Cam hãy còn và biến tướng tinh vi hơn, nguy hiểm hơn bởi được nâng cấp từng ngày từng ngày…
Không thể không nhắc đến những cố gắng lớn của các cơ quan chức năng, cơ quan bảo vệ pháp luật trong công cuộc phòng chống tội phạm, bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân. Hình ảnh người chiến sĩ cảnh sát giao thông đội nắng dầm mưa, da đen cháy giữa trưa hầm hập điều khiển giao thông ở các TP khiến người dân cảm phục, biết ơn. Hoặc người chiến sĩ công an ở Q. Tân Bình đang đi học, gặp cướp giật, đã bất chấp hiểm nguy tay không xông vô bắt tội phạm bị đâm trọng thương….
Bọn tội phạm không thể nào hoành hành ngang ngược bất chấp luật pháp nếu không có sự lơ là một cách cố ý hay có sự bao che. Nguy hại hơn chúng còn khống chế, chi phối cán bộ công quyền.
Đã đến lúc cần phải mạnh tay hơn nữa để phòng chống tội phạm. Bởi chúng không chỉ ở ngoài đường mà còn vươn vòi, thò tay vào luật pháp, chui vào “ẩn” bên trong. Nơi nào “lơ là” lập tức chúng “biến hình” thành người bảo vệ pháp luật thì vô cùng nguy hiểm!
Theo vietbao
Đánh án buôn lậu: Lộ kế hoạch ngay từ đầu
Đó là nguyên nhân khiến việc ngăn chặn buôn bán, vận chuyển hàng lậu - nhất là thuốc lá - từ biên giới Tây Nam vào TP.HCM gần như không đạt kết quả gì.
Vấn đề đánh án buôn lậu, đặc biệt là buôn lậu thuốc lá, được lãnh đạo Công an TP.HCM soi rọi tại Hội nghị tổng kết đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013... ngày 17-4 tại TP.HCM.
Mua chuộc, vô hiệu hóa công an
Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TP.HCM, nói tại hội nghị trước tết Nguyên đán, Công an TP.HCM đã đặt vấn đề phối hợp ngăn chặn buôn bán, vận chuyển hàng lậu từ biên giới Tây Nam vào TP.HCM, trong đó lớn nhất là buôn lậu thuốc lá. "Tuy nhiên, gần như chúng ta không đạt kết quả gì. Kết quả trên đã khiến dư luận trong cán bộ hưu trí và nội bộ Công an TP rất bức xúc.
Các kế hoạch đánh án được đưa ra nhưng đến lúc triển khai thì bị lộ. Vì vậy, dư luận đặt câu hỏi phải chăng hiện nay tội phạm buôn lậu (cũng giống như tội phạm cờ bạc, ma túy) đã tìm cách mua chuộc và làm vô hiệu hóa lực lượng chức năng. Nhiều người dân ở gần các điểm tập kết thuốc hay tuyến vận chuyển thuốc lá lậu hỏi rằng có phải công an, CSGT "bó tay" nên mới phải huy động thêm cảnh sát cơ động để ngăn chặn vận chuyển thuốc lá. Trong khi các đối tượng vận chuyển chỉ là người làm thuê ở khâu cuối cùng, còn các "đầu nậu" ở tuyến biên giới thì chúng ta không xử lý được".
Ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP, trao bằng khen cho 14 tập thể và 27 cá nhân đạt thành tích trong đấu tranh trấn áp tội phạm, chuyển hóa địa bàn tại hội nghị ngày 17-4. Ảnh: ÁI NHÂN
Thiếu tướng Phan Anh Minh nói ở một số tuyến, địa bàn người dân có thể nói đích danh ông trùm nào đang quản lý mặt hàng gì nhưng công an thì không xử lý được. Từ đó, tướng Minh đề nghị Tổng cục Cảnh sát chỉ đạo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ (C46 - Bộ Công an) vào cuộc để chủ trì, phối hợp với Công an TP.HCM và các tỉnh lân cận đấu tranh có hiệu quả loại tội phạm này.
Cạnh đó, Thiếu tướng Phan Anh Minh cũng đề xuất UBND TP kiến nghị siết lại việc kinh doanh thuốc tân dược chứa tiền chất ma túy được bán tràn lan, không kiểm soát nổi khiến nhiều đối tượng lợi dụng để sản xuất tiền chất ma túy.
Phạm pháp hình sự tăng 54%
Theo Thiếu tướng Phan Anh Minh, hoạt động tội phạm xâm hại tài sản nơi công cộng trong quý I-2013 có giảm so với liền kề. Nhưng so với cùng kỳ quý I-2012 thì phạm pháp hình sự năm nay tăng hơn 54%. "Trong đó tăng đáng kể nhất là các vụ trộm nhiều xe máy, tiền, vàng nữ trang trị giá rất lớn. Kế đó là án xâm hại đến sức khỏe của người dân. Đặc biệt, các án xâm hại tình dục có tỉ lệ gia tăng rất cao. Tỉ lệ điều tra khám phá không đạt, thấp hơn năm 2012, thấp hơn tỉ lệ chung của cả nước" - tướng Minh nói.
Theo ông Minh, một trong những nguyên nhân cần nhìn nhận rõ là trong cao điểm tấn công và trong kế hoạch chuyên đề phòng, chống xâm hại tài sản nơi công cộng, TP.HCM đã không khống chế được khâu tiêu thụ tài sản. Tài sản do phạm tội mà có dễ dàng được tiêu thụ ở TP.HCM và các tỉnh lân cận.
Phát biểu tại hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Phi Hùng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, cho biết sẽ chỉ đạo các lực lượng của Bộ Công an và các tỉnh đồng loạt "đánh mạnh" vào các cơ sở tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có để cắt nguồn cung kéo giảm tội phạm.
"Trong khi hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thất nghiệp tăng, đại bộ phận người lao động tại TP là người nhập cư không có công ăn việc làm ổn định trở thành tội phạm có tính chất cơ hội, các vụ trộm cắp, xâm hại tài sản xảy ra rất nhiều. Chúng tôi cũng không thực hiện tốt công tác quản lý, kiểm tra hành chính không đạt yêu cầu đề ra" - Thiếu tướng Phan Anh Minh nhận định.
Chuyển hóa địa bàn đạt hiệu quả tốt
Thiếu tướng Phan Anh Minh cho biết Công an TP.HCM đã xác định năm phường/xã phức tạp về an ninh trật tự để thí điểm tập trung "chuyển hóa". Đó là phường 2 - Tân Bình; phường 25 - Bình Thạnh; phường Linh Trung - Thủ Đức; phường Bình Hưng Hòa A - Bình Tân và xã Vĩnh Lộc A - Bình Chánh. "Nhìn chung trong đợt cao điểm và cả năm thì phạm pháp hình sự ở năm phường/xã trọng điểm đều kéo giảm, tỉ lệ khám phá án đạt từ 73% đến 92%, cao hơn mức bình quân 62% của TP và cao hơn nhiều so với năm trước ở các địa bàn này" - ông Minh nói.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, tướng Minh cũng chỉ ra việc thực hiện "chuyển hóa địa bàn" ở năm phường/xã còn mang tính hình thức, phối hợp giữa các lực lượng chưa đồng bộ, một số công tác triển khai còn hình thức.
Những câu chuyện về vụ án Năm Cam Đầu năm, gặp Đại tá Phạm Văn Tám, Trưởng phòng 8, Cục CSHS, Bộ Công an, chúng tôi được nghe anh kể cho nghe những "đòn" quyết định hạ gục những tên tội phạm khét tiếng trong các chuyên án lớn. "Điểm huyệt" Khánh "trắng" Vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước, Dương Văn Khánh (tức Khánh "trắng") được coi là...