Tôi phải làm gì để cứu vãn gia đình mình?
Lần thứ năm tôi nhìn thấy đơn ly hôn của anh đặt trên bàn. Không giống những lần trước, tôi cầm và đọc rất kỹ từng từ, từng chữ một trước khi có ý định xé tan nó.
Ảnh minh họa
Cuộc hôn nhân của chúng tôi đã sát miệng vực nhưng tôi không muốn kết thúc mà cũng không biết nên “sửa chữa” ở chỗ nào.
Trước đây, mỗi lần muốn nổi điên tôi kéo chồng vào phòng ngủ còn giờ tôi có thể làm loạn nhà bất cứ khi nào. Không biết con có hiểu chuyện gì đang xảy ra không nhưng mỗi lần ấy tôi thấy con ngoan đến lạ. Con lặng lẽ ngồi chơi ở góc nhà, không dám gọi mẹ cũng chẳng dám chạy đến với bố. Tôi còn nhớ, có lần khi phát hiện vết bầm trên chân con, tôi đánh con vì lí do “vô tích sự giống hệt bố”. Mãi sau này tôi mới biết, vết thương ở chân con là do ghế đổ vào khi tiếng đồ đạc trong nhà rơi vỡ khiến con giật mình. Chỉ đến khi đọc được nhật kí của con tôi mới biết mỗi lần vợ chồng cãi nhau con đều sợ hãi ngồi nép ở góc nhà và cầu nguyện.
Con viết: “Mấy ngày nay, mẹ ăn mặc đẹp hơn, mẹ về nhà muộn hơn, mẹ thường quên con ở trường hoặc nhờ cô Mai hàng xóm tiện đường đón giúp. Mẹ không về có nghĩa là con và bố đi ăn hàng nhiều hơn. Thời gian đầu con thấy thích lắm. Bởi ăn ngoài ngon miệng hơn lại chẳng phải nghe những lời cáu bẳn, quát mắng của mẹ.
Chỉ có điều con không hiểu vì sao từ ngày đó con chẳng bao giờ được nằm cạnh cả hai người hay được nắm tay cả bố, cả mẹ khi ra ngoài. Hoặc là con có mẹ, hoặc là con có bố. Có một thời gian, con thấy gia đình mình yên bình đến lạ. Bố mẹ không nói chuyện gì với nhau, không to tiếng, không cãi cọ. Con tự nhủ, như vậy càng tốt. Có thể bố mẹ đã hiểu ra hò hét, nói lớn không có tác dụng gì ngoài hại sức khỏe và làm cho người không liên quan cảm thấy khiếp đảm.
Tuy nhiên, sự yên bình ấy chỉ kéo dài đến ngày ông nội qua nhà chơi. Hôm đó, bố về nhà rất sớm, dọn dẹp phòng ốc sạch sẽ, gọn gàng. Bố vui vẻ nhắc về mẹ với ông nhiều hơn và cả nhà đợi mẹ về chuẩn bị bữa tối. Nhưng càng đợi càng không thấy. Bố gọi rất nhiều cuộc điện thoại, mỗi lần trở vào nhà chỉ thấy nét mặt căng thẳng hơn. Sau cùng, không thể đợi thêm, bố đưa con và ông ra ngoài ăn tối.
Con thì khoái chí cười khúc khích vì đã quen rồi nhưng ông nội chẳng nói thêm một lời nào cho đến ngày mai ông bắt xe về quê. Ông vừa về, bố mẹ cãi nhau một trận to. Lần này, không chỉ nói lớn, mẹ còn tiện tay đập vô số đồ đạc trong nhà. Con không hiểu vì sao, chỉ biết ngồi im ở phòng nín thở chờ đợi.
Con cứ nghĩ bố mẹ giận nhau mấy bữa lại lành như chúng con chơi trên lớp. Thậm chí, bạn Nam với bạn Hoàng còn đánh nhau bêu đầu mà chỉ một tuần đã lại thân như không có chuyện gì xảy ra rồi. Nhưng người lớn thì không dễ giận và dễ dàng tha thứ cho nhau như thế thì phải. Đã gần một năm, mọi thứ không lành mà ngày càng tệ hại. Mẹ chẳng những không còn dịu hiền như trước mà càng ngày càng trái tính. Mẹ cằn nhằn, kêu ca cả ngày hoặc không thì bỏ bê nhà cửa, ngay cả con mẹ cũng chẳng màng. Cứ nhìn thấy bố là mẹ nhiếc móc, chửi rủa, đến con cũng chỉ mong bố đừng về nhà hoặc nếu bố ở nhà, con chỉ mong mẹ về thật muộn để không phải nghe những câu nói khó chấp nhận của mẹ”.
Đọc những dòng nhật kí của con, lòng tôi như sát muối. Quả thực, tôi đã hết yêu anh, người chồng bội bạc, phụ tình nhưng tôi không chấp nhận để anh ra đi và đến bên người phụ nữ khác. Yêu thương không còn nhưng thù hận thì không gì xóa nhòa được. Liệu tôi có nên giải thoát cho tất cả chúng tôi?
Theo Tienphong