Tôi nhận ra sự thật về chính mình vì chồng… bỗng dưng mất việc
Tôi từng nghĩ hôn nhân là sự sẻ chia mọi khó khăn trong cuộc sống. Nhưng bây giờ, khi chồng xảy ra chuyện, tôi lại cảm thấy vô cùng khó chịu.
Chồng tôi 40 tuổi, là kỹ sư IT. Anh vốn là người đàn ông hiền lành, có trách nhiệm và rất thương vợ con. Từ ngày cưới, anh luôn là trụ cột gia đình, mang lại cảm giác an toàn cho tôi và hai con nhỏ.
Công việc của chồng ổn định với mức thu nhập khá khiến tôi tin rằng, gia đình mình sẽ không bao giờ phải đối mặt với những khó khăn tài chính lớn lao.
Nhưng cuối năm nay, một cú sốc bất ngờ xảy ra. Công ty anh buộc phải cắt giảm nhân sự. Anh nằm trong danh sách những người bị cho thôi việc. Tôi không tin vào tai mình khi anh thông báo.
Mặc dù vậy, thú thực, phản ứng đầu tiên của tôi không phải là lo lắng cho tâm trạng của chồng hay cảm thông. Thay vào đó là cảm giác nặng nề, thậm chí khó chịu.
Tôi nghĩ đến việc tiền bạc eo hẹp, những hóa đơn chưa thanh toán, chi phí học hành của hai đứa con và cả cái Tết đang đến gần.
Tôi nhận ra nhiều sự thật trong tính cách của mình khi chồng gặp sự cố (Ảnh minh họa: soompi).
Ban đầu, tôi cố gắng giữ bình tĩnh, tự nhủ rằng, ai cũng có lúc khó khăn. Nhưng ngày qua ngày, anh chỉ ở nhà, loay hoay với việc gửi hồ sơ, phỏng vấn qua mạng, hoặc đôi khi ngồi xem tivi và chơi với con.
Video đang HOT
Một tháng trôi qua, công việc mới vẫn bặt vô âm tín. Tuổi của chồng tôi cũng có rất ít cơ hội, các bên tuyển dụng đều ưu tiên tuyển người dưới 40 tuổi.
Hình ảnh người đàn ông mạnh mẽ, là chỗ dựa của gia đình dường như phai nhạt trong mắt tôi. Thay vào đó, tôi thấy một người đàn ông thất nghiệp, không đủ bản lĩnh để vượt qua khủng hoảng.
Một năm trước, tôi cũng từng trải qua quãng thời gian ở nhà chẳng làm gì. Sau khi nghỉ việc ở công ty cũ vì cảm thấy quá mệt mỏi, tôi quyết định dành hẳn một năm để nghỉ ngơi, lấy lại tinh thần.
Lúc đó, chồng tôi không một lời phàn nàn. Anh vẫn đi làm, lo toàn bộ chi phí sinh hoạt của gia đình, còn luôn tìm cách làm tôi vui. Anh hay mua những món ăn tôi thích, thỉnh thoảng đưa cả nhà đi chơi để thay đổi không khí.
“Em cứ nghỉ ngơi đi, khi nào sẵn sàng thì đi làm lại. Anh lo được”, câu nói ấy của anh khi ấy khiến tôi cảm động. Nhưng bây giờ, khi vai trò bị đảo ngược, tôi nhận ra mình không thể bao dung như anh. Tôi cảm thấy áp lực, lo lắng, thậm chí là mệt mỏi, khi phải nhìn cảnh chồng nhàn rỗi, trong khi tôi gánh cả gia đình.
Tôi nghĩ đến cảnh chồng không thể xin được công việc mới, vì giờ thị trường lao động rất khó khăn. Gia đình tôi vốn sống thoải mái, không tích lũy, tháng nào nhận lương cũng chi tiêu hết.
Sắp đến Tết, nhiều khoản phải lo, tôi thấy vô cùng áp lực. Lương của tôi chỉ 12 triệu đồng, không thể đủ được. Tôi cảm thấy mình ích kỷ nhưng tôi luôn có tư tưởng dựa dẫm và phụ thuộc vào chồng. Giờ chồng gặp khó khăn, tôi rất khó chịu và thất vọng.
Chồng tôi chịu áp lực tìm việc, tôi cũng căng thẳng nên đã lâu, chúng tôi không gần gũi, chuyện vợ chồng lạnh nhạt. Tôi thấy mình cư xử không mấy tinh tế. Nhưng tôi là người sống thẳng thật, tôi không thể tỏ ra vui vẻ được.
Nếu chồng tôi vẫn không tìm được việc, tôi không biết gia đình tôi sẽ ra sao. Tôi thật sự rất rối bời quá.
Vay chị vợ 200 triệu, nửa năm sau, chị đến đòi có nói một câu khiến tôi quyết bán xe ô tô trả nợ gấp
Tôi mặc kệ, tôi không thể nhịn nhục được, cứ trả hết nợ cho chị vợ đã rồi tính tiếp.
Vợ chồng tôi xây nhà năm ngoái, do không tính toán kỹ càng nên bị vượt quá tài chính, kết quả là không còn một đồng dư ra để làm ăn kinh doanh.
Hồi tháng 3, tôi quyết định mua một chiếc ô tô để chạy xe dịch vụ. Số tiền bố mẹ đẻ của tôi cho vay là 300 triệu, còn thiếu 200 triệu nữa. Tôi định vay ngân hàng nhưng vợ tôi nói chị gái cô ấy vừa đáo hạn sổ tiết kiệm, chúng tôi nên vay người nhà tốt hơn là vay ngân hàng vì còn liên quan giấy tờ thủ tục các thứ. Vợ bảo đã đánh tiếng trước với chị gái rồi, chị ấy đồng ý cho vay với lãi suất 6%/tháng. Tức là chúng tôi phải trả lãi 1,2 triệu/tháng cho 200 triệu.
Tôi đồng ý vì tôi biết đồng tiền đi liền khúc ruột, người ta cho vay cũng phải có sự đảm bảo và có lãi. Để chứng minh sự chân thành khi vay mượn, cả 2 vợ chồng tôi đến nhà chị vợ để vay tiền và viết giấy nợ. Lúc đó, chị vợ nói rằng đầu tháng 10 chị phải xây nhà cho con trai nên chỉ cho vay được đến hết tháng 9. Từ giờ tới lúc đó là nửa năm, hỏi tôi có chắc chắn trả được chị không? Lúc đó tôi nghĩ mình chịu khó chạy xe thì nửa năm cũng kiếm được 150 triệu. Cộng thêm tiền lương của vợ nữa chắc cũng đủ chi tiêu và tiết kiệm trả nợ nên đồng ý.
Thế nhưng người tính không bằng trời tính. Công việc chạy xe không lãi như tôi tưởng, với lại nhiều ngày tôi phải nghỉ do bão lũ, thế nên gom góp mãi, hai vợ chồng cũng chỉ có được 80 triệu. Trước khi hết tháng 9, tôi bảo vợ gọi điện cho chị gái, khất nợ đến cuối năm. Vì tôi biết xây nhà không phải nay mai là xong, ít nhất cũng vài tháng, chắc hẳn chị ấy cũng có khoản tiền lớn rồi. 200 triệu này chúng tôi trả khi công trình hoàn thành cũng đâu phải không thể.
Nhưng vợ gọi 2 lần, chị gái đều nói đang cần tiền gấp để còn trả tiền vật liệu xây dựng. Tôi bảo vợ cứ khất đi, cuối năm trả một thể cả gốc lẫn lãi vì giờ cũng chẳng xoay đâu ra tiền.
Ảnh minh họa
Thế mà tối hôm qua, khi tôi về nhà thì đã thấy chị vợ ngồi trong phòng khách. Thấy tôi, chị đã nói luôn: "Chị đến xin lại tiền. Chú với dì bảo cuối tháng 9 trả mà nay đầu tháng 10 rồi chưa thấy, chữ tín quý như vàng mà chú làm như thế đấy!".
Tôi giận lắm, nhưng vẫn hòa nhã nói: "Vợ chồng em chưa góp đủ nên em cũng bảo vợ gọi điện khất chị đến cuối năm, từ giờ tới cuối năm em chạy xe nhiều thì sẽ có đủ để trả chị sớm, chắc chắn là trước Tết. Chị thư thả cho vợ chồng em thêm vài tháng".
Vậy mà chị vợ chống nạnh nói: "Chú biết chị đang xây nhà cho cháu, chú chẳng giúp anh chị được đồng nào, giờ đến tiền của chị, chị đòi lại mà còn bị chày cối tới cuối năm. Ai biết tới cuối năm, chú có khất sang năm tiếp không? Chú định cướp trắng số tiền mồ hôi nước mắt của chị à?".
Nghe thế, tôi nóng mặt bảo chị: "Chị về đi, tối mai vợ em mang tiền sang trả đủ, không thiếu một đồng".
Chị vợ dịu giọng liền: "Đấy, chị biết chú có tiền mà cứ định chây ỳ. Được rồi, chị về, nhớ tối mai mang trả anh chị để chị còn lo việc. Cả lãi nhé".
Nói xong, chị vợ xách túi ra về. Vợ tôi nghe trọn cuộc nói chuyện mà không ý kiến gì, đến lúc này cô ấy mới hỏi: "Anh lấy đâu ra tiền mà nói chắc như đinh đóng cột thế. Cứ kệ chị ấy, mồm miệng thế thôi chứ mình có khất thì chị ấy cũng phải chịu thôi".
Tôi lắc đầu, nói sẽ bán xe ô tô trả nợ, chứ tôi không thể tiếp tục chịu sự miệt thị của chị ấy. Nhưng vợ tôi phản đối. Vợ bảo tôi đang chạy xe tốt, chỉ thêm thời gian nữa là trả được hết nợ, giờ bán xe đi thì tôi kiếm tiền cách nào? Huống chi xe mua mới thì đắt, bán đi thì rẻ, tự nhiên lỗ mất cả trăm triệu. Tôi mặc kệ, tôi không thể nhịn nhục được, cứ trả hết nợ cho chị vợ đã rồi tính tiếp. Tôi làm thế có đúng không mọi người?
Giá nhà thuê quá đắt, tôi 'cắn răng' về sống chung với mẹ chồng Tôi từng thề "có chết cũng phải ở riêng" nhưng rồi không chịu nổi giá nhà thuê và chi phí sinh hoạt tăng cao vút, đành "cắn răng" bế con về ở chung với mẹ chồng. Vợ chồng tôi lấy nhau đến nay đã được hơn 2 năm và có một bé gái gần 1 tuổi. Thời con gái, tôi sợ nhất là...