Tôi muốn ly hôn để đến với em chồng
“Từ trước tới giờ tôi có coi cô là vợ đâu mà đòi ly dị. Nghe nè, cô chỉ là một con ở thôi, hiểu chưa?”- chồng tôi đã nói như vậy.
“Câm lây rôi biên”. Huấn vứt mạnh xấp tiền lên bàn. Chiếc quạt máy đang thổi mạnh khiến những tờ tiền bay lả tả xuống sàn nhà. Tôi nhìn chồng, rồi nhìn những tờ giấy vẫn tiếp tục bay là đà trên mặt đất.
Có lẽ đến chết tôi cũng không thể nào quên được cảm giác lúc đó: Một cảm giác đau đớn, ê chề lẫn uất hận nghẹn ứ trong lòng khiến tôi không thể nào khóc được. Tôi nhặt đến tờ tiền cuối cùng rồi đứng lên nhìn Huấn: “Cảm ơn anh. Đây là lần cuối cùng em phải nhờ đến anh”.
Tôi cầm tiền chạy đến bệnh viện. Mẹ tôi đang chờ đóng tiền để được nhập viện phẫu thuật. Trước sự sống chết của mẹ, tôi đã không còn giữ được thể diện của mình.
Khi tôi học năm thứ ba thì ba tôi mất. Trụ cột trong gia đình không còn, mẹ tôi lại đau yếu liên miên nên tôi phải tự lo cho mình. Tôi đã muốn nghỉ học nhưng mẹ tôi kiên quyết không cho. Mẹ nói, chỉ có học hành đàng hoàng thì sau này tôi mới có thể tự lo cho mình.
Đó là lý do tôi trở thành người giúp việc nhà theo giờ cho gia đình Huấn. Buổi tối, tôi đến dọn dẹp, giặt giũ, ủi quần áo và làm những công việc mà người ta yêu cầu trong 2 giờ. Tôi còn phải đi dạy thêm cho 2 đứa học trò tiểu học mới có đủ chi phí trang trải chuyện học hành và gửi về cho mẹ một ít.
Cho đến một ngày nọ, tôi đến làm việc như mọi khi. Hôm đó là ngày lễ, cả nhà đi vắng, chỉ còn lại người con trai đầu của chủ ở nhà. Tôi đã bị anh ta cưỡng hiếp trong buổi tối ấy. Đêm đó tôi đã suýt lao đầu xuống sông để rửa hết ô nhục. Nhưng tôi nghĩ đến mẹ. Nếu tôi chết thì ai sẽ chăm sóc mẹ? Nếu tôi chết thì tôi sẽ là một đứa con bất hiếu.
Hôm sau Huấn tìm đến nhà trọ quỳ xuống xin tôi tha thứ. Anh ta nói đủ lời ngon ngọt để cho tôi tin rằng anh ta đã để ý và yêu tôi từ lâu. Anh ta hứa, nếu tôi đồng ý, anh ta sẽ cưới tôi, sẽ lo cho tôi học hành, lo cho mẹ tôi có một cuộc sống đàng hoàng…
Cuối cùng tôi đã đồng ý. Thế nhưng Huấn đã không giữ lời. Sau đám cưới, anh lấy lý do tôi đang mang thai nên phải ở nhà dưỡng thai. “Sinh con xong rồi đi học lại cũng đâu có sao? Không lẽ bây giờ em mang bụng bầu tới trường?”. Anh ta nói như vậy.
Nhưng tôi đâu có ở nhà dưỡng thai như Huấn nói. Vốn dĩ trước đây tôi là người giúp việc thì bây giờ mọi việc trong nhà tôi phải làm tất cả. Từ đi chợ nấu cơm đến giặt giũ, dọn dẹp, phục vụ 8 con người trong ngôi nhà ấy đã vắt kiệt sức của tôi. Kết quả là tôi bị sẩy thai.
Sau lần sẩy thai ấy, bác sĩ khuyến cáo tôi không nên sinh con nữa. Lý do là vì giữa tôi và chồng có một điều gì đó mà sự kết hợp sẽ cho ra những đứa trẻ nếu không chết yểu thì sẽ bị dị tật. Không thể làm cái máy đẻ, sự hiện diện của tôi trong nhà chỉ thuần túy là một người giúp việc. Mẹ chồng tôi nói: “Đàn bà mà không sanh nở được thì coi như vô dụng”. Thậm chí, Huấn không cho tôi ngủ chung mà đuổi tôi xuống ngủ ở nhà bếp.
Chính ở đó, tôi và Huy đã gặp nhau. Huy là em trai út của Huấn. Anh đi du học ở Úc, mới trở về làm việc trong công ty của gia đình hơn một năm. Thoạt đầu giữa chúng tôi chỉ là tình cảm giữa chị dâu, em chồng nhưng sau đó, tôi thấy Huy rất lạ.
Anh chăm sóc tôi chu đáo và hay bênh vực tôi mỗi khi tôi bị mẹ chồng và chồng hiếp đáp. Khi có mặt mọi người, Huy gọi tôi là “chị”, xưng “tôi” nhưng khi chỉ có riêng tôi với Huy, anh chỉ gọi tôi bằng tên vì Huy lớn hơn tôi đến 4 tuổi.
Có lần Huy nói với tôi: “Hà đi học lại đi, mình sẽ lo cho”. Khi tôi nói điều này với Huấn thì bị gạt phắt: “Tính tạo phản hay sao mà đòi đi học? Đi học hay đi kiếm trai?”. Tôi nhắc lại lời hứa của Huấn khi trước thì anh ta cười khẩy: “Khi chưa được, ai mà chẳng hứa hẹn cho được việc? Bây giờ em không còn giá trị gì nữa, phải biết an phận đi, đừng có lộn xộn. Cứ ở nhà chăm sóc ba mẹ, làm công chuyện rồi tôi sẽ cho tiền để gởi về quê cho bà già, còn lộn xộn thì đừng có trách”.
Video đang HOT
Chẳng hiểu sao hôm đó tôi rất kiên quyết. Có lẽ nhờ Huy động viên, tiếp sức nên tôi nói cứng với Huấn: “Anh không cho em cũng đi, không thể cứ ăn bám mãi như vầy. Em muốn làm chủ cuộc đời mình”.
Kết quả là tôi bị cấm cửa, nhốt luôn trong nhà, chuyện chợ búa chuyển cho người khác. Chính vì chuyện này mà anh em Huy gây gổ với nhau. Tôi nghe Huấn nói: “Chuyện của vợ chồng tao, mày xen vô làm gì? Tao nói rồi đó, đừng có lộn xộn”. “Tôi không hiểu anh quan niệm về cuộc sống vợ chồng như thế nào nữa.
Anh đối xử với chị dâu như vậy mà coi được sao? Đừng có ỷ mình nhiều tiền rồi coi người ta như cỏ rác. Tôi sẽ lo cho chị dâu đi học lại”- giọng Huy vẫn điềm đạm.
Tôi không dám rình nghe tiếp nhưng sau đó, Huấn kiếm tôi, mặt hầm hầm: “Muốn đi học hả? Thì đi đi, tôi sẽ không cho cô một xu nào nữa”. Tôi đã rất đắn đo trước khi quyết định ghi tên học ở một trung tâm dạy nghề. Tôi nói với cha mẹ chồng: “Con xin phép ba mẹ cho con đi học để có một nghề lo cho tương lai của mình.
Đường con cái của con đã không ra gì, anh Huấn cũng không thương con nữa, nếu con không lo cho mình thì sẽ không có ai lo cho con”. Có lẽ những điều tôi nói cũng hợp lý nên cha mẹ chồng tôi đồng ý cho tôi đi học với điều kiện vẫn phải bảo đảm làm hết công việc trong nhà.
Tôi thoát ra khỏi 4 bức tường ấy như cá gặp nước, như chim gặp khoảng trời xanh. Tuy nhiên, tôi mới học được 6 tháng thì mẹ tôi trở bệnh nặng. Tôi lại phải van xin chồng tôi cho tiền để chữa bệnh cho mẹ. Mỗi lần như vậy, tôi lại bị biến thành đủ thứ con vật trong những lời miệt thị của anh.
Nhưng tôi đau nhất có lẽ là lần Huấn ném xấp tiền trên bàn. Những tờ giấy bạc bị chiếc quạt máy thổi bay lả tả trên sàn nhà. Tôi bò xuống mà nhặt y như một con thú 4 chân. Khi ấy, tôi nghĩ mình không còn là con người- đúng như những lời miệt thị của Huấn.
Nhưng cuối cùng thì mẹ tôi cũng không qua khỏi dù đã có tiền phẫu thuật. Chẳng biết sao khi ấy, tôi lại có cảm giác nhẹ hẫng. Mẹ không còn, tôi chẳng còn gánh nặng phải lo toan. Tôi nói với Huấn: “Anh cưới vợ khác đi, chúng mình ly dị”.
Huấn trừng mắt nhìn tôi : “Có phải cô không vậy? Ly dị à? Mơ đi nghen. Từ trước tới giờ tôi có coi cô là vợ đâu mà đòi ly dị. Nghe nè, cô chỉ là một con ở thôi, hiểu chưa?”.
Tôi không tranh luận với Huấn nhưng sau đó mấy ngày, tôi đã lén bỏ trốn. Tôi để lại thư và đơn xin ly hôn cho Huấn, bảo anh ta đừng tìm tôi vô ích. Tôi về quê vì dù sao, mẹ tôi cũng còn mấy công vườn. Hơn nữa, mồ mả cha mẹ tôi ở đó…
Những năm tháng ở thành phố đã cho tôi nhiều kinh nghiệm sống. Mảnh vườn của cha mẹ tôi thành nơi cung cấp thực phẩm sạch cho công ty du lịch và các nhà hàng phục vụ du khách ngoài thị xã. Tất nhiên là để có điều đó, tôi đã mất gần 6 năm cày cục cật lực.
Giờ đây, tôi đã có một cuộc sống thật sự là của mình. Dù vất vả, nhưng tôi là tôi chứ không phải là một cái bóng vật vờ bên người chồng không hề yêu thương, tôn trọng mình. Cái mà tôi cần bây giờ là một bản án ly hôn để làm lại cuộc đời. Tôi đến gặp Huấn. Anh ta lại cười khẩy: “Tôi còn chưa tha cho cô đâu, đừng có nghĩ đến hai chữ tự do. Tôi biết cô tằng tịu với em tôi, vậy nên tôi càng không để cho cô tự do”.
Khi tôi nói lại với Huy điều này, anh trấn an tôi: “Em đừng lo. Anh hai không đồng ý nhưng em vẫn có quyền gởi đơn ly hôn ra tòa. Anh sẽ nhờ luật sư lo cho em”. Tôi đã gởi đơn ra tòa.
Thế nhưng tôi nghe mọi người kể lại là giữa anh em họ đã nổ ra cãi vã, bất đồng rất lớn. Khó khăn cho tôi là cha mẹ chồng tôi lại đứng về phía Huấn. Họ nói nếu Huy không cắt đứt quan hệ với tôi thì sẽ truất quyền thừa kế của anh.
Huy nói với tôi rằng anh không sợ. Anh đủ sức làm việc, kiếm tiền để lo cho vợ con. Và quan trọng hơn là anh yêu tôi, muốn ở cạnh tôi trong những tháng ngày còn lại. Anh cũng không quan tâm chuyện tôi có thể sinh nở được hay không. “Em nhất định không được buông tay, nhất định không được đầu hàng”- Huy xiết chặt tay tôi.
Khi có anh bên cạnh, tôi thấy an tâm và quyết tâm cao ngất trời. Thế nhưng khi chỉ còn lại một mình, tôi lại nhấp nhỏm không yên… Tôi không biết mình đúng hay sai trong chuyện này. Nếu như Huấn không đồng ý ly dị thì liệu tự do của tôi có vĩnh viễn mất đi như lời anh ta đe dọa hay không! Chẳng lẽ tôi mãi mãi không thể ly hôn?
Theo VNE
Tâm sự của chồng, gửi người làm vợ
Chồng thức suốt đêm chăm sóc vợ ốm, sáng ra hỏi: "Hôm nay thấy thế nào? Còn đau không?". Người ấy đến thăm, hỏi: "Hôm nay em thấy thế nào? Còn đau không em?".
Chồng hì hụi nấu cho vợ bát cháo, bưng đến, nói: "Ăn đi cho toát mồ hôi..."
Người ấy đến đúng lúc bát cháo còn để trên bàn, bảo: "Em ăn đi kẻo nguội..."
Sáng thấy trời trở gió, chồng đưa cho cái áo khoác bảo: "Trời lạnh đấy..."
Người ấy nhìn thấy quấn kín mít trong đống áo quần, hỏi: "Có lạnh không em?"
Chỉ thêm một từ "em" mà sao nghe lòng cứ rưng rưng. Người ấy thật dịu dàng, thật trìu mến, thật đáng yêu.
Chỉ thiếu một từ "em" mà thấy lòng lạnh tanh, ngao ngán thấy ông chồng thật khô khan, cục mịch.
Chỉ vì một từ em mà chị đã xao lòng. Chỉ thiếu một từ em mà chị cảm thấy hụt hẫng, người đâu mà khô như ngói.
Chị thật chóng quên. Trước kia anh đâu có thế. Nhưng...
Anh vừa hoàn thành công trình được nghiệm thu xuất sắc, vội lao về nhà để đưa vợ đi nhà hàng chiêu đãi, mặc cho đồng nghiệp í ới rủ rê đi nhậu, nhưng gặp ngay nét mặt lạnh lùng của vợ:
- Hôm nay thất nghiệp hay sao mà giờ này đã về...
Nguội cả niềm vui.
Vui quá vì nhận được một hợp đồng béo bở, về thấy vợ đang lúi húi nấu cơm, thương vợ quá nên bàn:
- Em tìm thuê lấy người giúp việc cho đỡ vất...
Vợ cau có:
- Sợ vợ vất vả hay thích có bà bé trong nhà?
Tình yêu vụt tắt.
Có hôm tự nhiên nhớ lại những kỷ niệm ngày xưa thấy yêu vợ lạ lùng, chẳng kìm được lòng đến bên vợ hôn một cái. Vậy mà vợ quay ngoắt lại, giương mắt lên hỏi:
- Hôm nay lại làm gì nên tội hả? Anh khai ngay. Hôm nay anh gặp lại người yêu cũ phải không?
Nói là vì yêu vợ quá thì vợ lại phì vào mặt bảo: "Đừng giả dối, đừng đánh trống lảng...". Buồn cả người.
Có hôm công việc không suôn sẻ, vừa mệt, vừa chán, chỉ mong được về nhà nằm nghỉ bên vợ con cho quên hết sự đời, vậy mà vừa mở cửa, mới bước được có một chân vào nhà vợ đã nhìn lom lom hỏi:
- Hôm nay cãi nhau với con nào hả? Sao mặt mũi trông như thất tình vậy?
Cứ nghĩ, giá như vợ chỉ hỏi một câu: "Anh có chuyện gì mà trông mệt thế?", chắc sẽ bật khóc mà nói: "Không có em chắc anh không sống nổi...".
Vợ bước từ phòng tắm ra, trông vợ mát mẻ cứ như thiên thần, yêu thật là yêu, chạy ra ôm vợ vào lòng, ghé tai nói khẽ: "Em xinh thật là xinh. Thơm thế, cứ như được ướp bằng ngàn loài hoa ấy...".
Vợ hất tay, nguýt dài: "Đừng có tán, tính chuyện vớ vẩn hả... người ta đang mệt đây, để cho người ta yên". Trăm ngàn tình yêu đều sun cả lại, cụt cả hứng.
Ngày sinh nhật vợ, nhân có tiền thưởng, hứng chí mua cho vợ một bó hoa lan cực đẹp. Cầm bó lan đi đường bao cô gái phải trầm trồ khen, sướng run cả người, tin chắc vợ sẽ vui lắm đây. Vậy mà vợ chỉ nhìn bó hoa đã hỏi ngay: "Bao nhiêu tiền thế? Anh mua hay cô nào mua hộ?" Niềm vui chợt tắt.
Nhưng nào đã xong, vợ truy mãi đành phải nói giá bó hoa (mà chỉ là nửa giá thật thôi đấy), vợ giãy lên đành đạch tưởng bị đứt ruột, kêu rầm: "Kỳ sau đến ngày sinh nhật tôi ông cứ mua cho tôi con gà để tôi ôm là được, đừng có hoa hoét làm gì phí tiền...".
Cứ thế mà những lời có cánh, những hành động galăng dần dần mai một, héo hon, khô đét.
Có nhiều lúc khao khát được nói những lời yêu thương, khao khát được bày tỏ tình cảm với vợ mà miệng chẳng dám nói lời ngọt ngào âu yếm, sợ phải nhìn ánh mắt nghi ngờ của vợ, sợ phải nghe vợ nói: "Đừng có mà giả tạo, đừng có mà nói điêu...".
Vợ chẳng biết chính mình đã biến chồng thành mảnh ngói khô khan để rồi cứ thế mà hờn trách, xa rời chồng. Để rồi xao lòng với người đàn ông khác bởi một tiếng "em"...
Theo VNE
Có phải bởi tiếng "em" ? Chồng thức suốt đêm chăm sóc vợ ốm, sáng ra hỏi: "Hôm nay thấy thế nào? Còn đau không?". Người ấy đến thăm, hỏi: "Hôm nay em thấy thế nào? Còn đau không em?". Chồng hì hụi nấu cho vợ bát cháo, bưng đến, nói: "Ăn đi cho toát mồ hôi..." Người ấy đến đúng lúc bát cháo còn để trên bàn, bảo:...