Tới Mũi Điện đón mặt trời lên
Chuông báo thức điện thoại reo vang giục giã, tôi không cần choàng tỉnh giấc bởi suốt cả đêm đã không hề chợp mắt.
Trong tâm trí tôi đã ngự trị những lời mời gọi không thể cưỡng lại. Nhất là khi được nghe nói thêm rằng: Đó là nơi đón bình minh đầu tiên trên đất liền Việt Nam.
Mặt trời nhú lên từ biển ở Mũi Điện.
1.Chiếc taxi nổ máy phóng đi theo đường Hùng Vương, xuôi về phía nam, thành phố Tuy Hòa vẫn còn chìm trong giấc ngủ. Thi thoảng ở những ngã tư đường phố tôi mới bắt gặp một vài bóng người đi làm ca đêm đang vội vã trở về nhà. Hoặc ai đó đi làm ca sớm cũng thầm lặng lướt qua. Cậu Hòa, người lái taxi, sau những phút ban đầu còn giữ khoảng cách với khách đi xe thì nói trong tiếng cười vui: “Các chú chắc là tới Mũi Điện?”. Tôi cũng cười nói: “Thì chúng tớ kêu xe đi Mũi Điện mà”.
Lại nhớ chiều tối hôm qua, trong bữa cơm với vợ chồng người bạn học của tôi, đã được nghe giới thiệu: “Tới Phú Yên có nhiều địa điểm du lịch hấp dẫn lắm. Ví dụ như vùng đất hoa vàng cỏ xanh này”. Nói rồi người bạn tôi cho biết thêm: “Cái tên vùng đất hoa vàng cỏ xanh được khởi nguồn từ bộ phim nổi tiếng “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của đạo diễn Victor Vũ.
Các nhà làm phim đã lấy bối cảnh Bãi Xép, một bãi biển thuộc xã An Chấn, TP Tuy Hòa. Đây là một bãi biển với dải đất cao và dài vươn ra biển với cảnh thiên nhiên vẫn giữ được nét nguyên sơ, lại hài hòa với trời biển tạo nên nhiều màu sắc, đặc biệt là với màu vàng của hoa đượm đà bên màu xanh của cây cỏ”.
Nghe người bạn giới thiệu như vậy, dĩ nhiên là chúng tôi thích mê rồi nhưng tôi cố hỏi thêm: “Thế còn địa điểm nào được ngắm cảnh thiên nhiên kỳ thú nữa không?”. Người bạn tôi nói: “Còn chứ. Tôi khuyên các bạn đã tới Phú Yên thì cũng nên một lần tới Mũi Điện đón mặt trời lên. Đây là địa điểm trên đất liền của nước ta đón mặt trời lên sớm nhất”.
Chiếc taxi vẫn phóng vút đi, xe đã ra khỏi TP Tuy Hòa và chạy theo con đường ven biển. Cậu lái xe nhìn sang tôi nói: “Tới Mũi Điện chừng 50 phút đấy chú”. Tôi vội lo lắng hỏi: “Liệu ta tới Mũi Điện có kịp trước khi mặt trời lên không?”. Cậu Hòa cười: “Tới Mũi Điện các chú còn đủ thời gian để thoải mái lựa chọn vị trí nào để chụp ảnh. Tốt nhất là tới ngọn hải đăng vì ở đấy có vị trí rất thuận tiện cho ngắm biển và đón mặt trời lên”.
Lại nhớ lúc chiều tối hôm qua, khi chúng tôi quyết định sáng sớm nay đi Mũi Điện, tôi đã kể cho mọi người nghe lần tôi tới Mũi Ngọc ở TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Lần ấy chúng tôi ra Móng Cái để làm một bộ phim tài liệu. Những người bạn ở thành phố địa đầu Tổ quốc đã gợi ý là trong phim mà chúng tôi khởi quay nên có cảnh mặt trời ở Mũi Ngọc. Bởi Mũi Ngọc là điểm đất liền nhô ra biển xa nhất ở Móng Cái. Cảnh mặt trời lên ở đây giá trị là bởi đó là địa đầu ở cực đông bắc của Tổ quốc.
Video đang HOT
Lần đó chúng tôi đã tới Mũi Ngọc, phường Bình Ngọc, TP Móng Cái, từ lúc 4 giờ sáng. Bãi biển Mũi Ngọc vẫn mơ màng chìm trong sương giăng. Nét nguyên sơ của bãi đá cổ đá hút hồn chúng tôi bởi vẻ thanh vắng đến sững sờ. Sau nửa tiếng chuẩn bị sẵn vị trí đặt máy quay phim thì chúng tôi đã kịp ghi vào khuôn hình cảnh mặt trời dần nhú lên từ biển. Biển Mũi Ngọc hôm ấy khá bình lặng, bình lặng đến nỗi chúng tôi có cảm tưởng như mặt trời đang nhú lên từ đất vậy.
“Đến Mũi Điện đón mặt trời lên sẽ khác với đón mặt trời lên ở Mũi Ngọc” – người bạn cùng học nhanh nhảu nói và mô tả, “Mặt trời tròn như một chiếc mâm đồng từ từ nhú lên trên biển, gần đến nỗi xoài tay là chạm. Rồi thả hồn mình theo từng ngọn gió mát lành của đại dương. Thấy như đang tận hưởng những bản nhạc du dương của biển cả. Và dường như trôi đi những muộn phiền mệt mỏi”.
Tôi thực sự tin lời người bạn của mình. Bởi được biết thêm rằng: Mũi Điện hay còn gọi là Mũi Đại Lãnh thuộc thôn Phước Tân, xã Hòa Tâm, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên. Mũi Điện nằm bên bờ cực đông của Tổ quốc. Nhớ người bạn Tuy Hòa của tôi đã cho biết: Mũi Điện là một mũi đất nhô ra biển từ một nhánh của dãy Trường Sơn, hướng thẳng ra bãi Môn. Nơi đây không chỉ có cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp mà còn có ngọn hải đăng được người Pháp xây dựng từ năm 1890 với phong cách kiến trúc châu Âu. Trải qua hơn 100 năm, ngọn hải đăng Mũi Điện vẫn đêm đêm lặng thầm tỏa ánh sáng vươn xa biển khơi để dẫn dắt tàu thuyền qua lại. Đúng như lời cậu Hòa lái xe taxi đã nói: “Ở vị trí ngọn hải đăng không chỉ sở hữu một bầu không khí trong lành dễ chịu mà còn là nơi chiêm ngưỡng toàn bộ khung cảnh mặt trời đỏ rực như hòn lửa đang dần nhô lên khỏi mặt biển”.
Mũi Điện trở thành điểm đón bình minh đầu tiên tại Việt Nam bởi nơi đây nằm ở độ cao 110m so với mặt nước biển. Từ tọa độ cao nhìn xuống sẽ dễ dàng thấy được khung cảnh mênh mông của đại dương xanh. Điều lợi thế này đúng là khác với Mũi Ngọc ở Móng Cái, vì Mũi Ngọc có độ cao chỉ hơn mặt nước biển chừng vài mét. Nhớ lần tôi quay cảnh đón mặt trời lên ở Mũi Ngọc. Lúc đang quay thì có một chiếc tàu chạy ngang qua phả khói mù mịt. Tàu chạy qua cũng có cái hay nhưng tiếc là chiếc tàu đã che khuất một phần mặt trời. Chờ khi tàu ra khỏi khuôn hình thì mặt trời đã lên khỏi mặt biển.
Ánh sáng rạng vàng báo hiệu mặt trời chuẩn bị nhô lên.
2.Xe đã tới khu vực Mũi Điện. Theo như lời cậu Hòa lái xe thì muốn tới tận chỗ Ngọn hải đăng thì chúng tôi phải tới từ chiều tối hôm trước, hay chí ít cũng phải tới ngọn hải đăng từ lúc 2 – 3 giờ sáng. Vào tầm chúng tôi tới khu vực Mũi Điện thì sẽ không kịp. Do vậy chúng tôi quyết định dừng ngay bên đường, chỗ đối diện với ngọn hải đăng để “rình” mặt trời lên. Cậu Hòa an ủi: “Vị trí này không được chính diện với mặt trời cho lắm nhưng các chú sẽ có được hình ảnh mặt trời lên bên cạnh ngọn hải đăng. Nó cũng thi vị ạ”.
Nói rồi, cậu Hòa giới thiệu: “Đường lên ngọn hải đăng phải đi thêm chặng nữa để tới dải núi nhô ra biển. Rồi tới nơi các chú sẽ phải leo 100 bậc thang được làm bằng gỗ. 100 bậc thang này sẽ đưa các chú tới đỉnh ngọn hải đăng. Cháu e rằng tuổi tác của các chú mà leo 100 bậc cầu thang thì sẽ rất mệt. Ta cứ ở chỗ này để ngắm mặt trời lên và chụp ảnh cũng đẹp các chú ạ”.
Dĩ nhiên là như thế rồi. Tôi phóng tầm mắt nhìn xuống thung lũng nhỏ dưới chân ngọn hải đăng. Thấp thoáng dưới ánh sáng mờ mờ giữa khung cảnh hoang vu là một vài chiếc lều trại. Thì ra chẳng những chúng tôi háo hức mà người háo hức nhất lại là những người trẻ tuổi. Suốt đêm qua họ đã ngủ trong những lều trại dựng tạm để vừa không phải di chuyển vừa được đón mặt trời lên. Cậu Hòa cho biết thêm: “Cánh này cháu biết. Họ không chỉ một lần tới đây để đón mặt trời lên đâu mà họ đến nhiều lần. Mỗi lần họ chọn một vị trí khác nhau. Thế mới có những bức ảnh với nhiều góc độ. Kể làm công tác nghệ thuật cũng “tốn kém” các chú nhỉ?”.
Những người trẻ tuổi đó chắc là lần tới trước đã leo lên đỉnh ngọn hải đăng để “săn” mặt trời. Đón mặt trời lên ở vị trí cao cũng có cái hay nhưng vẫn còn gì đó chưa hài lòng. Lần này những người trẻ tuổi đã chọn vị trí là bãi biển, để có góc độ gần như ngang bằng với mặt trời lên. Khung hình ấy chắc sẽ tôn hình mặt trời to hơn và gần hơn.
Cuối cùng thì thời khắc đã đến. Mọi người, vì lúc này tôi đã thấy bên cạnh chỗ chúng tôi đứng có thêm rất nhiều người, ai ai cũng lăm lăm máy ảnh và điện thoại trực sẵn, dường như tất cả cùng ồ lên sung sướng và náo nức. Từ xa xa mặt trời đỏ ửng to như chiếc mâm đồng đang từ từ nhô lên trên mặt biển Mũi Điện.
Hải đăng Mũi Điện - công trình kiến trúc độc đáo
Hải đăng Đại Lãnh còn có tên là hải đăng Mũi Điện, là di tích thắng cảnh cấp quốc gia, cách TP Tuy Hòa 35km về phía Nam theo đại lộ Hùng Vương, thuộc thôn Phước Tân, xã Hòa Tâm, TX Đông Hòa.
Hải đăng Mũi Điện. Ảnh: LÊ MINH
Mắt thần của biển
Hải đăng Mũi Điện được xây dựng trên đỉnh núi cao 83,5m so với mực nước biển, thuộc khối núi Đại Lãnh dãy đèo Cả, một nhánh của dãy Trường Sơn hùng vĩ chạy dài ra biển Đông, có tọa độ 12 độ vĩ bắc, 109 độ kinh đông. Đây là nơi đón ánh bình minh đầu tiên trên đất liền của Việt Nam.
Cuối thế kỷ XIX, một người Pháp có tên là Varella đã phát hiện và ghi nhận tầm quan trọng của mũi Đại Lãnh trên bản đồ hàng hải thế giới, người Pháp gọi là Cap Varella. Đến năm 1890, người Pháp cho xây dựng ngọn hải đăng này với mục đích hướng cho tàu thuyền ngoài khơi ra vào vịnh Vũng Rô. Từ đó đến nay, mũi Đại Lãnh được mang tên là Mũi Điện (được hiểu là mũi đất có ngọn đèn điện).
Năm 1936, vua Minh Mạng chọn, cho thể hiện hình tượng núi Đại Lãnh vào Tuyên đỉnh - một trong chín đỉnh (cửu đỉnh) đặt trước Thế miếu (nơi thờ các vua nhà Nguyễn) trong đại nội kinh thành Huế.
Một điều đặc biệt thú vị, ngày nay bằng các thiết bị hiện đại khi chụp ảnh từ trên cao xuống toàn cảnh núi Đại Lãnh, Mũi Điện, Bãi Môn tạo thành hình như bản đồ Việt Nam thu nhỏ.
Được xây dựng và đưa vào hoạt động hơn 100 năm (1890-2024), đến nay, hải đăng Mũi Điện vẫn luôn lặng lẽ làm nhiệm vụ định hướng cho hoạt động hàng hải, hỗ trợ ngư dân khi ra khơi bám biển. Đây là một trong tám ngọn hải đăng trên 100 năm tuổi ở Việt Nam và là ngọn hải đăng nằm gần hải phận quốc tế nhất.
Ngắm bình minh ở Mũi Điện
Một thời gian dài hải đăng Mũi Điện phải ngưng hoạt động do chiến tranh tàn phá. Năm 1995, hải đăng này được tu bổ và năm 1997 hoạt động trở lại, dưới sự quản lý điều hành của Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Nam Trung Bộ.
Nhìn từ xa, hải đăng Mũi Điện có hình khối như một nhà thờ cổ, phần đế một tầng rộng khoảng 300m2, nằm dài trên đỉnh núi, ngọn hải đăng như một tháp chuông quay về hướng đông. Bên trong nhà có sảnh lớn là nơi dừng chân của khách, các phòng làm việc, nơi ăn ở, vệ sinh...
Tháp hải đăng có khối hình tròn đường kính đáy rộng 4,5m, cao 26,5m so với cốt nền và hơn 100m so với mực nước biển, hình dáng tháp thon dần theo chiều cao. Trên đỉnh tháp sử dụng pin năng lượng mặt trời, có ánh sáng phát xa 27 hải lý (tương đương khoảng 50km).
Bên trong tháp có cầu thang xoắn ốc hơn 100 bậc bằng gỗ, rộng đủ 2 người lên xuống tránh nhau; đỉnh tháp là nơi ngắm phong cảnh ngoạn mục nhất. Phóng tầm mắt ra xung quanh, phía Tây là núi non trùng điệp; phía Đông là biển rộng mênh mông; trên đầu là mây trắng, trời xanh.
Thời gian đẹp nhất khi ngắm cảnh ở đây là lúc bình minh lên, những tia nắng mai dần ló dạng sau lớp mây mờ, dần dần bình minh xuất hiện xua tan bầu không khí tăm tối, một khoảnh khắc đẹp đến nao lòng.
Trên hành trình du lịch các danh thắng ở TX Đông Hòa như chinh phục đỉnh cao núi Đá Bia, bến Vũng Rô với huyền thoại tàu Không số, các bạn đừng quên thăm biển Bãi Môn (bên đường lên Mũi Điện). Bãi Môn có chiều dài khoảng 400m e ấp, nép mình dưới chân núi Đại Lãnh, nhìn từ trên cao tựa như một cánh cung khổng lồ. Khi bình minh xuất hiện, những đám mây trôi bồng bềnh như điểm tô thêm sự lãng mạn. Đặc biệt ở đây không có nhà dân, bãi biển còn giữ được nét đẹp hoang sơ.
Khi tham quan Mũi Điện, bạn có thể thuê lều ngủ qua đêm ở nơi cổng đón tiếp, chờ sáng sớm để leo lên núi. Từ nơi nghỉ đêm đến ngọn hải đăng Mũi Điện dài khoảng 1km, con đường dốc đã được thảm bê tông, có dịch vụ xe máy chở những ai không có sức leo núi. Hai bên đường là thảm thực vật xanh tốt với những bụi sứ biển, thông rừng và các loài hoa rừng; đôi khi ta bắt gặp bìm bịp gọi bầy kêu hối hả như thúc giục ta cố lên, nhanh lên kẻo trời sắp sáng.
Ngắm bình minh ở Mũi Điện, thả hồn theo gió của đại dương mênh mông, tận hưởng những bản nhạc du dương của biển cả, buông bỏ những phiền muộn, nhọc nhằn, lòng ta thanh thản hơn, sống cuộc đời tươi đẹp hơn.
Ngủ lều ở Bãi Môn, mũi Đại Lãnh Bãi Môn nằm dưới chân Mũi Đại Lãnh (còn gọi là Mũi Nạy, Mũi Ba, Mũi Điện), cùng với vịnh Vân Phong hợp thành khu du lịch trọng điểm cấp quốc gia của Việt Nam. Mũi Điện, hay mũi Đại Lãnh, xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên - cách thành phố Tuy Hòa khoảng hơn ba chục km - đã...