Tôi mê bún chả que tre Hà Nội
Bún chả que tre – món ăn giản dị này là thứ quà mà ai bước chân đến Hà Nội cũng nên một lần nếm thử.
Bún chả que tre thơm mùi tre – MAI TRANG
Tạm biệt Sài Gòn để ra với đất phố cổ Hà Nội ít ngày, tôi cảm thấy mình như được cởi trói chân tay vì lâu lắm rồi chưa được đi đâu. Tranh thủ thăm thú họ hàng, người quen xong thì nghĩ ngay đến món bún chả que tre.
Ở Hà Nội không khó để kiếm được quán có bán món bún chả, món mà đến Tổng thống Mỹ Obama cũng mê đắm. Nhưng sành ăn thì phải biết lựa điểm đến, tôi tìm đến những quán quen trong ngõ chợ Đồng Xuân, phố Lương Ngọc Quyến hay Nguyễn Du để thưởng thức món chả nướng mang phong cách cổ truyền này.
Món ăn giản dị này là thứ quà mà ai bước chân đến Hà Nội cũng nên một lần nếm thử. Trong khi phần bún và nước chấm tương đồng so với các loại truyền thống khác, cách chế biến chả chính là điểm khác biệt nổi bật. Thay vì kẹp vỉ sắt để nướng, người ta dùng que tre và tạo nên hương vị đặc biệt cho món ăn.
Video đang HOT
Bún chả que tre vẫn gồm hai loại chả miếng và chả viên như thông thường. Tuy nhiên, phần chả viên còn có lá xương sông hoặc lá lốt bọc bên ngoài. Chả miếng là thịt ba chỉ lạng mỏng, ướp mắm, đường, tiêu và cả hai loại đều kẹp vào những chiếc que tre nhỏ. Đây có thể là tre tươi hoặc ống giang, ống nứa.
Miếng chả nướng kẹp que tre cháy xèo xèo trên bếp than, tỏa hương thơm đầy mời gọi. Khi miếng thịt vừa chín tới, chủ quán sẽ thả ngay vào bát nước chấm pha sẵn, bày cùng đĩa bún và giỏ rau mang ra phục vụ khách.
Tôi có không ít bạn bè rời Hà Nội để đi vào Sài Gòn lập nghiệp. Có nhiều lý do, nhưng trong đó có một điều khá quen là mấy đứa than phiền rằng ở Hà Nội thật mệt. Hà Nội đắt đỏ, Hà Nội chi ly, Hà Nội không có cái sự phóng túng như Sài Gòn hay yên bình đến buồn như Đà Lạt.
Nhưng rồi cũng chính chúng nó, có những đêm đã thèm được nằm chờ gió mùa về trong tiếng mưa; có những khi thèm một bát phở bò, bún thang, hay một suất bún chả que tre đúng vị mà có tiền cũng không kiếm được ở nơi nó đang sống.
Cái Hà Nội khiến nó muốn đi ngày xưa giờ lại thành nỗi thèm thuồng bật lên được thành tiếng chỉ bởi những điều bé nhỏ như thế.
Người xưa có câu “món ngon nhớ lâu, đòn đau nhớ đời” để phản ánh lại những thứ đặc biệt, vượt trội hoặc gây ấn tượng mạnh thì sẽ khiến ta nhớ mãi. Đôi khi chẳng mong mỏi gì xa xôi, đôi lúc chỉ là được về với Hà Nội. Để được đi giữa phố cổ, ngắm đôi quang gánh chầm chậm của gánh hàng rong, nghe người Hà Nội nói nói cười cười, rồi tạt vào hàng quán quen gọi phần bún chả que tre “full topping”, cầm ly trà đá uống một ngụm đánh ực một cái là đã đủ vui rồi.
Bún chả Hà Nội lung linh những sắc màu
Tôi thường mang cơm nhà đến nơi làm việc để ăn trưa nhưng thi thoảng lỡ bữa cũng hay thay thế bằng bún chả.
Món bún chả nhiều sắc màu - ẢNH TRẦN DIỆU HƯƠNG
Quán bún nhà Khánh béo nằm ngay giữa chợ Láng gần nơi tôi làm việc. Chợ vắng nên quán cũng vắng. Nhưng khi có dịch Covid-19, tự dưng quán lại đắt hàng hơn nhờ những đơn trên mạng. Tôi ra gọi bún nhiều khi phải chờ rất lâu sau các tài xế xe ôm công nghệ. Và trong lúc chờ đợi, tôi có dịp quan sát họ làm.
Nói đến bún chả thì đương nhiên nguyên liệu chính phải là chả và bún. Thịt lợn chọn loại ngon, tươi. Chả miếng dùng loại ba chỉ liền thớ không long, chả viên là nạc vai đầu giòn băm hoặc xay không quá nhỏ.
Từng loại để riêng nhưng tẩm ướp gia vị giống nhau: dầu hào, nước mắm, hành, chút xíu đường, bột ngọt và tiêu xay, chút xíu dầu ăn tránh cho thịt bị khô. Chú ý khi ướp thịt không nên ướp vừa miệng mà nên nhạt hơn vì khi ăn còn phải dùng nước chấm.
Bún chọn loại bún chuẩn làng Phú Đô, sợi nhỏ và mềm mướt, thoáng mùi chua nhè nhẹ.
Nước chấm bún chả thực sự là linh hồn của món ăn này. Cách pha khá giống nước chấm nem: cũng nước đun sôi để nguội, nước mắm, đường nhưng khác ở chỗ hỗn hợp đó đem đun trên bếp lửa thật nhỏ cho đến khi hơi sôi lăn tăn thì tắt bếp. Đợi cho nguội bớt còn khoảng 70% nhiệt độ ban đầu thì trút tỏi ớt băm nhỏ, vắt chanh, thêm dấm và bột ngọt.
Một thứ nữa ăn kèm bún chả không thể thiếu đó là dưa góp và rau sống. Không bàn đến rau, chỉ riêng món dưa góp nhìn thôi cũng đủ khiến người ta ứa nước miếng. Cà rốt, đu đủ (hoặc su hào) thái mỏng tỉa hoa trộn cùng đường, chanh, tỏi ớt, chỉ một xíu nước mắm cho sau cùng vì độ mặn nhiều sẽ làm củ, quả nhanh bị mềm, không giòn.
Khi ăn, múc nước chấm ra bát, thả vài miếng chả đã nướng than hoa thơm lừng, thả dưa góp, nhúng bún cùng rau sống và thưởng thức. Ngọt ngon đủ vị của cuộc sống hoà trộn vào nhau hấp dẫn vô cùng.
Nhớ ngày trước, tôi có quen một chị người Đông Hà (Quảng Trị) ra Hà Nội đi làm. Chị nói đã từng ăn nhiều món bắc nhưng ấn tượng và thích nhất là món bún chả. Chị không lý giải được vì sao chị thích, có lẽ vì nó có hương vị rất đặc biệt chăng?
Bún chả có thể ăn thay bữa chính mà không sợ bị "chóng đói", vì nó là món bắt buộc phải bày đầy đặn, không thể "làm hàng" như những món phở hay bún nước. Bởi thế, nó rất được lòng những thực khách bình dân hay những người phải lao động chân tay cả một ngày dài.
Tuy bình dị như thế nhưng bún chả cũng làm nên một nét ẩm thực riêng của Hà Nội mà không ở nơi nào có.
Và nếu muốn đặt nó ở một đẳng cấp cao hơn, chỉ cần thay đổi cách bày biện, trang trí thôi thì món bún chả Hà Nội sẽ trở thành một bức tranh nghệ thuật với lung linh những sắc màu.
Bún cá chấm Hà Nội độc đáo cho bữa trưa đầu tuần Bún cá chấm là món ngon nổi tiếng của đất Hà Thành. Một suất bún cá chấm chuẩn vị bao gồm cá chiên giòn, chả cá, bún và nước dùng thơm ngon hấp dẫn. Ảnh minh họa: bepmina Nhắc đến ẩm thực Hà Nội thì không thể nào bỏ qua món bún cá chấm. Những miếng cá to được lọc bớt xương, tẩm...