Tôi mắc nợ mẹ chồng từ kiếp nào mà cứ phải đeo mang như vầy?
Nhìn vẻ mặt hỉ hả của mẹ chồng, tôi chỉ còn biết thở dài, không biết mình mắc nợ bà từ kiếp nào mà cứ phải đeo mang như vầy. Tôi không biết mình bị đọa đày đến bao giờ…
Mẹ chồng tôi có 4 nàng dâu. Tôi là dâu út nên phải ở chung với cha mẹ chồng. Trước khi lấy Thắng, tôi biết điều này và nghĩ mẹ chồng cũng là mẹ, nếu mình thương người ta thật lòng thì chắc họ cũng sẽ thương mình.
Đến khi về sống chung rồi, tôi mới biết đôi khi cái mà mình nhận được không tương xứng với điều mà mình đã bỏ ra. Tôi sống với mẹ chồng 10 năm, cực khổ đủ điều nhưng mẹ tôi vẫn chỉ thương các chị dâu chứ không hề thương tôi.
Ngay từ ngày đầu về làm dâu, sáng nào tôi cũng phải thức sớm, dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị đồ ăn sáng cho cha mẹ chồng. Xong đâu đấy tôi mới đi làm. Buổi trưa lại sấp ngửa chạy về lo cơm nước; đến tối cũng vẫn điệp khúc ấy cộng với giặt quần áo, bóp tay chân cho mẹ chồng.
Tôi đi đâu, làm gì cũng mua quà về cho ba mẹ chồng; có miếng ăn ngon cũng nhịn miệng cho ông bà. Thế mà khi mấy chị em bạn dâu về thăm, mẹ đem ra cho họ ăn hết, quà tôi mua tặng thì lại mang ra bảo mấy chị thích cái nào thì cứ lấy cái đó. Tôi bực tức nói với Thắng: “Mẹ chỉ thương mấy chị chứ không hề thương em. Những thứ đó, em không dám xài nên mới mua tặng mẹ, vậy mà mẹ đem cho hết”. Chồng tôi cười: “Thì để anh đưa tiền cho em mua cái khác”.
Nhưng tôi không chịu. Đâu đơn giản chỉ là giá trị món quà mà đó còn là tình cảm của tôi dành cho mẹ. Bà không coi trọng tôi nên mới như vậy. Chưa hết, mỗi khi nghe tin các chị dâu sắp về, mẹ cứ lăng xăng, bắt tôi hết làm món này lại làm món khác đãi mấy chị. Có lần tôi bảo mẹ: “Mấy chị đâu có thiếu thốn gì mà mẹ lo dữ vậy? Nếu mấy chị muốn ăn thì lúc nào rảnh, về đây làm cùng ăn với ba mẹ”. Mẹ chồng tôi gạt đi: “Người ta là dân thành phố, không quen chuyện bếp núc, con phải làm”.
Video đang HOT
Nhưng tôi làm cái gì, mẹ chồng tôi cũng kiếm cách chê bai. Tôi đổ bánh xèo thì mẹ kêu nêm bột “lạt nhách”, làm nước mắm thì “ngọt ngây”, rau rác thì thiếu thứ này, thứ khác. Tôi kho cá thì mẹ kêu “mặn chát”; tôi nấu canh chua thì mẹ bảo “chua lè”, tôi giặt quần áo thì mẹ săm soi và bảo giặt chưa sạch, tôi quét nhà thì mẹ lại xách cây chổi móc moi trong gầm giường, gầm chạn rồi bảo tôi cẩu thả…
Mà không cẩu thả cũng không được. Nhà mấy chị có người giúp việc, còn tôi thì chỉ có một mình, làm sao mà tôi cẩn thận từng chút theo ý mẹ chồng? Tôi cũng phải đi làm kiếm tiền chớ có phải ở nhà chồng nuôi đâu mà mẹ so sánh với các chị dâu?
Mấy chị dâu tôi cả tháng mới về một lần, mua cho mẹ hộp sữa, lạng sâm thì mẹ đã đi khoe cùng làng, khắp xóm. Còn tôi, hầu hạ cha mẹ chồng từ sáng tới tối mà chưa bao giờ nghe một tiếng khen. Tôi ức quá nói với chồng: “Vậy sao mẹ không kêu chị hai về ở với mẹ đi? Con dâu quý, con dâu vàng bạc của mẹ mà…”. Chồng tôi lại cười: “Nói vậy thôi chớ anh thấy mẹ cưng em nhất”. Tôi không tin: “Cưng em mà suốt ngày la mắng, nói xấu sau lưng…”. Anh lại bảo: “Em coi, mẹ đâu có chịu ở chung với ai, chỉ nhất quyết ở với em thôi mà”.
Chuyện đó thì đúng là có thật. Mấy chị dâu tôi đòi rước lên chăm sóc, thậm chí chỉ lên chơi vài tháng rồi về nhưng mẹ tôi không chịu. Lần nào cũng vậy, lên được 2 ngày là bà khăng khăng đòi về. Tôi chưa kịp tận hưởng tự do thì đã thấy bà xuất hiện. Vậy là phải vội vội, vàng chạy ra đón mừng; dắt vào, pha nước, ngồi quạt, bóp tay chân, hỏi han chuyện ở thành phố… Nhìn vẻ mặt hỉ hả của mẹ chồng, tôi chỉ còn biết thở dài, không biết mình mắc nợ bà từ kiếp nào mà cứ phải đeo mang như vầy. Tôi không biết mình bị đọa đày đến bao giờ…
10 năm làm dâu đối với tôi là 10 thế kỷ. Giờ tôi chỉ thèm được ra riêng, được sống cho mình, được làm gì thì làm chẳng phải nhìn trước ngó sau… Thế nhưng chồng tôi không muốn như vậy. Anh nói: “Năm nay mẹ đã tám chục tuổi rồi, còn bao lâu nữa đâu mà em tính toán cho mệt? Đâu có ai chăm sóc mẹ tốt như em. Người già thì hay khó tính, mẹ nói vậy chứ đi đâu mẹ cũng khoe em”.
Những điều anh nói, chỉ duy nhất điều cuối cùng tôi không tin. Tôi có nghe ai học lại chuyện mẹ chồng khen mình đâu? Bà chỉ toàn nói xấu, nói sau lưng, rầy la đến rát mặt. Thậm chí khi ba má, anh chị em tôi tới chơi, mẹ chồng tôi cũng chẳng kiêng dè, muốn rầy ra thì rầy la.
Mới tuần trước, chị dâu đầu về chơi, tặng mẹ cái khăn lụa, vậy là mẹ cạnh khóe: “Vợ thằng Thắng chớ có bao giờ biết mua tặng mẹ mấy thứ này”. Trời ơi, mẹ già rồi, có đi đâu mà phải mua khăn đẹp, khăn sang trọng như vậy? Sao mẹ không thấy tôi gỡ từng miếng xương cá, chọn miếng thịt mềm nhất, ngon nhất; nấu cho mẹ những bữa cơm nóng sốt nhất… Khi mẹ đau bụng, nhức đầu, sổ mũi, tôi chứ không phải mấy chị dâu khác phải nấu lá xông, nấu cháo cảm, xoa dầu cho mẹ…
Trời ơi, sao đời bất công vậy? Tôi còn phải chịu cảnh đọa đày đến bao giờ? Có ai hiểu cho tôi không?
Theo NLĐ
Khổ vì tính đua đòi của con cái
Anh Mạnh (quê Đồng Tháp) cho biết, gia đình có 3 người con. Cô con gái lớn đang học đại học ở TP HCM, con trai thứ học lớp 12, còn bé út lớp 4. Anh làm nghề buôn...
Anh Mạnh (quê Đồng Tháp) cho biết, gia đình có 3 người con. Cô con gái lớn đang học đại học ở TP HCM, con trai thứ học lớp 12, còn bé út lớp 4. Anh làm nghề buôn bán cây kiểng, vợ ở nhà lo bếp núc và làm vườn, cấy lúa. Kinh tế gia đình không khá giả nhưng cũng đủ ăn và lo cho con học hành.
"Ngày nào tôi cũng đánh ghe đi mua cây kiểng, có khi cả tháng mới trở về nhà với vợ con. Nhiều lúc bứng cây mệt lắm, nhưng nghĩ tới mấy đứa con nên chịu khó làm. Lo cái ăn cho con vất vả mấy cũng không sao, nhưng lo chuyện học hành, giáo dục con nên người thì khó quá", ông bố trẻ bộc bạch.
Làm được bao nhiêu tiền, anh chị không dám tiêu xài cho riêng mình mà dành dụm để lo cho con. Cô con gái lớn tên Trang đang học năm 3 tại một trường dân lập ở TP HCM, cứ vài hôm lại gọi điện về nhà xin tiền bố hết đóng học phí, học thêm, học Anh văn, rồi mua điện thoại xịn, xe tay ga... Tính trung bình mỗi tháng vợ chồng anh Mạnh phải gửi 5 triệu đồng cho con, có tháng cao điểm lên đến hơn chục triệu đồng.
Ảnh minh họa: Alarm.
Vừa qua khi hỏi thăm bạn bè của con về quê nghỉ hè, anh Mạnh mới biết con mình ở thành phố không lo học hành mà tối ngày giao du với đám bạn nhà giàu lại ham chơi. Nhóm này thường rủ nhau bỏ học để đi vũ trường, karaoke, xem phim, cafe...Bản thân Trang đang yêu say đắm một chàng trai trong nhóm cũng thuộc diện đua đòi, mê chơi hơn mê học.
"Khi biết chuyện, vợ chồng tôi đã lên Sài Gòn gặp con để khuyên cháu tập trung học hành. Thấy cậu người yêu của con bé tính tình không tốt nên tôi bảo con chấm dứt tình cảm ngay, nhưng nó không chịu nghe rồi trốn đi biệt tăm", anh kể tiếp.
Cũng chung cảnh ngộ, vợ chồng chị Hòa nhiều phen "lên bờ xuống ruộng" với đứa con trai thứ đua đòi, ham chơi, trốn học. Mới học lớp 12, cậu chàng tên Tùng đã hết đòi tiền mua iPhone, iPad rồi laptop, xe xịn... Em thường xuyên trốn học để bù khú cùng bạn bè ở quán cafe, các tụ điểm vui chơi, la cà nhậu nhẹt đến tối mịt mới về.
Chị Hòa cho biết, thấy con bảo đi học thêm ở nhà cô giáo nên vợ chồng chị cũng yên tâm. Vậy mà tuần vừa rồi họp phụ huynh, cô chủ nhiệm nhắc nhở gia đình cần quan tâm đến Tùng nhiều hơn bởi em thường xuyên bê trễ việc học, điểm số ngày càng tụt dốc. "Tôi nói thì nó bảo học để làm gì. Nó nói là thích học đánh đàn tôi rất lo vì nghề này đâu dễ kiếm tiền. Giờ tôi rất bối rối không biết phải dạy con thế nào", người mẹ thở dài.
Chuyên viên tham vấn Trần Dương Tuyển Công ty Tư vấn và Phát triển Kỹ năng Thành Nhân nhìn nhận, tình cảnh gia đình anh Mạnh và chị Hòa đang gặp cũng là vấn nạn chung của nhiều gia đình hiện nay. "Thực tế nguyên nhân đa phần xuất phát từ việc phụ huynh chỉ biết thương con qua việc chu cấp tiền bạc cho con, con muốn gì đều cho nấy, nhưng thật ra không hiểu được con mình đang cần gì", ông Tuyển nói.
Muốn ngăn chặn thói đua đòi của con cái, ông Tuyển khuyên, trước tiên cha mẹ cần phải thay đổi suy nghĩ và điều chỉnh cách ứng xử, chỉ cho con những gì con cần chứ đừng cho những gì con muốn. Bên cạnh đó phụ huynh có thể trao đổi với thầy cô để nhờ họ quan tâm đến con cái mình hơn về việc học hành cũng như lối sống. Nếu có điều kiện, hãy tìm hiểu mối quan hệ bạn bè của con, tìm cách cho con kết thân đối với những người bạn tốt, chăm chỉ học hành. "Gần mực thì đen gần đèn thì sáng", ảnh hưởng của bạn bè tốt sẽ giúp các em học hỏi và thay đổi bản thân.
Mặt khác, chuyên viên tâm lý Đăng Thảo cho rằng tâm lý của nhiều phụ huynh Việt Nam luôn xem chuyện yêu đương là không tốt nên thường cấm cản hoặc chỉ cho yêu khi đã tốt nghiệp đại học. Có thể lối suy nghĩ áp đặt đó khiến các bạn trẻ cảm thấy bí bách nên muốn "nổi loạn". Do đó, cha mẹ nên hiểu rằng, tuổi mười chín đôi mươi có rung động với bạn khác giới là diễn tiến bình thường của bản năng. Thay vì cấm cản con không được yêu, phụ huynh nên tế nhị, khéo léo, trò chuyện cùng con trên cơ sở tôn trọng và lắng nghe ý kiến như một người bạn. Có như thế con trẻ mới yên tâm và tin tưởng chia sẻ nỗi lòng mình với cha mẹ.
Theo VNE
Khổ vì chồng nghiện tình một đêm Câu chuyện chồng nghiện tình một đêm bây giờ mới được hé lộ. Không phải từ khi về làm chồng, chồng mới có tính lăng nhăng. Ngay từ ngày yêu nhau, chồng đã là một gã đàn ông chơi bời, nhưng chồng chưa từng nói qua về chuyện đã yêu bao nhiêu người và cũng tỏ ra mình là người rất nghiêm chỉnh...