Tội lỗi trong quá khứ
Vợ chồng không ai tránh được lỗi lầm… (Ảnh minh họa)
Trong các truyện kiếm hiệp, những cao thủ võ lâm mỗi người đều có một thứ bảo bối phòng thân, khi bị kẻ thù dồn vào đường cùng họ mới giở ra, để chuyển bại thành thắng.
Trong cuộc sống vợ chồng, cũng có người giữ riêng cho mình một cái bảo bối để những khi xảy ra xung đột lại dùng để đánh bại… bạn đời. Nhưng quan hệ hôn nhân không phải là thù địch nên làm cho người yêu đau đớn chẳng khác nào đánh vào hạnh phúc của chính mình…
Video đang HOT
Cách đây vài chục năm, anh Trương Đình Kh. ở Q.1, TP.HCM có lần được đi công tác sang Nga. Hồi ấy, thấy nhiều người đem quần bò sang bán kiếm lời, anh cũng mua mươi chiếc đem theo. Lần đầu tiên xuất ngoại nên anh lạ lẫm không biết bán ở đâu, may có một phụ nữ trong đoàn đã đi mấy lần nên quen, đem bán hộ. Xui xẻo thế nào, chị ta bị cơ quan thuế vụ nước bạn giữ vì buôn bán trái phép, đến nửa đêm mới được tha, may mà vẫn bán được, đem đủ tiền về đưa anh. Cảm kích trước nỗi vất vả ấy, anh Kh. giữ chị ở lại ăn cơm. Trong lúc tình cảm dâng trào, không làm chủ được, họ đã vượt quá quan hệ bạn bè.
Khi về nước hai người không hề gặp nhau nữa nhưng có một người trong đoàn biết chuyện, đã “mách nhỏ” với vợ anh. Chị giày vò chồng khiến anh khốn khổ suốt một thời gian, còn đòi ly hôn dù anh biết lỗi, đã hứa không bao giờ tái phạm. Cuối cùng, chị cũng tha thứ cho anh nhưng lòng vẫn không yên. Có lần, cả nhà đang ngồi xem tivi, trong phim có một người đàn ông ngoại tình, chị buông luôn một câu lạnh lùng: “Đàn ông thấy gái “thằng nào” chả thế!”. Không khí gia đình đang đầm ấm bỗng trở nên căng thẳng. Anh biết vợ ám chỉ mình. Không muốn cãi cọ trước mặt con, anh hậm hực bỏ đi nằm. Suốt mấy ngày sau, họ vẫn giận nhau vì câu nói đó.
Cách đây sáu năm, chị Hoàng Ngân, ở Q.Bình Thạnh, một lần tình cờ gặp lại người yêu cũ, hai người đưa nhau vào một quán cà phê vắng tâm sự. Trong lúc trò chuyện, có lúc cả hai ngồi chụm đầu lại và cầm tay nhau. Tình cờ, một người bạn của chồng chị nhìn thấy cảnh đó, kể lại với anh. Người chồng tặng ngay cho vợ mấy cái tát, nhưng hai hôm sau lại tỏ ra ân hận và tuyên bố tha thứ. Tuy nhiên, anh lại bắt chị phải viết bản kiểm điểm để làm bằng chứng. Từ đó, mỗi khi vợ chồng có chuyện căng thẳng, anh ta lại lôi bản kiểm điểm đó ra đay nghiến vợ. Một lần vợ chồng đi du lịch, buổi tối ngồi ăn cơm ở khách sạn, có một người đàn ông lạ ngồi bàn bên cứ nhìn chị chằm chằm. Chị xấu hổ đỏ mặt, lúng túng đánh đổ cốc bia. Thế mà đêm hôm ấy, anh xỉ vả chị hết lời, kết luận chị là một người bản chất lẳng lơ, cứ thấy trai nhìn là tít mắt, mê mẩn không biết gì. Chị Ngân càng thanh minh, anh càng ghen hơn và để chứng minh mình không ghen vô cớ, anh lại lôi chuyện cũ ra.
Cuộc sống vợ chồng kéo dài qua nhiều năm tháng nên khó tránh khỏi những điều lầm lỗi mà trong hoàn cảnh nào đấy, một trong hai người phạm phải. Cũng vì thế, hôn nhân rất cần sự độ lượng, tha thứ cho nhau, biết bỏ qua chuyện cũ không bao giờ nhắc đến nữa.
Khi chúng ta phạm lỗi lầm gì, quan trọng là biết đứng dậy, dám chịu trách nhiệm với lầm lỗi của mình… (Ảnh minh họa)
Có nhà tâm lý cho rằng, muốn hạnh phúc nhiều khi phải biết quên. Tuy nhiên, trong thực tế có những người đã tha thứ nhưng thỉnh thoảng vẫn đem chuyện cũ ra chì chiết như để trừng phạt người bạn đời. Họ sử dụng nó như một thứ vũ khí độc địa mỗi khi muốn giành thế thượng phong trong quan hệ vợ chồng. Họ tưởng làm thế là để răn đe đối phương, khiến phải nhớ đời, không bao giờ tái phạm, nhưng thực ra nó chỉ khoét sâu thêm nỗi đau của người có lỗi, làm cho tình cảm vợ chồng suy giảm, thậm chí trở nên căm ghét nhau. Mà đã vậy thì nếu có cơ hội, chắc gì không tái diễn?
Có những người còn sử dụng tội lỗi trong quá khứ của người bạn đời để xác định vị trí quyền lực của mình trong gia đình, dìm người bạn đời xuống. Điều đó có thể giúp họ dành được thế thắng trước mắt nhưng lại là một con dao hai lưỡi. Nó cướp đi sự thân mật, gần gũi giữa vợ chồng vì lúc nào người có lỗi cũng cảm thấy mình bị một bản án chung thân không biết bao giờ mới mãn án. Với cách đó, tình yêu bị xói mòn dần cho đến khi chẳng còn gì. Cho dù họ vẫn kéo dài cuộc hôn nhân vì lý do nào đó, nhưng cũng chỉ là chuỗi ngày lạnh lùng, bất hạnh khi lòng tin, sự tôn trọng và cả cảm xúc yêu thương cũng không còn, có chăng chỉ còn lòng thù hận.
Sử dụng tội không chung thủy làm vũ khí trừng phạt nhau, không bao giờ là hành động của tình yêu, mà là hành vi bạo lực tinh thần. Nó không khiến cho người có lỗi “tâm phục khẩu phục” và quyết tâm sửa chữa mà cùng lắm chỉ có thể làm cho họ hổ thẹn, thậm chí cảm thấy nhục nhã, trong khi tình yêu chắc chắn sẽ mất đi. Chẳng ai có thể yêu một người nếu người đó luôn làm cho mình đau đớn và tủi hổ. Trái lại, từ sự hối lỗi họ sẽ dần chuyển sang lòng căm ghét, thậm chí khinh bỉ. Cuộc hôn nhân chắc chắn rồi sẽ đến bên bờ đổ vỡ.
Người viết bài này có lần tiếp chuyện một anh kỹ sư giao thông từng bắt quả tang vợ anh ngoại tình với một người làm nghề xe ôm. Anh không ly hôn nhưng mua một quyển sổ thật đẹp, bắt vợ tường thuật tỉ mỉ về tội lỗi đó, dài đến gần chục trang và bắt phải chép lại 30 lần cho nhớ. Từ đó, mỗi lần vợ chồng cãi cọ hoặc người vợ không muốn đáp ứng tình dục, anh ta lại đem quyển sổ ra dọa sẽ đọc cho mọi người nghe. Người vợ sợ hãi, đành nghiến răng chịu trận cho chồng “tra tấn”. Khi em gái của chị ở quê lên chơi, phát hiện chuyện đó, gọi đến trung tâm tư vấn thì chị đã có dấu hiệu của bệnh tâm thần cần phải được điều trị. Kết quả, cuộc hôn nhân đó đổ vỡ không có gì cứuvãn được, dù trước tòa, anh ta vẫn không muốn ly hôn. Việc sử dụng tội lỗi người khác làm vũ khí không thể nào khôi phục tình yêu mà chỉ hủy hoại nó. Cho nên, nếu không thể tha thứ và quên đi được, chia tay có khi là giải pháp còn tốt hơn là tiếp tục chung sống để hành hạ nhau và đầu độc tâm hồn con cái.
Ở đời chẳng ai hoàn hảo. Sống với nhau cả một cuộc đời dài hàng mấy chục năm, chắc chắn người trong cuộc phải tha thứ cho nhau nhiều lần và cũng được tha thứ nhiều lần. Sự độ lượng, bao dung đó là yếu tố cần có trong hôn nhân và đôi lúc nó có sức cảm hóa đối phương mạnh mẽ đến không ngờ, đủ khả năng hàn gắn mọi vết thương và làm cho cuộc hôn nhân trở lại khỏe khoắn. Nó không chỉ làm cho người có lỗi cảm phục không bao giờ tái phạm, mà còn làm cho người tha thứ cũng thấy mình cao thượng hơn, tốt đẹp hơn, sống thanh thản, hạnh phúc hơn. Đúng như nhà văn Corrie Ten Boom đã viết: “Tha thứ là phóng thích cho kẻ tội phạm mà cũng là phóng thích cho chính mình”.
Khi chúng ta phạm lỗi lầm gì, quan trọng là biết đứng dậy, dám chịu trách nhiệm với lầm lỗi của mình, biết ăn năn hối lỗi và quyết tâm sửa chữa. Tuy nhiên, không nên vì lỗi lầm đó mà chấp nhận bất cứ cách đối xử nào của người bạn đời. Chấp nhận tất cả vì một lỗi lầm nào đó chỉ là tự đưa mình vào một cuộc sống mòn chứ không thể tìm lại được hạnh phúc. Khi đó, chấm dứt tất cả mới là cách cư xử của một người đàng hoàng.
Theo PNO