Tôi là Nông dân 4.0: Nhà sáng chế chân đất được Mỹ, Israel săn đón
Sinh ra trong gia đình thuần nông và học vấn chỉ hết lớp 7, song ông Phạm Văn Hát ở huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) đã say mê tìm tòi và sáng chế ra nhiều máy nông nghiệp hiện đại. Sản phẩm của ông không chỉ khiến giới khoa học và bà con nông dân trong nước thán phục, mà còn được các doanh nghiệp, tập đoàn nông nghiệp của Mỹ, Isreal biết đến và mời sang làm việc.
“Vua sáng chế máy nông nghiệp”
Ý tưởng ra đời robot gieo hạt xuất hiện khi ông Hát đến vùng trồng cà rốt ở huyện Cẩm Giàng (Hải Dương). Khi đó, nông dân dùng máy gieo hạt kéo tay nhưng gieo vẫn không đều và mất nhiều công tỉa bớt.
Ông Phạm Văn Hát bên chiếc “robot gieo hạt tự động” tại xưởng cơ khí của gia đình ở huyện Tứ Kỳ (Hải Dương). Ảnh: Đăng Quang
Robot gieo hạt mang lại cho ông Phạm Văn Hát giải Nhất hội thi “ Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Hải Dương lần thứ 8″ năm 2012 – 2013, giải Khuyến khích cuộc thi “Sáng tạo kỹ thuật nhà nông toàn quốc lần thứ 5″ năm 2013 và giải Nhất cuộc thi “Nhà sáng chế” năm 2014. Ông Hát được trao Huân chương Lao động hạng Ba tại Đại hội Thi đua yêu nước và biểu dương nông dân điển hình tiên tiến toàn quốc lần thứ IV – giai đoạn 2010 – 2015.
Bằng những kiến thức đã học được trong quá trình đi lao động ở Israel, ông ngày đêm nghiên cứu, mày mò tìm cách sáng chế ra robot gieo hạt tự động. Mất hơn một năm nghiên cứu, thử đi, thử lại nhiều lần, cuối cùng đến cuối năm 2012 máy gieo hạt “Made in Hát” cũng được hoàn thiện. Năng suất của robot gieo hạt có thể tương đương 30 – 40 lao động và tiết kiệm đến 30% hạt giống.
“Gọi là robot vì máy có khả năng tự động gieo các loại hạt theo thiết kế. Hiện nay, chiếc máy của tôi đang tự động gieo hạt rau củ quả trên luống thẳng rộng 1m, số lượng 40 hạt trên một hàng và khoảng cách giữa các hạt được thu hẹp và ổn định chỉ còn 3cm” – ông Hát cho hay.
Theo tính toán của ông Hát, máy gieo một lạng hạt giống như su hào, súp lơ, bắp cải (tương đương khoảng 10.000 hạt) chỉ trong 25 phút. So với việc gieo hạt bằng tay, năng suất cao hơn đến 80 lần, khoảng cách hạt đồng đều, đảm bảo yêu cầu về kỹ thuật gieo trồng, do đó nhà nông không mất công nhổ tỉa cây thừa, dễ chăm sóc và thu hoạch hơn.
Ông Hát cho biết thêm, máy gieo hạt tự động chạy bằng động cơ điện một chiều 12V với tổng công suất là 130W, được chỉnh lưu từ dòng điện xoay chiều 220V. Trong trường hợp không có điện lưới cung cấp, máy vẫn có thể hoạt động trơn tru nhờ nguồn điện từ ắc quy.
Từng được cấp bằng sáng chế ở Israel và được ông chủ trang trại tại đó mời ở lại làm việc, song ông Hát nghĩ làm thuê không có cơ hội làm giàu. “Nếu trả lương 50 triệu đồng/tháng, cả năm cũng chỉ được 500 triệu đồng, không thể trả nợ, nên tôi về nước. Vừa rồi có tập đoàn máy nông nghiệp bên Mỹ cho người sang mời và muốn trả lương 140 triệu đồng/tháng để tôi về đó làm việc, nhưng tôi cũng từ chối vì muốn ở lại góp sức giúp cho bà con ở đất nước mình đỡ khổ và có điều kiện làm giàu” – ông Hát kể.
Đến nay, máy gieo hạt mà ông Hát sáng chế đã bán trên toàn quốc và 14 nước như Đức, Mỹ, Nhật bản, Trung Quốc, các nước khu vực ASEAN… Toàn chủ trang trại đến tận nơi xem và đặt mua máy. “Người nước ngoài đều khen, họ nói không nghĩ cái máy đơn giản mà lại hiệu quả như vậy, so với năng suất nó đem lại thì giá thành quá rẻ. Giá bán hiện nay khoảng 35-40 triệu đồng/máy” – ông Hát khoe.
Video đang HOT
Trong thời gian vừa qua, ông Hát mới chế tạo xong chiếc máy phun thuốc sâu đặc biệt, thay thế cho vài chục người, giá thành nếu như của nước ngoài tầm 400 triệu đồng, thì giá máy của ông chỉ có 65 triệu đồng.
“Cứ ai đặt gì tôi cũng làm, tôi đang sáng chế cho tỉnh Lâm Đồng máy trồng khoai lang, trồng bằng cây, trên thế giới chưa có. Tính đến thời điểm này, tôi đã sáng chế và cải tiến được trên 15 loại máy móc như: Máy cày hai lưỡi, bốn lưỡi, máy bỏ phân… Tính trung bình, 1 năm tôi hoàn thiện 3-5 đề tài sáng chế, có một số đơn vị đến muốn kết hợp nhưng tôi chưa có sự tin tưởng, bị mất lòng tin nhiều, nên tôi rất e dè” – anh Hát cho hay.
Mong sớm cải cách thủ tục hành chính
Ông Phạm Văn Hát giới thiệu về máy cày 3 lưỡi do ông sáng chế. Ảnh: Nguyễn Ánh
Đề cử nông dân tham gia
Cuộc thi “Tôi là nông dân 4.0″Nhằm kịp thời tôn vinh những người nông dân, hội viên nông dân đã có những tìm tòi, ứng dụng khoa học công nghệ vào quá trình sản xuất và kinh doanh nông nghiệp; Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đề nghị mỗi Hội Nông dân các tỉnh, thành phố tổ chức giới thiệu/đề cử 2 nông dân tiêu biểu để tham gia Cuộc thi “Tôi là nông dân 4.0″ (mỗi tỉnh, thành đề cử không dưới 2 người).
Hồ sơ dự thi của nông dân, hội viên nông dân gửi về Ban tổ chức trước ngày 30.3.2018 theo địa chỉ: Báo Nông Thôn Ngày Nay – Tầng 9, Toà nhà Báo Nông Thôn Ngày Nay, Lô E2, Khu đô thị mới Cầu Giấy, đường Dương Đình Nghệ, phường Yên Hoà, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Điện thoại: 0243.8472263; email: toilanongdan40@gmail.com.
Nói thêm về công việc của mình, ông Hát cho hay: Dù sáng chế ra nhiều máy nông nghiệp và đặc biệt là có nhiều nước đã sử dụng, đăng ký bản quyền sáng chế song việc đăng ký bản quyền tác chế của ông ở Việt Nam vẫn rất khó khăn.
“Các cơ quan hữu quan ở Việt Nam còn yêu cầu mô hình, bản kê khai, mà nhà sáng chế chân đất như tôi không được học hành bài bản thì biết vẽ gì, viết gì? Còn bên nước ngoài chỉ cần mang máy ra chứng minh thay thế bằng bao nhiêu người, hiệu quả thì sẽ được công nhận sáng chế đó là của mình”- ông Hát nói.
Thêm điều nữa khiến ông Hát buồn và băn khoăn nhất là hiện các loại máy do ông sáng chế đã bị làm nhái. Thậm chí có đại lý đề nghị ông làm rồi bán cho họ. Sau đó, họ mang máy của ông đi đặt nơi khác làm theo nhưng lại bán dưới tên máy của ông Hát. Chính vì thế, ông phải liên tục cải tiến và có “bí quyết” khiến người khác khó có thể copy được.
Từng là người có cơ hội tiếp cận sớm với khoa học công nghệ tại các nước phát triển, ông Hát thấy rằng, để ứng phó cũng như tận dụng được cơ hội mà công nghiệp 4.0 mang đến thì chúng ta cần phải có một tầm nhìn tốt, một cách tiếp cận tốt hơn so với những gì đã làm với những cuộc cách mạng công nghiệp trước đây.
“Muốn phát triển được công nghệ cao thì trước nhất chúng ta phải cải cách triệt để các thủ tục hành chính, bỏ những thủ tục không cần thiết để gỡ khó cho các nhà sáng chế, các doanh nghiệp nông nghiệp. Bên cạnh đó, Nhà nước phải có sự quan tâm và hỗ trợ kịp thời cho các người sáng chế và các doanh nghiệp thì họ mới yên tâm sản xuất, sáng tạo được” – ông Hát chia sẻ.
Cũng theo ông Hát, để tiếp cận với nền nông nghiệp 4.0, Việt Nam cần phải chuẩn bị sẵn sàng một nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong đó hệ thống giáo dục đào tạo phải đổi mới theo tinh thần coi khoa học công nghệ là trụ cột chính của sự phát triển.
“Trong quá trình đào tạo, chúng ta không chỉ truyền tải tri thức mà còn phải dạy sáng tạo, dạy trí tuệ. Từ một nguồn nhân lực có chất lượng, Việt Nam có thể tiếp cận nhanh hơn, hiệu quả hơn những thành tựu công nghệ của thế giới” – ông Hát cho hay.
Theo Danviet
Dù chỉ học hết lớp 7, "hai lúa" vẫn chế tạo được robot xuất khẩu sang 14 nước
Trong 5 năm, ông Phạm Văn Hát (Tứ Kỳ, Hải Dương) chế tạo hơn 30 máy nông nghiệp và xuất khẩu đi 14 quốc gia trên thế giới.
Trồng rau nợ 3 tỷ
Sinh ra trong gia đình thuần nông có 8 anh chị em, ông Phạm Văn Hát (Tứ Kỳ, Hải Dương) phải nghỉ học từ lớp 7 để phụ giúp gia đình. Khi đó, cậu bé Hát khi được gửi vào học nghề ở 1 xưởng cơ khí.
Để có thêm thu nhập, năm 2007, ông Hát thuê 3 hec-ta đất để trồng rau an toàn nhưng vì "non" kinh nghiệm, không tìm được đầu ra cho sản phẩm, ông Hát và gia đình lâm cảnh nợ nần với số tiền hơn 3 tỷ. "Lúc đó tôi nghĩ, với số nợ này có lẽ đến đời con may ra mới trả hết được"- ông Hát nói.
Không chịu cảnh nghè khó, ông Hát vay thêm tiền bạn bè, người thân để xuất khẩu lao động sang Isarel vừa làm trả nợ vừa học cách trồng rau an toàn. Ngày đầu làm việc trên cánh đồng rộng hàng trăm hec-ta, mọi thứ hoạt động bằng máy móc còn ông Hát vẫn phải cuốc đất và đi theo xe kéo phân.
Khi gặp chủ lao động, ông Hát lấy gậy vẽ vài nét nguệch ngoạc lên nên đất. "Họ rất thông minh, hiểu ngay ý tôi muốn chế cái máy để tăng năng suất lao động. Họ cho tôi giấy, thước kẻ, bút để vẽ ý tưởng. Tôi giao tiếp với họ chủ yếu nhờ công cụ dịch của Google" - ông Hát nói.
Sau nhiều ngày tháng làm việc miệt mài, ông Hát hoàn thiện thiết bị rải phân tự động. "Ông chủ rất vui và lấy bình sơn xịt lên máy dòng chữ "máy của Hát". Sau đó, máy được nhiều người tìm mua, ông chủ người Isarel đã bán bản quyền máy và thu về 4 tỷ, ông Hát được thưởng 200 triệu"- ông Hát kể.
Ông Hát bên chiếc máy gieo hạt xuất khẩu đi 14 quốc gia.
Những ngày sau, ông Hát sáng chế ra nhiều loại máy khác giúp ích cho trang trại. Làm tốt, ông Hát được đề nghị ở lại làm việc lâu dài nhưng từ chối. "Tôi sang nước họ làm thuê nhưng không học được gì cả, chủ lại làm giàu từ những cỗ máy mình tạo ra. Vì thế, tôi nên quyết định về nước, mở xưởng chế tạo máy, kinh doanh để trả nợ" - ông Hát nói.
Ước mơ làm chủ doanh nghiệp
Về quê, ông Hát bỏ tiền túi đầu tư vào việc sáng chế máy móc phục vụ nông nghiệp. "Tôi đã làm những thứ không ra tiền khiến gia đình lục đục, vợ chồng cãi nhau như cơm bữa. Số tiền ít ỏi trong gia đình lần lượt không cánh mà bay" - ông Hát chia sẻ.
Lận đận nhiều năm, đến 2012, ông Hát tình cờ nhận được đơn đặt hàng sáng chế chiếc máy gieo hạt tự động. Sau gần một năm nghiên cứu và thực nghiệm, ông Hát đã chế tạo thành công robot đặt hạt tự động. Robot nặng 20 kg có khả năng gieo các loạt hạt rau, mỗi lần gieo 40 hạt/luống, khoảng cách 3-4 cm, tiết kiệm từ 20% đến 30% hạt giống so với phương pháp thủ công, giúp nông dân giảm chi phí đầu tư tới 600.000 đồng một sào. Nhờ giá bán rẻ, robot này trở thành "vị cứu tinh" giúp gia đình ông Hát trả được dần số tiền nợ.
"Đã có nhà khoa học của Úc sang xem máy và đề nghị tôi sang nước họ nghiên cứu, làm việc với mức lương khởi điểm 7.000 USD/tháng nhưng tôi từ chối vì không muốn làm thuê. Tôi đã bán cho họ chiếc máy đó với giá 3.000 USD. Đến nay, chiếc máy gieo hạt tự động này đã được bán cho 14 quốc gia như Mỹ, Isarel, Úc... và người dân ở 64 tỉnh thành cả nước" - ông Hát chia sẻ.
Ông Hát cho biết thêm: "Ở Việt Nam tôi chỉ bán 35 triệu/máy nhưng tôi đang tìm cách để làm sao rẻ đi vì muốn 100 người nông dân tìm đến thì ai cũng mua được. Hiện nay, 100 người đến chỉ 80 người mua. Tôi cũng là nông dân nên hiểu số tiền đó là không nhỏ".
Theo ông Nguyễn Văn Chiến - Chủ tịch UBND xã Ngọc Kỳ (Tứ Kỳ, Hải Dương): "Bản thân ông Hát là người nông dân đã trải qua thất bại, phải trả giá không nhỏ. Từ đó, ông Hát hiểu rõ được nỗi khổ của người dân. Việc ông Hát sáng chế ra các máy móc như máy phun thuốc trừ sâu, máy đặt hạt đã giải phóng được sức lao động, tăng năng suất cho bà con nông dân. Ví dụ như máy phun thuốc, người dân không phải cả ngày cầm bình thuốc đi phun từng luống rau, giờ nhờ chiếc máy ấy chỉ mất vài giờ. Địa phương cũng đã ghi nhận, Hội nông dân chúng tôi đã tặng bằng khen, giấy khen ghi nhận những đóng góp của ông ấy".
Ông Thuyền - một người dân xã Ngọc Kỳ (Hải Dương) chia sẻ: "Máy của anh Hát đơn giản, gọn nhẹ, dễ sử dụng, hiệu quả cao, giá rẻ hơn các loại máy khác trên thị trường. Hi vọng ông Hát làm thêm nhiều máy khác nữa để giúp bà con nông dân đỡ khổ".
Cuộc sống ổn định, ông Hát ấp ủ ước mơ xây dựng doanh nghiệp tư nhân có tên "Hát sáng chế" nhưng chưa thực hiện được vì tiền vốn, và lo ngại về việc chưa được đăng ký bản quyền cho các cỗ máy mình làm ra. "Từ năm 2013, tôi đã kiến nghị nhiều lần lên Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ để đăng ký bản quyền nhưng chưa được. Tôi phải chấp nhận sản phẩm trôi nổi, tự tìm cách giữ "miếng" cho mình. Trên mỗi loại máy, tôi cố làm 1-2 linh kiện đặc biệt để nếu ai tháo ra định ăn cắp ý tưởng thì sẽ hỏng, khi lắp lại năng suất máy sẽ giảm" - ông Hát cho biết.
Theo Danviet
Anh nông dân chế robot: Israel thán phục, Nhật, Mỹ xếp hàng xin mua Chuyện anh nông dân Phạm Văn Hát (sinh năm 1972) chưa qua bất kỳ trường lớp đào tạo nào nhưng đã sáng chế ra nhiều sản phẩm máy nông nghiệp xuất khẩu đi hơn 10 quốc gia và tiêu thụ ở khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước khiến nhiều người phải nể phục. Nhưng với những người nông dân Hải Dương...