Tôi là người mẹ đốn mạt bán cả con mình
Hạnh phúc bây giờ tôi có chính là nhờ những đồng tiền bẩn thỉu tôi đã đổi con mình lấy được. Không biết sau này, tôi có cơ hội nào để gặp lại con, quỳ xuống xin con tha thứ?
Ảnh minh họa
Tôi sinh ra ở một vùng ngoại thành của Hải Phòng – một thành phố tương đối phát triển. Thế nhưng, nơi tôi ở lại là một vùng nông thôn rất nghèo. Khi các bạn cùng lứa đua nhau học hành mong thoát nghèo thì tôi lại đua đòi chưng diện, lười biếng, không biết suy nghĩ cho tương lai. Đến khi các bạn vào học đại học, ngay cả một trường trung cấp tôi cũng không thi đỗ. Gia đình cũng chẳng có điều kiện cho tôi ở nhà ăn không ngồi rồi. Vậy là tôi đi làm công nhân tại một xí nghiệp da giầy ở vùng ven đô thành phố.
Chỗ tôi ở dạo ấy không sầm uất như trung tâm thành phố nhưng đối với tôi nó vẫn là một chốn hào hoa so với quê nhà chỉ toàn ruộng là ruộng. Lương của tôi khi ấy cũng chẳng nhiều nhặn, chỉ hơn hai triệu, công việc thì rất vất vả. Tôi không những không biết quý trọng đồng tiền mà lại còn sa đà, bị cuộc sống nhộn nhịp cuốn vào vòng xoáy. Tôi dùng tất tật những đồng lương mà mình làm được ăn chơi theo chúng bạn, ép tóc, quần áo, mĩ phẩm. Tuy toàn là những thứ đồ rẻ tiền nhưng khi ấy, tôi vẫn rất tự hào rằng mình là một người “thành phố”, khác hẳn những đứa con gái chân lấm tay bùn, tóc dài qua mông ở quê. Dù ban ngày làm việc khá vất vả nhưng tối đến, tôi và một số cô gái làm cùng vẫn đi uống cà phê, làm quen với các bạn nam…
Trong một buổi tối như thế, tôi đã gặp T, anh là bạn của người yêu chị cùng phòng trọ với tôi. Hôm ấy, sau khi cả 4 người chúng tôi uống cà phê về, hai người kia xé lẻ nên T đưa tôi đi dạo. T ở cùng huyện với tôi nhưng ở thị xã, anh vừa đẹp trai, nói chuyện hóm hỉnh lại có chất “dân chơi”. Gia đình anh buôn bán nhỏ, cũng có chút của ăn của để.
Tôi mê tít T ngay từ lần đầu gặp mặt. Chẳng bao lâu sau, tôi nhận lời làm người yêu T. Tôi lao vào tình yêu ấy như con thiêu thân, tự hào vì mình sắp lấy được “trai phố”. T hứa ngon ngọt về một tương lai sung túc. Sau vài tháng yêu nhau, tôi đã ngây dại trao thân cho T. Vì muốn được sớm về làm dâu nhà anh, nghe các chị cùng chỗ làm xúi dại, tôi đã lén T không uống thuốc tránh thai mà anh đưa sau mỗi lần quan hệ.
Video đang HOT
Cuối cùng, tôi đã có thai như mong muốn. Ngày có kết quả khám sản khoa, tôi khấp khởi đi khoe T. Anh hơi xám mặt lại nhưng không nói gì, vẫn tươi cười và đưa tôi đi chơi như mọi ngày. Hôm sau đi làm về, chị cùng phòng trọ đưa cho tôi một lá thư của T. “Anh có việc bận phải rời khỏi thành phố đột xuất không tạm biệt em được. Em hãy giải quyết cái thai đi. Anh không thể lấy em!”.
Tôi cuống cuồng đi tìm khắp nơi nhưng đều không thấy T. Quá sợ hãi nhưng vẫn nuôi hi vọng về một ngày trở lại của T, vả lại cũng không có đủ tiền và dũng cảm đi tới viện một mình, tôi quyết định giữ lại đứa trẻ. Đến khi mang thai tháng thứ ba, bụng tôi đã lùm lùm. Bố mẹ tôi phát hiện ra và tất nhiên là toàn bộ làng xóm. Ở quê, chuyện không chồng mà chửa vẫn là một sự nhục lớn cho gia đình. Đi đâu người ta cũng thì thào, nói tôi là đứa con gái lăng loàn, trắc nết. Tôi bị bố tôi bắt quỳ giữa sân. Mẹ tôi đứng một bên khóc, còn bố tôi nghiến răng tra hỏi xem ai là bố của đứa trẻ. Sau đó, bố mẹ lôi theo tôi với cái bụng chửa đến nhà T.
Nhà anh không buôn bán như anh nói mà là ổ bạc lớn nổi tiếng ở huyện tôi. Sau khi nghe bố mẹ tôi trình bày, mẹ anh băm bổ thẳng vào mặt gia đình tôi: “Ở đâu ra cái loại đũa mốc chòi mâm son, thấy nhà bà giàu định ăn vạ ở đây hả? Cút ngay!”. Bà ta gọi mấy tên du côn đuổi thẳng gia đình tôi ra khỏi cửa, còn thô lỗ buông thêm 1 câu: “Thằng T trộm tiền của bà mang đi trốn biệt rồi, tao cũng đang điên tiết đây! Khôn hồn thì đừng có vác mặt lại đây trêu ngươi bà nữa, không cả nhà mày nhừ đòn!”.
Bị cả người yêu và nhà người yêu xua đuổi, tôi không biết nên làm thế nào. Tinh thần xuống dốc nên sức khỏe tôi rất yếu, phải nghỉ làm ở xí nghiệp. Mẹ tôi ép tôi đi phá thai. Tôi van xin bà cho tôi giữ đứa bé lại. Ngày ngày cảm nhận đứa con đang ở trong bụng, tôi không nhẫn tâm làm vậy. Ngày nào tôi cũng phải nghe những lời chửi mắng thậm tệ của bố, còn mẹ tôi thì khuyên nhủ: “Mày xem, nhà nghèo rách thế này. Năm nay mất mùa, nuôi miệng ăn tao với bố mày còn chưa xong, lại thêm mày và đứa con mày ăn bám thì chúng tao sống sao nổi”. Tôi bị dằn vặt bởi những lời chửi bới của bố mẹ, sự khinh bỉ của láng giềng. Đêm đêm, tôi nằm khóc ướt gối, không biết phải suy tính thế nào cho tương lai của mình và con.
Ngày con tôi sinh ra, ông ngoại không thèm ngó mặt tới cháu. Chỉ có mẹ tôi dẫn tôi đi đẻ, miệng lúc nào cũng cằn nhằn về số tiền bà phải đi vay cho tôi sinh nở. Con tôi là con trai. Nhìn đứa bé nhỏ xíu so với các em bé khác trong phòng, tôi xót ruột. Có lẽ tại tôi đã không chăm sóc mình cẩn thận, làm ảnh hưởng đến con.
Tôi nằm viện được hai ngày thì có một chị hộ lí hẹn tôi và mẹ tôi qua phòng nói chuyện riêng. Chị nói rất thương cảm với hoàn cảnh nghèo khó của gia đình và muốn giới thiệu cho tôi một lối thoát. Có một gia đình giàu có lại hiếm muộn ở thị trấn muốn xin 1 bé trai là con nuôi. Nếu tôi đồng ý, họ sẽ đưa tôi một số tiền không nhỏ. Chị tỏ ý muốn giới thiệu tôi với họ. Tôi không đồng ý thì chị bảo hãy về suy nghĩ kĩ lại.
Về đến phòng, mẹ tôi mắng tôi thậm tệ: “Mày ngu thế, có người nuôi con hộ, lại được tiền tốt quá còn gì. Giữ nó lại mày có nuôi nổi không, rồi tương lai mày sẽ thế nào?”. Tôi nhất quyết giữ con lại nuôi. Mẹ tôi dè bỉu: “Ốc còn chẳng mang nổi mình ốc!”.
Mấy ngày liền, tôi vắt tay suy nghĩ về lời đề nghị của chị hộ lí. Mẹ tôi nói đúng, thân tôi tôi còn không lo nổi, nói gì tới nuôi con. Còn gia đình kia, họ sẽ mang cho đứa bé sự đầy đủ, sung túc. Cuối cùng, tôi gạt đi bao chua xót, bằng lòng đưa con cho họ, đổi lấy số tiền 70 triệu đồng. Đối với gia đình tôi khi ấy, đó là một khoản tiền lớn chưa từng có. Những ngày sau đó, lòng tôi lúc nào cũng thắt lại. Mỗi khi ngực căng sữa, tôi nhớ con da diết. Tôi ân hận, dằn vặt, đau khổ vì mình là một người mẹ đốn mạt cam tâm bán cả con mình dứt ruột đẻ ra.
Bốn tháng sau, mẹ tôi dùng số tiền nhà giàu kia đưa cho để đăng kí cho tôi vào một đường dây môi giới lấy chồng Hàn Quốc. Khi ấy, ở quê tôi rộ lên phong trào xuất ngoại lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc để mong đổi đời. Tôi may mắn được một người đàn ông lựa chọn. Chồng tôi sống ở một vùng nông thôn, làm nghề lái xe, đã gần 40 tuổi mà vẫn chưa vợ. Tính tình anh rất tử tế, sau khi lấy nhau về anh đối xử rất tốt với tôi.
Một năm sau, tôi sinh hạ được một bé trai kháu khỉnh và càng được bên nhà chồng quý. Nhìn đứa con bây giờ của tôi, lúc nào tôi cũng canh cánh nghĩ tới đứa con tội nghiệp mà trước đây tôi đã ruồng bỏ. Hạnh phúc bây giờ mà tôi có chính là nhờ vào những đồng tiền bẩn thỉu tôi đã đổi con mình lấy được. Không biết trong cuộc đời sau này, tôi có còn cơ hội nào để gặp lại con, quỳ xuống xin con tha thứ?
Trên con đường đời, không có ai là không sai lầm. Nhưng sai lầm mà tôi đã gây ra là tội lỗi oan nghiệt, ác độc nhất mà chính tôi cũng không bao giờ tha thứ nổi cho mình. Tôi kể câu chuyện của tôi, mong rằng các cô gái trẻ hãy lấy đó làm gương mà cố gắng học hành, tu dưỡng. Hãy biết giữ mình, bảo vệ mình trước những tên Sở Khanh. Đừng để lâm vào một kết cục như tôi!
Theo Afamily
Em đã không còn nhận ra anh nữa
Chưa đầy năm năm bên nhau mà đã bao lần em phải kinh ngạc nhìn anh và tự hỏi: "Anh đây sao?".
Anh thay đổi nhiều quá, anh giờ đây chỉ còn biết nghĩ đến bản thân mình, chẳng chịu chia sẻ chút gì với người bạn đời suốt ngày đầu tắt mặt tối, và mắt mờ chân chậm đến nơi, cũng vì núi việc không tên mà anh vẫn hay gọi chung là việc vặt.
Em đẻ hai con rồi mà lúc nào anh cũng thắc mắc sao bụng không phẳng, đẹp như ngày xưa, và rồi anh chẳng giấu giếm những lần cầm điện thoại chụp ảnh những em xinh tươi đang dạo trên đường phố, những cô mà em tin chỉ mơn mởn bằng một phần của em ngày xưa. Em thức đêm thức hôm chăm sóc con, anh thì hôm nào cũng được ngủ thẳng giấc, rồi làu bàu trách em sao cứ để nó quấy. Đồng thời vẫn muốn em đẻ thêm đứa nữa bởi lúc nào anh cũng thích có con trai, trong khi đó đang đêm con khóc thì sẵn sàng lấy chân đá em một cái "sang dỗ con đi để anh ngủ". Lâu rồi quà không có, hoa càng không, thậm chí một lời nói dịu dàng cũng không cánh mà bay mất từ lúc nào không ai rõ tung tích.
Có bao giờ anh thầm hỏi sao mình có năng khiếu, tài đến nỗi biến một cô gái xinh xắn gọn gàng trở nên như vậy hay không? Còn em, chẳng thể làm gì khác bởi một ngày của em cũng chỉ có hai mươi tư giờ và lúc này đây em không thể tự biến hóa cho mình có thêm hai cái tay nữa để mà hoạt động liên tục.
Em vẫn nhớ rõ ngày xưa ấy em tự thấy mình có giá lắm, vì được nâng niu, coi trọng và được chăm sóc. Còn giờ đây em nhận ra mình chẳng còn một tí "tài sản" nào, ngoài hai đứa con mà em quanh quanh với chúng cũng hết cả một ngày, đến mức em chán chả buồn nói và "nhờ" anh giúp em quan tâm đến chúng nữa. Lúc nào anh cũng chúi mũi vào đồ công nghệ cao, đó mới chính là những đứa con gần gũi thân cận với anh nhất. Anh nói mình là trụ cột đi làm kiếm tiền, anh dành hết thời gian vào mục đích lớn nhất đó và lợi nhuận thu được anh lại phục vụ cho thú vui riêng của mình, trong khi em thì chẳng thấy vui gì cả, anh nói em chẳng biết gì.
Thì đúng rồi, mở mắt ra một cái là nghe tiếng con khóc, thôi thì đủ, đói có, đái có, khóc vì chẳng có lý do gì cũng có, loanh quanh phục vụ cả gia đình rồi đi làm. Về nhà lại long tóc gáy lên cho con ăn, tắm rửa và nấu ăn cho cả nhà, ngẩng mặt lên thì trời tối mò, ngồi nghỉ thôi, thời gian ấy quý giá cần phải hít thở thật sâu để còn tái sản xuất sức lao động, sẵn sàng cho một ngày mai hoạt động đều đặn như thế. Thử hỏi thời gian đâu để mà chăm sóc, thời gian đâu để mà spa thư giãn, làm gì có lúc nào mà tìm hiểu cái "thú vui" của anh. Chờ được đến lúc con lớn thì giá trị cũng đã hao mòn, còn điểm phấn tô son làm gì cho thêm buồn với dấu vết thời gian, thêm nữa em bực tức nghĩ anh không xứng đáng có được một người vợ vừa đảm đang vừa xinh đẹp.
Em ước mong anh sẽ bớt chút thời gian quý như kim cương của mình để chơi cùng con, bởi đứa con là tài sản chung lớn nhất, là điều cần vun đắp cùng với tình cảm vợ chồng. Em đã thể hiện niềm khao khát ấy từ lâu, thậm chí ghi cả điều ước gửi ông già Noel. Rồi dùng đủ hình thức, mặn, nhạt, ngọt, gắt để du đẩy cái quan niệm "việc vặt là của đàn bà" của anh vậy mà lòng anh "vẫn vững như kiềng ba chân". Em muốn xõa tung hết cả, biến mình thành một con người khác, sống vì mình, tự chau chuốt cho bản thân, cho mình chứ chẳng cần phải cho ai khác. Song thực sự em không có đủ thời gian và tâm trí nữa. Cuộc sống như vậy thử hỏi còn nghĩa lý gì?
Theo VNE
Ly dị vì chuyện ăn Tết nhà nội hay ngoại Gần mười năm cưới nhau, cứ mỗi lần Tết đến là Hùng luôn sống trong sợ hãi. Bên cạnh nỗi lo cơm áo gạo tiền cùng hàng trăm thứ nỗi lo ngày Tết thì quyết định "ăn Tết bên nào" (nhà nội hay nhà ngoại). Điều đó luôn là một thách thức căng thẳng, nó tốn không biết bao nhiêu mồ hôi (cãi...