“Tôi là Iron Man” – Người hùng không trái tim bất cần mà ấm áp
Dành cho anh – Tony Stark, “thiên tài, tỷ phủ, tay chơi, nhà từ thiện” và là một siêu anh hùng lời tán dương chân thành và nhiệt liệt nhất. Suốt 11 năm qua, anh đã truyền cảm hứng cho hàng triệu những cô bé, cậu bé tuổi mới lớn hiểu cách làm thế nào để trở thành một người hùng.
Chúng ta có gì vào năm 2008? Đó là năm mà Barack Obama vượt qua cái tên sừng sỏ Hillary Clinton, trở thành ứng viên tổng thống của đảng Dân Chủ, sau đó viết tên mình vào lịch sử khi đánh bại John Macain của đảng Cộng Hoà trở thành tổng thống Mỹ da màu đầu tiên. Tại Nga, công chúng cũng chứng kiến sự đảo chiều quyền lực khi Dmitry Mdvedev trở thành tổng thống và Vladimir Putin xuống làm thủ tướng sau cuộc bầu cử thế kỉ.
Tại Hollywood, ông lớn Warner Bros. tiếp tục phá đảo doanh thu phòng vé với The Dark Knight (Kỵ Sĩ Bóng Đêm) – một tác phẩm của DC Comics, đứng đầu doanh thu phòng vé toàn thế giới với hơn 1 tỷ USD. Đó cũng là năm Marvel ra mắt Iron Man 1, tác phẩm đem về doanh thu hơn 585 triệu USD, đứng ở vị trí thứ 8 trên toàn cầu.
Vào thời điểm bấy giờ, công chúng lẫn giới chuyên môn đều cho rằng Marvel Studios đã có cú “làm liều ăn may”, khi chấp nhận vay 525 triệu USD, thế chấp toàn bộ bản quyền 10 nhân vật nổi tiếng nhất trong Marvel comics để làm phim về một siêu anh hùng hạng B.
11 năm sau, Marvel và Iron Man đã chứng minh cho cả thế giới thấy, sự kiện họ ra mắt Iron Man vào năm 2008 chính là khởi nguyên của cả một nền văn hoá siêu anh hùng sau này. Một vũ trụ điện ảnh với 22 bộ phim liên quan đến nhau, thu về hàng tỷ đô la lợi nhuận, câu chuyện vô tiền khoáng hậu này đã thực sự diễn ra ở thời điểm hiện tại. Và người tạo nên thành công đó của Marvel, không ai khác chính là nhân vật comics hạng B Iron Man, một siêu anh hùng không có trái tim nhưng luôn ám ảnh bởi hai chữ “hoà bình”.
14/04/2008 là một ngày đặc biệt của những người hâm mộ Marvel Comics lẫn fan điện ảnh trên toàn thế giới – Marvel ra mắt Iron Man. Xuất phát điểm là xưởng phim ngập chìm trong nợ nần, phải bán đi hàng loạt những đứa con tinh thần là các siêu anh hùng nổi hạng A như Spider Man để tồn tại. Giờ đây, Marvel lẫn fan của họ đều có thể tự hào về thành tựu mà ngày hôm nay họ đã đạt được, trong số đó không thể bỏ qua Iron Man.
Với những fan hâm mộ của Marvel, Iron Man không đơn thuần chỉ là siêu anh hùng trong đội Avengers, anh chính là linh hồn của bản trường ca kéo dài 11 năm qua của điện ảnh Marvel. Người ta yêu mến Tony Stark không đơn giản chỉ vì bộ giáp đỏm dáng hay cách nói chuyện ngông nghênh, bất cần đặc trưng của một gã Mỹ kiêu ngạo. Tony chính là lí tưởng, là biểu tượng, là thứ mà con người ta khát khao vươn tới.
Sẽ chẳng có fan Marvel nào nói: “Tôi thần tượng Tony Stark”. Bởi anh đã quá gần gũi, đến mức họ không còn đặt anh ở vị trí của một ngôi sao khó lòng chạm đến, giống như Thor hay Captain America. Họ đặt anh vào trái tim của mình, chỉ cần chạm vào ngực trái của bất cứ fan Marvel nào sẽ đều có hình bóng của Iron Man.
Stan Lee từng chia sẻ, ông tạo nhận được lời thách thức rằng: “Hãy làm nên một siêu anh hùng mà khiến ai cũng phải ghét”. Sau đó chúng ta có được cái tên Iron Man. Trong Marvel Comics, Iron Man chỉ là siêu anh hùng hạng B, chẳng mấy người biết đến tên của anh, trong số ít ỏi đó, đa phần lại là anti fan bởi họ không chịu nổi tính cách khó ở của nhân vật này.
Khi đưa Iron Man lên màn ảnh, Marvel đã tinh tế biến những thứ “tầm thường” của Iron Man trong truyện trở nên gần gũi với đại chúng. Thử nhìn vào Tony Stark, ai mà không thấy gã là một tay chơi điển hình người Mỹ. Trong vũ trụ điện ảnh Marvel, ngoài bộ giáp được sáng tạo bởi trí thông minh thiên tài của anh ra, thứ duy nhất khiến Tony trở nên khó cưỡng chính là tiền. Đúng, anh rất giàu, và người Mỹ, hay bất cứ ai trên thế giới này đều muốn giàu có như anh, chính nghĩa như anh, ngầu như anh. Đó là sự thật không thể chối cãi.
Vào năm 1931, tác giả văn học kiêm sử gia James Truslow Adams đã tạo ra thuật từ “American Dream” – Giấc Mơ Mỹ trong cuốn sách Epic of America xuất bản vào năm 1931. Kể từ đó đến nay, giấc mơ Mỹ đã trở thành cụm từ mang tính biểu tượng về một nước Mỹ tự do, vùng đất mà công dân lẫn những người tha hương lấy đó làm động lực để theo đuổi về sự giàu có, sung túc. Tony Stark chính là hình tượng đại diện cho “Giấc Mơ Mỹ” mà James Truslow Adams nhắc đến.
Ngoài đời, Tony là một gã giàu có, tay chơi đúng nghĩa, sử dụng hàng hiệu xa hoa, vẻ ngoài hào nhoáng và lịch lãm. Đây chính xác là những gì mà người Mỹ hướng đến, họ muốn sung túc như Tony, thoải mái về vật chất và mạnh bạo trong quan điểm. Nhưng bản thân Tony cũng có những mặt trái khi nhắc đến Giấc Mơ Mỹ. Anh bị bố của mình bạo hành khi còn bé, tính cách bảo thủ, cố chấp, dễ gây hấn, thậm chí Tony cũng là một tên nát.
Khi xem Iron Man, khán giả cảm nhận rõ sự ích kỉ của một người Mỹ điển hình, ẩn dưới vỏ bọc coi trọng tự do cá nhân mà họ luôn tự hào. Vậy nên với Tony Stark, anh không cần phải nhờ vả bất cứ ai phải dạy anh cách làm một siêu anh hùng, Tony cũng chẳng cần phải tiêm loại huyết thanh đặc biệt nào đó để trở nên anh dũng. Ngay cả chuyện thiết kế bộ giáp sắc, mục đích ban đầu là vì để cứu mình ra khỏi tình trạng rắc rối, anh không mộng tưởng và cũng chẳng buồn suy nghĩ về việc giải cứu thế giới. Nhưng từ khoảnh khắc Yinsen cứu Tony một mạng, hy sinh khi bị bọn khủng bố Ten Rings bắn chết, Tony đã biết sứ mạng của mình trên đời này là phải trở thành một người hùng.
Nhìn vào chặng đường 6 năm của Tony Stark, nhất là những phân cảnh của anh trong Avengers: Infinity War chắc chắn sẽ để lại ấn tượng mãi trong lòng người hâm mộ. Nội tâm của Tony luôn bị dằn xé bởi những cơn ám ảnh về sự chết chóc, thế giới bao quanh anh vẫn còn đó những gã khủng bố, sẵn sàng bắn bỏ hàng triệu sinh linh vô tội. Anh không có lí tưởng lớn lao như việc trở thành hình tượng của nước Mỹ vĩ đại như Captain America hay bảo vệ Asgard – vương quốc của những vị thần giống như Thor. Thứ mà Iron Man trăn trở và ám ảnh nhất chính là những con người không được sống trong hoà bình.
Nhiều năm trôi qua, Tony Stark dùng trí tuệ thiên bẩm của mình để liên tục cải tạo những bộ giáp, anh chỉ nói qua loa rằng mình làm nó trong lúc rảnh rỗi, thú vui của kẻ lắm tiền. Nhưng chúng tôi biết Tony ạ, anh lo rằng nếu mình không đủ mạnh, anh sẽ không bảo vệ được những người vô tội ngoài kia. Bất cần nhất là anh, mà ấm áp nhất cũng là anh.
Lí do lớn nhất để khiến chúng ta yêu mến Iron Man không phải vì bộ đồ với hàng tá công nghệ đỉnh cao, gương mặt anh cũng chẳng có gì gọi là xuất sắc như Captain America hay Thor, thứ khiến người ta phát cuồng vì Tony Stark chính là lí tưởng sống của anh.
Thử nghĩ mà xem, liệu có mấy ai trong số chúng ta thực sự hiểu mình đang làm gì ở cuộc đời này, liệu ta đang sống hay chỉ đang tồn tại? Chính Tony cũng từng tự chất vấn bản thân mình như vậy khi chứng kiến đồng đội của anh lần lượt chết đi. Từ một gã nhà giàu ích kỉ, thừa hưởng gia tài kết xù với bộ óc thiên tài chế tạo ra hàng loạt thiết bị tân tiến, Tony đã đặt cái tôi cá nhân của mình ra sau, đưa lí tưởng về một thế giới hoà bình lên trên hết.
Trong số những siêu anh hùng với năng lực vô hạn, Iron Man không có gì ngoại bộ giáp sắc. Nhưng chính Tony Stark lại chính là người duy nhất lãnh đạo được cuộc chiến. Anh là chất keo, kết nối sự hung hăng của Hulk, bảo thủ của Captain America, nóng nảy của Thor, ma mãnh của Black Widow, Hawkeye tinh ranh.
Cám ơn Tony, vì anh là siêu anh hùng duy nhất mà năng lực của anh đến từ trí thông minh vô hạn của con người. Anh không cần phải hấp thu bất kì một loại huyết thanh hay hay lãnh trọn khối năng lượng khổng lồ nào đó để có thể trở thành người hùng. Hơn ai hết, Tony đã truyền cảm hứng cho hàng tỷ những fan mộ từng kéo nhau ra rạp xem anh và Avengers khác hiểu rằng, họ có thể vĩ đại bằng chính năng lực của bản thân mình.
Cám ơn Tony, vì anh đã trở thành một phần kí ức không thể nào quên của những cô bé, cậu bé trên toàn thế giới. Ngay cả với những người trưởng thành, hay fan hâm mộ lớn tuổi, họ cũng xem anh như người truyền cảm hứng. Tony chính là hiện thân của khát vọng, của “Giấc Mơ Mỹ” mà người ta vẫn thường nói đến.
Cám ơn Tony, vì những sai lầm mà anh đã mắc phải. Anh không phải là mẫu siêu anh hùng hoàn mỹ mà theo những định lí thông thường người ta vẫn nghĩ đến. Anh thông minh, giàu có, kiêu ngạo, thậm chí từng rất dễ khinh thường người khác, anh là hiện thân của một nước Mỹ điển hình. Anh là tượng đài siêu anh hùng được tạo nên bởi loạt vết xước, tuy nhiên, chính vì sự không hoàn mỹ đó, Tony đã trở thành biểu tượng tiêu biểu nhất của Marvel.
Cám ơn Tony, vì anh từng là một tay chơi, từng có nhiều cuộc tình một đêm chóng vánh, nhưng anh vẫn gạt qua tất cả để trở thành người bạn đời lí tưởng của Pepper. Sẽ không có cô nàng nào ngoài kia chịu nổi tính cách quật cường của anh trừ Pepper. Ngay cả khi chưa một lần chính thức sát phạt cùng với biệt đội Avengers, fan Marvel luôn xem người bạn đời của Iron Man là một phần quan trọng của cuộc chiến.
Nhắc đến Iron Man mà không tri ân Robert Downey Jr. sẽ thiếu sót lớn. Nếu nói Iron Man là linh hồn của trường ca điện ảnh siêu anh hùng Marvel, thì Robert Downey Jr. chính là người tạo ra nó. Có lẽ chính anh cũng không ngờ, cậu bé học múa ballet năm 10 tuổi, nhiều năm về sau lại trở thành biểu tượng của cả một đế chế điện ảnh siêu anh hùng đồ sộ hàng đầu hiện nay. Có câu nói cho rằng để đội được vương miệng, người ta cần chịu được sức nặng, riêng Robert Downey Jr., để khoác lên mình được bộ giáp sắc của Iron Man, anh phải thoát ra được con ma nghiện ngập trong người mình.
Là fan Marvel, ai cũng biết câu chuyện thuở trai trẻ của Robert Downey Jr. khi anh ra vào nhà tù như cơm bữa vì lối sống sa đoạ của mình. Nhưng hẳn vẫn còn rất ít người biết, cha của anh – Robert Downey Sr. chính là người đã đưa cho con trai mình điếu cần sa vào năm Robert Downey Jr. mới 8 tuổi. Dưới sự bận rộn của nhịp sống của một gã làm việc trong nền công nghiệp điện ảnh khắc nghiệt nhất như Hollywood, cha của Robert Downey Jr. đã tắm tuổi thơ của con trai mình bằng khói thuốc và sự phê pha. Đến nỗi chính Robert Downey Jr. từng thừa nhận, thứ duy nhất kết nối anh và cha của mình là những cơn phê cần không lối thoát.
May mắn cho Robert Downey Jr., anh có được hai người thân tín là nam diễn viên Mel Gibson và Susan Downey – Pepper phiên bản đời thật của Iron Man, người phụ nữ mà anh đã cưới chỉ sau 42 ngày quen biết. Cuộc đời của Robert Downey Jr. từng vướng phải rất nhiều sai lầm, nhưng lấy Susan làm vợ là điều đúng đắn nhất, nó thay đổi toàn bộ cuộc sống cứ ngỡ đã lâm vào đường cùng của một kẻ nghiện ngập như anh.
Ở độ tuổi 40, giờ đây cái tên Robert Downey Jr. đã trở thành bảo chứng cho doanh thu phòng vé, anh trở thành biểu tượng của giới trẻ về sự cầu tiến, biết vươn mình toả sáng giữ bùn lầy từ những cơn nghiện. Không chỉ ở phương diện yêu thích nhân vật, fan Marvel yêu luôn cả cách anh truyền cảm hứng cho mọi người, anh không chỉ là người hùng trong phim, Robert Downey Jr. vẫn được xem như một siêu anh hùng ngoài đời.
Phải có lí do gì đó để anh em nhà Russo tin tưởng giao toàn bộ kịch bản của Endgame cho Robert Downey Jr. đọc, chứ không đơn thuần là lời giải thích “mọi bí mật đều an toàn với Robert”. Hơn ai hết trong các Avengers, Robert Downey Jr. hiểu được ý nghĩa khi trở thành Iron Man. Anh không chỉ đơn giản là người được Marvel trả cát xê, anh đã là một thành viên trong đại gia đình Marvel.
Ở phân cảnh cuối cùng trong Iron Man 1, khoảnh khắc Tony Stark công bố với toàn thế giới: “Tôi là Iron Man” đã đi vào huyền thoại của toàn bộ những phim siêu anh hùng từng được ra mắt. Thay vì ẩn mình, tìm nơi nào đó để mỉm cười khi nghe người ta tán dương, anh chọn cách công khai cho cả thế giới biết mình là Iron Man. Từng có người nói rằng hành động của Tony thật phô trương, nhưng đến Iron Man 3, chỉ bằng một câu thoại khi Tony nói chuyện với cậu bé Harry: “Nếu muốn giúp đỡ ai đó thì đừng tỏ ra ngốc thế, hãy vô tư đi, rồi cháu sẽ trở thành người vĩ đại”. Trong lòng fan Marvel, Iron Man chính là siêu anh hùng vĩ đại nhất của Avengers.
Theo trí thức trẻ
Vì sao 'Avengers: Endgame' không có cảnh after-credits
Trái ngược với truyền thống của Vũ trụ Điện ảnh Marvel (MCU), bom tấn 'Avengers: Endgame' không hề có cảnh after-credits nào cả.
Trailer đặc biệt của 'Avengers: Endgame' sau khi mở bán vé sớm Trích đoạn một phút cho thấy Captain America và Iron Man đã giảng hòa.
Ngày 26/4, bom tấn Avengers: Endgame sẽ công phá các rạp chiếu toàn cầu. Ở thời điểm hiện tại, mới chỉ có giới báo chí và một số lượng rất ít khán giả đã xem bộ phim mang tính chất tổng kết hơn 10 năm hình thành và phát triển của MCU.
Và những lời than vãn về Endgame đã xuất hiện trên mạng, không phải về chất lượng bộ phim, mà là vì bom tấn Marvel không có đoạn after-credits nào cả. Nhiều khán giả mô tả việc họ kiên nhẫn ngồi chờ đến những dòng credits cuối cùng, và không nhận được gì cả.
Endgame chẳng hề có những cảnh như chú mèo Flerken của Captan Marvel nhả khối Tesseract, con kiến khổng lồ ngồi gõ trống, các thành viên Avengers ngồi ăn món shawarma, cũng chẳng có màn bật mí về bộ phim tiếp theo của MCU.
After-credits là truyền thống của MCU kể từ tác phẩm đầu tiên Iron Man(2008), khi Giám đốc SHIELD Nick Fury xuất hiện, nói với Tony Stark rằng anh không phải là siêu anh hùng duy nhất trên thế giới.
Avengers: Endgame không có after-credits, đi ngược lại truyền thống của MCU.
Và sau 3 tiếng liên tục theo dõi những diễn biến dồn dập, đầy kịch tính của Endgame, bất cứ fan Marvel nào cũng sẽ muốn có một hoặc hai "món quà" để rồi phân tích và suy đoán ý nghĩa của chúng.
Theo The Verge, Marvel Studios đã đúng khi không đưa các đoạn after-credits vào Endgame dù đây là hành động "phá vỡ truyền thống". Bởi trên thực tế, quay after-credits luôn là điều gây khó chịu với các đạo diễn.
Các đoạn after-credits thực chất là những màn quảng cáo phim kế tiếp của Marvel. Hãng muốn đảm bảo rằng các fan nóng lòng chờ đón phần kế tiếp đó. Và đó không phải là điều các đạo diễn thích, bởi sau khi xem phim các fan sẽ dành nhiều thời gian bàn về những gì họ muốn xem sắp tới, thay vì những gì họ vừa xem.
Vấn đề là Endgame là bộ phim mang tính chất tổng kết hơn 10 năm hình thành và phát triển của MCU, đưa ra cái kết cho toàn bộ 22 phim của vũ trụ điện ảnh này. Do đó, một hai cảnh after-credits mang tính chất "câu khách" là không cần thiết.
Dù vậy, phần kết của Endgame vẫn có những gợi mở cần thiết về tương lai của MCU sau bộ phim. Do đó, các "fan cứng" của MCU có lẽ không cần phải cảm thấy thất vọng khi không được thưởng thức những đoạn after-credits như đã mong chờ.
Theo Zing
Sở hữu 90 nghìn tỷ USD, Black Panther giàu nhất thế giới siêu anh hùng Black Panther (Báo Đen) có thể không phải là siêu anh hùng mạnh nhất trong vũ trụ Marvel, nhưng vô địch về độ giàu có, vượt xa Iron Man và những tỷ phú khác. Trong vũ trụ điện ảnh và truyện tranh của Marvel và DC, các siêu anh hùng thường có sức mạnh dời non lấp bể, thậm chí có khả năng...