“Tôi là cô giáo sida”
Cô giáo miền sơn cước đã thẳng thắn tuyên bố như vậy mặc cho búa rìu dư luận có giáng xuống đầu mình và sau nhiều lần tìm đến cái chết không thành.
Bây giờ thì cả huyện Chiêm Hoá (Tuyên Quang) đều biết cô giáo Lương Thị Dung ở trường tiểu học và THCS Nhân Lý bị nhiễm HIV. Nhưng họ không kỳ thị, ngược lại họ phục cô ở sự dũng cảm hiếm có.
Kỳ thị là rào cản lớn nhất của tình người.
Ngày cưới không có hoa
Từ thị trấn Chiêm Hoá, chúng tôi leo ngược những con dốc mù sương mới đến được bản Hạ Đồng, nơi cô giáo Lương Thị Dung đang ở. Hạ Đồng mùa lạnh càng như buồn hơn, những cơn gió từ dòng sông Lô thổi vào càng làm cho bản nghèo thêm tiêu điều, xơ xác.
Nhưng không khó để tìm được nhà cô Dung. Ngôi nhà cấp 4 bé tin hin nằm nép dưới những dãy núi đồ sộ là nơi ở của ba mẹ con suốt những năm tháng đen tối vừa rồi. Đó cũng từng là ngôi nhà hạnh phúc mà cô đã được tận hưởng trong khoảng thời gian ngắn ngủi bên người chồng.
Cô Dung sinh năm 1972, cô không phải người Chiêm Hoá bản địa. Cô quê gốc Hoài Đức, Hà Tây cũ, theo gia đình lên rừng theo chính sách kinh tế mới từ những năm 1978, thế rồi nhập gia tuỳ tục, cô coi mình là sơn nữ, một cô sơn nữ nhan sắc, bông lan rừng ngát hương.
Gái thuyền quyên gặp trai anh hùng, chồng cô là Trần Văn Thành người Hải Phòng. Mãi sau này, cô Dung mới biết chồng mình là một thiếu gia của một gia đình giàu có nhất nhì thành phố Cảng. Thành lang bạt lên Chiêm Hoá, gặp “đoá lan rừng” mới kết thành duyên chồng vợ.
Ảnh cưới duy nhất của cô Dung còn sót lại.
Cô Dung bảo: “Chúng tôi gặp nhau lần đầu đã biết là của nhau rồi. Đám cưới được tổ chức một cách nhanh gọn nhất. Ngày cưới của tôi không có hoa, cũng chẳng có nhiều bạn bè, nhưng đó là giây phút mà tôi cảm thấy thật hạnh phúc, cảm giác ấy tôi không quên được”.
Tình yêu của họ đã cho ra đời 2 cô con gái bé bỏng xinh đẹp là Trần Minh Anh và Trần Phương Anh. Hiện nay, cháu Minh Anh đang học lớp 5, cháu Phương Anh đang học lớp 4. Cả hai đều học rất giỏi, năm nào cũng được đi thi học sinh giỏi cấp huyện và tỉnh.
Video đang HOT
Cô giáo Dung và 2 con gái.
Những ngày “trời sập”
Đôi vợ chồng “hạnh phúc nhất quả đất” sống với nhau vừa tròn 2 năm thì duyên phận đôi ngả. Cô Dung bảo vậy, nhưng sự đôi ngả ở đây không phải li thân hay li dị, mà đau đớn hơn khi anh Thành ốm nặng rồi qua đời.
Cô như chết lặng bởi khi ấy đang mang thai cháu Phương Anh. Đứa con chưa biết mặt cha, hạnh phúc mà họ dành cho nhau lại quá ngắn ngủi ở giữa vùng đất hoang sơ ven dòng Lô giang này. Cô ngất đi rồi tỉnh lại bao nhiêu lần, chỉ ước sao đó là một cơn ác mộng.
Gia đình nhà chồng chính là chỗ dựa và là niềm động viên an ủi lớn nhất với cô lúc này. Tuy nhiên, cô luôn thắc mắc không biết chồng mình qua đời vì bệnh gì? Hỏi bác sĩ, bác sĩ bảo đã đưa giấy khám nghiệm cho gia đình nhà chồng. Mẹ chồng cô cũng đưa ra một cái giấy, kết luận anh bị ung thư.
Cô ở vậy nuôi con giữa độ tuổi “chín” nhất của nhan sắc lan rừng, bao nhiêu người đàn ông đến với cô, cô chối từ thẳng thừng. Nấm mộ chồng cô ngày nào cũng đầy ắp hoa, quả và những nén hương trầm.
Chỉ bảo cho học sinh từng bài học.
Vào một ngày giữa năm 2009, cô Dung ốm nặng, nằm liệt giường và sút đến 20kg. Bệnh viện thông báo cô bị nhiễm HIV, cô như không tin vào tai mình. “Trời sập” giữa lúc con cô còn nhỏ, niềm tin vào tương lai vẫn tràn đầy. Cô bảo: “Nghe tin này khác nào bị toà tuyên án tử hình. Tôi sẽ chết, chết nhục nhã giữa những kỳ thị người đời”.
Lúc này, gia đình nhà chồng mới thành thật với cô là anh Thành cũng bị nhiễm HIV, anh bị chết vì căn bệnh thế kỷ này. Nhưng sợ điều tiếng, lại lo cho tương lai mẹ con cô nên họ đã nhờ bác sĩ cho một cái giấy kết luận hoàn toàn khác.
Qua lời kể của mẹ chồng, cô mới biết chồng mình từng là đại ca khét tiếng ăn chơi ở đất Cảng. Anh là con nghiện nặng đô nhất Hải Phòng, nhưng anh cũng là tấm gương tự cai nghiện thành công, anh phải trả giá cho những tháng ngày sa ngã và trác táng.
Những tháng ngày sau này, mới thực sự là ác mộng với cô giáo Lương Thị Dung khi với người dân vùng sơn cước Chiêm Hoá, HIV còn kinh tởm hơn gấp trăm vạn lần bệnh hủi. Cô vật vã trong đau đớn thể xác và tâm hồn, với cô sống không bằng chết.
Cô giáo Dung soạn bài trước giờ lên lớp.
Đứng dậy, ngẩng cao đầu mà bước
Cô không còn tâm trí đến trường, thế nhưng ngày nào cô đến trường là ngày ấy học sinh bỏ về hết. Phụ huynh cũng từng can thiệp đến tận cấp trên không cho cô dạy học vì sợ con em mình sẽ bị nhiễm. Cô Dung tâm sự: “Không phải một lần mà nhiều lần tôi đã tìm đến lá ngón để chết. Nhưng mỗi lần đưa lá vào miệng lại phải nhả ra vì thương học sinh, các em như con của mình, không đành lòng để chết”.
Trong lúc này, cô giáo Trần Kim Dung, Hiệu trưởng trường tiểu học và THCS Nhân Lý và là người bạn cùng tên đã đến bên cô động viên và ra sức thuyết phục phụ huynh học sinh hiểu hơn về căn bệnh HIV. Nhờ thế mà người dân bản địa cũng ít kỳ thị và tỏ ra thông cảm hơn.
Cô Dung lại được đến trường, được cầm tay nắn chữ cho học sinh thân yêu của mình. Cô bảo: “Dù có chuyện gì xảy ra tôi cũng phải ngẩng cao đầu mà bước đi trong giông bão. Tôi đang phải điều trị bằng thuốc ARV với phác đồ bậc 2 (bậc nặng – PV), nhưng chỉ có niềm tin và hy vọng mới là phương thuốc hữu hiệu nhất”.
Chính vì có niềm tin nên vừa qua, cô Lương Thị Dung đã dũng cảm tuyên bố với cả huyện Chiêm Hoá rằng mình bị sida. Cô chia sẻ: “HIV không đáng sợ, đáng sợ nhất là mất niềm tin và mất sự cảm thông từ mọi người. Nhưng nếu được mọi người dù chỉ nhìn bằng ánh mắt bình thường nhất cũng đã hơn vạn lời khuyên bảo rồi”.
Theo 24h
"Tết đến, có ký trà là ấm áp rồi..."
"Có ký trà là ấm áp rồi..." - đó là lời tâm sự của thầy Trần Duy Hùng - hiệu trưởng Trường THCS Sơn Ba (huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi) khi nói về món quà Tết dành cho giáo viên.
Tình cảnh ấy cũng là tâm trạng của những giáo viên (GV) Trường Mầm non xã An Hải (huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi).
Mỗi dịp Tết đến xuân về, những GV nơi vùng cao và hải đảo tất bật lo Tết cho học sinh thân yêu, còn bản thân mình đành đón Tết bằng trái tim yêu nghề "đưa đò sang sông".
"Chỉ mong có lương trước Tết"
Tọa lạc trên "miền sơn cước" với hơn 2.000 người đu dây qua sông, mỗi ngày các GV ở Sơn Ba cùng "đu dây" để đưa hàng trăm học sinh qua dòng sông Re chảy xiết.
"Ngành và địa phương chưa bao giờ có quà Tết cho GV, các trường tự cân đối ngân sách hoặc tự góp tiền để mua quà. Năm nào may mắn thì 21 GV ở trường nhận ký trà thôi. Chứ nhà trường còn phải gồng gánh góp gạo nuôi 13 học sinh bán trú người H're ở xa nhà nên năm nào nguồn quỹ cũng bị âm", thầy Hùng khẽ cười gượng gạo và thở dài.
Thầy Trần Duy Hùng (ngoài cùng bên trái) cùng chủ bè kéo dây đưa học sinh qua sông mỗi ngày.
Toàn tỉnh Quảng Ngãi có trên 16.000 GV thuộc 14 huyện và thành phố, trong đó có 6 huyện nghèo trong chương trình 30a của chính phủ ở miền núi gồm Sơn Hà, Sơn Tây, Trà Bồng, Tây Trà, Minh Long, Ba Tơ và 1 huyện nằm trên đảo tiền tiêu Lý Sơn. Mỗi dịp Tết đến, những GV ở vùng đất chịu nhiều thiệt thòi thuộc miền núi và hải đảo dường như không có quà Tết.
Từ trên vùng cao Sơn Hà xuống vùng biển Lý Sơn với bốn bề là đại dương, cô giáo Mai Thị Ngọc Thắm (SN 1978) - hiệu trưởng Trường Mầm non xã An Hải trải lòng: "Từ lâu nay, mỗi khi đến ngày Tết, chúng tôi mong muốn có lương trước Tết là vui lắm rồi, chứ quà hay thưởng Tết thì chưa bao giờ có dù chỉ là bịch hạt dưa".
Năm học 2012-2013, Trường Mầm non xã An Hải nuôi dạy 401 cháu với 20 cán bộ, GV toàn nhà trường. Niềm hạnh phúc duy nhất của những cô giáo mầm non thầm lặng khi từng trẻ chăm ngoan, ăn uống khỏe và vui chơi hồn nhiên.
"Tôi đã dạy ở đây từ năm 1980 đến nay, trong lòng tôi cảm thấy hạnh phúc khi bố mẹ các cháu khen cô giáo nuôi con khỏe và ngoan hiền. Còn quà Tết ư, hơn 31 năm qua tôi chưa một lần được nhận quà Tết đúng nghĩa", cô giáo Dương Thị Tốt (SN 1962) bày tỏ.
Tấm lòng nhà giáo vì học sinh thân yêu
Dù có quà Tết như thế nào đi chăng nữa, GV Trường THCS Sơn Bà và Mầm non An Hải cũng đều "tích góp" của ít lòng nhiều, dùng mua quà như gạo, dầu ăn, mắm... dành tặng cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện đón Tết.
"Một số cháu có hoàn cảnh mồ côi vì bố tử nạn ngoài biển, hay gia đình mất sức lao động, neo người và rất nghèo, chúng tôi thấy thương các cháu quá. Tết Quý Tỵ năm nay, nhà trường trích từ Quỹ công đoàn để mua tặng gia đình các cháu một ít quà, với hy vọng hỗ trợ phần nào để gia đình các cháu đón Tết không bị thiếu thốn", hiệu trưởng Mai Thị Ngọc Thắm cho biết.
Hiện nay, 21 cán bộ, GV Trường THCS Sơn Ba cùng góp gạo nuôi 13 học sinh H're. Không chỉ vậy, mỗi dịp Tết đến, nhà trường cùng vận động GV trong nhà trường để mua gạo, thức ăn tặng học sinh mang về gia đình đón Tết.
Một số học sinh Trường THCS Sơn Ba ở xa nhà và có hoàn cảnh khó khăn được các thầy cô giáo góp tiền tặng quà Tết.
"Mình còn may mắn có tiền lương, chứ gia đình các em lại quá nghèo, nếu anh em giáo viên không tặng quà thì sợ ăn Tết xong, các em ở nhà làm rẫy lo mưu sinh, rồi GV phải đến tận nhà vận động đi học. Về mặt tình cảm thầy trò, chúng tôi cũng mong muốn tặng phần quà nhằm hỗ trợ gia đình các em đón cái Tết đầm ấm bên gia đình. Đây là việc làm điều đặn mỗi dịp Tết đến trong nhiều năm qua ở nhà trường", thầy Trần Duy Hùng chia sẻ.
Được biết, dịp Tết Nguyên đán 2013, ngành giáo dục Quảng Ngãi trích 100 triệu đồng từ nguồn quỹ trong chương trình vận động từ thiện "Ấm áp mùa xuân" để tặng quà Tết cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Thầy Thái Văn Đồng - giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Ngãi cho biết: "Nói đến thưởng Tết, ngành giáo dục cũng đành bất lực bởi không có khoản kinh phí nào. Thôi thì ta cố gắng đón Tết bằng tấm lòng vậy".
Hồng Long
Theo dân trí
Gian nan vượt rừng tìm chữ Hàng chục năm nay, các em nhỏ vùng cao ở Hang Còi (bản Đá Còi, xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) phải gùi theo gạo, sách vở, áo quần... băng khe suối, vượt hàng chục km đường rừng heo hút để học lấy chữ Bác Hồ, gieo ước mơ thoát nghèo. Trèo đèo, lội suối ra trung tâm trọ học Hang...