Tôi không biết mình nên làm gì để vừa lòng bên nhà chồng!
Về quê nội, vì không biết mua gì cho bố mẹ chồng nên tôi đưa cho mẹ chồng 5 triệu. Tôi cũng nói rất khéo rằng đây là con biếu bố mẹ để mua thêm đồ dùng sinh hoạt. Nhưng mọi người nhà chồng tôi phản ứng rất thái quá.
Tôi lấy chồng đến nay là 2 năm 4 tháng, nhà chồng nghèo nhưng ai cũng có tính sĩ diện và lòng tự ái cao khiến tôi mệt mỏi vì suốt ngày phải chú ý lời ăn tiếng nói.
Bố tôi mở một công ty vận tải, tôi cũng được coi như tiểu thư lá ngọc cành vàng. Cuộc sống của tôi thuận lợi từ khi sinh ra cho tới năm thứ 2 đại học thì gặp phải “hạn”. Anh học trên tôi 1 khóa, năm nào cũng đạt học bổng, lại là thành viên năng động của đội thanh niên tình nguyện của trường. Anh cũng có vẻ ngoài đáng để người khác ngưỡng mộ, cao ráo, đẹp trai, có tài lẻ là vẽ tranh rất đẹp. Trước đó tôi đã nghe bạn bè ca ngợi anh rất nhiều nên lần đầu gặp anh, không hiểu sao trái tim tôi rung động mãnh liệt.
Tôi “cưa” anh bằng tất cả sự nhiệt tình của tuổi trẻ. Lúc đầu anh trốn tránh tôi vì anh cho rằng hai người ở hai hoàn cảnh khác nhau, không hợp nhau. Nhà anh khá nghèo, từ bé đến lớn anh đều đi học bằng tiền học bổng và quỹ khuyến học. Hai em của anh cũng vậy. Không biết có phải là đang ở tuổi mơ mộng không mà tôi rất nể phục ba anh em anh. Họ đều có nghị lực hơn người.
Bố mẹ anh một người mất sức lao động, một người bán hàng xén ngoài chợ mà lại sinh ra được 3 anh em giỏi giang như vậy. Vì thế, quyết tâm theo đuổi của tôi càng cao bởi tôi rất thích tính cách tự lập của anh. Cuối cùng dưới sự kiên trì của tôi và sự giúp đỡ của bạn bè hai bên, anh cũng “đổ”.
Chúng tôi yêu nhau 3 năm mới cưới. 3 năm đó vì tránh để người yêu khó xử, tôi ít khi chủ động rủ anh ra ngoài chơi. Nếu có đi, cũng chỉ là loanh quanh ở khu sinh viên. Anh thường buồn rầu nói với tôi chưa cho tôi được thứ gì giá trị cả. Nhưng tôi có thiếu gì đâu để chờ mong anh cho.
Cuối cùng dưới sự kiên trì của tôi và sự giúp đỡ của bạn bè hai bên, anh cũng “đổ” (Ảnh minh họa)
Sau khi ra trường, anh vào làm trong một công ty liên doanh nước ngoài. Lương tháng khá cao nhưng vì dồn cho hai em và gia đình nên bản thân anh vẫn ở trong căn nhà trọ tồi tàn. Có lần tôi đề nghị giúp đỡ anh bằng cách cho anh vay tiền hạn 10 năm, nhưng anh không chịu. Anh tự ái nói rằng tôi làm như vậy là sỉ nhục anh. Sau lần đó, tôi không dám tự tiện đề nghị những vấn đề liên quan tới tiền bạc với anh nữa.
Video đang HOT
Ổn định được công việc, chúng tôi kết hôn. Bố mẹ tôi rất hài lòng về con người anh, nhưng mẹ tôi bảo tôi đừng lấy anh. Hoàn cảnh tạo nên tính cách, mẹ sợ anh sẽ tự ti trước gia thế của vợ rồi chúng tôi sẽ khó sống với nhau. Nhưng lúc đó, tôi đang u mê trong tình yêu, đòi cưới anh cho bằng được. Vì thương tôi, bố mẹ đành đồng ý.
Cưới về, tôi và anh chuyển sang sống ở một căn phòng thuê rộng hơn. Bố mẹ tôi muốn cho mượn tiền mua nhà nhưng anh không lấy. Anh còn nói với tôi rằng nếu tôi cầm tiền của bố mẹ, anh sẽ giận và không đến nhà mẹ vợ nữa.
Song, vì quen với cuộc sống đầy đủ vật chất rồi, tôi rất khó chịu khi sống trong căn phòng thuê hơn 40m2. Mùa hè nóng nực, tôi nói với anh muốn lắp điều hòa. Anh bảo chờ thêm hai tuần nữa. Nhưng đêm đến, tôi không thể ngủ được vì nóng. Chờ vài hôm không thấy anh mua, tôi gọi điện cho siêu thị đến lắp cái điều hòa loại mới nhất. Vừa lắp xong điều hòa thì có người của cửa hàng điện máy khác đến nói rằng lắp điều hòa. Tôi giật mình hiểu ra chồng tôi cũng mua một chiếc khác, giá của nó chỉ bằng một nửa chiếc tôi đã mua.
Lúc đó tôi nghĩ rất đơn giản, nếu thừa một cái thì mang về quê lắp cho bố mẹ chồng. Vậy mà khi anh quay về, anh rất giận. Lần đầu tiên tôi thấy một người đàn ông “nổi điên” là như thế nào! Anh đập phá hết cốc chén, lọ hoa, bát đũa trong nhà. Anh gầm lên là tôi không tôn trọng anh, tôi chê anh nghèo, tôi tự ý làm mà không hỏi ý anh. Tôi chỉ biết há hốc miệng nhìn anh. Đến khi hết thứ để đập, anh đạp cửa bỏ ra ngoài. Tôi rất hoảng sợ, ngồi khóc một mình trong căn phòng bừa bộn, bẩn thỉu, chật hẹp. Tình yêu cho anh thì vẫn còn nhưng tôi bắt đầu thấy mệt mỏi quá!
Nhà chồng nghèo nhưng ai cũng có tính sĩ diện và lòng tự ái cao khiến tôi mệt mỏi vì suốt ngày phải chú ý lời ăn tiếng nói (Ảnh minh họa)
Anh bỏ đi chỉ hơn một giờ đồng hồ sau đã trở lại và bắt đầu dọn dẹp. Dọn xong, anh nấu cơm rồi bảo tôi ra ăn nhưng tôi nuốt sao nổi. Tôi cứ ngồi im trên giường khóc thút thít kệ anh dỗ dành. Tuy vậy, tôi vẫn không dám lên tiếng, sợ mình nói câu nào đó động chạm tới tự ái, sĩ diện của anh. Ngày hôm sau, chồng tôi xin nghỉ làm, đưa tôi đi chơi khắp nơi, rồi về quê nội ở hai ngày. Cái điều hòa anh mua, anh đã trả lại cửa hàng, nhưng anh không nói thêm một lời nào về việc đó.
Về quê nội, vì không biết mua gì cho bố mẹ chồng nên tôi đưa biếu mẹ chồng 5 triệu. Tôi cũng nói rất khéo rằng đây là con biếu bố mẹ để mẹ mua thêm đồ dùng sinh hoạt. Nhưng mẹ chồng tôi phản ứng rất thái quá. Bà bảo bà nghèo nhưng chưa đến nỗi hết tiền để con dâu phải cho để sắm sửa. Bà sống mấy chục năm như thế này rồi mà vẫn khỏe, các con vẫn lớn đều, học giỏi không thua kém ai.
Rồi tôi giải thích như thế nào đi chăng nữa, bà cũng bỏ ngoài tai đi làm bếp. Các em chồng tôi cũng sĩ diện ghê gớm. Tôi mua cho cô em út học lớp 10 một cái váy rất đẹp. Em ấy không nhận, em bảo ở quê mặc như vậy người ta cười cho, mà em suốt ngày thái rau cho lợn ăn, mặc váy để làm gì? Em trai thứ hai cũng không chịu nhận tiền tôi đưa cho để mua vài bộ quần áo. Em ấy bảo chồng tôi đã cho tiền rồi, chị dâu không phải tốn kém.
Tôi không biết những gia đình khác có giống nhà chồng tôi không? Cho em chồng được vài đồng mà đều không nhận, còn nghĩ rằng chị dâu coi thường nhà nghèo. Tôi không biết phải làm gì với chồng và gia đình nhà chồng đây? Mong mọi người cho tôi vài lời khuyên.
Theo Mask
Hành trình trở lại của "người rừng" 40 năm sống ở hang đá
Những ngày đầu năm 2014, thông tin về "người rừng" Bùi Văn Toán (tên thường gọi là Út Toán, trú tại bản Phiếu, xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình) được lan truyền khiến nhiều người không khỏi tò mò.
Theo đó, ông Toán đã bỏ nhà vào sống trong hang núi 40 năm, đoạn tuyệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Về thăm "người rừng" vào những ngày cuối năm khi ông đã trở lại cuộc sống hiện đại và chuẩn bị đón cái Tết đầu tiên bên người thân sau 40 năm sống cảnh "ăn lông ở lỗ", chúng tôi được ông kể về quãng thời gian ở rừng và lý do quyết định về lại bản.
Những hồi ức về rừng
"Người rừng" vốn là cựu chiến binh từng tham gia kháng chiến chống Mỹ. Ông nhập ngũ năm 1970 khi vừa mới lập gia đình được mấy ngày. Năm 1975, ông xuất ngũ với niềm vui hân hoan ngày đất nước hòa bình. Nhưng ngày trở về cũng là ngày người lính ấy phải đối mặt với nghịch cảnh phũ phàng. Cha mẹ mất, người vợ từng thề non hẹn biển đã quên nghĩa phu thê đi theo người đàn ông khác. Cay đắng hơn, người đó lại chính là bạn thân một thời từng chăn trâu, cắt cỏ với ông. Quá đau đớn trước hiện thực nghiệt ngã, ông đã bỏ lại tất cả và vào cánh rừng Lắn hoang vu sống cuộc sống như thời nguyên thủy. 40 năm sau khi người dân bản Phiếu đã dần quên cái tên Út Toán trong ký ức thì ông lại trở về. Không còn là người thanh niên tuấn tú, lực lưỡng năm nào, ông Toán giờ già nua, khắc khổ. Có lẽ, cuộc sống khốn khó và phải sinh tồn nơi rừng thiêng nước độc đã khiến ông già hơn tuổi rất nhiều.
Ông Toán hiện đang sống cùng gia đình người cháu gái tại bản Oi Nọi, xã Tiền Phong.
Chia sẻ về quyết định trở về với cuộc sống bình thường của mình, "người rừng" Út Toán cho biết, tất cả quyết tâm "làm lại cuộc đời" đều là nhờ có đại đội trưởng Tự (ông Ngô Xuân Tự - từng là đại đội trưởng của ông Toán ngày cùng ở đơn vị trong Quảng Trị). Sau khi đọc được bài báo viết về "người rừng" với tên gọi Út Toán và nhận ra đó là đồng đội năm nào, ông Tự đã đích thân lặn lội từ Hà Nội lên khu rừng Lắn xa xôi để kéo ông Toán trở về với cuộc sống hiện đại. "Mới đầu ông Tự tới, tôi cứ tưởng công an xã đến bắt tôi trở về, đang tính bỏ chạy thì ông gọi tên tôi. Mừng rỡ nhận ra nhau sau bao năm xa cách, chúng tôi ôm chặt nhau rồi khóc ngon lành giữa cánh rừng già bạt ngàn. Chúng tôi tâm sự với nhau rất nhiều, hiểu được sự đớn đau và bất hạnh trong cuộc đời tôi, ông Tự không nói gì nhiều mà ra lệnh: "Tôi yêu cầu đồng chí rời khỏi hang Lắn ngay lập tức. Thế là tôi theo đồng chí ấy về Hà Nội", ông Toán nhớ lại.
Chia sẻ với chúng tôi về trường hợp "người rừng" Bùi Văn Toán, ông Đinh Mạnh Tưởng - chủ tịch UBNX xã Tiền Phong cho biết: "Mọi thủ tục để giúp ông Toán hòa nhập với cộng đồng phía chính quyền đã hết sức hỗ trợ. Ông ấy đã được làm lại giấy CMND, nhập hộ khẩu. Còn các thủ tục về hưởng chế độ người già cô đơn, cũng như trợ cấp chiến tranh và những thủ tục liên quan đến thời gian tham gia kháng chiến của ông, chúng tôi cũng đã chuyển lên cấp trên. Về phía xã, chúng tôi sẽ cấp cho ông Toán một miếng đất làm nơi ở và quyên góp nhân dân trong xã ủng hộ kinh phí để giúp dựng cho ông một căn nhà. Hi vọng với nghĩa tình của bà con dân bản sẽ, ông Toán sẽ sống khỏe, sống vui tại địa phương nốt phần đời còn lại".
Từ rừng Lắn trở về, ông Toán được ông Tự đưa về Hà Nội chăm sóc. May mắn gặp lại người đại đội trưởng năm nào rồi nhận được tình cảm, sự sẻ chia và tình thương chân thành, ông dần muốn trở lại cuộc sống bình thường. Nhưng ông cũng biết không thể mãi nhận sự cưu mang của người đại đội trưởng. Vậy là sau thời gian được ông Tự chăm sóc, sức khỏe đã hồi phục, ông Toán xin trở lại địa phương. Anh Tuấn (vợ anh Tuấn là con của chị gái ông Toán - PV, hiện đang chăm sóc ông) cho biết sau 1 tháng từ Hà Nội về, "người rừng" vần còn tỏ rõ sự sợ sệt và xa lạ với những đồ dùng hiện đại: "Đang đi trên đường, ông giật thót nhảy vào vệ cỏ mỗi khí có chiếc xe máy chạy tạt qua. Hay như đang cầm chiếc điện thoại lên xem, ông bỗng sợ hãi quăng vội xuống sàn nhà chỉ vì nó đổ chuông khi có người gọi đến. Thậm chí có lần khi đài công cộng mở lên, ông đứng lại hàng giờ để nghe. Mỗi khi có ai đó đi qua nhìn thì ông lại bảo, cho tôi nghe nhờ một chút".
Về ở với cháu được khoảng 2 tháng, ông Toán tiếp tục được một nhà hảo tâm khác đón về Hà Nội giúp đỡ. "Thầy Hải ở Trung tâm nhân đạo đào tạo việc làm cho người khuyết tật đã làm thủ tục nhận tôi về trung tâm. Tại đây, tôi được các bạn, các thầy hướng dẫn cho làm tăm tre và được chăm sóc rất tốt; tôi được mặc những bộ quần áo rất đẹp, được xem ti vi, được nghe đài... Tuy nhiên, sự ồn ào náo nhiệt của phố thị tôi không thể quen nổi. Tiếng xe, tiếng còi tàu chạy cả ngày cả đêm như gợi lại tiếng bom, tiếng đạn nơi chiến trường. Vì thế, tôi lại xin thầy Hải được trở về địa phương", ông Toán kể. Một lý do nữa khiến ông muốn trở về là vì nhớ rừng. Tâm sự với chúng tôi, "người rừng" thú thật 40 năm gắn bó với rừng núi khiến ông quen hơi, không phải một sớm một chiều mà quên được. Ông hồi tưởng lại cuộc sống "nguyên thủy" ấy: "Ngày nào cũng vậy, tôi thường dậy rất sớm rồi túc tắc chuẩn bị đồ nghề đi săn. Bắt được con thú nào, tôi lại lấy đuôi của nó treo lên gác bếp cho thật khô. Nhưng tôi không bao bắt các con thú lớn mà thường chỉ giết thịt loài chuột, loài sóc hoặc rắn. Tôi treo đuôi của các con vật lên gác là để tính ngày, tính tháng và tính năm. Theo đó, mỗi ngày tôi sẽ bắt một con chuột. Thịt của nó thì dùng làm thức ăn hàng ngày, còn đuôi tôi lại treo lên "gác bếp" để đánh dấu cho một ngày đã qua. Còn để đánh dấu cho một tháng, tôi sẽ bắt và cắt đuôi một con sóc". Ông Toán cho biết thêm có những hang, ông chỉ cần đi qua hít hít vài cái là biết có chuột hoặc có rắn hay không. Thậm chí, nhiều hang chuột, ông còn biết trong hang có chuột đực hay chuột cái. Theo "người rừng", đó không chỉ là kinh nghiệm, là bản năng sinh tồn nơi rừng sâu, mà còn là những bí mật mang tên "bùa chú" mà chỉ những người Mường Ao Tá mới biết.
Thèm được trông nồi bánh chưng
Chỉ vào chiếc áo mới lên người, ông Toán chia sẻ: "Đây là áo mới đại đội trưởng Tự mua cho, mặc áo mới mà thấy ấm áp lạ kỳ. Còn nhớ những năm tháng sống trong rừng, phải hứng những cơn gió rét thấu xương của núi rừng Tây Bắc, tôi không thể nào chợp mắt được. Mặc dù trước đó đã gom rất nhiều gốc cây khô để sưởi ấm nhưng hễ chợp mắt, lửa tàn thì lại giật mình tỉnh giấc bởi cái lạnh đánh thức". Những ngày trở lại với bản làng, tinh thần ông Toán vui lên rất nhiều, mọi người trong bản đến thăm, đến trò chuyện cùng ông cả ngày, cả đêm. "Ông nói như thể bao năm nay chưa được nói và sợ mọi người nói mất phần vậy. Nhưng giờ ông cũng trầm tính hơn rồi. Thỉnh thoảng tôi đi làm nương, làm rẫy kêu ông ở nhà trông nhà nhưng ông không chịu mà nhất định đòi đi theo. Thậm chí những ngày mùa thu hoạch, ông còn đòi đi gánh sắn, gánh ngô cùng tôi. Nhưng vợ chồng tôi không cho làm, ông già rồi gánh được bao nhiêu. Sợ ông buồn lại bỏ vào rừng nên tôi để ông trông mấy con trâu", anh Tuấn chia sẻ.
"Người rừng" đã trở lại cuộc sống hiện đại
Cũng theo anh Tuấn thì hồi mới về bản, sau bữa ăn sáng là ông Toán lại leo lên ngọn núi của cánh rừng Lắn nhìn về phía hang đá, nơi trú ngụ của ông suốt 40 năm. Anh Tuấn cho biết: "Tôi đã dẫn ông lên xã làm lại giấy chứng minh nhân dân, xin nhập hộ khẩu và làm các thủ tục cần thiết để ông được là một người bình thường. Tất cả mọi giấy tờ, sổ sách đều đã thất lạc. May mắn các bộ xã họ cũng linh động và tạo điều kiện để ông hòa nhập với cộng đồng". Khi hỏi ước gì trong năm mới Ất Mùi, "người rừng" cho biết, ở trong rừng lâu ông cũng quên khái niệm về năm mới, về ngày tháng... nhưng những phong tục, tập quán hay cách cúng lễ mội dịp Tết đến xuân về thì chẳng thể nào quên. Ông tâm sự: "Tôi chỉ mong có một ngôi nhà nhỏ và làm một cái bàn thờ để thờ cúng cha mẹ. Ngày còn trong hang, tôi phải làm bát hương bằng gốc nứa và đặt bàn thờ trên vách đá. Tôi cũng muốn được ngồi hàng giờ bên nồi bánh chưng, lâu lắm rồi không được ngửi thấy mùi thơm của bánh. Tôi nhớ ngày nhỏ thường ngồi trông nồi bánh chưng nghe mẹ kể nhiều chuyện về làng bản, về phong tục đón Tết... Nghĩ lại đã thấy thật ấm áp".
Theo Đạt Đỗ (Gia đình & Xã hội)
Lý do Tết này nên ăn nho khô Nho khô chứa axit oleanolic giúp ngăn ngừa sâu răng và vi khuẩn có hại gây viêm nướu răng và bệnh nha chu. Loại quả khô này tốt cho tiêu hóa, giàu canxi, kích thích ham muốn... Nho khô có thể chẳng mấy hấp dẫn với bạn vì vẻ ngoài nhăn nheo và màu sắc không bắt mắt. Tuy nhiên, loại quả khô...