Tôi được gay
“Có lẽ hầu hết các bạn sẽ phản đối câu nói ấy. Tuy nhiên đó lại là ý kiến cá nhân và nhân sinh quan của riêng tôi”, chia sẻ của một bạn đồng tính nam hiện đang sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh.
ảnh minh họa
Tôi sinh năm 1986, sống và làm việc tại Sài Gòn.
Ngay từ khi còn bé, tôi đã biết mình có nhiều điểm khác biệt so với những đứa con trai khác. Đỉnh điểm là giai đoạn dậy thì, tầm lớp 6-7. Tôi thích những anh chàng đẹp trai trong trường thay vì các cô nàng đỏm dáng. Tôi cũng khá nữ tính, ít nhất là tôi hứng thú với những gì mà người ta thường gán ghép cho phái nữ. Bắn súng? Không. Đánh lộn? Không. Đá banh? Càng không. Tôi thích thảy gạch, nhảy dây, ô quan, game dàn trận… những thứ đòi hỏi sự khéo léo và trí tuệ. Bạn đừng hiểu lầm, tôi không phải là người chuyển giới. Tôi là một người đồng tính nam và không có mong muốn trở thành con gái. Tuy nhiên, sự kì thị cũng từ đó mà bắt đầu.
Nhiều người xung quanh nhận ra những sở thích đó và gọi tôi bằng những danh từ mang tính miệt thị như “pê-đê”, “công công”, “bóng”… Buồn là cảm giác đầu tiên. Rồi sau đó là sợ. Sợ bị trêu chọc. Sợ bị ba mẹ nghe thấy. Thậm chí, sợ luôn cả những đám đông có nhiều đứa con trai tụ tập. Sợ phải bàn về sự nam tính và cuộc sống vợ con sau này. Sợ tụ tập gia đình. Sợ các đám ma có sự tham gia của những người chuyển giới về đêm. Và do sinh sống trong một xóm lao động nghèo, sự kì thị mà họ dành cho tôi còn thô thiển và trơ trẽn hơn gấp bội. Vậy mà trong một hoàn cảnh như thế, tôi đã trải qua thời niên thiếu của đời mình.
Video đang HOT
Ảnh minh họa
Năm nhất đại học, mẹ phát hiện ra tôi đang “thân mật” với người bạn trai ở trong nhà. Sau đó, chỉ còn hai người, mẹ gặng hỏi. Mặc dù tay đang run rẩy, trán lấm tấm mồ hôi nhưng như một quả bong bị chích đột ngột, tôi vỡ òa. Nỗi niềm bao năm, tuôn tràn ra liên tục. Tôi quỳ trước đấng sinh thành, người đã ban cho tôi hình hài, người đã dạy dỗ và chăm lo cho tôi đầy đủ ngay cả khi ba qua đời vào một chiều mưa cách đây 5 năm. Nước mắt thực sự rất mặn.
Mười phút lặng thin đó là quãng thời gian dài nhất trong đời. Và rồi, mẹ đỡ tôi dậy. Mẹ không khóc, chỉ để tay lên đầu, nhìn vào mắt tôi và nói: “Con dấu ai chứ làm sao dấu được mẹ. Mẹ đẻ con ra mà. Thật ra, mẹ chỉ muốn nghe lời thú nhận thôi. Mẹ không chối là trong một thoáng mẹ vẫn muốn con trả lời là không phải. Mẹ đã chấp nhận từ lâu rồi. Chỉ cần con sống tốt, có ích cho xã hội thì con thích ai, quen ai không quan trọng. Mẹ nhắc lại, mẹ chấp nhận. Con không được buồn nữa”.
Tôi vẫn tiếp tục khóc, nhưng mà với một lý do khác: tôi hạnh phúc.
Và kể từ ngày hôm đó, tôi hồi sinh. Như một con phượng hoàng. Xu hướng tính dục và sự khác biệt của bản thân đã không còn là vấn đề nữa. Người sinh tôi ra chấp nhận thì hà cớ gì tôi phải sống tự ti và xấu hổ?
Tôi là một người có học thức, hòa nhã, thích đọc sách, thỉnh thoảng làm từ thiện, tôn trọng người lớn tuổi và thậm chí, sở hữu một ngoại hình có thể gọi là đẹp (tôi tự đánh giá mình như thế). Nếu so với nơi tôi sống, tôi gần như là một “kì tích”.
Cho tới lúc này, tôi mới nảy sinh suy nghĩ “Có khi nào, việc là người đồng tính lại là một ưu điểm không?”
Ảnh minh họa
Quay ngược quá khứ, tôi thừa biết có không ít đứa con trai ghét đánh lộn hay đá banh nhưng nếu từ chối th2i sẽ bị bài xích và tẩy chay khỏi hội ngay. Vì thế, tụi nó chọn giải pháp im lặng và tuân thủ. Những mặc địch về giới đại loại như “Con trai thích màu xanh, con gái thích màu hồng”, “Con trai thích bắn súng, con gái thích thêu thùa”… đã “hại” rất nhiều người. Còn tôi, sẵn bị kỳ thị rồi, cứ mặc sức mà sống theo những sở thích cá nhân. Xét một khía cạnh nào đó, tôi được tự do thả mình vào những thứ mình thích. Đặc biệt, tôi chăm lo ngoại hình nhiều hơn đám con trai dị tính. Chúng tàn theo năm tháng (kể cả những đứa đẹp trai), còn tôi thì vẫn y vậy dù đã 28 tuổi.
Tầm 14-15 tuổi, đám con trai bắt đầu tò mò về chuyện giới tính và cơ thể con gái. Vài đứa còn đam mê đến độ bỏ học, bỏ nhà để “đi theo tiếng gọi của con tim”. Còn tôi khi đó vẫn còn ngồi ôm đống sách, mơ về anh chàng đẹp trai trong trường và học hành nghiêm túc. Bởi vì có muốn cũng đâu biết tìm hiểu ở đâu? Sách là không có rồi đó. Văn hóa phẩm đồi trụy cho gay ở thập niên 90s tại Việt Nam thì lại càng không.
Cách đây không lâu, người sếp nam 50 tuổi của tôi chợt thở dài: “Sinh ra, lớn lên, đi học, đi làm, kiếm tiền, có vợ, có con, nuôi con, li dị nếu có, rồi chờ chết. Cái guồng máy nặng nề và quen thuộc. Đời quá buồn. Thôi đi nhậu”. Lúc này, tôi nghĩ “Là gay, dường như là lý do khiến tôi bị bật ra khỏi cái guồng máy đó”.
Tôi ít khi nghĩ đến việc lấy vợ. Và kể từ khi come-out với mẹ, tôi gần như không nghĩ đến. Mà nếu có lập gia đình với người bạn trai, cũng là hai đứa chia đều trách nhiệm gia đình chứ không có việc một người làm và nuôi hoàn toàn người kia. Chúng tôi sẽ du lịch rồi mới nhận con nuôi (hoặc bằng phương thức nào đó). Tôi muốn cảm nhận thế giới này trước khi tuổi già bắt kịp mình.
Trải qua một thời thơ ấu bị kỳ thị, tôi lại càng thấm thía và biết ơn hơn về sự tồn tại của bản thân trong cuộc sống. Ngoài ra, tôi còn có được một góc nhìn rất trung lập về những định kiến trong xã hội. Tôi chưa bao giờ vội phán xét một người thông qua vẻ bề ngoài, màu da hay dân tộc. Giang tay giúp đỡ gần như là một thói quen. Bởi vì hạnh phúc là một thứ mà tôi đã phải phấn đấu rất nhiều để có được. Tôi muốn chia sẻ và nhân rộng nó.
Chắc chắn sẽ có người cho rằng câu nói “Tôi được gay” là một sai lầm bởi vì chẳng phải cộng đồng LGBT đang kêu gọi bình đẳng đó sao? Ai cũng như ai, đều thuộc về tự nhiên, không có gì khác biệt cả.
Thế nhưng bạn biết tôi nghĩ gì không? Cho dù có nói gì đi nữa thì giữa người với người luôn luôn có sự khác biệt.
Với tôi, với những điều kiện mà tôi có thì gay cũng là một dạng đặc ân. Bởi vì nếu tôi không phải là gay thì bây giờ bản thân đã là một thanh niên học hành không đến nơi đến chốn, hút thuốc phì phèo, nhậu nhẹt liên miên và vợ con đầm đề mà không chăm sóc được… Khả năng này ở nơi tôi sống lên đến 90% đấy.
Dù bạn đồng ý hay phản đối thì đây vẫn là thông điệp mà tôi muốn gửi đến cho những người đọc bài viết: Hãy chấp nhận bản thân và bạn sẽ nhận ra rằng, là gay ở Việt Nam cũng không phải là một điều quá tệ. Hãy mở rộng trái tim, cuộc sống này thực sự quá ngắn ngủi để dành cho những giọt nước mắt và nỗi buồn.
Theo VNE