Tôi đưa con gái 3 tuổi ‘phượt’ châu Á, châu Phi
Không gò bó trong ‘chiếc hộp’ chật hẹp, tôi đưa con gái đi khắp châu Á và châu Phi. Những chuyến đi chính là trường học lớn nhất, nơi con được tự do khám phá thế giới đa dạng.
Cùng con lớn lên qua những chuyến đi là niềm hạnh phúc của tôi.
Tôi là Phạm Mai Hương (33 tuổi, quê ở Đà Nẵng), một blogger kiêm người sáng lập dự án du lịch bụi Mertrip Adventure. Cách đây 5 năm, khi bé Mỡ – con gái của tôi – mới 4 tháng tuổi, tôi đã đưa bé đi roadtrip khắp Việt Nam. Đây cũng là khởi đầu cho những chuyến đi sau này.
Năm 3 tuổi, tôi bắt đầu đưa con ra nước ngoài. Một phần làm quen với cuộc sống không giới hạn, học cách thích nghi và kết nối với thế giới. Phần còn lại vì đam mê khám phá của chính tôi.
Tôi quan niệm rằng một người mẹ hạnh phúc sẽ mang lại hạnh phúc cho con. Khi lớn lên, con sẽ hiểu được hạnh phúc do mình tự tạo dựng, không ràng buộc bởi bất kỳ khuôn khổ nào.
Đến thời điểm hiện tại, bé Mỡ có thể tự hào khoe với các bạn về hành trình 18 ngày ở Pakistan, 10 ngày ở Ấn Độ, 10 ngày ở Thái Lan và 40 ngày ở 3 nước châu Phi.
4 năm kết nối với châu Á
Việc đưa một bé nhỏ rong ruổi nhiều ngày không quá khó khăn với bản năng của một người làm mẹ. Tinh thần phiêu lưu của con trong từng chuyến đi luôn khiến tôi bất ngờ và tự hào.
Con có thể thích nghi với nhiệt độ thay đổi liên tục từ -17 độ C đến 50 độ C, ngủ ngon trên lưng ngựa hay chiếc xe chạy qua đường đá lởm chởm. Điều này không chỉ làm nhẹ đi thử thách mà còn mang lại nguồn động lực cho tôi.
Tôi muốn con học từ thực tế, từ thiên nhiên thay vì chỉ ngồi trong lớp học.
Năm con 3 tuổi, tôi đặt mục tiêu đưa con đến Pakistan vì ấn tượng với cảnh sắc. Dù gắn với nhiều định kiến không hay, tôi vẫn có niềm tin đất nước này không chỉ toàn điều đáng sợ.
Trong 18 ngày, hai mẹ con roadtrip với tổng quãng đường 2.500 km. Địa hình hiểm trở là một thử thách không hề nhỏ. Những cung đường đèo bo cua gắt gao, một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực sâu. Trên con đường đá “nguy hiểm thứ 2 trên thế giới” đến Fairy Meadow – vùng đồng cỏ ở độ cao hơn 3.400 m – tôi và con không dám nhìn xuống độ sâu hun hút phía dưới.
Tiếp đó, để tới được sông băng Passu, tôi phải địu con suốt quãng đường dài dưới trời lạnh buốt, những ngọn núi cũng nhuộm trắng tuyết. Bù lại, vẻ đẹp khắc nghiệt, khô cằn đầy ấn tượng của nơi đây khiến tôi vỡ òa hạnh phúc.
Những ngày đầu ở Pakistan, bé Mỡ rất sợ người lạ, không chịu đùa giỡn. Sau ít hôm, con dần mở lòng và làm quen được một số người bản địa.
Lần đầu trong đời, con được đùa nghịch trên lớp tuyết dày.
Năm con 3,5 tuổi, tôi đưa con đến vùng Kashmir – “thiên đường hạ giới” ở phía Tây Bắc của Ấn Độ. Vào mùa đông, vùng đất này hóa tranh với những ngọn núi phủ tuyết trắng xóa và hồ nước trong veo như pha lê.
Mặc kệ cái lạnh cứa da thịt, hai mẹ con vẫn cưỡi ngựa trong rừng thông ở Pahalgam – thung lũng của những người chăn cừu. Bé Mỡ ngồi phía trước, nhỏ bé nhưng đầy can đảm. Con nhoài người, cố gắng ôm lấy chú ngựa, chạm nhẹ bờm, cười khúc khích khi gió lạnh tạt vào mặt, còn tôi ngồi phía sau choàng tay qua con.
Trong từng bước đi giữa thế giới bao la, tôi đóng vai người bạn đồng hành đáng tin cậy của con. Ở từng vùng đất, sợi dây kết nối vô hình giữa mẹ và con ngày càng nối dài.
Năm con 4,5 tuổi, hai mẹ con đến Thái Lan tham gia lễ hội thả đèn Yipeng. Cảnh tượng quá đỗi huyền diệu khi hàng nghìn chiếc đèn cùng lúc được thả bay lên bầu trời đêm. Mỗi chiếc đèn như gửi gắm một điều ước, một niềm hy vọng.
Bé Mỡ đứng ngắm, đôi mắt lấp lánh niềm vui và sự ngạc nhiên. Con kéo tay tôi, hỏi về điều ước. Tôi thì thầm với con về những điều tốt đẹp nhất, cho tương lai của con và cho ước mơ khám phá thế giới của chính mình. Giây phút tiếng reo hò của dòng người vang lên, bầu trời bừng sáng, hai mẹ con ôm nhau dưới sự rộng lớn của thế giới.
Phá bỏ giới hạn ở châu Phi
Vài tháng sau chuyến đi Thái Lan, tôi đưa con đến Namibia, Ethiopia và Madagascar. Thời gian ở châu Phi, con được tiếp xúc với hơn 10 bộ lạc cổ đại, gặp nhiều loài vật hoang dã trước giờ chỉ thấy trên tivi và sách vở. Mỗi đất nước đều mang đến những cảm xúc rất riêng.
Ban đầu, bé Mỡ có phần e dè khi gặp những người châu Phi với làn da đen sẫm, diện trang phục kỳ lạ. Con bám chặt lấy tôi, ánh mắt ngỡ ngàng, nhưng khi giao lưu với các bộ lạc cổ đại hay tham gia vào lễ hội truyền thống, con dần mở lòng với sự đa dạng của thế giới. Từ một bé nhỏ nhút nhát, con dạn dĩ và tôn trọng sự khác biệt văn hóa.
Video đang HOT
Đến nhiều nơi, con dần học được cách yêu thương và tôn trọng những người khác biệt với mình.
Trong mắt hai mẹ con, Namibia là vùng đất hoang sơ nhưng đầy sức sống. Nơi đây có DeadVlei – cánh đồng cây chết giữa lòng sa mạc cổ – hiện lên như một bức tranh siêu thực với sắc đỏ của cát hòa quyện cùng bóng đen cằn cỗi của những thân cây khô.
Tôi và con bị cuốn hút bởi bộ lạc Himba – nơi có những người da đỏ với mái tóc tết đặc trưng. Họ nổi tiếng với việc không tắm, chỉ dùng bùn đỏ để vệ sinh. Tôi nhớ ánh mắt tò mò của bé Mỡ khi thấy các cô gái xông khói để tiết kiệm nước. Đó là một bài học lớn cho con về sự khác biệt và khả năng thích nghi của con người trước thiên nhiên.
Ethiopia lại là hành trình xuyên không gian và thời gian. Tôi và con say mê khám phá bộ lạc cổ đại ở thung lũng Omo – nơi dấu ấn văn hóa của con người gìn giữ từ bao đời. Tiếp đến là những nhà thờ đá cheo leo giữa trời ở vùng Tigray, như khắc sâu đức tin vào vách núi.
Bộ lạc Omo để lại trong tôi cảm xúc mạnh mẽ. Những vết sẹo chằng chịt trên lưng của phụ nữ khiến tôi không khỏi ám ảnh. Mỗi vết sẹo là dấu ấn của những trận roi khốc liệt mà họ phải chịu đựng trong nghi lễ trưởng thành. Tôi chần chừ khi kể con nghe về câu chuyện này, nhưng con lại chăm chú lắng nghe với ánh mắt buồn bã. Sau những chuyến đi, bé Mỡ đã biết cảm thông với nhiều hoàn cảnh.
Đến vùng đất khắc nghiệt như Danakil, thay vì nản lòng vì cái nóng, con lại quan sát xung quanh và không ngừng hỏi những câu thú vị về môi trường.
Những ngày cuối ở Ethiopia, tôi đưa con đến Danakil – vùng đất khắc nghiệt bậc nhất hành tinh – khi chuẩn bị sẵn sàng về thể chất lẫn tinh thần. Danakil nổi tiếng với môi trường sống khô hạn, nhiệt độ khoảng 50-60 độ C, hoàn toàn không có dịch vụ du lịch.
Trời nóng hừng hực từ sáng đến tối, mỗi bước chân trên cát như chạm vào lửa. Tôi bất ngờ khi con nhanh chóng thích nghi, tò mò về cánh đồng muối trắng xóa, suối nước nóng phun trào từ lòng đất hay hồ axit với màu sắc rực rỡ và khói mù bao quanh.
Ban đêm, hai mẹ con ngủ trên chiếc giường tre ọp ẹp, không điện, không Internet. Dưới bầu trời đêm, con dường như quên đi khó khăn, háo hức chỉ tay lên cao khoe ông sao. Trong khoảnh khắc đó, tôi nhận ra đôi khi sự giản đơn lại mang đến cảm xúc sâu sắc, nhất là khi không có công nghệ làm phân tán sự kết nối giữa người với người.
Đến Madagascar, tôi và con gặp bộ lạc Mikea sống nguyên thủy giữa rừng. Bé Mỡ thoáng bối rối khi thấy người dân co rúm, tay che mặt vì e ngại. Sau vài giờ, con giao lưu một cách tự tin và theo dõi chăm chú cách họ tạo lửa từ những cọng gỗ khô.
Những thay đổi này chính là món quà lớn nhất mà các hành trình mang lại cho con, tạo bước đệm cho cuộc sống đầy hiểu biết và lòng nhân ái sau này.
Sắp tới, tôi sẽ đưa con đến Nga để tìm cực quang, ngắm hồ băng Baikal sâu nhất thế giới, thăm ngôi làng của ông già Noel và cưỡi tuần lộc như con mơ ước.
Vào mùa hè năm sau, hai mẹ con đến Peru để tìm hiểu nền văn minh Inca huyền thoại, ngắm bầu trời sao đẹp nhất thế giới ở Chile và trải nghiệm cánh đồng muối Salar de Uyuni ở Bolivia.
Mùa thu, hành trình sẽ tiếp tục ở Kenya và Tanzania. Tại đây, con sẽ có cơ hội chứng kiến cuộc di cư lớn của động vật hoang dã.
Chồng Việt rủ vợ Nhật nghỉ việc, dành 1 năm 'tuổi trẻ rực rỡ' vi vu khắp 3 châu
Đặt chân đến 11 quốc gia ở châu Mỹ và châu Á, tiếp tục hành trình du lịch bụi xuyên lục địa tại châu Phi, cặp chồng Việt vợ Nhật mong muốn có một năm tuổi trẻ rực rỡ, sau thời gian dài 'cày cuốc' công việc đến mức 'ngó lơ' sức khỏe bản thân.
Anh Ngô Quang Dũng (29 tuổi, kỹ sư công nghệ thông tin kiêm nhiếp ảnh gia) cùng vợ là chị Hatori Chiaki (30 tuổi, tư vấn viên) hiện sống tại một thành phố cạnh thủ đô Tokyo (Nhật Bản).
Họ vừa hoàn thành chuyến du lịch tự túc vòng quanh châu Mỹ, sang châu Á và hiện tiếp tục trải nghiệm hành trình mới tại châu Phi - châu lục thứ 3 và cũng là cuối cùng trong kế hoạch dành một năm đi du lịch bụi khắp thế giới.
Quyết định nghỉ việc để đi du lịch "chữa lành"
Nói về lý do quyết định nghỉ việc và dành một năm đưa vợ đi du lịch bụi khắp thế giới, anh Dũng không giấu nổi cảm xúc, vẫn nhớ như in nỗi sợ hãi cách đây gần 3 năm, khi vợ anh rơi cảnh "thập tử nhất sinh".
"3 năm trước, ngay sau khi tổ chức đám cưới ở Việt Nam xong thì vợ mình mắc Covid-19 rất nặng, lúc nặng nhất mình đã sợ vợ sẽ không qua khỏi. Qua lần đó, chúng mình mới nhìn lại cuộc sống trước giờ ở Nhật Bản chỉ xoay quanh công việc, chưa hề có thời gian cho bản thân.
Mình cứ nghĩ là tuổi trẻ còn dài, cả hai sẽ còn nhiều thời gian nhưng biết đâu đấy, cái "nhiều thời gian" đó chỉ là một thời gian ngắn ngủi, có thể là 1 ngày, 1 tháng, hay chỉ 1 năm nữa thôi. Vậy nên tranh thủ lúc còn trẻ, có sức khỏe và chưa có em bé, vợ chồng mình muốn dành thời gian cho nhau, cũng là để nhìn ngắm những thứ mình chưa từng được thấy", anh Dũng nói.
Anh Dũng cùng vợ muốn được thử một lần làm backpacker (tạm dịch: du khách balo - du lịch bụi), đi đến những đất nước mới, ghé thăm vùng đất xa xôi, gặp gỡ mọi người và trải nghiệm cuộc sống ở những nền văn hóa mà trước giờ chỉ thấy trên tivi
Sau biến cố đó, anh Dũng và chị Chiaki không muốn đánh đổi công việc và sức khỏe nên quyết định gác lại một năm, dùng một phần tiền tiết kiệm 5 năm qua để đi du lịch bụi và nghỉ ngơi.
Người đàn ông Việt thừa nhận mất khoảng nửa năm để đưa ra quyết định cuối cùng và chuẩn bị mọi thứ. Đầu tiên, anh xin bảo lưu công việc một năm, còn chị Chiaki nghỉ việc hẳn. Sau đó, cả hai lên kế hoạch, nghiên cứu lịch trình và sắm sửa các vật dụng cần thiết.
Anh Dũng cho biết, hành trang cho chuyến du lịch bụi của hai vợ chồng tối giản hết mức có thể. Anh chọn loại balo 50l, sức chứa 13 - 15kg, đủ đựng 4-5 bộ quần áo, áo rét và máy móc chụp ảnh.
Balo của chị Chiaki thì nhỏ hơn, khoảng 10kg, đựng quần áo, thuốc men, vật dụng vệ sinh cá nhân và đồ chăm sóc da. Ngoài ra, họ trang bị chiếc túi nhỏ để giữ hộ chiếu, thẻ tín dụng và luôn đeo theo người.
Cặp đôi tối giản mọi thứ, ưu tiên mang những vật dụng gọn nhẹ nhất để có thể di chuyển xa trong quãng thời gian dài
Chi phí chuyến đi được cặp vợ Nhật chồng Việt trích ra từ một phần tiền tiết kiệm sau 5 năm làm việc chăm chỉ ở xứ phù tang. Trước khi đi, cả hai cũng tìm hiểu về chi phí du lịch bụi qua các trang blog khác nhau để hạn chế các khoản phát sinh tốn kém.
Anh Dũng cho rằng, vấn đề khó khăn nhất là giấy tờ, phải chuẩn bị từ giấy chứng minh tài chính, chứng nhận kết hôn, chứng nhận đi làm rồi giấy cư trú ở Nhật Bản.
Để tối giản hành trình xin visa, anh nói "đi tới đâu xin tới đó" và phải đặt trước phòng khách sạn và vé máy bay. Họ cũng xác định sẵn các quốc gia muốn đi, lên mạng tra cứu các địa điểm tham quan, có giá trị văn hóa và mua bảo hiểm du lịch.
Anh Dũng và vợ ghé thăm Thánh địa lịch sử Machu Picchu (ảnh trái) và đi bộ gần 3 tiếng dọc theo đường tàu (ảnh phải) ở Peru
Về lưu trú, ở mỗi quốc gia, anh Dũng và chị Chiaki lựa chọn tìm nhà nghỉ trên các ứng dụng điện tử với tiêu chí giá bình dân, an toàn và sạch sẽ. Cặp đôi cũng chọn những quán ăn, nhà hàng đông người bản địa, bày bán nhiều đặc sản địa phương.
Về di chuyển, đôi vợ chồng trẻ chủ yếu sử dụng các phương tiện công cộng như tàu, xe buýt và ưu tiên đi bộ nếu quãng đường không quá xa, chừng 2-3km.
Những trải nghiệm đáng nhớ
Chuyến đi này, vợ chồng anh Dũng chia lịch trình thành 2 phần: châu Mỹ và châu Á rồi châu Phi.
Tháng 7/2023, cặp đôi xuất phát đi châu Mỹ. Tại đây, họ dành 4 tháng trải nghiệm tại các quốc gia như Mỹ, Mexico, Colombia, Bolivia, Peru, Chile và Brazil.
Khung cảnh hùng vĩ, choáng ngợp ở thung lũng chết (Death Valley), Mỹ
Cặp vợ chồng trẻ thuê xe cắm trại, chiêm ngưỡng khung cảnh Grand Canyon huyền ảo trong ánh trăng
Mỹ là quốc gia đầu tiên mà anh Dũng và chị Chiaki đặt chân đến trong hành trình du lịch bụi xuyên lục địa. Nếu muốn ghé thăm các nước ở Trung, Nam Mỹ, du khách hầu hết phải trung chuyển máy bay tại Mỹ nên cặp đôi quyết định dừng chân tại đây, tranh thủ thăm thú vùng đất hiện đại, sôi động bậc nhất thế giới.
Ở Mỹ, họ đến đảo Hawaii đầu tiên. Cặp đôi không khỏi "sốc" vì vật giá ở đây quá đắt đỏ, đắt hơn nhiều so với Nhật Bản và cả trong đất liền nước Mỹ.
"Trải nghiệm ở đây 2-3 ngày, mình cũng có thể hiểu được vì sao chi phí lại cao như vậy. Phần vì Hawaii là vùng đảo, vị trí địa lý không thuận tiện như đất liền, phần vì đây là địa điểm du lịch quá nổi tiếng, luôn có đông khách du lịch từ khắp thế giới đổ về nên chi phí dịch vụ tăng,... Dù chi phí cao nhưng bù lại, cảnh biển và núi ở Hawaii thực sự khiến bất cứ ai đến đây cũng đều ngỡ ngàng. Chưa kể khí hậu rất mát mẻ, dễ chịu dù giữa mùa hè", anh Dũng chia sẻ.
Khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp ở Hawaii khiến cặp đôi không khỏi mê đắm
Cả hai cũng thích thú với trải nghiệm thuê xe cắm trại (Campervan) ở Mỹ trong 10 ngày. Vợ chồng anh Dũng thay nhau lái xe, ăn ngủ trong xe suốt quãng đường dài gần 3.000km, đi qua 3 công viên quốc gia tuyệt đẹp.
Sau Mỹ, họ tiếp tục đến Mexico, Colombia, Bolivia, Peru, Chile và Brazil. Anh Dũng nhận xét, mỗi quốc gia có một vẻ đẹp riêng, để lại cho du khách những ấn tượng và cảm xúc khác biệt như: Mỹ, Bolivia, Peru có cảnh tượng núi non hùng vĩ; Mexico có nền văn hóa nổi bật, người dân thân thiện, nhiệt tình.
Bên cạnh những địa điểm du lịch phổ biến được gợi ý trên mạng, anh Dũng còn tìm kiếm các điểm đến đẹp qua Facebook, Instagram,... hay tham khảo thông tin từ những người bạn mới gặp trên chuyến đi
Kết thúc chuyến du lịch bụi tại châu Mỹ, đôi vợ chồng trẻ quay lại Nhật Bản đón Tết Dương lịch với gia đình rồi đổi visa, đi Philippines và về Việt Nam đón Tết Nguyên đán. Kết thúc kỳ nghỉ, cả hai tiếp tục hành trình đến Sri Lanka, Ấn Độ, Georgia và Thổ Nhĩ Kỳ.
Sau gần 9 tháng du lịch bụi, anh Dũng và chị Chiakia lần lượt trải nghiệm nhiều khó khăn và thử thách, từ việc bất đồng ngôn ngữ tại một số quốc gia châu Mỹ chỉ nói tiếng Tây Ban Nha hoặc Bồ Đào Nha cho đến việc đồ ăn không hợp khẩu vị khiến cả hai sụt cân,... Thậm chí, chị Chiakia còn gặp vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, phải nằm nghỉ 2-3 ngày ở mỗi quốc gia của châu Mỹ. Ở Peru, chị mắc kiết lỵ, phải chữa trị khoảng một tuần.
Anh Dũng và chị Chiaki chụp hình tại Ấn Độ.
Về đồ đạc, anh Dũng từng làm rơi drone (phương tiện bay không người lái) ở Bolivia, quên túi máy ảnh ở Brazil. May mắn cả hai lần, anh đều được người bản địa giúp đỡ lấy lại đồ nguyên vẹn.
"Lúc đấy mình nghĩ là may mắn của cả năm nay chắc mình dùng hết rồi. Và đúng thế thật. Lần gặp sự cố thứ 3, mình đánh rơi hai cái thẻ nhớ ở Mexico thì không tìm lại được nữa. Mất dữ liệu, mình rất buồn nhưng vợ an ủi rằng kỷ niệm vẫn còn mãi đó, có thể sẽ còn quay lại để chụp được những bức ảnh đẹp hơn", anh chia sẻ.
Cặp đôi dành thời gian thưởng thức món ăn địa phương tại các nhà hàng, quán bình dân ở từng quốc gia ghé thăm
Hiện anh Dũng và chị Chiaki có mặt ở châu Phi, tiếp tục hành trình du lịch bụi khắp thế giới. Cặp đôi dự kiến khám phá Madagascar, đi ngược Tanzania hoặc Kenya, nếu còn thời gian sẽ đến một số nước nhỏ khác ở châu Phi.
"Mình mê những chương trình thế giới động vật từ nhỏ nên ấp ủ ước mơ đượctới những đồng cỏ bạt ngàn của Châu Phi để ngắm nhìn thiên nhiên hoang dã ở đây. Thêm nữa, vợ chồng mình cũng muốn thử thách bản thân ở một châu khác hoàn toàn với những nơi đã từng đi trước đó", anh Dũng nói thêm.
7 điều thú vị về quốc gia nằm ở điểm gặp gỡ của châu Phi, châu Á và châu Âu Đây là một quốc gia nhỏ nhưng rất hiếu khách, có bề dày lịch sử và văn hóa cổ xưa cùng nhiều Di sản thế giới, mang tới cho du khách vô số cơ hội phiêu lưu. Jordan là một quốc gia nằm ở điểm gặp gỡ của châu Phi, châu Á và châu Âu. Quốc gia này thường gần các khu vực...