Tôi đang trong trận “đại chiến ngầm” cùng với em dâu
“Cây muốn lặng thì gió phải ngừng!”, còn nếu “cây muốn lặng” mà “gió không ngừng” thì “cây” cũng phải chứng tỏ để “gió” biết.
ảnh minh họa
Cuộc chiến này của tôi còn dài và tôi sẽ không bao giờ chịu thua trước cô em dâu chồng ngang ngạnh và tinh tướng!
Người ta nói: “Chị em dâu như bầu nước lã”. Sau những trải nghiệm làm dâu của tôi, tôi thấy câu nói ấy thật chả đúng tí nào, chính xác phải là “Chị em dâu không bằng bầu nước lã”. Người dưng nước lã còn chẳng bao giờ sinh sự, “nước sông không phạm nước giếng”. Còn chị em dâu chỉ luôn tìm cách hạ thấp, chơi xấu nhau. Tôi cũng đang trong một trận “đại chiến ngầm” với cô vợ của em chồng tôi.
Nhà chồng tôi có hai con trai, chồng tôi là con trưởng. Anh và em trai cách nhau 5 tuổi. Cả hai đều có học thức, công ăn việc làm ổn định, tính tình hiền hòa, hiếu thảo. Hàng xóm ai cũng khen bố mẹ chồng tôi tốt số có được hai người con tuyệt vời. Nhà ở ngoại thành, đất lại khá rộng nên sau khi vợ chồng tôi làm đám cưới, bố mẹ chồng tôi chia khu đất ra làm ba: ông bà xây một căn nhà nhỏ chừng 30m2 ở phần đầu, tiếp đến là của vợ chồng tôi và phần cuối cùng dành cho Quang-em chồng tôi- mỗi nhà tầm 60m2.
Vợ chồng chúng tôi lấy nhau được 5 năm, sinh được hai con gái. Mẹ chồng tôi ngoài mặt thì nói: “Con nào cũng là con, ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng” nhưng tôi biết, thực ra, hai ông bà đều mong mỏi cháu trai lắm. Dù vậy, ông bà vẫn rất thương hai con gái tôi. Mọi chuyện chỉ bắt đầu khi Quang – em chồng tôi cưới Ngọc về nhà. Chưa đầy 6 tháng sau khi cưới, em dâu sinh con đầu lòng.
Đứa bé là con trai, khi sinh nặng gần 4kg, mặt mũi sáng sủa và khỏe mạnh. Bố mẹ chồng tôi rất sung sướng. Vậy là dòng họ đã có người nối dõi tông đường. Ngày con bé mới về làm dâu, mẹ chồng tôi và tôi đều chẳng ưa gì loại “bác sĩ bảo cưới”, vác bụng to lùm lùm về nhà chồng.Thế mà khi đứa bé sinh ra, bà bỏ quên hai bé con gái tôi, chỉ quấn quít cháu đích tôn. Tất nhiên, Ngọc cũng được “phú quý nhờ con”, mẹ chồng tôi chăm sóc Ngọc tận tình gấp mười lần chăm dâu cả.
Video đang HOT
Mỗi lần thấy bà hì hụi nấu đồ ăn cho cô dâu thứ đang ở cữ là tôi chạnh lòng. Ngày xưa tôi sinh con tôi đâu có được một phần như vậy. Ngọc càng ỷ lại vào đứa con trai mà lên mặt với tôi. Ngày thằng bé còn nhỏ, cô ta lúc nào cũng cậy vào con trốn tránh làm việc nhà, để một mình tôi phải cáng đáng. Đôi khi đang bận tối mắt tối mũi mà cô ta vẫn còn gọi tôi ơi ới nhờ pha sữa hộ con. Tôi điên ruột lắm nhưng mẹ chồng lúc nào cũng ở cạnh: “Em còn yếu, lại con so, con giúp em tí đi!” làm tôi bụng tức anh ách mà vẫn phải làm. Đến khi thằng nhỏ đã cứng cáp, mỗi lần thấy tôi đi làm về, Ngọc đã bế con từ trong nhà ra, lột quần thằng bé rồi xi tè như cố ý khoe với tôi… Mấy lần tôi bàn với chồng đẻ cố một thằng cu để cho Ngọc bớt thói tinh vi nhưng anh toàn gạt phắt, nói tôi toàn tưởng tượng chứ Ngọc chẳng hề có ý gì…
Tuy bố mẹ tôi đã chia đất cho chúng tôi ở riêng nhưng cả gia đình vẫn ăn tối chung ở nhà bố mẹ tôi. Bữa tối tất nhiên do tôi và Ngọc chia nhau đảm nhận. Tuy Ngọc ở nhà nội trợ, không đi làm, còn tôi thì đầu tắt mặt tối nhưng việc cơm nước cô ta lúc nào cũng sòng phẳng. Có lần, tôi về muộn, cuống cuồng nấu nướng, còn cô ta thì vẫn đứng ngoài xóm buôn chuyện hồn nhiên. Lo muộn cơm, tôi nhắc nhở cô ta: “Chị nhặt rau rồi thì em phải biết ý mà đi vo gạo, cắm cơm chứ!”. Ngọc đáp lại tôi bằng một thái độ vùng vằng, cô ta lớn tiếng: “Hôm qua em cũng một mình nấu cơm đấy thôi. Chị quên rồi à, hôm nay chị nấu bù đi”.
Nói xong, cô ta quay lưng bế con ra ngõ mặc tôi trong bếp. Lúi húi cơm nước mà tôi vẫn nghe rõ tiếng cô ta lanh lảnh: “Lười và vô duyên đến thế là cùng cô ạ! Lúc nào cũng tưởng mình đi làm thì cháu ở nhà phải phục vụ chắc! Mà mang tiếng đi làm chứ có kiếm ra được mấy đồng! Thế mà lúc nào cũng tinh vi! Đã thế lại còn vụng! Cơm nước thì chẳng ra sao, suốt ngày rau luộc, thịt luộc nhạt hết cả mồm!”. Á à giờ nó lại còn ngang nhiên bêu xấu tôi với xóm làng cơ đấy! Tôi đang định xông ra làm cho ra nhẽ thì bị mẹ chồng tôi chặn ở cửa: “Đang nấu nướng chị đi đâu? Chị định làm dơ mặt cái nhà này đấy hả? Có mỗi chuyện cắm cơm mà chị cũng phải sai nó để ầm ĩ hết cả nhà!” Ơ hay, lỗi là của con dâu nhỏ vạch áo cho người xem lưng chứ con dâu lớn tôi có tội tình gì mà bị mắng!…
Những ngày có cỗ bàn mới thật là mệt mỏi. Trước đây thì chẳng sao, giờ thì lúc nào cũng có những tranh cãi xem nên nấu món gì, phân công ai làm gì. Đến lúc dọn dẹp, Ngọc sai chồng bê mâm bát vào trong nhà rồi bế con trai cưng của cô ta-cháu đích tôn của dòng họ đi chào hỏi, cùng mẹ chồng tôi tiếp khách. Một mình tôi quay cuồng trong đống bát đũa, lại nghe văng vẳng từ bên ngoài tiếng cười đùa, tiếng mọi người khen thằng bé kháu khỉnh, khen mẹ nó hồ hởi, vui tươi là tôi khó chịu.
Đến khi ngẩng được mặt lên thì khách khứa đã về hết, hai đứa con gái thì lem nha lem nhem ngoài sân chả ai thèm đoái hoài. Đã thế, mẹ chồng còn mắng tôi là không biết đường mở miệng chào hỏi ai, để mọi người phải thắc mắc chẳng thấy dâu cả nhà này đâu. Ngọc còn thêm dầu vào lửa: “Em nói không có ý gì đâu nhưng chị Hoa cũng phải biết để ý lời ăn tiếng nói đi chứ. Đừng để bố mẹ bị người ta nói là không biết dạy dâu con. Vả lại, còn làm gương cho bọn trẻ!”. Nghe cái giọng kiêu ngạo của cô ta mà tôi cứ tức tức là. À vâng, ai phải đầu tắt mặt tối để cho cô ta được làm con dâu khéo léo, lễ phép, nhanh nhẹn đấy không biết!
Ngọc còn trẻ, “gái một con trông mòn con mắt” nên ra sức ăn diện. Dù lương của chồng Ngọc và chồng tôi xêm xêm nhau nhưng cô ta chẳng biết tiết kiệm, lúc nào cũng vung tay quá trán. Có lần, cô ta đem bộ váy tiền triệu mới mua ra khoe mẹ chồng tôi. Bà khen tấm tắc. Thấy thế, tôi bèn chêm vào: “Đẹp thì cũng đẹp đấy nhưng mà giá cắt cổ đến hàng triệu, cô Ngọc chịu chơi chứ tôi chẳng dám vung tiền thế đâu!”. Nghe vậy, cô ta xây xẩm mặt mày, còn bị mẹ chồng tôi ca cẩm về thói ăn tiêu hoang phí.
Tôi cứ tưởng cuối cùng cũng được hỉ hả một phen trước cô em dâu quái tính. Ấy thế mà ngày hôm sau, được Ngọc mua tặng bộ áo lụa, mẹ chồng tôi lại vui vẻ hớn hở, quay sang bênh chằm chặp con dâu út: “Đời người chẳng là mấy, thỉnh thoảng cũng phải làm đẹp cho bản thân con ạ! Cái Hoa xem thế nào chứ mẹ thấy lâu rồi mày chưa sắm sửa gì, cẩn thận thằng Hùng nó chán mày đấy!”. Ngọc lại được thể: “Chị Hoa mới ngoài 30 mà úi xùi quá! Rồi cả hai bé My, Phương nữa! Quần áo hai đứa cũ mèm rồi, đầu tóc thì chẳng mấy khi gọn gàng cả! Thằng Cún nhà em là con trai mà em để ý ăn mặc cho nó còn hơn cả chị ấy!”. Tôi tím hết cả mặt vì lời nói của Ngọc, mẹ chồng tôi cũng gật gù tán thưởng.
Mấy chuyện vặt vãnh thì chẳng nói làm gì, hôm qua, tôi mới biết mình thua hẳn so với Ngọc trong khoản nịnh hót bố mẹ chồng. Số là, mẹ chồng tôi chia đất cho hai anh em nhưng khi ông bà còn sống thì không ai được bán. Ngày trước ông bà còn làm sẵn di chúc trước mặt cả vợ chồng tôi và vợ chồng chú út, sau này ông bà khuất núi thì đất của ai người ấy được, còn căn nhà của ông bà thì bán ra chia đôi. Chuyện thờ cúng thì sẽ do vợ chồng tôi lo.
Vậy mà tối qua, ông bà gọi tất cả sang họp gia đình khẩn. Bà tuyên bố: “Mẹ nghĩ lại rồi. Vợ chồng thằng Hùng chỉ có hai con gái, sau này My, Phương đi lấy chồng, hai đứa ở cái nhà đó là được rồi. Còn Quang-Ngọc, hai đứa nó còn phải lo cho Cún. Bố mẹ quyết định để cái nhà này lại cho Cún để sau này Quang – Ngọc đỡ phải lo lắng chuyện đất cát nhà cửa cho nó. Vả lại còn có chỗ cho Cún thờ cúng ông bà. Lâu nay mẹ nghĩ cạn quá, cứ nghĩ cào bằng là ổn. Nhưng mà Ngọc nó nói mẹ mới hiểu ra, nếu chia như thế thì thiệt cho vợ chồng nó quá!”.
Trời ơi, hóa ra cô ta đã hót với mẹ chồng tôi chuyện chia nhà chia đất lúc nào không biết. Cháu Cún thì là cháu bà, còn hai con gái tôi thì cháu hàng xóm hay sao mà bà cư xử bất công thế! Về tới nhà, tôi khóc um vì tức. Tội của tôi là không đẻ được con trai đây mà! Con hồ ly kia chỉ vin vào đấy mà lên mặt được thôi chứ đâu. Không ngờ cô ta mới chỉ về nhà này hai năm, bố mẹ chồng tôi còn khỏe mạnh vậy mà đã tính chu toàn cả chuyện đất cát như vậy. Rồi có ngày nó xẻo luôn cả mảnh đất của vợ chồng tôi thì vừa!…
Ngọc ngày càng cao tay trong việc lấy lòng nhà chồng, còn tôi thì đang dần thất thủ. Sự lên mặt của cô ta và sự bênh vực một cách thái quá của mẹ chồng tôi làm tôi càng ngày càng thấy khó ở, mệt mỏi vì trận chiến “chị em dâu”. Cũng là phận làm dâu đấy, nhưng sao sướng khổ khác nhau đến thế. Tôi thì tất bật tối ngày, lo chu toàn việc nhà từ A đến Z, vậy mà bố mẹ chồng vẫn chẳng vừa lòng. Còn cô em dâu chồng thì ngược lại. Chẳng phải động tay động chân bất kỳ việc gì, lại đẻ được con trai ông bà nội cưng như nâng trứng.
Chẳng lẽ suốt đời tôi lại phải chịu lép vế trước Ngọc như vậy? Không thể nào! “Cây muốn lặng thì gió phải ngừng!”, còn nếu “cây muốn lặng” mà “gió không ngừng” thì “cây” cũng phải chứng tỏ để “gió” biết. Cuộc chiến này của tôi còn dài và tôi sẽ không bao giờ chịu thua trước cô em dâu chồng ngang ngạnh và tinh tướng kia đâu!
Theo Afamily
Em đã không còn nhận ra anh nữa
Chưa đầy năm năm bên nhau mà đã bao lần em phải kinh ngạc nhìn anh và tự hỏi: "Anh đây sao?".
Anh thay đổi nhiều quá, anh giờ đây chỉ còn biết nghĩ đến bản thân mình, chẳng chịu chia sẻ chút gì với người bạn đời suốt ngày đầu tắt mặt tối, và mắt mờ chân chậm đến nơi, cũng vì núi việc không tên mà anh vẫn hay gọi chung là việc vặt.
Em đẻ hai con rồi mà lúc nào anh cũng thắc mắc sao bụng không phẳng, đẹp như ngày xưa, và rồi anh chẳng giấu giếm những lần cầm điện thoại chụp ảnh những em xinh tươi đang dạo trên đường phố, những cô mà em tin chỉ mơn mởn bằng một phần của em ngày xưa. Em thức đêm thức hôm chăm sóc con, anh thì hôm nào cũng được ngủ thẳng giấc, rồi làu bàu trách em sao cứ để nó quấy. Đồng thời vẫn muốn em đẻ thêm đứa nữa bởi lúc nào anh cũng thích có con trai, trong khi đó đang đêm con khóc thì sẵn sàng lấy chân đá em một cái "sang dỗ con đi để anh ngủ". Lâu rồi quà không có, hoa càng không, thậm chí một lời nói dịu dàng cũng không cánh mà bay mất từ lúc nào không ai rõ tung tích.
Có bao giờ anh thầm hỏi sao mình có năng khiếu, tài đến nỗi biến một cô gái xinh xắn gọn gàng trở nên như vậy hay không? Còn em, chẳng thể làm gì khác bởi một ngày của em cũng chỉ có hai mươi tư giờ và lúc này đây em không thể tự biến hóa cho mình có thêm hai cái tay nữa để mà hoạt động liên tục.
Em vẫn nhớ rõ ngày xưa ấy em tự thấy mình có giá lắm, vì được nâng niu, coi trọng và được chăm sóc. Còn giờ đây em nhận ra mình chẳng còn một tí "tài sản" nào, ngoài hai đứa con mà em quanh quanh với chúng cũng hết cả một ngày, đến mức em chán chả buồn nói và "nhờ" anh giúp em quan tâm đến chúng nữa. Lúc nào anh cũng chúi mũi vào đồ công nghệ cao, đó mới chính là những đứa con gần gũi thân cận với anh nhất. Anh nói mình là trụ cột đi làm kiếm tiền, anh dành hết thời gian vào mục đích lớn nhất đó và lợi nhuận thu được anh lại phục vụ cho thú vui riêng của mình, trong khi em thì chẳng thấy vui gì cả, anh nói em chẳng biết gì.
Thì đúng rồi, mở mắt ra một cái là nghe tiếng con khóc, thôi thì đủ, đói có, đái có, khóc vì chẳng có lý do gì cũng có, loanh quanh phục vụ cả gia đình rồi đi làm. Về nhà lại long tóc gáy lên cho con ăn, tắm rửa và nấu ăn cho cả nhà, ngẩng mặt lên thì trời tối mò, ngồi nghỉ thôi, thời gian ấy quý giá cần phải hít thở thật sâu để còn tái sản xuất sức lao động, sẵn sàng cho một ngày mai hoạt động đều đặn như thế. Thử hỏi thời gian đâu để mà chăm sóc, thời gian đâu để mà spa thư giãn, làm gì có lúc nào mà tìm hiểu cái "thú vui" của anh. Chờ được đến lúc con lớn thì giá trị cũng đã hao mòn, còn điểm phấn tô son làm gì cho thêm buồn với dấu vết thời gian, thêm nữa em bực tức nghĩ anh không xứng đáng có được một người vợ vừa đảm đang vừa xinh đẹp.
Em ước mong anh sẽ bớt chút thời gian quý như kim cương của mình để chơi cùng con, bởi đứa con là tài sản chung lớn nhất, là điều cần vun đắp cùng với tình cảm vợ chồng. Em đã thể hiện niềm khao khát ấy từ lâu, thậm chí ghi cả điều ước gửi ông già Noel. Rồi dùng đủ hình thức, mặn, nhạt, ngọt, gắt để du đẩy cái quan niệm "việc vặt là của đàn bà" của anh vậy mà lòng anh "vẫn vững như kiềng ba chân". Em muốn xõa tung hết cả, biến mình thành một con người khác, sống vì mình, tự chau chuốt cho bản thân, cho mình chứ chẳng cần phải cho ai khác. Song thực sự em không có đủ thời gian và tâm trí nữa. Cuộc sống như vậy thử hỏi còn nghĩa lý gì?
Theo VNE
Ly dị vì chuyện ăn Tết nhà nội hay ngoại Gần mười năm cưới nhau, cứ mỗi lần Tết đến là Hùng luôn sống trong sợ hãi. Bên cạnh nỗi lo cơm áo gạo tiền cùng hàng trăm thứ nỗi lo ngày Tết thì quyết định "ăn Tết bên nào" (nhà nội hay nhà ngoại). Điều đó luôn là một thách thức căng thẳng, nó tốn không biết bao nhiêu mồ hôi (cãi...