Tôi đang làm cái việc ‘trái khoáy’
Đó là đi nhà nghỉ với chồng cũ đều đặn 2 tuần/lần. Chỉ có điều chúng tôi không đi một mình mà “đính kèm” cu con 7 tuổi.
Thật ra, chuyện cũng mới xảy ra vài tháng nay, đó là khi tôi và anh cùng tỉnh táo nhận ra rằng: tuy mình chia tay nhau, nhưng con cái không hề có lỗi.
Chúng tôi từng là một gia đình. Ảnh minh họa
Anh đưa đơn ly hôn vì lý do “không hợp nhau” bởi tôi là người hướng ngoại, tôi tìm kiếm công việc mới, phù hợp với khả năng và thu nhập vì thế cao hơn. Tôi tự cho mình quyền hưởng thụ những cuối tuần spa hoặc đi bar đến nửa đêm. Tôi cho đó là “tái tạo năng lượng cho cơ thể”. Tất nhiên cơm nước vẫn lo tròn, có điều không phải là cơm nóng canh sốt do tự tay nấu nướng, mà đã có siêu thị lo, chỉ hâm lại là xong.
Anh vẫn là ông giáo thể dục cấp 1, đồng lương không biết bao giờ sẽ tăng cho đủ chi dùng bản thân anh. Thì đừng nói gì lo được cho vợ con ăn sung mặc sướng. Tôi bàn anh nghỉ việc, ra ngoài làm với tôi, chỉ cần khéo ăn nói là được. Anh không chấp nhận, nói nghề nhân viên bảo hiểm của tôi là nghề “mặt dày”, mất hết tư cách. Anh thà làm ông giáo làng, cơm rau cá vụn mà nhân cách cao trọng.
Tôi “điên” lên, cho rằng anh xúc phạm nghề nghiệp cũng là xúc phạm tôi. Anh bảo, thật ra nghề của em không phải làm bảo hiểm, em vốn là một cô giáo. Tôi chỉ những vật dụng đắt tiền trong gia đình, chiếc xế xịn anh đi, ngôi nhà hai tầng vừa xây… Đó là lương giáo viên à? Hay từ “nghề mặt dày” của tôi mà ra?
Anh im lặng. Tháng tháng vẫn đưa tôi gần ba triệu đồng, nhưng số tiền đó có bõ bèn gì, chẳng bằng một chầu spa của nhóm chị em chúng tôi.
Thế là anh đưa đơn ly hôn khi con trai chúng tôi 5 tuổi. Tôi chấp nhận và được quyền nuôi con vì con dưới 5 tuổi và vì tôi có thu nhập cao hơn.
Trong 2 năm qua, tôi càng thành công trong công việc bao nhiêu, thì trong cõi lòng lại tan tác bấy nhiêu. Anh công khai cặp bồ với cô này cô nọ, khoe những bữa cơm gia đình tuy hai người nhưng đầm ấm và luôn kèm câu “tút”: “Vợ vậy mới là vợ chứ!”. Là do bạn bè tôi chụp màn hình gửi tôi xem, chứ tôi có kết bạn với anh đâu mà biết.
Thật ra họ chưa là vợ anh, bữa cơm đó cũng có thể trong quán ăn đồng quê nào đó, hay đơn giản là anh tự làm rồi “chọc tức” tôi thôi. Tôi mặc kệ, lòng luôn cho rằng mình không sai gì cả. Phải chi tôi trai gái hay bài bạc làm tan nát gia đình thì chớ. Đằng này tôi chỉ có chút năng động thôi mà chồng lại bỏ. Tôi tự nhủ sẽ sống tốt hơn nữa để xem cả đời còn lại của anh có tìm được ai hơn tôi không?
Video đang HOT
Chúng tôi từng vui vẻ bên nhau. Ảnh minh họa
Hai năm qua, quyết định cấp dưỡng của tòa, anh không hề thực hiện. Tôi cũng chả buồn đòi. Nhưng chỉ có con là có vấn đề về tâm lý.
Khi ăn cơm, con lấy thêm chén và gọi “Ba ơi về ăn cơm”. Lúc đi ngủ, nhất quyết nhích về một bên, chừa bên ngoài “Cho ba đi công tác về nằm”. Tôi thương con ứa nước mắt, nhưng biết làm sao được, khi tôi là kẻ bị bỏ rơi dù không có tội.
Rồi mức độ vấn đề tâm lý của con tôi nặng hơn, là khi gặp bất chú bác nào, dù là khách tới nhà hay người bạn sơ giao tôi gặp trong siêu thị đứng lại trò chuyện. Con đều ôm vai bá cổ, bẹo má, cù lét họ như là quen lắm. Đêm con ngủ giật mình khóc thút thít, nói sao ba đi công tác không chịu về? Hay là máy bay hết xăng nên rơi xuống biển? Ủa mà ba biết bơi thì dù rơi xuống biển cũng có sao đâu hén mẹ?
Rồi con nói chuyện một mình, trong tay là hai con gấu bông hoặc hai quyển tập hay đơn giản là hai que kem con cũng chơi trò “cha con” mà nói chuyện với nhau. “Ba ơi, hôm nay con vô trường viết bài được mười điểm”, chú gấu bên tay trái gật gù và giọng con nói. Chú gấu bên tay phải “bắt bẻ”: “Nay có chấm điểm nữa đâu mà con biết mình được mười, đó là con giả giọng ồm ồm của người lớn.
Tim tôi ứa máu, tôi cố bù đắp cho con bằng cách giảm làm việc và hay đưa con đi chơi, tối không làm việc khuya mà học bài cùng con rồi kể chuyện cho con ngủ xong mới trở dậy làm việc. Khi con ốm bệnh, tôi phát điên vì lo lắng và không đủ thời gian, lòng càng oán chồng cũ dữ dội…
Hai năm trôi qua…
Mẹ con tôi sắp an yên để chấp nhận mái nhà không có đàn ông thì anh tìm về, nói rằng thời gian qua do thay đổi chỗ làm nên không thăm con được, tôi bắt bẻ “Ngay cả điện thoại cũng không gọi được sao?”. “Sợ em giận… rồi không cho con nghe máy”. Hai đứa chỉ biết nhìn nhau, lòng tôi vẫn uất hận dâng trào.
Cu con từ trong phòng lao ra khi nghe tiếng người lạ. Rồi nó ôm chầm lấy anh, mặt nó áp sát mặt ba và tiếng hức… hức…c ứ vang lên. Không phải khóc òa, không phải thút thít, mà như là kìm nén, như là muốn nói nhiều lắm nhưng không nói được.
Ba nó cũng lau nước mắt. Trước mặt tôi mọi thứ nhòe đi.
Không biết bao lâu, giọng anh khẽ khàng “Hay là… nhà mình đi uống cà phê nhé?”. “Ồ dze! Cà phê hồ bơi Vườn Hồng nha ba! Từ ngày ba đi công tác, con thèm đi hồ bơi mà không có ai đưa đi”. “Có mẹ mà”. “Mẹ nhát lắm, không dám xuống hồ! Bữa nay ba về, mình tắm tới chiều luôn nha ba!”
Cà phê, bơi, ăn trưa… chẳng lẽ lại chia tay? Cu con kêu buồn ngủ và đòi ngủ chung với ba mẹ, “Để con nằm giữa, lăn qua bên này ôm mẹ, lăn qua bên kia ôm ba như hồi đó đó”. Anh nhìn tôi dò hỏi, cu con thì lắc tay mẹ “Đi lẹ đi mẹ, con mệt rồi, con buồn ngủ”. Tôi bảo khẽ với anh “Thì cứ làm như con nói đi”.
Chiếc xe lại đưa ba người đi trên cung đường đầy nắng. Miệng con tôi không ngừng hát vang.
Bà chủ nhà trọ hình như có chút ngạc nhiên khi cặp đôi này lại có cả trẻ em.
Con ngủ rồi, anh khẽ khàng bảo tôi, rằng anh biết anh đã sai, chẳng mong gì làm lại. Chỉ xin tôi cho hai tuần gặp con một lần, được ăn uống và nghỉ ngơi bên nhau thế này. Tôi im lặng. Quả thật bây giờ tôi không cần gì cả, công việc ổn định, nhà cửa tài sản cũng đủ hai mẹ sống, chỉ thiếu một người chồng.
Tôi kể anh nghe những chứng bệnh “thiếu tình cha” của con, cũng phải uống thuốc điều trị tâm lý một thời gian đấy. Anh gục xuống cơ thể bé nhỏ đang say ngủ kia. Giọt nước mắt hiếm hoi của người đàn ông ngoài bốn mươi trào ra kèm câu nói “Ba sai nhiều lắm con ơi”. Tôi nghe tim mình nứt toác.
Tôi chấp nhận việc làm trái khoáy là đi nhà nghỉ cùng chồng cũ, chẳng để làm gì cả, chỉ là để con tôi có được giây phút sống trong mái ấm đủ mẹ đủ cha.
Theo Báo Phụ Nữ
Ly hôn vẫn không thoát khỏi kìm kẹp của người chồng ích kỷ
Nhiều cuộc hôn nhân sau khi chia tay họ lại trở thành bạn bè bởi cầu nối là những đứa con. Lại có khi họ quay lưng lại, trở nên thù hận nhau cũng vì mối giằng buộc đó.
ảnh minh họa
Tôi có dịp gặp Thuyên qua một người bạn trong một lần đi thực tế, vẻ bề ngoài của cô rất dễ cuốn hút người khác bởi sự nhanh nhẹn và cách ăn nói nhỏ nhẹ. Nhưng sâu thẳm trong cô lại có những nỗi đau không nói được bằng lời.
Từ ngày lấy chồng, không mấy khi cô được hạnh phúc bởi Hùng - chồng cô là một người đàn ông mê cờ bạc, lại có tính trăng hoa. Nhà có hai vợ chồng với một đứa con nhưng lúc nào cũng lục đục, cãi vã nhau.
Sau nhiều lần khuyên bảo nhưng Hùng vẫn chứng nào tật ấy, bất đắc dĩ, Thuyên đành nghĩ tới chuyện ly hôn, dù cô biết, người thiệt thòi sẽ là bản thân mình và nhất là đứa con gái còn nhỏ tuổi. Đơn ly hôn gửi đi được một thời gian thì cô được cử đi học nâng cao nghiệp vụ, ngày chuẩn bị lên đường cũng là lúc trát của tòa gọi hai người đến xử ly hôn.
Lúc này, Hùng bàn với cô, anh ta sẽ ở nhà chăm sóc con trong thời gian cô đi vắng, khi nào cô học xong thì đón con về nuôi, đổi lại Thuyên vay gia đình tiền để giúp Hùng trang trải nợ nần. Thêm một lần nữa cô tin tưởng vào chồng cũ của mình, mà không đòi hỏi giấy tờ nào về pháp lý.
Nhưng Thuyên không ngờ bản chất của con người nhỏ nhen, ích kỷ của Hùng lại trỗi dậy, vì sự sĩ diện hiếu thắng, anh ta nghĩ đàn ông thật mất mặt khi bị vợ bỏ, nên đã nuôi ý định sẽ làm Thuyên phải hối hận về quyết định đó. Sau khi có tiền của gia đình Thuyên giúp giải quyết xong chuyện nợ nần, thời gian đầu Hùng vẫn để Thuyên thăm đón con như đã thỏa thuận nhưng càng về sau Hùng viện đủ lý do để không cho hai mẹ con gặp nhau. Ích kỷ hơn Hùng còn thường xuyên nói xấu Thuyên với con gái và cấm không cho con bé được giao lưu với họ hàng bên vợ.
Trong khi đó, dù đã không còn là vợ chồng nhưng mỗi khi gia đình chồng có việc hay dịp lễ tết, cô đều qua lại thăm hỏi gia đình Hùng, nhưng Hùng vẫn kiếm cớ để không cho con gặp mẹ.
Mọi người trong gia đình và ngay cả đồng nghiệp đã lần khuyên Hùng nên nghĩ đến con trẻ mà bỏ đi tính ích kỷ tầm thường đó, nhưng Hùng bỏ ngoài tai và vẫn tìm mọi cách chia lìa tình cảm hai mẹ con cô.
Mỗi lần nhớ con, Thuyên chỉ còn cách đến trường để gặp con trong giấy lát ngắn ngủi rồi lại lủi thủi ra về, vì sợ nếu Hùng nhìn thấy sẽ la mắng con gái.
Đến nay, Thuyên đã ly hôn được gần 2 năm rồi, nhưng vì do suy nghĩ nhiều nên cô bị mắc chứng đau nửa đầu. Còn con bé, vắng tình yêu thương của mẹ, lại sống trong sự kìm kẹp của bố, bỗng trở nên lầm lì, ít nói.
Thiết nghĩ trong cuộc sống có rất nhiều hoàn cảnh khác nhau, nhưng đừng vì sự hẹp hòi, ích kỷ của bản thân mà chia rẽ tình cảm thiêng liêng mẫu tử để làm ảnh hưởng đến suy nghĩ non nớt của con trẻ.
Theo Phunusuckhoe
Lấy chồng chớp nhoáng, 3 năm gánh đau khổ Cô quyết tâm lên kế hoạch cho "cuộc ra đi rất gần" của mình bằng cách đi làm kiếm tiền. Khi đã tự tin về kinh tế để nuôi con, cô quyết tâm ly hôn dù phải trải qua muôn vàn khó khăn khi bị người chồng gây khó ở tòa án. ảnh minh họa Là con gái Hà Nội, thông minh, giỏi...