Tôi đã từng là một tiểu thư nhà giàu
Đang từ cô nàng tiểu thư, gia đình giàu có, bỗng chốc tôi trở thành đứa con gái nhà nghèo vì mẹ vào tù, bố bị mất việc.
Tôi may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu có, bố tôi làm phó giám đốc ngân hàng, còn mẹ tôi là trưởng chi nhánh một ngân hàng khác.
Từ khi sinh ra, tôi đã được bố mẹ hết mực cưng chiều vì là con một trong gia đình. Chẳng phải lo toan bất cứ điều gì, ăn gì, chơi gì, thích gì là bố mẹ tôi sẵn sàng đáp ứng tất cả.
Chính vì được nuông chiều như thế nên tôi khá tiểu thư và điệu đà. Thậm chí là khinh những người anh em họ hàng, những người hàng xóm kế bên gia đình tôi vì họ nghèo, họ khổ. Lúc đó tôi thấy họ thật thấp kém, tầm thường và bẩn thỉu.
Cũng chính vì vậy mà tôi thường chỉ chơi trong nhà, không thì chạy qua chạy lại nhà hàng xóm kế bên vì gia đình bác ấy chơi rất thân với gia đình tôi. Bác ấy lại làm cùng ngân hàng với bố tôi nên hai gia đình hay qua lại với nhau, có gì ăn ngon, có ngày gì đặc biệt lại cùng nhau tụ tập ăn uống. Còn thân hơn cả anh em họ hàng ruột thịt ấy.
Tôi vẫn còn nhớ khi đó, tôi học tiểu học ở trường cách nhà khoảng 2 km. Sáng thì bố mẹ chở tôi đi bằng ô tô của nhà. Tới trưa thì cô giáo chủ nhiệm đưa tôi về bởi nhà cô ở ngay trong ngõ gần nhà tôi. Với lại bố mẹ tôi cũng chịu khó lui tới nhà cô tặng quà, biếu xén tiền nong nên cô cũng chăm sóc cho tôi kỹ càng và đặc biệt nhất lớp.
Ở nhà có bố mẹ che chắn, nâng đỡ là thế, lúc tới trường lại có cô giáo chủ nhiệm nên cứ bạn nào trêu tôi là tôi mách cô để cô phạt. Tôi hả hê lắm. Nhưng cũng chính vì thế mà bạn bè ít khi chơi với tôi và xa lánh, ghét bỏ tôi.
Cho tới năm tôi học lớp 8 thì một chuyện động trời ập đến với gia đình tôi. Nó xảy ra rất nhanh, y như một cơn bão cấp mạnh đến bất ngờ mà không có dự báo trước.
Mẹ tôi đi tù, toàn bộ tài sản của gia đình bị niêm phong và bố tôi cũng… mất việc làm.
Biến cố gia đình đã thay đổi hoàn toàn cuộc sống của tôi (Ảnh minh họa)
Tôi vẫn nhớ như in hôm ấy, vừa đi học về tôi đã thấy trước cửa nhà vây kín người, khi tôi bước vào thì thấy rất nhiều công an đang dán niêm phong đồ đạc. Mẹ tôi không có ở nhà, người ta nói mẹ tôi đã bỏ trốn còn bố tôi thì thỉnh thoảng lại hét lên và chửi bới, đập phá đồ đạc, nhiều người phải lao vào can ngăn lại.
Với một đứa con gái được nuông chiều như tôi thì tất cả thật khó hiểu, tôi chẳng hiểu có chuyện gì xảy ra với bố mẹ tôi, với gia đình tôi hết. Tôi chỉ biết khóc và nấc lên từng tiếng mà thôi.
2 tháng sau mẹ tôi bị bắt và đưa ra phiên tòa xét xử, mẹ lĩnh án 7 năm tù vì chiếm đoạt tài sản nhà nước. Bố tôi do bị liên đới chuyện của mẹ nên cũng bị buộc thôi việc.
Vậy là từ cái ngày định mệnh đó đã làm thay đổi 180 độ gia đình tôi và tôi cũng không được một ngày nào sống sung sướng nữa, đã phải lo toan cho cuộc sống một cách thực sự.
Tôi và bố thuê một căn nhà cấp 4 nhỏ ở tít trong hẻm. Căn nhà lụp xụp và dột nát ấy chỉ dính mưa một chút là nước ngập đầy nhà, ngay cả phía mái trên chỗ đặt giường nằm cũng dột, đêm nằm phải đặt cái chậu vào đó để hứng nước cho khỏi ướt chăn gối.
Cuộc sống vốn đã khổ cực như thế rồi mà tiền cũng chẳng có để tiêu. Bố con tôi được họ hàng người thân góp mỗi người một ít đủ sống tạm bợ qua ngày trong khi bố tôi đang chờ xin việc làm.
Hai bố con bữa cơm, bữa cháo, ăn từng miếng cũng phải nhìn nhau. Có bữa hết gạo, tiền không có để mua, nhà có giàn đỗ ván quả đã già gần hết. Bố tôi ngắt mang vào luộc lên hai bố con ăn tạm nhưng đang ăn thì bố tôi khóc, bố tôi nói rằng: “Lúc sướng biết bạn là ai, lúc khổ biết ai là bạn”.
Video đang HOT
Tôi cũng khóc, dường như tôi cũng dần hiểu ra về những lời nói của bố.
Tôi không còn là một tiểu thư khuê các, điệu đà, sang trọng và khinh người mà thậm chí là các bạn còn khinh lại tôi vì tôi giờ nghèo khó, tủi nhục. Có vậy tôi mới biết, mới hiểu rằng trước đây mình đã sống như thế nào và giờ đây tôi cần phải thay đổi.
Tới cuối lớp 9, tôi chuẩn bị thi tốt nghiệp và cũng chuẩn bị thi vào cấp 3. Tôi không có tiền để đi học thêm nhà thầy cô như các bạn, ngay cả học thêm ở trường tôi cũng bỏ vì không có tiền đóng học. Bố tôi phải chở tôi đến nhà bác họ vì bác ấy có người con hơn tôi 2 tuổi học rất giỏi để nhờ chị ấy kèm cho tôi.
Ngày nào cũng vậy, cứ hơn 1h chiều là bố lại chở tôi trên chiếc xe đạp mipha cũ kỹ mà trước đây nhà tôi vứt trong kho đã lâu. Cứ đi qua chỗ nào gặp bạn bè tôi lại cúi gằm mặt xuống vì ngượng nghịu. Nhưng nhìn thấy bố tôi vẫn còng lưng đạp xe chở tôi trong cái thời tiết nắng nóng của mùa hè, tôi lại tự thấy xấu hổ với bản thân và thương bố vô cùng.
Tôi tự nhủ sẽ cố gắng để không làm phụ lòng bố, để đền đáp lại những gì bố đã khổ cực để dành cho tôi. Tôi chăm chỉ học và đã thi đỗ tốt nghiệp loại giỏi, đã thế tôi còn thi đỗ vào trường chuyên cấp 3 của tỉnh.
Hôm có kết quả thi, bố tôi vui lắm. Bố nói sẽ thưởng cho tôi. Phần thưởng đó là 1 bữa kem và một vòng dạo chơi công viên. Nhưng phần thưởng lớn nhất mà bố dành cho tôi có lẽ là mẹ.
Bố dẫn tôi đi thăm mẹ để báo kết quả cho mẹ biết. Tôi đã ôm mẹ, đã khóc, khóc rất nhiều. Đã hơn 1 năm kể từ ngày mẹ tôi bị bắt, tôi không được gặp mẹ tôi. Lúc đầu là bố tôi không cho tôi vào thăm mẹ, nhưng thời gian sau là do mẹ tôi bị chuyển sang trại giam khác xa hơn nên chỉ thỉnh thoảng bố đi thăm thôi.
Những ngày tháng ấy là cách đây 4 năm. Bây giờ tôi đã là sinh viên năm của một trường đại học ở tỉnh. Gia đình tôi cũng dần dần khá hơn lên, tuy không phải là khá giả so với những gia đình khác, nhưng là khá hơn so với lúc nghèo đói, khó khăn trước kia. Mùng 2/9 này mẹ tôi cũng sẽ được mãn hạn trở về sớm vì cải tạo tốt và gia đình tôi lại được đoàn tụ bên nhau.
Đây là câu chuyện thật về gia đình tôi, về cuộc sống của tôi. Dù các bạn có nói về quá khứ của tôi và gia đình tôi như thế nào đi chăng nữa thì giờ đây tôi vẫn thấy rất vui vì gia đình tôi sắp được đoàn viên, tôi vẫn tự hào về người cha thân yêu của mình. Và tôi cũng phải cảm ơn cuộc sống này đã tạo nên nhiều điều để dạy cho tôi trưởng thành hơn, biết trân trọng hơn những gì mình đang có, biết học cách hài lòng với cuộc sống hiện tại của mình.
Và tôi… cũng sẽ cố gắng để có thể làm được những điều tốt nhất cho bố mẹ tôi, cố gắng để sau này có thể bù đắp lại tất cả cho bố mẹ tôi. Có đôi lúc tôi cũng nghĩ đến cuộc sống tiểu thư, vương giả ngày xưa. Nhưng một thoáng chốc thôi, tất cả lại trôi đi rất nhanh. Trước mắt tôi còn rất nhiều thứ phải làm, và cuộc đời sẽ không toàn một màu hồng như thế để cho phép tôi sống kiêu ngạo, coi thường bất cứ ai…
Theo Bưu Điện Việt Nam
Mỹ Uyên diễn rất ngọt vai người phụ nữ chịu cảnh chồng chung
Vai diễn của "bà bầu" sân khấu kịch 5B trong vở "Đôi bờ" là một cô gái ăn chơi phóng khoáng, vượt biên để kiếm tiền thay đổi cuộc sống nghèo khó thời bao cấp, nhưng lại lâm vào hoàn cảnh yêu chung một người đàn ông với em gái.
Đôi bờ là câu chuyện của tác giả Lê Duy Hạnh kể về số phận và tình cảm trắc trở của những phận người trong thời kỳ bao cấp những năm 80 của thế kỷ trước - thời của những năm khốn khó, thời mà cái ăn, cái mặc được tính từng ly từng tí.
Mỹ Uyên đảm nhận nhân vật người chị, tính cách phóng khoáng và đầy tham vọng. Trong khi đó, Tuyết Thu giữ vai cô em gái có cá tính hiền hậu, luôn nghiêm túc với chính mình.
Sự ra đi (vượt biên) và sự trở về của cô chị với hàng khối tiền bỏ ra để quyết đạt được tham vọng thay đổi tất cả và thâm hiểm hơn là đòi lại những gì vốn từng là của cô như đứa con, người tình và cả ngôi nhà... đã khiến cuộc sống đang bình yên của những người khác trở nên xáo trộn. Cô con gái 15 tuổi (Huỳnh Mai) lớn lên trong tình yêu thương của gia đình, lại phải đối đầu với một sự thật: Ai mới thật sự là mẹ?
Với hai tính cách hoàn toàn khác nhau, Tuyết Thu và NSƯT Mỹ Uyên đã dẫn người xem đến nhiều tình huống gay cấn và hấp dẫn.
Người xem dễ dàng nhận thấy bản lĩnh của một Mỹ Uyên khi thể hiện sự ngang tàng phá phách trong nhiều tình huống, nhưng ẩn sâu bên trong là một nỗi niềm cay đắng khi phải đối diện với sự thật. Một Tuyết Thu dịu dàng, nhẫn nhịn, dù phải trải qua bao khắc khoải trước sự thay đổi của người chồng và đứa con gái, khiến người xem như đồng cảm sẻ chia những mất mát mà cô đang phải hứng chịu.
Dí dỏm và duyên nhất phải kể đến cặp đôi ông Năm bầu và bà Tư (NSƯT Việt Anh và Cát Tường). Cả hai thể hiện tung hứng mối tình già dí dỏm và dễ thương, mỗi lần họ xuất hiện là nhận được nhiều tràng pháo tay từ khán giả.
Mỹ Uyên - nhân vật chính của vở diễn đang rất hút khách - chia sẻ một số câu chuyện hậu trường thú vị ngay sau giờ biểu diễn.
Một Mỹ Uyên phóng khoáng...
...và một Tuyết Thu nền nã dịu dàng trong vở kịch Đôi bờ.
- Để có hình ảnh hai chị em đối lập và khác hẳn hoàn toàn tính cách, tạo nhiều kịch tính cho nhân vật, chị và Tuyết Thu đã phải bàn tính với nhau những gì?
- Chúng tôi như hai chị em trong nhà, hiểu nhau từng chút một, nên việc tung hứng cùng nhau trên một sàn diễn rất ăn ý. Mỗi người một sở trường, có thể xem là người chính diện và phản diện, ai cũng có đất để thi thố cho nhân vật của mình và cứ thế mà diễn, không có gì ồn ào cho lắm.
- Xem hai chị em trên sân khấu, tính cách của người chị có nhiều xung đột hơn, gai góc hơn so với người em (Tuyết Thu), thậm chí là khó diễn hơn. Nhưng trong phần trao tặng huy chương ở một Hội diễn sân khấu kịch toàn quốc vừa qua, Tuyết Thu lại là người đoạt huy chương vàng, còn chị chỉ ẵm huy chương bạc. Chị nghĩ sao về điều này?
- Câu hỏi này hơi tế nhị. Theo tôi, không thể phân bì vai nào khó hơn hoặc hay hơn. Tôi và Tuyết Thu đã cố gắng làm tốt nhất cho vai diễn của mình. Dù ai đoạt giải vàng người còn lại cũng đều vui vẻ. Nếu ngồi ở ghế ban giám khảo thì mới hiểu được tâm trạng của người chấm giải. Có thể người thích vai hiền, cũng có người thích vai ác. Thôi thì chuyện giải thưởng này cứ xem như có bàn tay của thần may mắn đi, thần cười với ai thì người đó được hưởng vậy.
Sự xuất hiện của NSƯT Việt Anh và Cát Tường đã làm hài lòng khán giả bởi sự duyên dáng của mối tình già.
- Hai chị em cùng yêu một người tình, dẫn đến nhiều bị kịch, không biết ở ngoài đời gặp trường hợp này, NSƯT Mỹ Uyên sẽ ứng xử ra sao?
- Trong kịch, tác giả buộc chúng tôi phải ở đôi bờ ngăn cách, tất cả các nhân vật đều đau khổ với nỗi niềm riêng, nên dẫn đến một bi kịch là điều tất nhiên. Nếu tôi gặp trường hợp này ngoài đời, có lẽ sẽ còn khó xử hơn tác giả. Tuy nhiên, nói gì thì nói, chắc chắn tôi sẽ cao thượng hơn. Tôi sẽ gặp con trong âm thầm, thăm người tình trong kín đáo, chứ không làm ồn ào náo nhiệt, làm vỡ tung tất cả như trên sân khấu. Đôi khi những trường hợp oan nghiệp như thế này, sự cao thượng là điều cần thiết lắm.
- Vở kịch được xem là truyền tải một câu chuyện hơi cũ so với nhịp sống hiện đại bây giờ, chị nhìn nhận ý kiến này như thế nào và điều gì trong vở diễn này làm chị tự tin nhất?
- Có lẽ nội dung như thế thì hơi cũ một tí, bởi không phải các bạn trẻ nào cũng biết được thời khó khăn của đất nước mình vào thời kỳ đó. Nhưng nếu so với hoàn cảnh và kinh phí hiện tại thì đây là vở được chọn trong hoàn cảnh hợp lý nhất. Điều tôi tự tin nhất là sự góp mặt của các bạn diễn như NSƯT Việt Anh, Thanh Hoàng, Công Ninh, Cát Tường, Huỳnh Mai... Hầu hết các tuyến nhân vật này đều thể hiện xuất sắc vai trò của mình, để lại những khoảnh khắc rất đáng yêu cho nhân vật. Và nếu tinh ý bạn sẽ thấy, vé đã bán hết từ sớm, và liên tục nhiều tràng vỗ tay vang lên trong suốt vở diễn. Những điều này đã phần nào khẳng định thành công của vở diễn này.
Cuộc sống của hai chị em đang bình yên, bỗng chốc trở nên xáo trộn khi chàng trai này (NSƯT Thanh Hoàng) xuất hiện.
NSƯT Công Ninh trong vai bác sĩ độc thân, đã để lại người xem nhiều cảm xúc thông qua mối tình đơn phương của mình.
Huỳnh Mai trong vai đứa bé đã hoàn thành xuất sắc vai diễn của mình với chiếc huy chương bạc trong Hội diễn Sân khấu toàn quốc vừa qua.
Tiếng khóc nức nghẹn của Mỹ Uyên ở phần cuối, biểu lộ sự oan nghiệt của câu chuyện Đôi bờ.
Các diễn viên chào khán giả khi kết thúc vở kịch.
Theo Infonet
Âm mưu hoàn hảo Nhìn cơ ngơi khang trang bỗng chốc rơi vào tay người khác, ai cũng cám cảnh thương thay cho Hậu. Cô không đủ tinh ranh để thắng được cuộc chơi với người đàn bà mưu mô như Oanh. Hơn một năm trước, ngôi nhà 3 tầng sang trọng giữa phố là của vợ chồng Hậu. Nhưng cuộc sống vốn dĩ bình yên và...