Tôi đã thấy, tình yêu, trên những nẻo đường…
Trong cuộc đời những người nhẩm đếm đời mình bằng những kỳ World Cup, không biết mấy người được chứng kiến đội tuyển mình yêu mến đăng quang dù chỉ một lần. Và giả như có được một lần vinh hạnh nhìn thấy đội bóng của mình ở trên đỉnh cao của thế giới đi nữa, hẳn người ấy cũng đã từng phải đi qua rất nhiều những thất bại mà đội tuyển ấy từng vấp phải cứ mỗi lượt bốn năm.
Alvaro và Veronique và nụ hôn trên đồi Montmartre.
Kể cả Brazil hùng mạnh cũng không nằm ngoài lệ thường đó. Và mùa hè năm nay, khi họ là chủ nhà của World Cup, chắc chắn sẽ nhiều người mang mầu áo vàng-xanh của xứ sở samba trong tim sẽ nghĩ đến lợi thế lớn để Brazil thực hiện những cuộc phục thù, trước Pháp, trước Hà Lan, trước Ý… nếu có dịp tái ngộ. Điều đó đột nhiên khiến ta nghĩ, bóng đá bỗng dưng trở nên căng thẳng như một chiến địa, nơi mà sự quyết thắng, thậm chí là cả những chữ nặng nề như “báo thù”, đã được đưa ra như một mệnh lệnh, một sứ vụ, một quyết tâm. Song, chẳng mấy ai đặt ra câu hỏi “Nếu thất bại thì sao nhỉ?” mỗi khi trái bóng chưa lăn. Ừ, cứ thử đặt ra câu hỏi ấy đi, rồi ngồi lặng một thoáng giây thôi, rồi tự trả lời mình. Hóa ra, có thất bại chăng nữa thì cũng chẳng sao. Cuộc đời một người hâm mộ vẫn cứ vậy mà trôi. Chỉ có một chút buồn thôi, cùng tình yêu, ở lại…
Phải rồi, tình yêu, bóng đá làm sao có thể là một cuộc chơi đứng rời rẽ ra khỏi tình yêu được đây? Bóng đá luôn cần đến nguồn năng lượng ấy, như ta vẫn thấy và cũng như tôi đã thấy, trên những nẻo đường tôi đi qua…
Tôi đã thấy, trên đồi Montmartre, trong một chiều Paris tháng chín, trong ánh nắng dịu dịu của buổi giao mùa khẽ lách qua những mái nhà cũ kỹ để tràn lên trên con đường dốc lát đá, ở hàng hiên của quán La Bonne Franquette, một cặp đôi tuyệt đẹp chỉ ở độ tuổi ngoài đôi mươi. Bên cạnh họ, người đàn ông trung niên, trong chiếc áo thun mầu vàng nhạt như lớp tơ của những chú gà non, đang ôm guitar và hát những bản tình ca thập niên (19)50 của André Cleveau, của Charles Trenet. Tôi đã ngắm nhìn họ, mê man bởi vẻ đẹp tuyệt vời của buổi chiều không thể đánh rơi khỏi ký ức ấy. Họ say trong tiếng hát nam tính kia, trong những giai điệu mẫn cảm của Ah C’qu’on s’aimait; Coeur de Paris; La Mer; La Romance de Paris… Và họ hôn nhau, một nụ hôn của tuổi thanh xuân với đầy đam mê và lãng mạn không thể nào tả xiết. Khi thấy tôi cầm trên tay chiếc máy ảnh, họ nháy mắt tinh nghịch với hàm ý “Anh cứ chụp nếu như anh muốn”. Và tôi đã giữ họ lại trong khuôn hình của mình, lại gần họ và trò chuyện. Họ, Alvaro (chàng trai) và Veronique (cô gái), đến từ Zaragoza, xứ Aragon, miền bắc Tây Ban Nha. Alvaro đã hỏi tôi: “Anh thích bóng đá phải không?” khi thấy tôi mặc chiếc áo của CLB Paris Saint Germain chiều ấy. “Dĩ nhiên rồi. Còn cậu”. “Chúng tôi đều yêu bóng đá, cả tôi và Veronique”. “Vậy thì tôi đoán nhé, cậu và cô ấy chắc đều thích Real Zaragoza?”, tôi khẽ hỏi. “À không. Tôi thích Real Madrid, chỉ Real Madrid mà thôi”, Alvaro cười lớn. Và khi tôi còn chưa kịp đi hết sự ngạc nhiên của mình thì họ đã đẩy tôi tới một ngạc nhiên khác lớn hơn khi Veronique tiết lộ “Còn tôi, Barcelona là số một”. “À, vậy chắc lúc xem đá bóng, hai bạn chẳng thể xem cùng nhau rồi”, tôi cười lém lỉnh với suy nghĩ mặc định trong đầu, hai ủng hộ viên của hai CLB kình địch lớn như thế làm sao có thể chịu được nhau ở cái thời điểm thắng thua ấy. “Không, chúng tôi vẫn xem chung chứ, thậm chí có thể tới sân vận động xem cùng nhau mỗi khi chúng tôi tới Madrid hay Barcelona. Tình yêu mà, có thể đặt cược bằng tình yêu, một nụ hôn, hay một bữa ăn tối chẳng hạn”, Veronique trả lời tôi, câu trả lời đã biến mọi định kiến về bóng đá từ xưa tới nay trong tôi tiêu tan.
Tác giả (trong mầu áo CLB Valencia) cùng Christopher, CĐV của CLB Lille và danh thủ Rami sau trận đấu Valencia-Lille 2012.
Tôi cũng đã thấy trên góc giao lộ giữa Avenida de Suecia và Calle Micer Masco, trong một hoàng hôn lạnh của Valencia, một người cha cao cả có tên Pedro Garcia. Người đàn ông trung niên ấy đứng đó, nhỏ bé như một chiếc cây bất kỳ nào của thành phố bên bờ Địa Trung Hải ấy. Và mỗi lần, một cầu thủ nào đó của CLB Valencia bước ra từ trụ sở CLB để lên xe bus đỗ đối diện bên kia đường, nơi cửa SVĐ Mestalla, anh lại năn nỉ họ dừng chân để chụp chung một tấm hình với hai đứa con của anh, vẫn còn trong đồng phục học sinh. Cậu bé con, Jose và cô bé Martina, tươi cười khi được chạm vào những thần tượng của mình trong ánh mắt hân hoan của người cha. “Tôi không thích bóng đá lắm. Nhưng Jose và Martina thì rất mê. Chúng nó có gien từ ông nội chúng nó thì phải”. Tôi hơi hoen hoen khóe mắt khi chợt nhớ tới ba mình, những năm giữa thập niên (19)80, ẵm em tôi trên tay, dắt tôi bé nhỏ lặng lẽ ở dưới, đứng xin người bảo vệ cho ba con tôi vào cửa một đêm thơ vì ba muốn tôi được nghe các chú, các bác làm thơ và đọc thơ thế nào. Và tôi lẳng lặng nhủ Pedro rằng, hãy để tôi giúp anh chụp ảnh cả ba cha con với những cầu thủ thân yêu của bọn nhỏ. Soldado; Feghouli; Rami; Ruiz; Viera…, những ngôi sao ấy đều dừng lại, thân thiện cười, thân thiện xoa đầu hai đứa nhỏ, thân thiện ôm lấy cha con họ mà chụp hình. Những giây phút ấy khiến tôi cảm nhận mình như ở Hà Nội năm nào, ở góc sân Cột Cờ, góc sân Hàng Đẫy, nơi những cầu thủ và những người hâm mộ gần nhau như xóm giềng, nơi những người cha đứng cả tiếng đồng hồ chờ con mình tập bóng đá dưới mưa, dưới nắng. Bóng đá không chỉ là đá bóng, bao nhiêu lần tôi nói câu sáo rỗng ấy, nhưng tôi đã thấy, bóng đá còn ẩn chứa trong tình yêu, tình mẫu tử nữa…
Tôi cũng đã thấy trên ngọn đồi của thành phố Porto, những ủng hộ viên cực đoan của FC Porto, với chiếc cờ mang hình con chó ngao dữ dằn, đã khoác vai rủ tôi đi uống bia sau trận đấu và hỏi rất nhiều về Hà Nội, Sài Gòn, Việt Nam. Sau cuộc chơi, họ lại là họ, những người lao động bình thường với ước mơ đơn giản là “bao giờ đủ tiền đi du lịch, tao sẽ đến quê mày. Uống đi nào”. Tôi cũng đã thấy ở ngoài sân Mestalla, những ủng hộ viên đến từ Lille, nước Pháp, kéo tôi đi chơi cùng họ sau đêm Lille đá với Valencia, bất chấp tôi đang mặc áo Valencia trên người. Họ đưa tôi đến đúng khách sạn của đội Lille đang ở, nhờ vào một mối quan hệ mật thiết bí ẩn nào đó, và để tôi được uống bia với các cầu thủ Lille với nguyên tắc “uống thôi, không chụp hình nhé”. Và họ, những Benoit, Christopher cùng “lão già ham vui” Masson… vẫn còn giữ liên lạc với tôi đến tận bây giờ, với lời mời “mày phải sang Lille, tao đãi mày tất cả, trừ khách sạn đấy nhé. Và tất nhiên, bóng đá là chắc chắn rồi đấy”. Đấy, bóng đá là như thế, là vượt mọi đường biên, là không ngờ vực, không hận thù. Bóng đá là nơi của tình yêu, của bằng hữu, của những nụ hôn, của bia và của cả ước mơ, như ước mơ mà người cha vẫn hằng gửi vào những đứa con của mình…
Mùa World Cup đã sắp tới rồi và trong thời khắc của năm mới này, có nên chăng, qua những gì tôi đã thấy, hãy nhìn vào bóng đá bằng con mắt trong hơn. Đừng nghi ngờ gì cả, đừng dựng lên những thuyết âm mưu làm gì và hơn thế nữa, đừng kích động nó thành những cuộc chiến. Loài người cũng đã chiến chinh đủ rồi, hãy để bóng đá là nó, là như tôi thấy, là nơi hạt tình yêu có thể vươn cánh, trỗi mầm…
Bóng đá là nơi của tình yêu, của bằng hữu, của những nụ hôn, của bia và của cả ước mơ, như ước mơ mà người cha vẫn hằng gửi vào những đứa con của mình…
Theo VNE
Zidane tặng vợ cả một... đội bóng
Cô vợ Veronique muốn Zinedine Zidane dang tay cứu vớt đội bóng quê nhà Rodez AF, và tất nhiên, huyền thoại người Pháp chẳng thể từ chối.
Zinedine Zidane đúng là một người đàn ông bận rộn. Ngoài tư cách Giám đốc Điều hành của Real Madrid và tham gia lớp học lấy bằng HLV bóng đá, giờ anh kiêm thêm cả chức vụ chủ đầu tư một CLB hạng 4 của Pháp. Vâng! Chính xác thì đó là CLB hạng 4 Rodez AF, nằm ở thị trấn nhỏ Rodez, vốn là quê hương của cô vợ Veronique Fernandez-Lentisco.
Zidane rất chiều cô vợ Veronique.
Rodez AF là một đội bóng nhỏ của thị trấn Rodez, miền Tây Nam nước Pháp. Trong khoảng thời gian từ 1988-1993, đội bóng này từng chinh chiến ở Ligue 2. Nhưng những năm tháng vàng son ấy đã qua từ lâu. Với những khó khăn về tài chính và không còn nhận được nhiều sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, Rodez AF đang đứng trước nguy cơ phải giải tán.
Bị dồn vào chân tường, giới lãnh đạo Rodez AF chạy đôn chạy đáo, và khi biết tin Zidane thường xuyên lui tới Rodez để thăm nom gia đình nhà vợ, họ lập tức tới cầu cạnh. Lời thỉnh cầu của Rodez AF nhận được sự ủng hộ rất lớn của Veronique. Chính cựu vũ công này đã động viên chồng ra tay "nghĩa hiệp". Tất nhiên, là một người chiều vợ, Zidane chẳng thể từ chối.
Tên tuổi của Zidane sẽ giúp Rodez AF thu hút thêm nhiều "mạnh thường quân"
"Vài ba người đến gặp và nói với tôi về tham vọng của họ với đội bóng Rodez AF. Cả tôi và vợ tôi đều muốn giúp đỡ đội bóng. Tôi từng chơi bóng trên đường phố. Tôi không bao giờ quên được nguồn cội của mình. Tôi yêu nơi gia đình vợ sinh sống và cảm giác nơi đây như ngôi nhà của mình", Zidane - người từng giúp tuyển Pháp vô địch World Cup 1998 và Euro 2000, tiết lộ với BBC.
Cả Zidane lẫn lãnh đạo đội Rodez AF không nói chính xác số tiền mà cựu danh thủ này đầu tư để cứu đội bóng. Tuy nhiên, Ban lãnh đạo đội Rodez AF tin tưởng, cam kết của Zidane sẽ khuyến khích thêm các mạnh thường quân và nhà tài trợ tham gia giúp đỡ đội bóng. Mục tiêu của Rodez AF là trụ lại hạng 4 nước Pháp mùa này và sau đó nhích dần lên ở những mùa kế tiếp.
Theo TTVH
Suýt... "mất giống" trên sân băng Trong một buổi tập, đàn anh Christopher Dean suýt chút nữa nghiến đứt "cậu bé" của Matt Lapinskas. Matt Lapinskas là diễn viên kịch 23 tuổi người Anh. Anh chàng đang tham gia chương trình trượt băng biểu diễn Dancing on Ice với bạn nhảy Brianne Delcourt. Người hướng dẫn Matt là Christopher Dean và Jayne Torvill, 2 VĐV trượt băng nghệ thuật...