Tôi đã không kịp về để ăn bánh xèo của má…
“Thằng Sáu mày nói thèm bánh xèo hả? Sao không về má làm cho ăn?”. Tháng trước má tôi gọi điện nói vậy.
Tôi nhìn đống hồ sơ trên bàn rồi ỡm ờ: “Dạ, thèm thì có thèm nhưng mà công việc nhiều quá má ơi”. Má tôi hiểu đó là một lời từ chối khéo nên mắng yêu: “Tổ cha mày, lúc nào cũng công việc; không về bây giờ, mai mốt má chết, ai làm cho mày ăn?”. Nghe má nói vậy, tôi cười ha hả: “Má còn khỏe lắm má ơi, thầy tướng nói rồi, má sống tới 105 tuổi lận. Nói vậy chớ để con coi thu xếp, bữa nào con về”.
Đúng là má tôi còn rất khỏe. Gần 90 tuổi mà vẫn còn cứng cáp, đi lại làm lụng thoăn thoắt đến nỗi cô em dâu tôi phải theo mệt nghỉ. Những lần nhà có đám tiệc, má tôi bắc cái ghế bố ngồi ở nhà sau chỉ huy. Con cháu mấy chục đứa cứ răm rắp làm theo. Má tôi không phải thợ nấu nhưng trong làng, ai có đám tiệc cũng rước má tôi tới nấu nướng.
Hồi đó tôi hay ước ao sau này cưới được vợ nấu ăn ngon như má. Nhưng trời chẳng chiều lòng người. Bà xã tôi là con cưng, chẳng biết nữ công gia chánh, tôi huấn luyện mãi mới làm được mấy món đơn giản. Chính vì vậy, có nhiều thứ mà mỗi lần thèm ăn, tôi chỉ còn biết thốt lên: “Ước gì có má ở đây…”. Tháng trước gọi điện cho thằng út, tôi cũng nói vu vơ là thèm bánh xèo của má; chắc là nó nói lại nên má mới điện thoại kêu tôi về. Vậy mà tôi cứ nấn ná, chờ cho xong việc…
Nhưng thời gian đâu có biết chờ đợi? Chỉ sau đó 2 tuần, má tôi đã đột ngột ra đi. Nửa đêm nghe tiếng điện thoại réo, tôi bật dậy. Giọng thằng út khàn khàn: “Anh về đi, má mất rồi”. Buông điện thoại, tôi ngồi chết lặng. Không có lời lẽ nào để nói hết nỗi ân hận, day dứt trong tôi.
Má tôi ra đi đột ngột nhưng thanh thản, y như thể má đang ngủ một giấc ngủ dài. Khi tôi về đến nhà, cơ thể má đã lạnh nhưng bàn tay vẫn mềm dịu, tôi nắm chặt tay má mà cứ ngỡ má đang nắm tay dắt tôi đi qua cây cầu gòn trơn trợt để đến trường những ngày mưa gió năm xưa.
Nhưng thời gian đâu có biết chờ đợi? Chỉ sau đó 2 tuần, má tôi đã đột ngột ra đi. Nửa đêm nghe tiếng điện thoại réo, tôi bật dậy. (ảnh minh họa)
Video đang HOT
Tôi đã không kịp về để ăn bánh xèo của má, những chiếc bánh xèo mà má đổ không chỉ bằng những thứ nguyên liệu bình thường. Bánh của má có một thứ gia vị mà hình như tất cả những người mẹ yêu con đều nêm nếm khi nấu ăn cho con mình. Và những đứa con sẽ cảm nhận điều đó bằng những cung bậc tình yêu của mình đối với mẹ cha.
Tôi nhớ những ngày còn ở quê nhà Vị Thủy. Tháng mười một âm lịch là mùa tép rong đẻ trứng. Con tép nào cũng mang cái bụng lặc lè. Anh hai xúc tép về, má đổ bánh xèo nhưn tép rong, củ sắn. Chỉ vậy thôi mà anh em tôi sì sụp gói, chấm, nhai nhồm nhoàm như thể đang thưởng thức cao lương mỹ vị. Bao giờ cũng vậy, khi má đổ sắp xong còn lại vài vá bột, tôi đòi má làm bánh xèo da. Đó là những cái bánh xèo không có nhưn, chỉ có bột bánh. Má để lửa than cho bánh từ từ chín rồi khô giòn, miếng bánh cắn tới đâu, biết đã tới đó vì nó vừa giòn, vừa ngọt, vừa béo, vừa thơm.
Có lần tôi qua nhà bác Tư hàng xóm cũng được đãi ăn bánh xèo. Tôi ăn xong về thỏ thẻ nói với má: “Bánh của bác Tư dở ẹc”. Má tôi la: “Người ta cho ăn mà còn chê nữa hả?”. Nhưng rồi má cũng hỏi: “Sao mà dở?”. Tôi lắc đầu: “Con đâu có biết, chỉ thấy nó tươm mỡ béo ngậy, nhưn bánh thì lung tung xèng đủ thứ. Nhưng chắc là tại bột bánh không ngon, nó lạt nhách hà…”.
Tôi nhớ khi đó má xoa đầu tôi: “Bây giờ biết ngon, dở, khen chê rồi hả? Để má nói cho mà nghe…”. Nhà tôi không có con gái nên anh em tôi đứa nào cũng được má chỉ dạy nấu nướng. Má bảo bột bánh xèo muốn ngon thì phải pha thêm một phần gạo mới cho bánh mềm mà không dính. Người ta pha nghệ cho bột có màu vàng còn má tôi thì chỉ pha nước lá dành dành và lòng đỏ trứng vì tôi không thích mùi nghệ. Trong bột bánh xèo má còn cho thêm đậu xanh đãi vỏ nấu chín, chút nước cốt dừa cho bột hơi béo mà không ngậy. Đặc biệt, má cho rất nhiều hành hương nên khi chín, bánh thơm lừng, đứng tận ngoài ngõ cũng nghe mùi thơm.
Cõ lẽ thêm một điều khiến bánh xèo của má tôi đặc biệt là cái chảo để đổ bánh xèo không phải là chảo gang hay chảo nhôm thường thấy mà là một cái chảo đất. Khi mua chảo về, má cho mỡ heo vào thắng, sau đó má cứ để mỡ trong chảo 2-3 bữa cho mỡ thấm vào chảo. Má nói: “Như vầy chảo sẽ không bị dính, khi đổ bánh cũng không phải thoa nhiều mỡ mà bánh vẫn tróc”.
Bây giờ thì tất cả những thứ ấy đã theo má tôi vào cõi vĩnh hằng. Cúng má, em dâu tôi làm bánh xèo. Cũng gạo, cũng trứng, cũng đậu xanh, cũng cái chảo đất ấy mà giờ đây không có bàn tay mẹ, miếng bánh bỗng nhạt thếch trong miệng. Em dâu tôi lấy làm lạ khi tôi chỉ ăn có mấy miếng rồi buông đũa: “Em làm không giống má hả anh Sáu?”. Tôi gật đầu: “Ừ…”.
Tôi chỉ nói vậy rồi nghẹn lời. Bởi tôi nhớ tới cuộc gọi cuối cùng của má. Tôi thèm nghe cái giọng hụt hửi của má mỗi khi gọi điện vì có khi má cầm cái điện thoại ngược đầu hoặc để xa quá. Giờ đây, sẽ chẳng bao giờ tôi được nghe má mắng: “Tổ cha mày, lúc nào cũng công việc…”.
Bất giác tôi bỗng ước thời gian quay ngược lại để tôi được nghe má nói: “Thằng Sáu mày thèm bánh xèo hả? Sao không về má làm cho ăn?”.
Theo VNE
"Sao mẹ dốt quá vậy?"
Hồi nhỏ tôi hay thắc mắc: "Sao mẹ dốt quá vậy? Cái gì cũng không biết ăn".
Chẳng phải vì cái gì hết...
Nhà có thứ gì ngon hoặc ai cho đồ ăn thức uống gì, mẹ cũng để dành cho ba và mấy chị em tôi. Câu nói mà tôi hay nghe mẹ lặp đi, lặp lại suốt những năm tháng tuổi thơ là "bụng mẹ yếu, ăn vô mắc công uống thuốc".
Tôi nhớ có lần bác Tư ở Cái Bè mang cho trái sầu riêng thiệt bự, mẹ bóc từng múi sầu riêng để trong những cái dĩa nhỏ: Cái này phần ba, cái này phần thằng Minh, con Thắm, con Thư, con út... Tôi đang ngồi chóc ngóc bên cạnh, đếm đi đếm lại thấy nhà có 6 người sao chỉ có 5 phần, hỏi thì mẹ bảo: "Sầu riêng coi vậy mà rất độc, bụng yếu như bụng mẹ ăn vô là bị trúng liền". Tôi thấy mẹ thật đáng thương. Bụng dạ gì mà yếu dữ vậy, ăn cái gì vô cũng đau, cũng trúng.
Năm đó tôi 8 tuổi.
Năm tôi 15 tuổi thì ba mất. Đây là cú sốc lớn đối với mẹ và anh em tôi vì ba là trụ cột trong gia đình. Mẹ gầy tọp đi. Thường ngày mẹ vốn ăn uống kém, bây giờ lại càng tệ hơn. Mẹ bảo tôi: "Tụi con phải ráng học. Bây giờ không có ba...". Mẹ chỉ nói vậy rồi nghẹn lời. Mấy anh chị thương mẹ nên một buổi đi học, một buổi phụ mẹ làm mấy công rẫy. Riêng tôi vì là út nên ưu tiên được tập trung học hành. Công việc của tôi là nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa. Mẹ không cho tôi ra rẫy vì bảo tôi vốn yếu đuối từ nhỏ, không quen làm mấy chuyện nặng nhọc, nắng nôi...
Mẹ không cho tôi ra rẫy vì bảo tôi vốn yếu đuối từ nhỏ, không quen làm mấy chuyện nặng nhọc, nắng nôi... (ảnh minh họa)
Ngoài thời gian đi học, suốt ngày tôi quẩn quanh trong nhà. Cái nhà chúng tôi ở từ khi ba mất đã mấy mùa mưa nhưng chưa được lợp lại. Mẹ nói để ráng làm kiếm tiền lợp ngói luôn. Nói thì nói vậy thôi chớ kiếm được đồng tiền, mẹ và mấy anh chị tôi phải tưới mồ hôi trên từng luống rau. Đủ ăn đã là may mắn, lấy đâu ra dư dả mà cất nhà?
Tôi nhớ có lần đang ngủ bỗng giật mình vì trời mưa. Tôi mở mắt ra, thấy mẹ đang ngồi thu lu ở góc giường. Trời mưa, nhà bị dột, mẹ nhường chỗ khô cho tôi nên phải nép vào góc giường để tránh những giọt mưa theo kẻ lá nhỏ giọt xuống chỗ nằm. Trong ánh sáng tù mù của ngọn đèn trứng vịt, tôi thấy bóng mẹ gầy gò, nhỏ xíu... Anh hai nói sau này có tiền sẽ cất cho mẹ một ngôi nhà thật to, thật đẹp.
Rồi anh hai, chị ba tôi đi làm. Mẹ đỡ vất vả hơn nhưng vẫn không chịu buông mấy công rẫy. Mẹ nói, còn ăn là còn làm, chừng nào hết ăn thì mới hết làm. Nói chuyện ăn thì tôi lại bực mình. Mấy anh chị đi làm có tiền mua đồ ăn ngon cho mẹ, mẹ lại để trên bàn thờ ba cho đến lúc thiu thối. Bị cằn nhằn thì những lần sau mẹ lại bảo tôi và chị tư ăn. Mẹ nói: "Mẹ già rồi, ăn uống bao nhiêu mà mua cho tốn tiền. Mấy cái đồ này, mẹ ăn vô lại nặng bụng, khó tiêu". Đến lúc đó mà tôi vẫn còn tin như vậy. Tôi không hề nghĩ rằng, tất cả những gì ngon ngọt, mẹ đều dành cả cho anh em tôi...
Chân lý đơn giản ấy của trái tim những người mẹ mãi đến khi lấy chồng, sinh con tôi mới hiểu ra... (ảnh minh họa)
... Tôi lấy chồng được 4 năm thì mẹ mất. Ngôi nhà mà anh hai hứa cất cho mẹ vẫn chỉ là ước mơ vì anh lập gia đình rồi có con, cuộc sống cũng vất vả. Ngày mẹ ra đi, trời mưa tầm tả. Mấy anh em tôi ngồi cạnh mẹ trên chiếc đi - văng, đứa nào cũng có rất nhiều điều muốn nói nhưng đứa nào cũng nghẹn lời...
Riêng tôi, đến lúc đó thì tôi đã hiểu vì sao suốt cuộc đời của mình, mẹ chẳng bao giờ biết ăn những thứ ngon ngọt. Chẳng phải vì bụng mẹ yếu, chẳng phải vì sợ lạ miệng khó tiêu, chẳng phải vì cái gì hết... Chỉ là vì mẹ muốn dành tất cả những gì tốt đẹp nhất cho chồng con.
Chân lý đơn giản ấy của trái tim những người mẹ mãi đến khi lấy chồng, sinh con tôi mới hiểu ra...
Theo VNE
Vu Lan nhớ mẹ Mùa Vu Lan vừa mới đi qua, nhưng đã để lại trong lòng tôi một khoảng trống bùi ngùi, thương nhớ về gia đình, người mẹ thân yêu của mình. Tôi xa quê đã hơn một năm, nhưng bóng dáng cùng những lời dặn dò của mẹ không thể phai nhòa trong tâm trí tôi được. Nhớ năm ấy cận đến ngày nhập...