Tôi có bố mẹ sao cứ phải về quê chồng ăn Tết?
Chuyện ăn Tết ở đâu luôn là vấn đề khiến nhiều cặp vợ chồng nhức đầu.
Nhiều cặp vợ chồng trẻ đã “mặt nặng mày nhẹ” với nhau, thậm chí, có người còn đem chuyện ly hôn ra để “dọa” đối phương vì không thể thống nhất được Tết này sẽ đón năm mới ở nhà vợ hay nhà chồng.
3 năm không biết đến Tết nhà
Hai vợ chồng chị Ngọc (ở Văn Cao, Ba Đình, Hà Nội) đều là “dân tỉnh lẻ” lên làm việc ở Hà Nội. Vợ chồng chị đang phải ở nhà thuê nên năm nào cũng về quê ăn Tết. Quê chồng và quê vợ cách nhau gần 100 km nên vì việc phân chia ngày Tết ở nhà chồng hay nhà vợ mà 2 vợ chồng chị đã giận nhau cả tuần nay.
Theo chị Ngọc, chồng chị lấy lý do là con trai một nên năm nào 2 vợ chồng cũng phải về nhà nội ăn Tết. Đến ngày mùng 4 Tết anh chị mới về bên ngoại. “Mùng 4 ở quê thì đã hết Tết rồi còn đâu. Bố mẹ mình năm nào cũng tủi thân vì thui thủi ăn Tết mà vắng con cháu”, chị Ngọc bùi ngùi cho biết.
Video đang HOT
“3 năm đi lấy chồng chưa năm nào mình được về nhà mẹ đẻ ăn Tết. Ngày mùng 3, về nhà ngoại chúc Tết ngồi chưa kịp ấm chỗ đã nghe điện thoại mẹ chồng giục về làm cơm vì nhà có khách đến”, chị Hà – một nàng dâu khác bức xúc. Chị cho biết thêm: “Bố mẹ đẻ thì lúc nào cũng sợ con cái cãi nhau, mất hòa khí gia đình trong ngày đầu năm mới nên an ủi: “Con gái lấy chồng phải theo chồng…” nhưng mình biết ông bà buồn lắm”.
Theo chị Ngọc, chồng chị lấy lý do là con trai một nên năm nào 2 vợ chồng cũng phải về nhà nội ăn Tết. (ảnh minh họa)
Trên một diễn đàn, thành viên Weetapple cũng chia sẻ: “Tết là lúc sum họp gia đình, nhưng nhiều người chỉ cần biết đến sự sum họp của gia đình bên chồng mà chẳng đoái hoài gì đến quyền sum họp của gia đình nhà vợ. Thấy họ nhà chồng vui vẻ đầm ấm lại nghĩ thương bố mẹ mình. Ngày 30, mùng 1, mùng 2 tết không được về nhà ngoại cũng đủ để rơi nước mắt rồi”.
Không chỉ những người vợ băn khoăn về việc ăn Tết ở nhà nào, một độc giả là nam cũng chia sẻ: “2 vợ chồng mình cứ cãi cọ nhau suốt về việc về nhà ai ăn Tết. Năm ngoái mới cưới nhau nên vợ chồng ăn Tết ở nhà nội ở tận miền Trung. Năm nay, vợ nhất quyết đòi ăn Tết ở nhà vợ với lí do: Năm ngoái ăn tết ở nhà chồng thì năm nay ăn tết ở nhà vợ. Mình thì thấy không ổn tí nào: Nhà mình ở miền Trung, cả 1 năm chỉ được về quê có 1 lần vào dịp Tết. Tết này, nếu để mẹ ăn Tết một mình, sao đành lòng được. Tranh cãi nhiều nhưng 2 vợ chồng vẫn không thống nhất được với nhau”.
Sòng phẳng cả ngày nghỉ Tết
Bên cạnh nhiều ông chồng gia trưởng thì nhiều nàng dâu cũng ngậm ngùi đón ngày Tết bên nội vì nhà chồng không thông cảm. Lê Hoài An (TP Bắc Giang) cũng chia sẻ, mẹ chồng của chị rất khó tính tuy nhiên, “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”.
Hầu hết các chị em đều chọn cách nhẹ nhàng thuyết phục gia đình chồng bởi chẳng ai muốn vì một chuyện cỏn con làm hỏng mất ngày Tết vui vẻ (Ảnh minh họa)
Chị An nói: “2 năm đầu về làm dâu bà mẹ chồng mình chỉ muốn 2 vợ chồng chỉ ở nhà bà ăn Tết. Nhưng ngay từ đầu mình đã không đồng ý. Vợ chồng mình chỉ ở nhà nội đến hết mùng 2, sang mùng 3 là về ngoại. Bà mẹ chồng mình nhiều lần xúi con trai “chỉnh vợ” nhưng mình kiên quyết nếu chồng không đi thì mình tự đi 1 mình, thế là chồng đành xuống nước”.
Cũng tương tự như chị An, chị Hồng Anh cũng chia sẻ: “Bố chồng mình cũng rất cổ hủ trong chuyện này. Mình đã thẳng thắn nói với bố chồng, nếu sau này con gái bố (em chồng mình) đi lấy chồng xa Tết không được về nhà bố có buồn không? Lúc đầu ông giận mình lắm nhưng rồi mình cứng rắn ông cũng dần hiểu cho con dâu…”
Nếu mình được bên bố mẹ mình mà để vợ tủi thân vì nhớ nhà thì cái niềm vui Tết của gia đình đâu có trọn vẹn” anh Dũng chia sẻ. (ảnh minh họa)
Chị Hồng Anh cũng cho biết thêm, không được gia đình chồng thông cảm, bạn của chị cũng đi làm dâu xa cũng đã rơi vào cảnh nhà lục đục trong ngày đầu năm mới. Cô bạn này đã kiên quyết ngày mùng 2 Tết bắt taxi đưa con về nhà ngoại mặc dù cho mẹ chồng đe: “Mẹ con mày về thì về, con trai tao ở đây”. Mẹ chồng đã thế chồng của bạn chị còn phũ phàng hơn: “Cứ về đi ra Tết tôi với cô nói chuyện”.
Tuy nhiên, những “biện pháp mạnh” mà các con dâu áp dụng chỉ đều rơi vào những trường hợp bố mẹ chồng quá cứng rắn, cổ hủ. Hầu hết các chị em đều chọn cách nhẹ nhàng là xin phép, thuyết phục gia đình chồng bởi chẳng ai muốn vì một chuyện cỏn con làm hỏng mất ngày Tết vui vẻ.
Chị Lan (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) lại chia sẻ: “Chồng mình rất tâm lý, dù là con trai trưởng nhưng 2 vợ chồng đều phân chia ngày nghỉ Tết rất công bằng”. Theo đó năm nay cả nhà chị Lan ở lại quê chồng (Hà Tĩnh) ăn Tết đến mùng 4, 5 mới về chúc tết nhà ngoại thì năm sau cả nhà họ lại ăn Tết ở nhà ngoại (Thanh Hóa) đến mùng 5 Tết mới sang nhà nội.
Cũng như chị Lan vợ chồng anh Dũng (ở Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội) cũng phân chia rất cụ thể việc về quê ăn Tết. Theo anh Dũng, ngày 27 Tết vợ chồng anh từ Hà Nội về thẳng nhà vợ, ở đây ăn tất niên và đón giao thừa. Sáng mùng 1 Tết 2 vợ chồng về nhà nội.
“Bố mẹ vợ cũng rất mong Tết có đầy đủ dâu, rể sum họp quây quần như bố mẹ mình. Nếu mình được bên bố mẹ mình mà để vợ tủi thân vì nhớ nhà thì cái niềm vui Tết của gia đình đâu có trọn vẹn” anh Dũng chia sẻ.
Theo Eva