“Tôi chịu đựng anh quá đủ rồi”
Tôi bước ra trước nhà để mẹ không nghe thấy. Tôi nói với Trọng: “Anh kêu người bán nhà đi. Em sẽ tìm chỗ khác, rước mẹ lên ở chung”.
Tôi đứng quay lưng lại nên mẹ không thấy tôi khóc. Cứ nghĩ đến cảnh mai mốt mẹ phải về lại quê thui thủi một mình, tôi lại không thể cầm lòng. Cách đây mấy hôm, mẹ chồng và chồng tôi đã bỏ đi. Lý do họ đưa ra là không quen với mùi trầu thuốc, mùi rơm cỏ của mẹ tôi.
“Lần này nữa thôi nhé, có muốn phụng dưỡng thì đem nhau về dưới ấy, tôi là tôi không thể chung đụng với mẹ cô đâu”- mẹ chồng tôi vừa xếp quần áo vừa đay nghiến. Trong khi đó, Trọng cũng vừa loay hoay tìm giày dưới gầm giường, vừa càm ràm: “Bực chết đi được. Sao không để cho tôi yên ổn vậy. Tôi đã nói rồi, em có muốn hiếu thảo thì cho tiền, chớ rước lên đây phiền phức quá”. Tôi bấm bụng làm thinh vì biết nếu cãi lại thì sẽ ầm ĩ nhà cửa.
Mẹ tôi năm nay đã ngoài tám mươi. Mấy năm trước mẹ ở với thằng út nhưng nó bệnh rồi mất, cô em dâu bỏ về nhà cha mẹ ruột. Mẹ ở một mình, lúc bình thường thì không sao nhưng khi trái gió trở trời… Cứ nghĩ đến đó, tôi lại không cầm được nước mắt. May là có anh bạn ở cạnh nhà qua lại coi ngó, thuốc men nhưng người ta là người dưng, làm sao bằng con ruột?
Mỗi lần tôi nói rước mẹ lên ở cùng thì Trọng lại hầm hứ: “Em bỏ ý nghĩ đó đi. Nhà cửa chật chội, sinh hoạt đắt đỏ, không khí ô nhiễm, rước lên làm gì?”. Tôi nằn nì: “Nhưng để mẹ dưới đó, em không yên tâm. Bà nội của mấy đứa nhỏ ít tuổi hơn mẹ nhiều mà đã yếu như vậy, huống hồ gì mẹ đã tám mươi…”. Nhưng Trọng khăng khăng: “Nếu muốn báo hiếu, em có thể mướn người ở với mẹ chớ rước lên đây thì dứt khoát không”.
Mấy bữa nay, nhà chỉ có mấy mẹ con, bà cháu, tôi thấy thoải mái vô cùng. Sáng sớm tôi đi chợ, chuẩn bị đồ ăn, bắc nồi cơm; trưa về mẹ con quây quần. (ảnh minh họa)
Tôi thuê người ở với mẹ nhưng không có tôi, mẹ lại cho người ta về với lý do “chi cho tốn kém vậy?”. Hai, ba lần rồi thôi, tôi đành phải để mẹ ở một mình. Nhưng cứ nghĩ đến mẹ, tôi không thể nào có được một giấc ngủ ngon. Hôm rồi anh bạn hàng xóm gọi điện thoại: “Bà yếu quá, chắc ăn uống thất thường. Hay là cô đón bà lên bồi dưỡng một thời gian…”.
Video đang HOT
Và lần này, trước sự kiên quyết của tôi, chồng và mẹ chồng tôi đã bỏ sang nhà người chị chồng “tá túc”. Chẳng biết họ nói gì mà chị chồng gọi điện thoại nhiếc móc: “Nhà tôi chớ không phải khách sạn đâu đấy nhá. Cô mau mau thu xếp để còn đón mẹ về”. Tôi nói với chị cho tôi thêm thời gian vì mẹ tôi rất yếu, để mẹ về quê, tôi không đành lòng. Chị dấm dẳn: “Tôi biết là cô hiếu thảo nhưng cũng phải nghĩ tới mẹ chồng chứ? Con gái lấy chồng rồi mà cứ be be mẹ ruột là sao?”.
… “Nước sôi rồi kìa con”- mãi suy nghĩ mà tôi không thấy cái ấm nước đang sôi ùng ục, tràn cả ra bếp. Tôi luýnh quýnh tắt bếp, lau nước mắt. Mẹ tôi hỏi: “Thằng chồng con đâu mấy bữa nay mẹ không thấy?”. “Dạ, ảnh đi công tác rồi mẹ à, lâu lắm mới về”- tôi nói cho mẹ yên lòng.
Mấy bữa nay, nhà chỉ có mấy mẹ con, bà cháu, tôi thấy thoải mái vô cùng. Sáng sớm tôi đi chợ, chuẩn bị đồ ăn, bắc nồi cơm; trưa về mẹ con quây quần. Buổi tối thì có thêm hai đứa nhỏ, chúng tranh nhau bóp tay, bóp chân cho ngoại, kể chuyện ở trường cho ngoại nghe… Tôi nhìn cảnh ấy mà cứ ước ao được ở bên mẹ mãi như vầy…
Tôi lấy chồng đã 15 năm. Cuộc hôn nhân của tôi thật ra cũng là bất đắc dĩ. Chúng tôi làm chung công ty, tôi để ý thương Trọng nhưng anh lại yêu một người khác. Khi cô gái ấy đi lấy chồng, anh vì quá đau khổ mà quay sang tôi. Trong một lần anh đến nhà trọ, tôi đã giữ anh lại. Sau buổi tối ấy, tôi có thai. Ba mẹ anh nhất quyết không chịu cưới vì cho rằng tôi hư thân, mất nết. Cái bụng ngày càng lớn, tôi đành phải theo không người ta. Đến khi con gái đầu lòng 3 tuổi, tôi mới được Trọng dắt về quê lạy tạ, xin lỗi ông bà tổ tiên.
Không chính thức nhìn nhận tôi nhưng sau khi ba chồng tôi mất, mẹ chồng tôi lại dọn vào Nam, nhất quyết đòi ở chung với chúng tôi vì Trọng là con trai út. Ngôi nhà cấp 4 mà tôi cất tạm trên miếng đất mua bằng tiền dành dụm của mười mấy năm đi làm đã được mẹ chồng và các anh chị chồng tôi bỏ thêm tiền để sửa lại. Sau đó chồng tôi đi làm giấy tờ đứng tên anh ấy; trong đó nói rõ, mẹ và các anh chị chồng tôi là đồng sở hữu. Tên tôi không được nhắc tới. Tôi thắc mắc thì anh bảo: “Theo quy định, tên anh thì mặc nhiên là của em rồi, để vô làm gì?”.
Chuyện đó xảy ra đã hơn 1 năm và kể từ đó, quan hệ giữa chúng tôi không còn như trước. Cứ mỗi lần nghĩ đến cảnh Trọng ăn nằm với người khác, tôi lại thấy ghê tởm. (ảnh minh họa)
Tôi tin anh nên không hỏi thêm nhưng đã mấy lần, khi nhà đất lên giá, mẹ chồng tôi đã bóng gió xa gần về việc bán nhà để đưa tiền lại cho các anh chị chồng tôi làm vốn. Tôi không đồng ý vì bán nhà rồi, biết số tiền họ đưa lại cho tôi có đủ kiếm một chỗ ở hay không? Có lẽ vì vậy mà không chỉ mẹ và anh chị em chồng mà cả Trọng cũng kiếm chuyện với tôi. Chỉ đến khi tôi phát hiện Trọng cặp kè với cô bạn đồng nghiệp và dọa ly hôn thì anh mới để yên, không nhắc đến chuyện bán nhà nữa.
Chuyện đó xảy ra đã hơn 1 năm và kể từ đó, quan hệ giữa chúng tôi không còn như trước. Cứ mỗi lần nghĩ đến cảnh Trọng ăn nằm với người khác, tôi lại thấy ghê tởm. Chính vì vậy, mỗi khi anh đòi gần gũi, tôi lại né tránh. Và bây giờ, lần nào cũng vậy, trước khi chuyện đó xảy ra, bao giờ tôi cũng ăn vài bạt tai mới chịu để yên cho anh dày vò…
Chuyện đó cộng với chuyện của mẹ khiến tôi cứ suy nghĩ. Hay là bán nhà? Nhưng lỡ bán xong, họ ôm tiền đi hết, chẳng đưa đồng nào thì mẹ con tôi biết làm sao? Dù sao thì tôi cũng đã đổ biết bao công sức để tạo dựng ngôi nhà này, nếu họ mưu mô, làm sao tôi đối phó?
… “Hình như có cái gì khét rồi kìa con”- mẹ tôi lại nhắc. Con cá chiên bị đen một bên. Tôi luýnh quýnh tắt bếp. Ngay lúc đó, có điện thoại của Trọng. Tôi ngần ngừ mãi mới bắt máy. Vừa nghe giọng tôi, anh đã nói ngay: “Chừng nào bả về?”. Tôi bực mình, sẵng giọng: “Bả nào?”. “Thì bà ngoại của mấy đứa nhỏ. Về sớm sớm đi, tôi với mẹ ở bên này cũng bực mình lắm rồi, tự dưng có nhà mà phải đi lang thang”.
Tôi bước ra trước nhà để mẹ không nghe thấy. Tôi nói với Trọng: “Anh kêu người bán nhà đi. Em sẽ tìm chỗ khác, rước mẹ lên ở chung”. Trọng hét lên: “Cái gì? Cô điên hả? Chăm sóc một bà già đã muốn chết rồi, thêm một bà già nữa, chắc đem chôn tôi luôn quá”. Tôi bảo: “Em không có điên. Chỉ có người điên mới bỏ mặc mẹ mình đau yếu, bệnh hoạn…”.
Nói rồi tôi cúp máy. Không đầy 30 phút sau đã thấy Trọng xồng xộc phóng xe về. Anh đi thẳng vào chỗ mẹ tôi: “Vợ con đòi bán nhà rước mẹ lên ở chung. Có phải đó là ý của mẹ?”. Mẹ tôi ngơ ngác. Tôi kéo Trọng ra phòng khách: “Sao anh lại có thể ăn nói như vậy với mẹ? Đó là ý của em. Anh nghe rõ đây: Mẹ sẽ ở với em; còn anh muốn ở với ai thì tùy ý”. “A, con này giỏi…”- Trọng vung tay lên nhưng tôi né kịp. Tôi chụp cái bình trà trên bàn quăng xuống đất: “Anh muốn gì? Tôi chịu đựng anh đến đây là đủ rồi. Ly dị đi”.
Có lẽ Trọng không ngờ tôi lại phản ứng như vậy nên anh ta khựng lại: “Cô muốn ly dị à? Thế thì cứ làm đơn đi, tôi sẽ không ký xem ai xử cho cô?”. Nói rồi Trọng đi xuống bếp. Mẹ tôi đang ngồi lặng lẽ khóc. Có lẽ nhìn thấy cảnh tượng ấy, anh không nỡ nói gì nên quay ra bảo tôi: “Cô liệu mà thu xếp, cuối tuần tôi với mẹ về đấy”. Nói rồi anh phóng xe đi, chẳng chào hỏi ai.
“Thôi, để mẹ về…”. Mẹ tôi run rẩy khóc. Tôi không cho mẹ xếp quần áo vô giỏ xách. Tôi đã nhất quyết rồi. Cuối tuần này họ về thì mẹ con tôi sẽ đi. Tôi đã nhờ người hỏi dùm chỗ trọ. “Nhưng mà chị dọn ra ngoài, họ sẽ chiếm nhà mất?”- cô nhân viên của tôi lo lắng.
Đó chính là điều tôi sợ nhất. Tôi biết nhà chồng tôi mưu mô, việc lấy hết tài sản của tôi là điều trong tầm tay của họ. Còn chồng tôi nữa. Tôi không hi vọng gì vào anh bởi bao nhiêu năm chung sống, hạnh phúc mà anh đem lại cho tôi chỉ tính được bằng giờ… Tôi không bao giờ muốn lựa chọn giữa chồng và mẹ nhưng chính chồng và gia đình chồng đã ép tôi vào con đường này.
Liệu còn có con đường nào tốt hơn cho mẹ con tôi không?
Theo VNE
"Hoặc vợ, hoặc chị, anh chọn đi!"
Vợ anh là gái thành phố, một năm về quê vài ba lần không sao, còn khi sống cùng với chị, những khác biệt về lối sống đã khiến hai người gặp không ít khúc mắc.
Sinh ra trong mộtgia đìnhnghèo, bố mẹ anh Hiếu không may mất sớm trong một vụ tai nạn giao thông, bỏ lại 4 chị em anh bơ vơ giữa dòng đời.
Khi ấy, chị Phượng - chị gái lớn của anh mới 21 tuổi, là giáo viên mầm non ở gần nhà. Chị Phượng xinh đẹp, tính nết dịu dàng, lại có nghề "gõ đầu trẻ" nên sớm được nhiều chàng trai để ý. Nhưng khi chị vừa đề cập đến trách nhiệm chăm lo gia đình thì không một ai dám "gánh". Chị quyết định ở vậy nuôi các em khôn lớn.
Vừa dạy học, vừa làm thêm đủ nghề, chị tần tảo nuôi 3 em học hành và đỗ đạt cao. Trong bốn chị em, anh Hiếu là con trai duy nhất, cũng là người thành đạt nhất. Ngày anh lấy Hằng - một cô gái Hà Nội xinh xắn, chị Phượng mừng rơi nước mắt. Cả gia đình nở mày nở mặt với bà con hàng xóm bởi anh Hiếu không chỉ giỏi giang mà còn lấy được vợ thành phố xinh đẹp, đảm đang.
Công việc thuận lợi, lại được nhà ngoại giúp đỡ, hai vợ chồng anh Hiếu đã nhanh chóng mua được một căn nhà rộng rãi, khang trang ngay trung tâm thành phố. Thấy chị làm lụng vất vả, đồng lương giáo viên mầm non không cao, trong khi sức khỏe mỗi ngày một sa sút, anh Hiếu lo lắng một mình chị ở nhà, khi trái gió trở trời, lỡ xảy ra việc gì thì anh không yên tâm. Anh Hiếu khuyên chị Phượng nghỉ dạy ở quê lên sống cùng vợ chồng anh.
Nhưng sự đời không như mình nghĩ, vợ anh là gái thành phố, một năm về quê vài ba lần không sao, còn khi sống cùng với chị, những khác biệt về lối sống đã khiến hai người gặp không ít khúc mắc.
Từ chuyện đôi dép đi trong nhà, Hằng cũng nhiều lần to tiếng với chị Phượng. Ban đầu, mỗi khi thấy chị xỏ nguyên đôi dép trong nhà vệ sinh vào nhà, Hằng khó chịu ra mặt nhưng cố nhẹ nhàng nhắc nhở. Đến lần Hằng suýt ngã vì dẫm phải nước từ đôi dép của chị Phượng vương vãi khắp nhà, cô lập tức kêu ầm lên: "Em đã bảo chị bao nhiêu lần rồi, không được đi dép trong nhà vệ sinh ra ngoài, vừa bẩn, vừa dễ làm người khác ngã. Có mỗi chuyện ấy mà chị cũng quên..." Những lúc này, chị chỉ cười: "Ừ, chị già rồi nên nghễnh ngãng quá".
Một bên là chị gái, một bên là vợ, anh vô cùng khó xử (ảnh minh họa).
Mọi việc trong nhà đều có ô sin làm, nhàn rỗi lại chán nên mọi tâm tư, tình cảm của chị đều đặt vào đứa con trai 2 tuổi của anh, cháu cũng rất quấn chị. Tuy nhiên, cách chăm sóc của chị lại không khoa học, nên Hằng rất khó chịu. Thấy chị nhai cơm cho cháu, Hằng thẳng thắn: "Mất vệ sinh, để nó ăn cháo thôi". Đến cả chuyện nói năng Hằng cũng khó chịu ra mặt: "Chị nói ít thôi, giờ cháu nó đang tập nói, suốt ngày ở nhà với chị, chị nói nhiều thế, nó lại học theo cái tiếng Nghệ quê mùa nhà chị". Chị hôn lên má cháu, Hằng cũng ngăn cấm với lý do "làm phính má nó, xấu xí"...
Vốn tính hiền lành, lại từng là giáo viên, chị hiểu những điều vợ anh nói có lý nên mỗi lần nghe Hằngcằn nhằn, chị lại nhẫn nhịn: "Lần sau chị sẽ chú ý".
Biết vợ không vừa lòng chị Phượng, anh Hiếu dặn vợ: "Lần sau, em nhắc nhở chị nhẹ nhàng thôi. Chị sẽ sống với vợ chồng mình cả đời, nên em lựa lời mà nói, lựa cách mà sống, đừng để chị phải buồn lòng". Nghe thế, Hằng bật lại ngay: "Thời anh khác, thời con mình khác. Không biết thì đừng nói, đừng làm, ai khiến chị phải bận rộn. Anh thì lúc nào cũng chị, đi đâu cũng chị..."
Hằng còn công khai chống lại chị chồng bằng cách mang con về bên ngoại gửi vì sợ thằng bé "nhiễm" giọng Nghệ An của bác. Chị Phượng buồn lắm. Chị định về hẳn quê sống nhưng anh Hiếu nằng nặc không cho.
Mâu thuẫn đỉnh điểm diễn ra khi Hằng sinh đứa con thứ hai. Ngày Hằng ra viện, chị vui mừng đưa tay đón cháu thì Hằng vội gạt phắt tay chị ra: "Thôi, chị để em, chị chưa có con, không biết cách bế trẻ, nó lại khóc bây giờ". Đứng ngay bên cạnh, anh lặng người đi vì tức giận nhưng cố kiềm chế. Về đến nhà, anh mới đóng cửa quát: "Lần sau, trước khi nói, em phải suy nghĩ một chút, chị chưa có con nhưng cũng có kinh nghiệm chăm sóc các con của hai chị gái rồi. Không lẽ chị từng ấy tuổi mà không có kinh nghiệm bế trẻ con à? Lúc em sinh thằng Minh, em có kinh nghiệm bế trẻ con chưa? Em mà không thay đổi thái độ thì đừng có trách anh".
Vừa mới sinh đã bị chồng "dằn mặt", Hằng liền "ba máu sáu cơn": "Anh thì lúc nào cũng chị, chị, vậy anh đi ở với chị anh luôn đi".
Thà chị Phượng đanh đá, chửi mắng lại em dâu một hai câu, có lẽ tâm trạng anh còn đỡ hơn. Đằng này lần nào cũng vậy, mỗi khi vợ anh lên tiếng, chị đều cười rồi nhận hết lỗi về mình.
Hằng sinh được một tháng, chị kiên quyết chuyển về quê dù cho anh không đồng ý. Chị bảo: "Cũng may lần trước chị không nghe em bán nhà đi. Dù sao, hương khói của bố mẹ cũng cần có người trông nom. Thỉnh thoảng, em đưa vợ con về thăm chị là được rồi".
Từ ngày chị về quê, anh vừa lo lắng, vừa day dứt. Cứ cuối tuần, anh lại muốn về thăm chị cho yên tâm nhưng vợ nhất định không cho anh về: "Vợ thì con lớn con bé, chị thì một thân một mình không lo nổi hay sao? Nếu anh lo thế thì anh về quê mà sống với chị. Hoặc chị, hoặc vợ con, anh chọn đi. Hở cái là chị chị... Cứ như mọi tội lỗi là do tôi không bằng".
Anh vung tay tát thẳng vào mặt vợ rồi đóng sập cửa ra ngoài hút thuốc. Trong phòng, Hằng ôm con khóc dấm dứt. Vợ con anh, chắc chắc anh không thể bỏ. Còn để chị ở quê, tuổi già cô đơn một mình, anh lại không phút nào yên tâm. Chị đã hy sinh cả một đời vì hạnh phúc của các em rồi...
Theo afamily
Bị lừa tình khi đã 29 tuổi Em hoang mang, lo lắng, em sợ sẽ mất anh ấy. Em giờ đã 29 tuổi, cái tuổi mà bảo đi săn lùng tình yêu dường như là việc xa xỉ. Hỏi: Chị Tâm An kính mến! Em đang vô cùng căng thẳng và đau đầu khi phải đối diện với chuyện tình yêu chẳng thuận buồm xuôi gió như những cặp đôi...