‘Tôi chiến đấu để giành cho cha chiếc giường của bệnh nhân vừa mất’
Bà của chị Zhu nhiễm virus nhưng không được điều trị và qua đời. Đến lượt cha chị ngã bệnh, chị phải chiến đấu để giành được chiếc gường của một bệnh nhân vừa qua đời.
Những ngày này, chị Zhu Wei, 38 tuổi, là giám đốc marketing cho một công ty bất động sản tại Vũ Hán. Không chỉ cố gắng trở thành một cô con gái, một người vợ, một người mẹ và một nhân viên tốt, chị cũng đang cố gắng chăm sóc cha mẹ già của mình – cả hai đều nhiễm virus corona chủng mới, trong khi hy vọng chồng và con gái 9 tuổi của chị không bị lây bệnh.
Và mọi thứ đều diễn ra tại một thành phố đang bị phong tỏa gần như hoàn toàn.
“Tôi không biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo, nhưng tôi sẽ cố gắng ăn uống và giữ vững tinh thần”, chị Zhu nói sau khi đưa người cha 65 tuổi bị bệnh vào bệnh viện ở Vũ Hán.
Chị đã phải chiến đấu, theo nghĩa đen, để có thể đi qua đám đông ở Bệnh viện Nhân dân tỉnh Hồ Bắc – và giành được chiếc giường trống của một bệnh nhân vừa qua đời. “Tôi không tự hào về điều đó”, chị nói.
Khu hồi sức tích cực tại một bệnh viện ở Vũ Hán. Ảnh: AP.
Chị trở về nhà để tắm bằng chất khử trùng và ăn tối với bánh quy giòn và thịt đóng hộp.
“Tôi hy vọng cuối cùng tôi cũng có thể có một đêm ngon giấc hôm nay. Có thể là sau khi khóc cho đã”, chị nói với Washington Post qua điện thoại từ Vũ Hán.
Song chị không được nghỉ ngơi lâu. Tuần này – khi con gái chị bắt đầu học trực tuyến, vì tất cả trường học ở Trung Quốc đều đóng cửa – chị phát hiện mẹ chị cũng đã nhiễm virus.
Bà mất nhưng không thể đưa tiễn
Câu chuyện về chị Zhu và gia đình chị không phải là câu chuyện đặc biệt. Đó là câu chuyện về một gia đình Vũ Hán và cũng là câu chuyện của hàng chục nghìn gia đình Trung Quốc đang cố gắng bảo vệ sức khỏe và sự tỉnh táo trong giờ phút như tận thế.
Hơn 58.000 người ở tỉnh Hồ Bắc, nơi Vũ Hán là tỉnh lỵ, nhiễm virus này và 1.696 người đã tử vong, tính đến hết ngày 16/2.
Những ngày chật vật của gia đình chị Zhu vì virus bắt đầu theo cách hoàn toàn không đáng kể.
Cha chị, người từng sở hữu một công ty nhỏ cho đến khi nghỉ hưu, đã không đi đến chợ hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán như bình thường để mua cá và tôm tươi cho bữa tiệc đêm giao thừa Tết Nguyên đán, rơi vào ngày 24/1 năm nay.
Chị Zhu Wei đã lên kế hoạch đi châu Âu trong kỳ nghỉ. Vì vậy, cha mẹ chị tính làm bữa tối đơn giản hơn và không cần đi đến khu chợ lớn, nơi chủng virus corona mới được cho là lần đầu lây từ động vật sang người.
“Tôi vẫn không biết vì sao cha tôi mắc bệnh”, chị Zhu nói, đoán rằng hẳn là ông đã bị lây virus ở siêu thị địa phương.
Thay vì bữa tiệc, Zhu Wei cùng chồng và con gái đến nhà cha mẹ của chị để gặp họ và bà của chị vào ngày 23/1. Vũ Hán đã bị phong tỏa từ sáng hôm đó và không khí trở nên ảm đạm.
Ngày hôm sau, chị Zhu hủy chuyến đi châu Âu. Tối hôm đó, người bà 94 tuổi của chị bắt đầu ho và lên cơn sốt. Như rất nhiều câu chuyện mà giờ đây đã trở nên quen thuộc, họ không thể tìm nơi cho cụ bà làm xét nghiệm và do đó không thể nhập viện.
Bà cụ chết tại nhà 6 ngày sau đó. Nhân viên từ một nhà hỏa táng địa phương đã đến để đưa thi thể đi và không cho bất cứ ai trong gia đình đi cùng.
“Bà tôi rất thích có người xung quanh”, chị Zhu nói. “Nhưng không có ai trong gia đình ở bên cạnh để nói lời tạm biệt với bà. Chúng tôi thậm chí còn không thể lấy tro cốt của bà”.
Nhân viên lau rửa lối vào khu cấp cứu tại một bệnh viện ở Vũ Hán. Ảnh: AP.
Tuy nhiên, họ không có nhiều thời gian để đau buồn. Hai ngày sau, cha của chị, người đàn ông mắc bệnh khí phế thũng mạn tính, bắt đầu xuất hiện các triệu chứng.
Sau đó, họ lại bắt đầu một cuộc đấu tranh để ông có thể được chẩn đoán và nhập viện. Nếu không điều trị nội trú, ông sẽ chết trong vài ngày, bác sĩ nói.
“Mẹ tôi bật khóc và quỳ xuống cầu xin các bác sĩ giúp đỡ. Nhưng họ không thể làm gì được”, chị Zhu nói.
Đơn giản là không chỗ nào còn giường trống.
“Chưa bao giờ vô vọng như thế”
“Tôi chưa bao giờ cảm thấy vô vọng như thế”, chị Zhu nói. Chị điền vào vô số tờ đăng ký, gọi đến đường dây nóng và sử dụng bất kỳ mối quan hệ nào chị có. Chị viết lên mạng xã hội. Chị mua kháng thể nhân tạo, máy thở và tự hỏi liệu có nên mua thuốc chống Ebola mà người ta đang nói đến hay không. Cha chị càng ngày càng yếu. Chị lo mẹ chị cũng sẽ bị nhiễm. Chị sụt gần 5 kg trong 3 ngày.
Sau đó, một đồng nghiệp gọi đến nói rằng một bệnh nhân vừa qua đời và có thể có chỗ trống tại Bệnh viện Nhân dân tỉnh Hồ Bắc.
“Đây là cơ hội duy nhất của tôi”, chị nói. “Và tôi biết tôi phải đích thân đến đó và giành lấy nó”.
Chị mặc một bộ đồ phòng độc, đeo kính bảo hộ và ba chiếc khẩu trang. “Không có thời gian để do dự. Tôi thực sự đã chiến đấu theo nghĩa đen để giành được chiếc giường đó”, chị kể.
Đó chỉ là bước đầu tiên trong cuộc chiến gia đình. Mẹ chị bị cách ly trong phòng khách sạn do chính phủ trưng dụng. Chị ở một mình tại nhà cha mẹ chị để tránh nguy cơ lây nhiễm cho chồng và con gái.
Một bệnh viện dã chiến tại Vũ Hán. Ảnh: China Daily.
Sau đó, mẹ chị bị sốt. Ngày 10/2, bà được chẩn đoán nhiễm virus corona và rồi được đưa đến Bệnh viện Zijing Vũ Hán, một cơ sở tư nhân đã được chính quyền tiếp quản.
“Hai người nằm chung một phòng ở đây. Đây không phải là nơi sạch sẽ nhất mà tôi từng đến, và rất khó ngủ nếu không có gối, nhưng tôi cố gắng vượt qua”, mẹ chị, bà Ding Li, người từng làm kế toán, cho biết trong tin nhắn được gửi thông qua con gái. Chị đã cố gửi một chiếc gối đến, nhưng không có tài xế giao hàng nào đi gần nơi này.
“Các bác sĩ khá tốt bụng, nhưng thật không may, chúng tôi không có chuyên gia hô hấp ở đây vì tất cả bác sĩ giỏi nhất đang chăm sóc các ca nghiêm trọng ở các bệnh viện khác”, bà Ding nói. “Bạn phải hiểu rằng hầu hết bác sĩ ở Vũ Hán đều kiệt sức, và tôi không muốn phàn nàn hay đổ lỗi cho bất cứ ai”.
Cố gắng thích nghi
Trong khi đó, chồng của chị Zhu, anh Zhang Wei, giáo sư khoa học máy tính tại Đại học Hồ Bắc, sẽ bắt đầu đi làm lại vào ngày 17/2 nhưng phải dạy trực tuyến. Đồng thời, anh phải kèm cô con gái đang học lớp bốn, Renyin, học bài.
“Toán học thì dễ, nhưng âm nhạc là thứ mà mẹ và bà của con bé giỏi hơn. Tôi hơi vất vả một chút, nhưng bây giờ thì cũng ổn rồi, tôi đoán vậy”, anh Zhang nói và cho biết thêm rằng anh đã tìm mọi cách để làm cho “thời gian chất lượng kéo dài”, giúp con gái mình bớt nhàm chán.
Sau khi học, Renyin chơi Minecraft với bạn bè, sau đó nhảy dây hoặc chơi Legos với cha.
Tình hình gây khó khăn cho mọi người. Song họ đang cố gắng thích nghi với sự gián đoạn trong cuộc sống gia đình và những căng thẳng mà dịch bệnh gây ra.
“Cháu nhớ mẹ và bà, và cháu hy vọng ông bà của cháu sẽ khỏe mạnh và hồi phục sớm để cùng cháu đi công viên và xem phim”, Renyin nói qua điện thoại. “Và cháu hy vọng cha cải thiện việc nấu ăn và ngừng cằn nhằn cháu vì cháu lấy nhiều hơn một miếng khăn giấy để lau miệng”.
Hầm vượt sông Trường Giang tại Vũ Hán bị phong tỏa. Ảnh: China Daily/Reuters.
Cha mẹ của anh Zhang đang sống cùng để giúp đỡ họ, và anh chỉ có thể ra khỏi nhà 3 ngày một lần, theo quy định bắt buộc của chính quyền, để mua thêm nhu yếu phẩm.
“Trước khi cha mẹ vợ tôi bị ốm, tôi sẽ ghét việc phải ở mãi trong nhà theo những quy định không linh hoạt này”, anh nói. “Nhưng bây giờ, tôi tin rằng đó là điều tốt nhất cho mọi người vì nguy cơ lây nhiễm chéo rất lớn khi quá nhiều người đi lại”.
Ngay cả khi chuyện này kết thúc, gia đình nghĩ họ, và Vũ Hán, sẽ phải đối mặt với những vấn đề mới. Thị trường bất động sản sẽ bị ảnh hưởng, với việc các dự án xây dựng được lên kế hoạch cho năm nay bị trì hoãn và giá sẽ giảm mạnh, chị Zhu nói.
Song đó là chuyện của sau này. Bây giờ, chị có những ưu tiên khác – đó là cố gắng để đảm bảo gia đình chị vượt qua dịch bệnh.
Cụ ông 87 tuổi chăm vợ nhiễm virus corona, tận tình đút cho bà ăn
Cụ ông 87 tuổi người Trung Quốc đã tận tình chăm sóc, đút cho bà cụ ăn dù cả hai đang mắc virus corona.
Theo news.zing.vn
Không quân TQ điều động 8 máy bay chở quân y tăng viện cho Vũ Hán
Không quân Trung Quốc huy động 8 máy bay quân sự, trong đó có 4 máy bay vận tải hạng nặng Y-20, đưa chiến sĩ quân y và trang thiết bị y tế tăng viện cho tâm dịch Vũ Hán.
Đội hình máy bay vận tải đã không vận 676 chiến sĩ quân y cùng trang thiết bị y tế đến Vũ Hán. Nhóm 8 máy bay quân sự, trong đó có 4 chiếc máy bay vận tải hạng nặng Y-20, đã hạ cánh tại sân bay quốc tế Thiên Hà của thành phố Vũ Hán vào sáng 17/2. Ảnh: Tân Hoa xã.
Thủ phủ tỉnh Hồ Bắc đang là tuyến đầu trong cuộc chiến với dịch viêm phổi virus corona tại Trung Quốc. Kể từ khi dịch bệnh bùng phát vào tháng 12/2019 đến ngày 17/2, tỉnh đã ghi nhận gần 60.000 ca nhiễm và 1.789 trường hợp tử vong, với phần lớn nằm ở Vũ Hán. Các bệnh viện thành phố rơi vào tình trạng quá tải nhân lực và thiếu hụt trang thiết bị y tế nghiêm trọng. Ảnh: Tân Hoa xã.
Trong ngày 17/2, quân đội Trung Quốc cũng hoàn thành đợt chuyển quân thứ 2, gồm 1.200 chiến sĩ quân y, trong kế hoạch tăng viện 2.600 nhân sự hỗ trợ Vũ Hán. Lệnh điều động được Quân ủy Trung ương Trung Quốc phê duyệt ngày 13/2. Lực lượng được phân chia công tác ở hai cơ sở là Bệnh viện Thái Khang Đồng Tế và Bệnh viện Sản-Nhi Hồ Bắc. Ảnh: Tân Hoa xã.
Đây là lần thứ hai không quân Trung Quốc sử dụng máy bay vận tải hạng nặng Y-20 cho sứ mệnh quân sự phục vụ thời bình. Dòng máy bay này cũng được huy động cho đợt vận chuyển chiến sĩ quân y và trang thiết bị y tế đến Vũ Hán ngày 13/2. Ảnh: Tân Hoa xã.
Trong đợt chuyển quân đầu tiên, 1.400 chiến sĩ quân y Trung Quốc đã được bổ sung cho thành phố Vũ Hán ngay sau khi Quân ủy Trung ương Trung Quốc ra lệnh điều động. Chiến dịch sử dụng 11 máy bay vận tải Y-20 để vận chuyển quân nhân và trang thiết bị đến thủ phủ tỉnh Hồ Bắc. Ảnh: Tân Hoa xã.
Kể từ khi bùng phát dịch bệnh virus corona (Covid-19) tại Vũ Hán vào tháng 12/2019, không quân Trung Quốc huy động 30 máy bay vận tải cho 4 sứ mệnh không vận quy mô lớn tăng viện cho thủ phủ tỉnh Hồ Bắc. Ảnh: Tân Hoa xã.
Các chiến sĩ quân y tăng viện cho Vũ Hán được huy động từ nhiều lực lượng vũ trang Trung Quốc bao gồm lục quân, hải quân, không quân, tên lửa, hỗ trợ chiến thuật, hậu cần và cảnh sát vũ trang. Tính đến nay, quân đội đã cử 3 đợt tăng viện cho Vũ Hán với tổng quân số lên đến 4.000 người. Ảnh: Tân Hoa xã.
Thượng Hải hóa 'thành phố ma' vì dịch virus corona
Du khách người Australia bị mắc kẹt ở Thượng Hải vì dịch corona bùng phát. Người này cho biết hầu như không có ai ra ngoài để tránh dịch bệnh lây lan.
Theo news.zing.vn
Cơ quan y tế TQ: 80% ca nhiễm virus corona thuộc nhóm bệnh nhẹ Giới chức y tế Trung Quốc cho biết 80% bệnh nhân trong gần 45.000 ca nhiễm virus corona tính đến ngày 11/2 thuộc nhóm bệnh nhẹ và số ca nhiễm mới đang có xu hương giảm. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc ngày ngày 17/2 công bố báo cáo chi tiết đầu tiên của gần 45.000 ca nhiễm...