Tôi biết các bạn yêu thương chúng tôi, nhưng mùng 8/3 đừng có chúc những câu như: “Chúc em mãi là người vợ đảm đang”!
Không phải mọi lời chúc được gửi đi trong ngày mùng 8/3 đều thực sự khiến phụ nữ rộn ràng, xốn xang khi có những điều thực sự khiến các chị em phải tự hỏi: Tại sao lại như vậy?
Là một người hâm mộ chị Nguyễn Phương Mai, tôi thích đọc những bài chia sẻ của chị về chủ đề liên quan tới phụ nữ, mùng 8/3, những vấn đề của phụ nữ trong các cuộc sống và các dịp đặc biệt như Tết lễ. Ở một tuổi nhất định, tôi thấy đồng cảm với lời chia sẻ của chị Mai về những suy nghĩ hằn sâu trong tâm trí cánh đàn ông Việt.
Dẫu vậy, đừng hiểu nhầm rằng tôi không thích ngày 8/3 hay lời chúc của mọi người. Tôi không phải người theo chủ nghĩa nữ quyền hay những điều quá cao siêu mà bài xích ngày đặc biệt này.
Chỉ là đôi khi, chúng tôi không muốn những lời chúc như một sợi dây trói chân mình, để một lần nữa khẳng định vai trò cố hữu của phụ nữ trong xã hội. Mọi lời chúc đều xuất phát từ thành ý của mọi người nhưng tôi tin rằng, ai cũng muốn lời chúc của mình ý nghĩa hơn. Mùng 8/3 sẽ đủ đầy hơn với chúng tôi nếu mọi người có thể bớt đi những lời chúc kiểu như vậy.
“Chúc em mãi là người phụ nữ đảm đang, chăm lo tốt cho gia đình”
Khi “Công dung ngôn hạnh” trở thành những trở ngại níu chân phụ nữ vượt qua khuôn khổ của gia đình để vươn xa hơn trong nhiều lĩnh vực, nhiều người phụ nữ thấy “dị ứng” với những quy chuẩn được áp đặt lên mình, trong đó có những thứ đảm đang, chăm lo tốt cho gia đình. Là một người phụ nữ đảm đang đồng nghĩa với việc bạn phải tiếp tục quần quật với bếp núc, giặt giũ, dọn dẹp và những công việc nhà không tên. Liệu đó sẽ là một lời chúc hay là lời nhắc nhở?
Ngày 8/3 trong lịch sử bắt đầu từ những phong trào đòi quyền bình đẳng của phụ nữ – dù phong trào ấy giờ đây không còn mạnh mẽ nhưng kỷ niệm ngày 8/3 cũng không nên quên mất cái ý nghĩa ban đầu ấy: Chúng ta là một gia đình, tại sao trách nhiệm chung lại chỉ rơi vào người phụ nữ, tại sao chỉ phụ nữ cần “đảm đang”?
Tôi luôn muốn rằng những người thân sẽ chúc mình “thành công trong mọi điều mình làm và hãy làm những điều mình thích”. Là một người phụ nữ luôn trân trọng và yêu thương gia đình, như vậy đủ để tôi hiểu rằng mình cần phải làm gì.
“Chúc em ngày càng xinh đẹp hơn…”
Khi ở tuổi 15, đám con trai cấp ba cũng chúc tôi ngày càng xinh đẹp hơn trong ngày 8/3.
Đến năm tôi 25 tuổi, đồng nghiệp cũng nhắn nhủ những lời như vậy.
Và ở tuổi 30, chồng tôi cũng vẫn không quên âu yếm tôi “anh mong em ngày càng xinh đẹp hơn”.
Tôi thực sự chột dạ và ngơ ngẩn, sáng mùng 8/3 tôi hay đứng trước gương và tự hỏi lại mình: “Liệu tôi có xấu xí quá không? Liệu tôi chưa đẹp đủ hay sao mà năm nào mọi người cũng chúc tôi phải xinh đẹp hơn? Vậy cần phải đạt đến như thế nào thì sẽ xinh đẹp hơn?”
Những lời chúc “xinh đẹp hơn” khiến áp lực về ngoại hình đè nặng lên vai những người phụ nữ. Sẽ đến một lúc nào đó, chúng ta không còn trẻ trung – như bắt đầu ngoài 30 chẳng hạn, và việc trở nên “xinh đẹp hơn” thực sự là một điều rất khó khăn. Tại sao cứ mong muốn người phụ nữ xinh đẹp mãi mãi? Bản thân những người phụ nữ đã luôn tự đặt áp lực cho bản thân để cố giữ gìn tuổi trẻ, thêm những lời chúc của người thân xung quanh đôi khi khiến họ cảm thấy thực sự rằng vẻ bề ngoài của mình “có vấn đề”.
Tôi biết chồng vẫn sẽ yêu mình nếu vài vết chân chim hay nếp nhăn xuất hiện, vậy nên đừng chúc chúng tôi xinh đẹp hơn – chỉ cần vui vẻ hơn, yêu đời hơn, luôn hạnh phúc với cuộc sống mình đang có, như vậy tốt hơn không?
“Chúc mọi người nhận được nhiều quà và xinh đẹp…”
Hơi giống lời chúc trên phải không? Nhưng đây là lời chúc gửi cho cả 10 người như một.
Video đang HOT
Tôi đang muốn nói tới kiểu lời chúc rất xã giao như vậy – chúc đại trà. Nếu đã coi 8/3 là một ngày đặc biệt với phụ nữ, với những người xung quanh bạn, hãy chúc một cách có tâm và đi vào từng con người nhất. Đừng đi ban phát lời chúc một cách vô tội vạ và nghĩ rằng ai cũng thích nó, lời chúc dành cho mẹ đã ngoài 50 và cô bạn gái mới đôi mươi sao có thể giống nhau cơ chứ?
Nếu muốn thể hiện mình quan tâm tới ai đó, hãy thực sự để tâm tới những điều mình chúc: “Anh chúc em sẽ không còn phải bận tâm vì câu chuyện nhà cửa nữa; hy vọng mày có thể đi du học, chúc con gái bố giữ vững tình yêu với âm nhạc…” Tôi tin rằng đây không phải một điều quá khắt khe hay soi mói; trên thực tế đó là cách để bạn “ghi điểm” với đối phương dù là bất cứ ai đi chăng nữa. 7,5 tỷ người trên hành tinh này đều là những cá nhân đặc biệt, tại sao họ lại muốn nhận những lời chúc giống hệt nhau?
“Chúc mày sớm có người yêu, sớm lấy chồng…”
Chúng ta thực sự đang sống trong một xã hội mà chuyện cưới xin, chồng con, tình cảm cá nhân vẫn là điều gây “ám ảnh”. Nhiều người cũng thoải mái nhưng với một số khác vốn đã sốt ruột, việc được mọi người liên tục nhắc tới câu chuyện này khiến họ càng như ngồi trên lửa đốt – ngẫm ra thì chưa chắc họ đã mong mỏi tới thế.
Có một câu chúc như vậy mà đợt nghỉ nào cũng chúc, ngày lễ gì cũng lôi ra mừng nhau: Tết chúc có người yêu, Valentine chúc có người yêu, sinh nhật mong sớm có bồ… rồi đến mùng 8/3 cũng không thoát. Tôi may mắn khi năm nay đã có chồng, không ai chúc tôi sớm có chồng như ngày xưa nữa thì lại chuyển sang: “Chúc chị mong sớm có quý tử”. Nói đến đây cũng thấy chạnh lòng cho nhiều chị em mà hoàn cảnh cũng khó có con – nghe như vậy chắc mọi người cũng thoáng buồn, dù biết rằng không ai cố ý cả. Thế mới thấy một món quà lớn hay món quà nhỏ, lời chúc dài cả trang văn hay vài ba dòng không quan trọng – điều khiến người nhận thấy hạnh phúc là được hiểu đúng và trân trọng.
Có một câu nói của triết gia nổi tiếng Immanuel Kant mà tôi rất thích, xin trích nguyên cả tiếng Anh như vậy:
“Each person must never be treated only as a means to some other end, but must also be treated as an end themselves.”
Đại ý rằng: “Mỗi người tuyệt nhiên không nên bị đối xử như một công cụ cho một mục đích nào đó, mà phải được xem trọng vì chính con người họ”.
Tôi trân trọng từng lời chúc của mọi người xung quanh nhân dịp 8/3; chỉ mong rằng những lời chúc đó thực sự vì người nghe chứ không phải để đạt được mục đích của một ai đó: Chúng tôi cần đảm đang để gia đình hạnh phúc, chúng tôi cần xinh đẹp để chồng vui… Tôi chỉ mong rằng, mọi người thực sự mong chúng tôi hạnh phúc, vui vẻ, thoải mái trong “ngày phụ nữ” và hiểu chúng tôi hơn. Như vậy là đủ để mọi cuộc tranh luận trong ngày 8/3 kết thúc.
Theo helino
Cuộc sống sẽ không vì bạn là "phái yếu" mà thương hoa tiếc ngọc: Là phụ nữ, phải nỗ lực thì mới được hưởng những điều tốt đẹp!
Sự nỗ lực của các cô gái là để bản thân có nhiều quyền lựa chọn hơn, có điều kiện và năng lực làm những thứ mà bản thân mong muốn, có tư cách để đi nếm trải cuộc sống muôn màu, mà không phải ngồi chờ đợi, bởi vì cuộc sống sẽ tuyệt đối không vì bạn là con gái mà "thủ hạ lưu tình".
01.
Mấy năm trước tôi cùng một cô bạn, tên Phương cùng thuê một căn phòng. Phương Phương là cô gái giỏi "hùng biện", bình thường hay dính lấy tôi, kể tôi nghe chuyện trước đây cô ấy đã từng học ở Sài Gòn, tổng kết lại không ngoài 3 điểm dưới đây:
- Bố mẹ giàu có, nhưng cho rất ít tiền tiêu vặt
- Bản thân phải tự kiếm tiền trang trải cuộc sống, làm nhiều công việc cùng một lúc, không có thời gian yêu đương.
- Oán trách bản thân là con gái đã khổ cực, ước ao cuộc sống sẽ được nâng niu, bao bọc như công chúa.
Cô ấy vẫn thường nói một câu: "Mình chỉ là một cô gái, vì sao lại phải vất vả như một người đàn ông? Nếu mình lấy một người có tiền, thì mìnhsẽ không nghèo như vậy nữa".
Với vấn đề đó, tôi chẳng dám gật đầu bừa.
Lúc mới đầu tôi còn nhẫn lại lắng nghe, và thi thoảng an ủi Phương. Dần dần, tôi không thể chịu được khi nghe cô ấy than vãn, kiểu nào cũng nói được, nhưng tôi yên lặng chẳng hé nửa lời.
Cho đến một lần, tôi đang vội đi làm, Phương vẫn lải nhải bên tai tôi mấy chuyện mà cô ấy trải qua về một cuộc tình sâu đậm, còn rơi cả nước mắt nữa. Lần ấy, tôi thực sự không thể chịu nổi nữa, nói với Phương suy nghĩ của tôi:
"Thật ra cái chuyện cậu từng trải qua, có nhiều người ngoài kia cũng từng trải rồi, cuộc sống với ai cũng như vậy, chẳng có dễ dàng, cũng chẳng có gì là lẽ ra phải như thế cả. Cậu cảm thấy bản thân là con gái, cho nên không cần phải vì cuộc sống mà vất vả, lẽ ra nên ngồi không hưởng thụ. Nhưng cuộc đời này sẽ chẳng bởi cậu là con gái mà ưu ái đặc biệt.
Cậu ao ước được yêu, nhưng cũng cần biết rằng, bản thân phải trở thành một người ưu tú, mới có khả năng được yêu. Khi buồn có thể tìm một chỗ để giải tỏa cảm xúc, quá khứ thì đừng nắm chặt không buông. Kỳ thực, cậu nên cảm ơn những ngày tháng năm ấy, đã dạy cậu cách sinh tồn, khiến bản thân trưởng thành, trở nên độc lập, cũng có nghĩa là nỗ lực".
Nói xong, tôi thấy trên mặt Phương có chút kinh ngạc, hồi lâu không nói câu gì, cuối cùng hẫm hực quay về phòng.
Đương nhiên tôi không có ý đả kích cậu ấy, chỉ muốn Phương hiểu một đạo lý rắng: "Cuộc sống sẽ không vì bạn là phụ nữ mà phải tươi cười với bạn, cho dù thân là con gái, cũng cần cố gắng, phấn đấu".
02
Nhớ lại thời đại học, có một cô bạn ở phòng ký túc bên cạnh tên Mai, sau khi lên đại học, cô ấy tranh thủ từng phút từng giây, học tốt môn chuyên ngành, tham gia các hoạt động xã hội, nâng cao mọi mặt của bản thân.
Trong 3 năm từ năm nhất đến năm 3, ít khi thấy cô ấy xuất hiện ở ký túc. Khi mọi người đi dạo, cô ấy ra thư viện cày cuốc các môn chuyên ngành. Khi mọi người ngủ nướng, cô ấy đã dạy sớm ra ngoài đi làm. Khi mọi người xem phim Hàn Quốc thì cô ấy đang vắt óc suy nghĩ lập mục tiêu cho cuộc sống,....
Nhớ năm 3 có một lần tổ chức hội cho các nữ sinh trong ký túc, cô ấy cũng tham gia. Giữa buổi dạ hội, có người hỏi cô ấy, "Bạn suốt ngày vất vả như thế, không mệt ư? Một cô gái nỗ lực như vậy để làm gì?"
Cô ấy cười rồi nói "Con gái thì càng phải nỗ lực, cho bản thân, để bản thân có nhiều quyền lựa chọn trong công việc, cuộc sống tình yêu; Cho gia đình, để có điều kiện kinh tế phụng dưỡng cha mẹ. Hiện tại không chịu khổ thì sau này sẽ mệt cả về thể xác lẫn tâm hồn."
Dứt câu, mọi người đều quay lại nhìn cô ấy bằng ánh mắt ngưỡng mộ.
Đến lễ tốt nghiệp, khi mọi người còn đang viết luận văn, mệt nhoài vì tìm công việc, thì Mai đã có trong tay rất nhiều lời đề nghị của các công ty lớn; Cô ấy sớm đã độc lập về kinh tế, có thể mua cho bố mẹ những món đồ đắt tiền, còn đưa bố mẹ ra nước ngoài du lịch.
Sau khi tốt nghiệp, niềm yêu thích với tranh châm biếm bộc lộ, cô ấy chọn dấn thân vào con đường kinh doanh, dùng số tiền tích góp hồi đại học mở một văn phòng.
Sau 2 năm chuyên tâm kinh doanh, công ty của cô ấy làm ăn rất tốt. Về sau, gặp được một người đàn ông mà hiện tại là chồng cô ấy, anh ấy đối với cô, quan tâm chăm sóc từng ly từng tý, cuộc sống hôn nhân ân ái mặn nồng, khiến người ngoài phải ghen tỵ.
Có thể nói, Mai đã dùng hành động để giải thích cho câu nói "Một cô gái nỗ lực để làm gi?" đầy tinh tế.
Thực sự, bình thường thấy một cô gái nỗ lực, rất nhiều người sẽ cảm thấy thực ra không cần thiết.
Nhưng có lẽ khi những cô gái đó đang lựa chọn công việc trong hàng tá lời đề nghị thì bạn vẫn như con thoi trên giảng đường; khi cả tình yêu và sự nghiệp của họ đều tốt đẹp, thì bạn có lẽ bạn vẫn đang quẩn quanh trong văn phòng nhỏ để phát triển sự nghiệp, tiền lương thì thấp; khi họ theo đuổi những thứ hàng hiệu đắt đỏ, thì bạn vẫn chỉ quan tâm đến hàng giảm giá.
Thành tích của họ trên đơn xin việc đều là những con số đẹp, nổi trội không lẫn trong một nhóm người, bước đi trên đường đời cũng ung dung tự tại, tính toán từng bước. Mà thành quả của họ ngày hôm nay, đã phải đổi bằng mồ hôi tâm huyết .
Sự nỗ lực của các cô gái là để bản thân có nhiều quyền lựa chọn hơn, có điều kiện và năng lực làm những thứ mà bản thân mong muốn, có tư cách để đi nếm trải cuộc sống muôn màu, mà không phải ngồi chờ đợi, bởi vì cuộc sống sẽ tuyệt đối không vì bạn là con gái mà "thủ hạ lưu tình".
03
Thường nghe người lớn tán dóc, dùng ngữ khí dạy dỗ với các cô gái, cái gọi là dạy dỗ đó được gọi là người từng trải truyền lại cho. "Con gái, tìm một công việc ổn định, lấy một người chồng có điều kiện, thế là được rồi, không cần phải kiếm nhiều tiền,làm ông nọ bà kia làm gì, mấy chuyện đó thì giao cho đàn ông làm".
Tôi không phục quan điểm này. Ở thời nào cũng có sự phân biệt giới tính, nhưng trong chuyện nỗ lực, phấn đấu, tôi nghĩ bất kể là nam hay nữ, chỉ cần phụ nữ phấn đấu cũng có thể làm được những chuyện đàn ông có thể làm.
Nhưng khi cuộc sống bấp bênh, cũng thấy người lớn nói rất có lý. Xuất phát điểm của phụ nữ và đàn ông trong thế giới này hoàn toàn không giống nhau, phụ nữ không cần phải vất vả, dường như đó là lẽ tự nhiên rồi. Nhưng mà, bản thân hiểu rằng, thời đại mà "Đàn ông cày ruộng, đàn bà dệt vải" sớm đã qua rồi, tư tưởng phân biệt giới tính cổ hủ cũng đang dần được loại bỏ, đàn ông ở bên ngoài làm việc, kiếm tiền nuôi gia đình, phụ nữ ở nhà làm nội trợ, nuôi con, không còn là "định luật" nữa.
Khẩu hiệu "Nam nữ bình đẳng" càng ngày càng được nhiều người ủng hộ, không có ai vì bạn là phụ nữ thì phải nhường nhịn mọi thứ, cuộc sống sẽ không vì bạn là con gái mà mọi thứ với bạn trở nên dễ dàng hơn.
Cho nên để có được sự bình đẳng thật sự , sự nỗ lực của phụ nữ là rất quan trọng.
04
Tôi từng xem qua một bài viết, trong đó có một câu khiến tôi ấn tượng sâu sắc: "Khi bắt đầu, lối suy nghĩ của chúng ta đã sai, trong thời đại này, không có cái gì gọi là "Bảo đảm công việc ổn định", cho nên không có công việc ổn định, chỉ có bản thân chúng ta là "ổn định" một chỗ mà thôi. Thử nghĩ cũng không phải là không có lý, ở xã hội mà mọi thứ biển đổi nhanh chóng này, cần có một chỗ đứng, phải dựa vào sự nỗ lực của bản thân, chỉ việc ngồi hưởng thụ chỉ có thể là mơ mộng hão huyền.
Mà quan điểm "Phụ nữ lấy một người chồng giàu, thì có thể không cần phải cố gắng phấn đấu" sớm đã không đứng vững được nữa rồi.
Vô số ví dụ trong thực tế đã chứng minh, hôn nhân không phải là một tờ phiếu ăn dài hạn, một tờ giấy đăng ký kết hôn càng không thể bảo đảm cho bạn cả đời này vô lo vô nghĩ về chuyện ăn mặc. Hôn nhân hạnh phúc, nên là phù hợp về tính cách, cùng nhau cố gắng, chứ không phải là vật chất phù phiếm, chỉ biết hưởng thụ mà không chịu lao động.
Những cô gái trong cuộc sống hôn nhân can tâm chịu làm bình hoa, khó tránh khỏi sẽ chìm trong tuyệt vọng, ngược lại những cô gái có thể duy trì trạng thái độc lập, nỗ lực, sẽ luôn mang bên mình ánh hào quang.
Các cô gái thân mến, bạn có thể có gương mặt của một cô gái nhỏ, nhưng cũng cần phải có khí thế của đàn ông, có khả năng để tự giải quyết các vấn đề; bạn có thể khóc nhè, nhưng bạn cũng phải có dũng khí của một nam tử hán, giẫm đạp lên tất cả khó khăn. Bởi vì, khi thăng quan tiến chức, trong thi cử,... không có một quy định nào là: "Ưu tiên nữ giới".
Cuộc sống không vì bạn là con gái mà tươi cười với bạn, muốn tài giỏi, có cơ hội để ngang hàng phải vế với nam giới, chính bạn phải tự cố gắng, nếu bạn tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống, học cách dùng nhiệt huyết của mình để giúp cuốc sống trở nên tốt hơn, sống tích cực và nỗ lực hơn nữa, không ham vui trụy lạc, không khoe khoang, thì cuộc sống sẽ trở thành những năm tháng bình yên.
Theo Trí Thức Trẻ
Câu chuyện về người đàn bà 10 năm chăm mộ con trai khiến MXH nghĩ về món quà ý nghĩa dành tặng mẹ nhân dịp 8/3 Câu chuyện xúc động, đánh động vào tâm can nên đã khiến cho bao người dùng mạng rơi nước mắt. Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 còn vài ngày nữa là đến, khoảng thời gian này đa số các chàng trai theo trường phái lãng mạn đều vắt óc suy nghĩ xem nên tặng quà gì cho bạn gái hoặc những cô nàng...