Tôi bị cả nhà chồng coi thường và bảo vô phúc mới cưới về
Chị chồng chỉ thẳng vào mặt tôi bảo: “Chuyện nhà tao không đến lượt mày lo. Bao nhiêu năm làm dâu, mày đem về xu nào cho nhà này chưa?”. Mấy đứa em chồng thì coi thường bảo nhà vô phúc mới cưới tôi về.
Tôi lấy chồng năm 19 tuổi, cũng năm này tôi sinh con trai. Tôi và chồng quen rồi yêu nhau khi còn học năm nhất đại học. Vì đi quá giới hạn, tôi buộc phải cưới khi mới học nửa kỳ của năm thứ 2. Lúc đó tôi mang thai được hơn 4 tháng. Vì biết trễ quá nên tôi không bỏ được. Bi kịch cuộc đời và những chuỗi ngày khốn khổ của tôi bắt đầu từ đây.
Nhà chồng cách nhà tôi hơn 200 cây số. Nhà chồng là gia đình thuần nông, có tới 5 con (gồm bà chị cả, chồng tôi thứ 2, sau anh còn 2 em trai và 1 gái nữa). Chị chồng tôi là một người dữ dằn ghê gớm, tôi vô cùng ghét chị ấy.
Trước đây chị ấy học ở Hà Nội, sau đó chị vào Nam làm chung cho gần bạn trai. Họ cũng tính chuyện cưới năm đó, nhưng sau đó chia tay nhau, không biết vì sao. Bạn trai của chị cách nhà chồng tôi mấy ngõ, giờ thì anh ta có vợ con đề huề. Chị chồng tôi 30 tuổi nhưng chưa có ai rước.
Tôi ghét chị từ lần đầu tiên gặp. Chị nhìn cái bụng của tôi bằng đôi mắt đỏ ngầu không thèm nói năng một câu. Vừa cưới xong, nhà chồng họp gia đình, chồng tôi bảo anh muốn nghỉ học đi làm nuôi vợ nuôi con. Tôi giật mình há hốc mồm khi anh chưa kịp nói hết câu thì chị tát vào mặt chồng tôi 2 cái cháy má. Rồi chỉ thẳng vào mặt anh mà chị chửi.
Tôi sinh con vào đầu mùa hè, trời nóng chảy mỡ, mẹ chồng bắt nằm than, nằm phòng tối, đi ra gió phải kín người, suốt gần tháng rưỡi không được tắm gội, không dùng quạt. Cái mùi cơ thể hôi thối tới giờ tôi còn sợ (Ảnh minh họa)
Chị bảo rằng: “Cái tát thứ nhất là ngu không biết giữ thân, cái tát thứ hai là ngu không biết suy nghĩ. Mày ăn học cho lắm vào mà đầu toàn bã đậu à? Nhà nghèo rớt mùng tơi, học không lo gái gú rồi giờ mang vạ. Uổng công tao nuôi mày tốn cơm. Từ nay trở đi mà dám nhắc đến chuyện bỏ học tao chém. Đã nuôi mày 1 năm thì 4 năm nữa tao nuôi mày và con mày được, đi làm thì trả tiền lại cho tao. Chỉ cần 1 kỳ mà không có học bổng thì đừng gọi con này là chị nữa, rõ chưa?”.
Tôi nghe chị chửi em mà thất kinh, chồng tôi nước mắt ngắn dài lí nhí đáp được chữ “Vâng”. Còn chưa hết bàng hoàng, trị xong chồng tôi, chị sai con em đi lấy roi, kéo và một con dao nhọn rồi bắt thằng thứ ba nằm sấp xuống giừơng đánh một trận thừa sống thiếu chết. Lúc đó nó cao to khỏe mạnh, đang học lớp 11 hệ bổ túc.
Nó nhuộm đầu vàng khè, nhìn bặm trợn vậy mà bị chị đánh không dám la tiếng nào. Chị đánh vì nó lêu lổng, mê game và học dốt quá. Đánh xong chị lấy kéo cắt đầu em trụi lủi lởm chởm rồi nhìn ba đứa khác bảo: “Tao vất vả nuôi mấy đứa, nếu đứa nào không biết thương chị thì đến đây cầm dao mà đâm chết tao đi. Còn không thì lo mà học cho tao, nghe chưa?”.
Tôi nghe mấy đứa em lý nhí đáp mà sợ khi nghĩ đến tháng ngày làm dâu của mình. Thỉnh thoảng, đứa nào làm sai điều gì, bố mẹ lại dọa điện thoại cho chị dạy bảo. May cho tôi, chị chỉ về mấy ngày rồi vội vã vào Nam.
Tôi phải bảo lưu học một năm, về quê chồng sống. Còn chồng trở lại trường học vài tháng về thăm vợ một lần. Tiếng là tỉnh lẻ, nhưng nhà tôi ở thị xã, bố mẹ buôn bán, kinh tế khá giả, ăn sung mặc sướng, có người làm hầu hạ chả phải đụng tay đụng chân cái gì. Vậy mà về quê chồng ở nông thôn thiếu thốn đủ thứ, quanh năm chỉ có hai mùa lúa không có gì khác.
Cả nhà chống chỉ trông vào mỗi đồng lương chị cả gửi về. Mẹ chồng tôi bị cao huyết áp, rối loạn tiền đình nên ngoài làm ruộng ra chỉ quanh quẩn trồng rau dăm ba bữa đi chợ bán. Bố chồng lúc nuôi chị học đi phụ hồ, được mấy tháng bị đau cột sống thì về, chỉ ở nhà đàn rổ rá bằng tre bán. Ông kiệm lời, cả ngày nói được vài câu.
Lúc ông nội còn sống, nhờ lương hưu với bố liệt sĩ cũng đủ nuôi chị học. Từ ngày ông mất gia đình chạy vạy vay mượn cho chị học xong. Ngoại trừ em kế của chồng học kém, 4 người ai cũng học giỏi, chồng tôi học giỏi nổi tiếng nhất, anh đậu Bách khoa với điểm chót vót.
Video đang HOT
Tôi hận chị chồng tới thấu xương, vì chị mà chồng tôi không dám về quê thăm vợ. Từ ngày cưới nhau đến lúc tôi đi học trở lại, vợ chồng gặp nhau đúng năm lần. Thậm chí đầy tháng con anh cũng không được về dù cách nhà hơn trăm cây số. Vì chị mà chồng tôi lao vào học như điên dại, học Anh văn, vi tính, vợ kề bên cũng không quan tâm. Nỗi sợ học bổng ám ảnh chồng tôi cả trong giấc ngủ.
Suốt cả thời kỳ mang thai, đúng ra từ thời lấy chồng tới nay, chưa lần nào chị điện hỏi tôi lấy một câu. Về làm dâu, tôi phải làm đủ thứ việc, chịu đủ thứ thiếu thốn. Đến cả một cái nhà vệ sinh đàng hoàng cũng không có. Thời đại này người ta bơm nước máy mà tôi giặt đồ phải kéo từng xô nước từ giếng lên. Mùa đông lạnh cóng bụng chửa vượt mặt mà vẫn phải làm quần quật.
Cả đời tôi chưa biết làm việc đồng áng, lấy chồng về phải xách liềm ra đồng gặt lúa. Tối về vật vã với những cơn ngứa từ phấn lúa, gãi chảy cả máu. Rồi thì phơi lúa, quạt lúa, đóng bì, phơi rơm. Chưa hết, tôi còn phải nấu cám lợn, quét chuồng, bốc phân, người hôi hám. Mùa đông lạnh buốt tôi không dám tắm, sợ ảnh hưởng đến con.
Mang thai thèm đủ thứ trên đời mà suốt ngày ăn cơm với cá biển, rau rồi cá đồng kho mặn, lâu lâu mới được bữa thịt. Ăn bát cơm, nghĩ tới ngày còn ở nhà mẹ đẻ mà chảy nước mắt. Điện thoại cho chồng thì anh lạnh lùng đáp “Ở không ở được thì đi”. Điện thoại về nhà, mẹ tôi thì xót, bố thì mắng bảo “Tự làm tự chịu, nhà người ta tử tế cưới về là may rồi, cấm vác mặt về nhà”.
Nhà chồng ghẻ lạnh, bố mẹ đẻ hắt hủi, chồng ở xa, những tháng ngày mang thai với tôi thật tủi nhục. Khó khăn như thế còn chưa đủ. Suốt ngày mẹ chồng tôi khoe con gái, kể lể này nọ, rồi đay nghiến oán trách vợ chồng tôi.
Bụng bầu tôi khệ nệ ra vườn trễ, bà bảo còn lâu mới bằng một góc con bà. Vừa về đến nhà vứt quần áo, tôi phải ra ruộng cấy với mẹ liền. Rồi thì cái này phải làm thế này thế kia. Suốt ngày bà lải nhải “Đẻ con so phải làm cho hàng xóm”, rồi phải vận động nhiều cho dễ đẻ.
Mấy bà hàng xóm nhiều chuyện qua nhà cạnh khóe, kể lể so sánh với chị chồng. Tôi sinh con vào đầu mùa hè, trời nóng chảy mỡ, mẹ chồng bắt nằm than, nằm phòng tối, đi ra gió phải kín người, suốt gần tháng rưỡi không được tắm gội, không dùng quạt. Cái mùi cơ thể hôi thối tới giờ tôi còn sợ. Ngày nào cũng ăn thịt kho mặn, ăn nghệ đến rùng mình, nôn ra thì mẹ chồng mắng sa sả.
Tôi ít sữa, con phải bú cả sữa ngoài. Mỗi lần mua sữa về mẹ chồng lại chì chiết “Cháu bà uống sữa của bác, lớn lên báo đáp bác chứ đừng như thằng bố mày nhá”. Nhiều lúc tôi muốn vứt luôn hộp sữa.
Tôi sinh được vài tháng thì người yêu cũ của chị chồng lấy vợ. Không biết họ chia tay khi nào, anh ta dắt một em miền Tây về, nhà bên đó không chịu. Hai vợ chồng anh ấy vác bụng bầu về, nhà anh phải chịu cưới. Mẹ chồng về khóc bù lu bù loa bảo: “Không vì hai đứa mày thì giờ cô dâu là con tao rồi”. Cho tới giờ, mỗi lần Tết, anh ta bồng con sang chơi, mẹ chồng lại bảo với chồng “Đấy, mở mắt ra chưa, không vì mày thì giờ cháu họ là cháu tao đấy”.
Chồng tôi cúi đầu im lặng. Nhiều lúc bực quá tôi bảo chuyện qua rồi mẹ nhắc lại làm gì, chắc gì không có bọn con, anh chị ấy đã cưới, duyên số hết rồi. Mà đâu phải chỉ mình chồng tôi ăn bám chị. Mẹ chồng giận, bỏ cơm, chồng mắng tôi, mấy đứa em chồng coi thường bảo nhà vô phúc mới cưới tôi về.
Sinh con được 8 tháng thì tôi phải để con lại nhà chồng, quay lại học nốt ba năm còn lại. Chị chồng bảo về lý không lấy chồng thì bố mẹ tôi phải nuôi con. Giờ lấy chồng rồi, nuôi con học tiếp hay không là ở bố mẹ tôi. Nếu bố mẹ tôi không nuôi thì bỏ học chứ chị ta không có trách nhiệm nuôi tôi.
Không cần chị ta nói, tôi cũng chả cần. Đã thế, mỗi tháng nhà chồng chỉ cho tôi về với con một lần, còn chồng một học kỳ chỉ được về nhà một lần. Cả nhà sợ chị chồng nên không ai dám cãi, vì chị ta, mà nhớ con đến phát điên tôi cũng không được gặp, cương sữa phải vắt bỏ hay cho chó nhà chủ trọ uống mà con không được bú. Có khi nhớ quá, tôi về tận ngõ nhà chồng rồi mà còn bị em chồng đuổi đi.
Đến khi ra trường, đi làm mà con tôi cứ bám lấy bà nội, không theo mẹ. Tất cả là tại chị chồng mà ra. Sau mấy năm vất vả, nhẫn nhục, vợ chồng tốt nghiệp xoay sở kiếm việc. Bố mẹ cho tôi cái xe, nhà chồng cũng mua cho chồng cái xe, mẹ chồng lại chì chiết “Mày đi học chị nuôi, lấy vợ chị mày lo, con mày chị mày nuôi, giờ cái xe chị mày cũng mua. Ơn này biết khi nào mà hết. Thương chị ráng giúp bố mẹ lo cho hai đứa em, để chị nó lo cho cuộc sống của nó nữa. 30 tuổi rồi, người ta con đàn con đống nó chưa có gì”.
Tôi bảo “Nhà con bố mẹ lo cho con cái hết, trách nhiệm lo cho con cái là của bố mẹ. Vợ chồng con mới ra trường, lương tháng còn chưa đến 6 triệu, lo ăn uống, sữa cho con còn không đủ lấy gì nuôi em”. Ấy vậy mà cả nhà chồng tôi giận, một hai không nhận tiền của chồng tôi.
Đưa con lên thành phố học, tốn kém đủ thứ, tiền bạc thiếu trước hụt sau, con thì suốt ngày quấy khóc đòi bà, nhiều lúc bực bội tôi muốn gửi về quê thì nhà nội không cho. Chồng tôi đi về cằn nhằn chuyện tiền bạc. Anh bảo “Chị tôi ngày trước có 5 triệu bạc mà nuôi cả chồng cô, con cô và cả nhà tôi đấy. Còn cô 6 triệu mà còn kêu đói khổ, vì cô mà tôi mất anh mất em”.
Chồng tôi nào có biết ở thành phố trăm thứ phải lo, đi làm cũng phải quần áo tươm tất, chi tiêu cái này cái khác. Mới đi làm mấy tháng sao mà lo hết được. Tôi cũng biết ơn chị chồng nhiều, nhưng hoàn cảnh bây giờ sao mà lo cho nhà chồng.
Dù sao nhà cũng còn chị chồng, em kế chồng làm tài xế, kinh tế đỡ khó khăn hơn xưa, đâu cần phải nhờ vợ chồng tôi giúp. Mỗi lần về, nhà chồng bóng gió chửi vợ chồng tôi ăn cháo đá bát, chồng lại đay nghiến tôi. Thật không gì khổ bằng lấy chồng nghèo, nhà đông con.
Tôi cũng định bụng dành dụm tiền bạc gửi trả lại cho chị chồng đầy đủ số tiền suốt mấy năm qua. Tôi không thích phải nghe họ lải nhải, kể lể ơn huệ vì khó chịu vô cùng. Tết rồi, chị chồng về ăn Tết. Mấy năm chị không về, nhà tôi cứ như là đón tổng thống, làm cái này cái kia, người ra người vào thăm hỏi tấp nập.
Đến 28 Tết thì vợ người yêu cũ tới tận nhà đánh ghen. Chị vợ ấy đứng chống nạnh mà chửi nhà chồng “Có con mà không biết dạy, để nó đi quyến rũ chồng tôi”. Ấ vậy mà chị chồng im bặt, không nói gì. Tôi hả hê lắm, rõ đẹp mặt, chắc tình cũ không rủ cũng tới, chắc lại dẫn nhau đi nhà nghỉ để vợ người ta sỉ cho. Tôi khinh! Sao ở nhà đành hanh nạt nộ em út thế mà người lạ bắt nạt lại tịt ngòi. Đúng là khôn nhà dại chợ.
Rồi cả nhà bàn chuyện vay mượn tiền bạc cho cậu em kế đi xuất khẩu lao động bên Nhật. Nói thật, nhà chồng tôi bán hết nhà cửa đất đai còn chưa nổi 30 triệu, vậy mà đào đâu ra 300 triệu. Bà chị chồng khoán thẳng cho chồng tôi lo 100, còn lại 200 chị lo.
Chuyện vô lý và hoang đường hết sức, biết đào đâu ra. Tôi nói, cả nhà chồng vào hùa bắt nạt tôi. Chị chồng chỉ thẳng vào mặt tôi bảo: “Chuyện nhà tao không đến lượt mày lo. Bao nhiêu năm làm dâu, mày đem về xu nào cho nhà này chưa?”. Đó là do nhà chồng không nhận chứ không phải nhà tôi không có. Con gái là con người ta, con dâu mới thật mẹ cha mua về. Dù sao tôi cũng là dâu, tôi phải có tiếng nói chứ.
Chị chồng chỉ thẳng vào mặt tôi bảo: “Chuyện nhà tao không đến lượt mày lo. Bao nhiêu năm làm dâu, mày đem về xu nào cho nhà này chưa?” (Ảnh minh họa)
Tôi cãi, chị bảo chồng: “Mày về dạy lại con vợ mày, nó không có tư cách nói chuyện với chị”. Tôi tức quá bảo “Cái loại gái đi cướp chồng người khác cũng không có tư cách nói chuyện với tôi”. Chị ta chỉ vào chồng tôi bảo: “Đừng để chị thấy mặt vợ mày lần nào nữa” rồi quay sang trừng mắt nhìn tôi nói: “Nói cho em biết nhé, chị không phải đứa hư thân như mày đâu. Nếu chị là đứa ích kỷ như em thì giờ con chị gả cho em rồi”.
Trong đêm tối lạnh căm, sắp Tết, chồng đón xe đuổi tôi về nhà trong nỗi ê chề. Tôi không cần người đàn ông nhu nhược ấy, không cần cái gia đình nhà chồng nghèo hèn mà bà chị chồng làm vương tướng đó. Nhưng tôi cần con.
Tôi mang nặng đẻ đau, cực khổ trăm bề vì con. Đến bây giờ, khi tôi có thể chăm lo cho con được thì nhà chồng đòi nuôi con. Có thể tôi không phải là vợ hiền, dâu thảo, nhưng tôi sẽ tròn trách nhiệm người mẹ. Đến giờ nhà chồng không cho gặp con. Sắp đến ngày tòa xử ly hôn, tôi phải làm sao mới giành quyền nuôi con đây mọi người?
Theo VNE
Nhà vợ quá nghèo, vừa kết hôn tôi đã hối hận
Tất cả từ bố mẹ, ông nội và cô em gái của tôi đều hài lòng về Linh. Tuy nhiên khi biết Linh là cô gái xuất thân từ nông thôn, gia đình cơ bản đều làm nông thì những ánh mắt ái ngại bắt đầu xuất hiện.
Tôi dân Hà Nội chính gốc. Bố mẹ đều là công chức đã nghỉ hưu. Cách đây vài năm, qua bạn bè giới thiệu tôi đã làm quen với Linh - là vợ tôi bây giờ. Dù là cô gái xuất thân từ vùng quê nghèo Phú Thọ, nhưng Linh là cô gái khá ưa nhìn, tính cách hiền hoà, dịu dàng. Rồi khi tình yêu chín muồi, tôi đã dẫn Linh về ra mắt bố mẹ.
Kết hôn chưa đầy ba tháng, tôi dần thấy hối hận vì nhà vợ cứ liên tục gọi điện "viện trợ" tiền.
Tất cả từ bố mẹ, ông nội và cô em gái của tôi đều hài lòng về Linh. Tuy nhiên khi biết Linh là cô gái xuất thân từ nông thôn, gia đình cơ bản đều làm nông thì những ánh mắt ái ngại bắt đầu xuất hiện.
"Linh là cô gái tốt mọi mặt, nhưng hoàn cảnh gia đình phải xem lại con ạ. Linh là con gái đầu. Là chị cả của bầy em đến 6 người. Chưa gì mà nó đã kể năm mấy vụ lúa dù làm quần quật cả ngày mà chẳng đủ ăn đấy thôi" - mẹ tôi suốt ngày rót vào tai tôi những lời kêu ca như vậy hòng để tôi suy nghĩ lại khi chưa quá muộn.
Thuyết phục mãi chẳng xong, bố tôi cuối cùng cũng nản và tuyên bố: "Vậy kệ mày. Mày yêu mày cứ lấy. Sau sướng khổ gì mày chịu".
Rồi đám cưới của tôi và Linh cũng được tổ chức. Dù không hài lòng, có phần bất mãn nhưng bố mẹ tôi vẫn đứng ra lo chu toàn từ A-Z cho tiệc cưới được đàng hoàng, tươm tất. Tiệc cưới diễn ra ở một trong những khách sạn có tiếng ở Thủ đô, rồi dàn xe đưa rước dâu khá hoành tráng... Tất nhiên, tất cả mọi khoản cho đám cưới, nhà trai đều bỏ ra. Thậm chí tôi còn dấm dúi bố mẹ đưa thêm tiền cho Linh để cô ấy lo trang trải vài thứ cho bên nhà gái.
Cuộc sống sau khi kết hôn nói chung tạm ổn. Linh là cô gái khéo léo, biết cách thu xếp việc nhà, chợ búa cơm nước nên gần như cô ấy không để mếch lòng bố mẹ chồng bao giờ. Nhưng rồi lần lượt chuyện này hết chuyện khác xảy ra khiến tôi dần mất kiên nhẫn, chán nản.
Đầu tiên là việc em trai Linh chuẩn bị thi đại học. Đích thân bố mẹ cô ấy gọi cho tôi, ra chỉ thị "nhờ" tôi lo giúp mọi khoản cho cậu ấy. Rồi còn dặn dò, nếu cậu em vợ đỗ được đại học, vợ chồng tôi với điều kiện kinh tế khá giả hơn hãy lo cho cậu ấy từ chỗ ở, đến chi phí sinh hoạt trong suốt 4 năm sinh viên.
Chưa hết, gần 10 ngày nay bố mẹ vợ liên tục gọi điện bảo muốn sửa lại ngôi nhà đang ở. Mang tiếng là sửa nhưng nghe qua cũng hiểu hai cụ gần như muốn xây mới lại căn nhà với lý do các em của Linh lớn của rồi, chỗ ở cần thoáng hơn. Nhưng điều khiến tôi thắc mắc là tiền các cụ không có lấy một cắc, sao có thể mở miệng bảo vợ chồng tôi cho mượn. Người ta có thể thiếu ít nhiều nên mới mượn, đằng này theo như tôi hiểu là bố mẹ vợ muốn tôi cho mượn 100% tiền sửa nhà.
Nhìn lại ông nội tôi, cụ tuy đã già nhưng tôi chưa một lần nào chứng kiến cụ đòi hỏi bố mẹ tôi phải chu cấp, phải lo cho cụ cái này hay mua cho cụ cái kia. Thậm chí cụ còn giúp đỡ bố mẹ, giúp đỡ tôi rất nhiều. Như chiếc xe ô tô mà tôi đang sử dụng, có đến nửa số tiền là ông cho tôi.
Tất nhiên còn thêm nhiều chuyện vặt vãnh khác liên quan đến nhà bố mẹ vợ và các em vợ tôi nữa và chuyện nào cũng liên quan đến vấn đề tiền bạc. Nói tóm lại, gia đình vợ tôi luôn luôn cần sự giúp đỡ về tiền bạc. Chẳng phải tôi ki bo, tôi chặt chẽ hay quá khó khăn nhưng làm sao mà không thể nghĩ, thôi không đau đầu, chán nhà vợ mình khi từ lúc cưới đến giờ, cứ có cuộc gọi đến nào của nhà vợ cũng đều một lý do: Xin tiền.
Trước khi cưới, bạn bè tôi đã bảo: Đừng xem thường đồng tiền, đừng đề cao hay lý tưởng hoá tình yêu. Chỉ cần giữa vợ chồng gặp khúc mắc về chuyện tiền nong cũng là mồi lửa có thể thiêu đốt cuộc sống hôn nhân bất cứ lúc nào. Ngẫm lại giờ tôi lại thấy đúng. Và tôi thừa nhận tôi đang hối tiếc vì đã phớt lờ những lời khuyên can của gia đình và dần thấy hối hận với cuộc hôn nhân này.
Theo VNE
Tại sao nhà nghèo anh lại ăn chơi như vậy Thật không ngờ, anh nói nhà anh ở thành phố nhưng lại ở huyện, vùng xa nhất của thành phố đó. Khu đường nhà anh đang làm, cũ kĩ và bụi bẩn, lại gồ ghề khó đi. Ngày yêu nhau, anh nói anh ở tỉnh nhưng lại là thành phố lớn. Thiết nghĩ thời nay, người ở một thành phố lớn như thế,...