Tới Bắc Kinh, Ngoại trưởng Mỹ chỉ trích Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông
Trong chuyến thăm tới Trung Quốc, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 14/6 đã bày tỏ quan ngại về các hành động quân sự hóa trái phép của Bắc Kinh trên Biển Đông.
Ngoại trưởng Mike Pompeo gặp Chủ tịch Tập Cận Bình tại Bắc Kinh ngày 14/6 (Ảnh: AFP)
Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ, trong chuyến đi đầu tiên tới Trung Quốc với tư cách người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã có các cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị vào ngày 14/6. Thông cáo cho biết Ngoại trưởng Pompeo đã khẳng định các lợi ích của Mỹ trong việc thúc đẩy mối quan hệ mang tính xây dựng và dựa trên kết quả cụ thể giữa Mỹ và Trung Quốc.
Trong chuyến đi tới Bắc Kinh, Ngoại trưởng Pompeo đã đề cập tới nhiều vấn đề nằm trong mối quan tâm của Mỹ và Trung Quốc, trong đó có vấn đề Biển Đông.
“Ngoại trưởng Pompeo tái khẳng định mối quan ngại sâu sắc về việc xây dựng và quân sự hóa các căn cứ trên Biển Đông, cũng như những hành động làm gia tăng căng thẳng, phức tạp hóa và leo thang tranh chấp, gây nguy hiểm cho dòng chảy tự do thương mại và làm tổn hại tới ổn định khu vực”, thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ.
Chuyến đi tới Trung Quốc của Ngoại trưởng Pompeo diễn ra ngay sau khi ông tháp tùng Tổng thống Donald Trump tới Singapore dự hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều. Ông Pompeo đã thông báo kết quả hội nghị tới các nhà lãnh đạo và quan chức Trung Quốc, đồng thời khẳng định Washington “muốn một cơ chế hòa bình ổn định và lâu dài” trên bán đảo Triều Tiên.
Video đang HOT
Trước đó, tại Đối thoại Shangri-La 2018 ở Singapore ngày 2/6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis tuyên bố sẽ tiếp tục theo đuổi “mối quan hệ mang tính xây dựng, mang lại kết quả với Trung Quốc, hợp tác khi có thể, và cũng đối đầu cứng rắn nếu cần”.
“Chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông đi ngược lại với sự cởi mở mà chiến lược của chúng tôi hứa hẹn mang lại, điều này làm dấy lên hoài nghi về mục tiêu thực sự của Trung Quốc”, Bộ trưởng Mattis nói.
Những tuyên bố cứng rắn của các quan chức Mỹ được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc bị “tố” có những hành động gia tăng quân sự hóa trái phép ở Biển Đông. Những tuần gần đây, Trung Quốc đã ngang nhiên triển khai hệ thống tên lửa phòng không, máy bay ném bom H-6K đến quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Thành Đạt
Theo Dantri
Tàu Trung Quốc bị "tố" bám đuổi tàu Pháp trên Biển Đông
Một tàu chiến của Trung Quốc được cho là đã thách thức hoạt động của tàu quân sự Pháp khi tàu này di chuyển gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông.
Tàu hộ vệ của Hải quân Pháp (Ảnh: Hải quân Pháp)
Trong bài viết được đăng trên Thời báo Phố Wall, Jonas Parello Plesner, nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Hudson, cho biết một tàu chiến Trung Quốc gần đây đã thách thức một tàu quân sự Pháp hoạt động gần các đảo nhân tạo do Bắc Kinh bồi đắp trái phép trên Biển Đông.
Theo Plesner, các tàu hộ vệ và tàu tuần dương của Trung Quốc đã theo sau tàu Pháp khi tàu này đi qua quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông. Tàu Trung Quốc thậm chí còn ngang nhiên thông báo qua radio rằng đây là khu vực thuộc chủ quyền của Trung Quốc và lớn tiếng hỏi "ý định" của tàu Pháp là gì khi hoạt động trong khu vực này.
"Khi đó tôi đang ở trong đài chỉ huy với tư cách là quan sát viên, lời đáp trả của tàu quân sự Pháp (với tàu Trung Quốc) lịch sự nhưng ngắn gọn. Phía Pháp nói rằng các tàu của họ đang hoạt động trong vùng biển quốc tế", ông Plesner kể lại.
Ông Plesner cũng cho biết các tàu Trung Quốc "đã bám đuôi sát sao" tàu quân sự Pháp khi tàu này đi qua đá Chữ Thập, đá Vành Khăn và đá Xu bi tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Trong bài viết trên Thời báo Phố Wall, Plesner khẳng định Pháp đã tiến hành các hoạt động tuần tra đảm bảo tự do hàng hải trên Biển Đông từ năm 2014.
"Tổng thống Emmanuel Macron đang xây dựng mối quan hệ quốc phòng lớn mạnh hơn với Ấn Độ và Australia, và ông ấy dường như đang đánh giá một cách thực tế sự thách thức ngày càng tăng của Trung Quốc. Đây là sự thay đổi đáng hoan nghênh của ông Macron so với các tổng thống tiền nhiệm - những người từng bị lôi cuốn bởi các cơ hội kinh doanh và đầu tư tại Trung Quốc", ông Plesner nói thêm.
Theo ông Plesner, "Pháp đang tập hợp các quốc gia châu Âu khác để cùng hành động sau khi đưa ra các tuyên bố về tự do hàng hải".
Tại Đối thoại an ninh Shangri-La gần đây ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly nhấn mạnh Pháp sẽ tiếp tục thực thi các sứ mệnh tại Biển Đông cùng với Anh và Đức. Theo Bộ trưởng Parly các tàu của Pháp đã di chuyển qua Biển Đông ít nhất 5 lần trong năm 2017.
Bà Parly cho biết một nhóm chuyên trách về hàng hải của Pháp cùng với tàu và trực thăng Anh sẽ thăm Singapore, sau đó tiến vào "một số khu vực nhất định" ở Biển Đông. Theo Bộ trưởng Parly, mặc dù Pháp không có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, nhưng việc tuần tra tự do hàng hải định kỳ như vậy cùng với "các đồng minh và bạn bè" sẽ góp phần củng cố một trật tự dựa trên luật pháp quốc tế.
Cũng tại Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson cho biết trong năm nay nước này sẽ điều 3 tàu chiến tới Biển Đông nhằm duy trì trật tự dựa trên luật pháp. Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis ngày 2/6 cảnh báo, Trung Quốc có thể đối mặt với hậu quả lớn hơn nếu tiếp tục quân sự hóa Biển Đông.
Thành Đạt
Theo Dantri
Mỹ kêu gọi Úc thách thức Trung Quốc ở Biển Đông Trung tướng David Berger, Tư lệnh lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ ở Thái Bình Dương, bày tỏ mong muốn Úc cùng tham gia biểu dương sức mạnh hải quân và không quân nhằm thách thức tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở biển Đông. Trong chuyến thăm Canberra hôm 8-6, ông Berger nhấn mạnh mỗi quốc gia phải...