Tội ác kinh hoàng trong xã hội hiện đại (Kỳ 2)
Thời gian qua, trên địa bàn cả nước liên tiếp xẩy ra những vụ án giết người man rợ, rúng động dư luận. Những kẻ thủ ác, dù đó là một trí thức hay không phải trí thức đều không hề biết quý trọng tính mạng và giá trị sống của một con người, đã gây ra những tội ác kinh hoàng. Tội ác đã bị trừng trị nhưng những tội ác mới vẫn liên tiếp diễn ra. Vậy đâu là căn nguyên thực sự của tình trạng bạo lực, tội ác gia tăng hiện nay?
“Cái ác đã ẩn náu trong họ từ lâu!”
Tiến sỹ xã hội học Trịnh Hoà Bình cho rằng: Có rất nhiều tội ác xuất phát từ những suy nghĩ lệch lạc. Lại có những kẻ thủ ác giết người với sự khoái trá. Với nhiều người, cái ác đã ẩn náu trong họ từ lâu. Khi có cơ hội, cái ác bùng nổ phá vỡ “màng văn hoá” mỏng manh anh ta đang có để gây tội ác. PV đã có cuộc trao đổi với TS Trịnh Hòa Bình xung quanh các vấn đề trên.
- Ông nhìn nhận ra sao về những tội ác man rợ trong đời sống liên tục diễn ra gần đây?
Đúng là vấn đề bạo lực rộ nên trong thời gian qua và vấn đề này hoàn toàn không phải do báo chí truyền thông săm soi chuyện giật gân. Nhưng một xã hội phát triển, văn minh cũng là ngòi nổ cho rất nhiều tội ác giết người.
Theo tiến sĩ xã hội học Trịnh Hoà Bình, do cuộc sống hiện đại có quá nhiều áp lực đã trở thành “ngòi nổ” của nhiều tội ác!
Trong đời sống xã hội hiện đại, con người đứng trước nhiều áp lực trong cuộc sống và thách thức trong mưu sinh. Những áp lực ấy nếu có điều kiện sẽ bật bung ra và người ta gây ra tội ác.
Mặt khác, trong xã hội nhiều người vẫn có tâm lý cho rằng “kẻ mạnh và cường quyền vẫn luôn thắng” nên có xu hướng dùng bạo lực ở nhiều người. Trong điều kiện bình thường, ý thức luật pháp, tình yêu con người đè nén nên cái ác không đủ sức bật ra. Nhưng khi người ta không có chiều sâu, không có “màng văn hoá” bao bọc thì một lúc nào đó, cái ác thắng thế và thế là những tội ác diễn ra.
- Có một thực tế là những kẻ thủ ác hiện nay, dù đó là một trí thức hay không phải trí thức đều tiến hành tội ác một cách rất nhanh gọn, lạnh lùng. Tại sao lại có một điểm chung ghê rợn giữa những này mà trước đó, họ là những con người rất khác nhau?
Tôi cho rằng điểm chung của những kẻ thủ ác ấy xuất phát từ sự rẻ rúng mạng sống của một con người. Sự rẻ rúng ấy là do sự lệch lạc giá trị đời sống. Họ không biết tôn thờ những giá trị chuẩn mực, không có lẽ sống nên người ta mới nghĩ việc tước đoạt mạng sống người khác là cực kỳ đơn giản.
Vì vậy, mới có chuyện một kẻ giết người trí thức như Nguyễn Đức Nghĩa nhưng hậu quả hắn gây ra cũng chả khác mấy kẻ giết người trong vụ án giết bà Phó Bí thư quận uỷ tại Thành phố Hồ Chí Minh mới đây. Thậm chí, không khác với vụ nông dân cầm dao giết 4 mạng người mới đây trên Phú Thọ, hay vụ kẻ thủ ác cầm búa định giết 7 người trong Thành phố Hồ Chí Minh.
Không biết quý trọng mạng sống của con người nên Nguyễn Trọng Nhân và Lương Hoài Sang đã không ghê tay khi tiến hành giết một người vô can là một Phó bí thư Quận uỷ tại thành phố Hồ Chí Minh.
Nó giống nhau ở chỗ các đối tượng đều không nhận thức được giá trị sống của một con người và giống ở sự ra tay giết đối tượng rất nhanh gọn, rất tàn độc và hầu như không có nhiều suy nghĩ trước việc gây ra tội ác của mình. Nó chỉ khác ở chỗ là sau khi gây tội ác, kẻ trí thức biết cách nguỵ tạo và chạy trốn tinh vi hơn, trong khi kẻ ít học thì ngược lại.
Video đang HOT
Nhưng qua tất cả những vụ giết người ghê rợn, tôi thấy một điều rằng, trong xã hội hiện đại, mọi cái trở nên giản đơn hơn. Cái nguy hiểm của xã hội hiện đại ghê sợ ở chỗ ấy. Đó là mọi thứ đều rất đơn giản và nhanh chóng, kể cả đó là việc tước đoạt mạng sống của một con người.
- Có nhiều cách lý giải nguyên nhân của một tội ác nào đó. Nhưng việc những người thân trong cùng gia đình đâm chém, giết nhau man rợ vì những nguyên nhân hết sức vu vơ mà báo chí đã nêu gần đây thì sao? Tại sao những vụ giết người thương tâm như thế vẫn cứ diễn ra?
Đúng là mới đây tôi có đọc được chuyện anh em người ta giết nhau vì những lý do hết sức vu vơ: như em giết anh vì cãi nhau trong cuộc nhậu; hay em giết anh để trả thù việc bị anh hay mắng nhiếc. Sự thật thì ở đâu đó, những tội ác như thế vẫn diễn ra.
Nhưng, như tôi nói ở trên, vì cuộc sống ngày nay người ta có quá nhiều áp lực chuyện mưu sinh. Vì những ức chế giữa các thành viên trong quá khứ. Đặc biệt, vì cái ác luôn hiện hữu trong mỗi con người nên một khi “màng văn hoá” của họ không đủ để kìm hãm cái ác, cái ác sẽ thắng thế và tội ác mà cộng đồng cho là rất ghê rợ nhưng kẻ thủ ác lại gây ra hết sức tự nhiên.
Một kỹ sư cơ khí có học thức nhưng đã vô cảm đến nỗi, liên tiếp thực hiện tội ác để giết chết một thanh niên mình không hề quen biết trong vụ tai nạn đêm 18/9!
- Nếu coi nguyên nhân dẫn đến tội ác do kẻ thủ ác không sâu sắc, do những ức chế trong quá khứ mà gây ra tội ác, thì vụ một kỹ sư cho xe ô tô chèn chết một thanh niên mới đây tại Hà Nội: Một người có học thức, không hề quen biết nạn nhân vẫn gây ra tội ác ghê rợn như thế được giải thích vì sao?
Việc nhiều tài xế cố tình giết chết người bị nạn đúng là gây phẫn uất trong dư luận. Người ta cũng đã có nhiều cảnh báo cho chuyện này. Nhưng, những điều cảnh báo tưởng đã thuộc lòng ấy nó vẫn không đủ “độ chín” trong người ta. Vì thế, mới có những hành vi thủ ác liên hoàn mà kẻ thủ ác thực hiện nhiều khi trong trạng thái khoái trá.
Tôi nghĩ, việc những tài xế cố tình gây tội ác liên hoàn vì họ nghĩ nhiều khi đi tới cùng một tội ác cũng là cách trốn chạy thông minh. Nhưng sự thật, cách trốn chạy ấy lại chẳng thông minh chút nào. Chính vì thế, sau khi thực hiện được hành vi giết người, người ta mới hối tiếc.
- Như vậy là xã hội càng phát triển thì tội ác càng nhiều. Vậy, có cách nào để chế ngự và hoá giải cái ác lúc nào cũng tiềm ẩn trong mỗi con người không thưa ông?
Nếu chúng ta làm phép cộng các tội ác thì đáp số đúng là tội ác ngày một gia tăng. Nhưng một xã hội phát triển văn minh cũng là ngòi nổ cho rất nhiều tội ác giết người thì chúng ta phải thừa nhận.
Chúng ta chỉ có cách giảm thiểu tội ác bằng cách phải biết sống với áp lực, hoá giải áp lực và tìm kiếm một cuộc sống nhân văn. Đặc biệt, chúng ta phải cố gắng tìm kiếm sự tốt đẹp ở những người khác. Khi ấy, chúng ta mới hiểu được và trân trọng ý nghĩa cuộc sống của những người xung quanh cũng như ý nghĩa cuộc sống của chính mình.
Theo VNN
Tội ác kinh hoàng trong xã hội hiện đại
Liên tục trong vài năm gần đây, xã hội phải bàng hoàng trước những tội ác ghê rợn mà kẻ thủ ác gây ra cho đồng loại. Có những tội ác đã gieo vào lòng người dân nỗi hoang mang. Không ít vụ trọng án mà các chuyên gia tội phạm học dày công nghiên cứu cũng không thể tìm ra được đâu là nguyên nhân khiến những kẻ thủ ác có thể xuống tay một cách tàn độc.
Ghê sợ tội phạm giết người hàng loạt
Cách đây không lâu, một vụ án dạng giết người hàng loạt đã làm xã hội lo lắng. Đó là vụ tên Dương Văn Nuôi dùng búa định hạ sát cả 7 người tại Thành phố Hồ Chí Minh, mà phần lớn đều là người trong một gia đình, vốn là ân nhân đã nhận Nuôi vào làm việc.
Sát thủ giết người hàng loạt Dương Văn Nuôi
Việc kẻ thủ ác định giết liền một lúc 7 người là một hành vi giết người hàng loạt. Dư luận xã hội càng kinh hoàng hơn khi hung thủ khai động cơ giết người của hắn. Đó là khi hắn chán công việc và đã có ý định tự tử từ lâu, nhưng lại nhút nhát đến nỗi, không dám chết một mình. Vì vậy, hắn đã ra tay định hạ sát tàn độc nhiều người trước khi đi đến hành động tự tử nhưng không thành.
Dương Văn Nuôi
Trước đó, một vụ giết người, cũng được coi là giết người hàng loạt đã diễn ra tại tỉnh Phú Thọ. Kẻ thủ ác là Nguyễn Công Dụng, sau khi dùng dao giết chết vợ chồng anh Nguyễn Công Chính, nghĩ rằng đàng nào cũng sẽ bị kết án tử hình, nên Dụng đã đi... giết tiếp chị Cao Thuỳ Thơm và con trai, những người từng có chút mẫu thuẫn trước đó với hắn.
Trao đổi với PV, PGS -TS Nguyễn Văn Nhật, Giám đốc Trung tâm Tội phạm học (Học viện Cảnh cát Nhân dân) cho biết, tội phạm giết người hàng loạt vốn phổ biến ở Mỹ và các nước phương Tây. Mới đây, tội phạm này xuất hiện liên tục tại Trung Quốc. Ở Việt Nam, tội phạm giết người hàng loạt cũng đã xuất hiện và nó khiến dư luận xã hội hết sức hoang mang.
PGS-TS Nguyễn Văn Nhật: Tội phạm gia tăng một phần vì giới trẻ ngày nay thiếu lý tưởng sống!
Tiến sỹ Nhật cho biết, trước khi 2 vụ giết người hàng loạt vừa diễn ra, nhiều vụ giết người hàng loạt cũng đã xuất hiện. Ông lấy ví dụ trước đó, tại Bắc Ninh, một kẻ vì ghen với vợ cũ có "bồ", tên này đã cho cài thuốc nổ vào nhà vợ cũ với ý định giết cả vợ và tình địch. Thật không may cho kẻ thủ ác, vì khi thuốc bị kích nổ, hắn đã không kịp chạy, cũng chết ngay trong vụ mưu sát.
Tiến sỹ Nhật cho rằng, tội phạm giết người hàng loạt xuất hiện là một tình trạng rất đáng báo động. Bởi loại tội phạm này có xu hướng dùng bạo lực để giải quyết vấn đề, thay vì hàng trăm phương cách khác có thể giải quyết sự việc. Một khi đã dùng bạo lực, kẻ giết người hàng loạt có xu hướng sẽ giết tất cả những người được cho là có ân oán với mình, thậm chí cả những người vô tình chứng kiến sự việc. Vì vậy, hậu quả của những vụ giết người hàng loạt vô cùng thương tâm.
Hạ tay tàn độc vì coi người thân như... kẻ thù!
Tháng 9 năm 2010, liên tiếp chỉ trong ít hôm, dư luận hai tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình và cả nước bàng hoàng trước hai vụ trọng án mà kịch bản và đối tượng phạm tội giống nhau y hệt: em trai giết anh ruột dã man vì những mâu thuẫn hết sức vu vơ.
Đó là vụ Nguyễn Chiến Thắng (23 tuổi) ở xã Sơn Lâm, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh), vì mâu thuẫn với anh trai nên rạng sáng ngày 19/9, khi anh trai đang ngủ, Thắng đã dùng dao cắt đứt cổ anh cho đến chết.
Vì một mâu thuẫn nhỏ, Nguyễn Chiến Thắng đã ra tay hạ sát chính anh ruột của mình!
Trước đó, ngày 10/9, trong bữa nhậu, do có mâu thuẫn từ trước nên Nguyễn Trường Giang 36 tuổi (phường Đồng Sơn, Đồng Hới, Quảng Bình) đã dùng gậy đánh chết chính anh trai là Nguyễn Anh Đào. Sau khi anh Đào đã chết trong vũng máu, Giang đã lẳng lặng bỏ đi.
Có một sự thật đáng buồn là hai vụ án "huynh đệ tương tàn" này không phải là hai vụ án đau lòng duy nhất từng xảy ra. Bởi, những vụ án tương tự vẫn cứ liên tục xảy ra ở đâu đó, chỉ vì những lý do hết sức vu vơ, khiến người thân trong gia đình kẻ thủ ác càng thêm đau khổ.
Tiến sỹ Nguyễn Văn Nhật cho biết: Những vụ án người thân giết nhau vẫn xảy ra, bởi cho đến khi gây án, kẻ thủ ác mang trong mình sự căm thù tột độ với những người trong cùng một gia đình.
Ông lấy ví dụ vụ thanh niên Nghiêm Viết Thành giết rồi chặt xác cha thành 4 khúc để phi tang tại Hải Dương cách đây không lâu. Trước khi đi đến hành vi giết cha man rợ, Thành cho rằng, cuộc sống của hắn bị chính người cha ép bức, dồn nén. Vì vậy, khi hắn dùng dao chém người cha mười mấy nhát trước khi chặt xác làm 4 khúc đem phi tang là hành vi thể hiện sự căm thù tột độ. Khi ấy, hắn không thấy kẻ bị giết là cha mình nữa, mà đó là một kẻ cần phải thủ tiêu.
Tương tự, hai vụ án em giết anh trai ở Quảng Bình và Hà Tĩnh cũng vì rất nhiều những mâu thuẫn trước đó cộng dồn lại. Vì vậy, khi kẻ thủ ác xuống tay hạ sát người thân trong gia đình, chúng cũng chỉ thấy hành động đó là để thủ tiêu kẻ thù, chứ kẻ thủ ác không thấy người bị giết là máu mủ, ruột rà nữa.
Giết người để... giải toả stress và mong nổi tiếng!
Không chỉ giết người vì thù hận hay để trả nợ những ân oán, gần đây, có rất nhiều tội ác ghê rợn mà theo tiến sỹ Nguyễn Văn Nhật, kẻ thủ ác gây tội chỉ đơn thuần như một hành vi để... xả stress, thậm chí mong cả sự nổi tiếng.
Tiến sỹ Nhật cho biết, cách đây không lâu ở tỉnh Tiền Giang và thành phố Hồ Chí Minh dồn dập xảy ra các vụ kẻ thủ ác dùng thanh nhọn đâm vào ngực phụ nữ. Sau khi thực hiện tội ác, thấy những nạn nhân đau đớn, quằn quại, chúng sung sướng hả hê.
Hoặc việc một nhóm đối tượng chuyên dùng dao lam rạch mặt học sinh tại Hà Nội cách đây không lâu cũng là dạng tội mà kẻ thủ ác thực hiện nhằm xả stress và muốn được báo chí đăng tải cho... nổi tiếng!
Nguyễn Đức Nghĩa giết người man rợ
Ngay cả hành vi giết người man rợ, nhưng rất bài bản của Nguyễn Đức Nghĩa mới đây, nhà tội phạm học này cũng thấy ít nhiều bóng dáng của hành vi giết người để mong sự nổi tiếng. Bởi, nếu chỉ để phi tang và đánh lạc hướng cơ quan điều tra, Nghĩa có thể làm theo nhiều cách khác thay vì hành động man rợ là chặt đầu và chặt các ngón tay của người yêu mà hắn đã giết chết trước đó.
Ngoài ra, theo tiến sỹ Nhật, ở nước ta hiện còn xuất hiện những loại tội phạm mà những nhà nghiên cứu không thể gọi tên, cũng rất khó cắt nghĩa. Bởi kẻ thủ ác giết người không nguyên cớ. Chúng giết ai đó vì sự ngông cuồng. Đặc biệt, trong nhiều trường hợp, những kẻ giết người vì ngông cuồng, nếu có sự chứng kiến của nhiều người, chúng càng bị kích thích, càng tiến hành tội ác tàn bạo hơn.
Sau nhiều năm nghiên cứu tâm lý tội phạm, tiến sỹ Nguyễn Văn Nhật cho rằng, việc ngày càng xảy ra nhiều tội ác man rợ trong cuộc sống hiện đại, thể hiện sự thiếu hoàn thiện của hệ thống giáo dục và sự không quan tâm đúng mức của gia đình. Ngoài ra, nó cho thấy sự tác động ghê gớm của báo chí, phim ảnh và các trò chơi game online bạo lực.
Mặt khác, theo tiến sỹ Nhật, tình trạng bạo lực gia tăng trong giới trẻ ngày càng nhiều cũng thể hiện sự chai lỳ trong tình cảm, suy nghĩ và tình trạng thiếu lý tưởng sống ở một bộ phận lớp trẻ. Đó là một vấn đề báo động đỏ trong đời sống xã hội hiện nay!
Theo VNN
Nhát dao vô hình của Nguyễn Đức Nghĩa Nguyễn Đức Nghĩa đã gây cho các bậc phụ huynh những nỗi đau không thể xoa dịu Đến ngày ra tòa phúc thẩm để nhận án tử hình, Nguyễn Đức Nghĩa đã gây ra nỗi đau cho nhiều người. Nhưng đau đớn nhất là các bậc phụ huynh. Trước tiên, nỗi đau Nguyễn Đức Nghĩa gây ra là cho gia đình nạn nhân...