Tộc người “ngủ ngồi” ở Nghệ An: Lấy chồng từ thuở… 12
Phụ nữ Đan Lai lấy chồng rất sớm, đàn ông Đan Lai lấy vợ chẳng quan tâm xem vợ bao nhiêu tuổi, cứ “thương nhau thì lấy”. Bí thư chi bộ Lê Văn Báo lắc đầu “Chịu thôi. Chúng ưng nhau là lấy, từ lâu đời như thế rồi, không ngăn cấm được”.
18 tuổi, La Thị Thiện đã là mẹ của 3 đứa con, đứa lớn nhất 6 tuổi, đứa bé nhất lên 3.
Chúng tôi vượt qua bản Cò Phạt, điểm lẻ bản Cồn để đến với bản Khe Búng – nơi tận cùng của người Đan Lai nơi sâu thẳm của già Pù Mát. Pù Mát tiếng Thái có nghĩa là những con dốc cao. Để vào được nơi sinh sống của đồng bào Đan Lai nơi thượng nguồn sông Giăng phải vượt qua hàng chục ngọn đèo, vượt qua 5-6 con suối. Bởi vậy, cuộc sống của người Đan Lai nơi đây vẫn khá tách biệt với thế giới bên ngoài. Người Đan Lai vẫn tồn tại nhiều hủ tục lạc hậu, trong đó, nhức nhối nhất vẫn là tục tảo hôn.
Người Đan Lai chủ yếu sinh sống dựa vào nương rẫy. Tuy nhiên, khu vực này thuộc vùng lõi vườn Quốc gia Pù Mát, việc phá rừng làm nương rẫy bị cấm tuyệt đối, đồng bào chủ yếu canh tác trên những ruộng lúa ít ỏi ven các con suối. Ở nơi thâm sơn cùng cốc này chưa có sóng điện thoại, chưa có điện lưới. Đài bán dẫn hoặc ti vi là thứ nối họ với thế giới bên ngoài. Tuy nhiên, nguồn điện phập phù từ tua pin phát điện đặt dọc con suối khiến tuổi thọ của các thiết bị điện tử này không cao. Đồng bào sắm ti vi chủ yếu để xem phim, chẳng mấy ai quan tâm đến việc tiếp thu các tiến bộ từ bên ngoài. Người Đan Lai vẫn sống bản năng, hồn nhiên như cây cỏ giữa rừng.
Đi qua những bản làng của người Đan Lai tôi bị ám ảnh bởi ánh mắt của những bà – mẹ – trẻ – con. Những đứa trẻ chưa kịp lớn đã phải đi làm vợ rồi làm mẹ. Vất vả, cực khổ, thiếu thốn đè nặng trên đôi vai, khiến những đứa trẻ này chưa kịp lớn đã toan về già. Những đôi mắt u uất, những khuôn mặt xám xịt, khắc khổ khiến tương lai của họ càng mờ mịt tối tăm hơn.
Không ai nghĩ Thiện chưa đầy 20 tuổi…
Ba đứa trẻ mặc độc cái quần lê la chơi trên nền đất trước nhà. Thấy người lạ, chúng ù té chạy vào nhà núp rồi cười ré lên. Thấy có khách, một người phụ nữ bước vào. La Thị Thiện (bản Cồn, Môn Sơn, Con Cuông, Nghệ An) – mẹ của ba đứa trẻ lần lượt 6 tuổi, 4 tuổi, 3 tuổi. Nếu Thiện không bảo năm nay cô 18 tuổi, tôi cứ ngỡ người phụ nữ đứng trước mặt mình phải gần 40 tuổi.
Tính ra, Thiện sinh đứa con đầu lòng khi… 12 tuổi. Chồng đi làm nứa, Thiện ở nhà trông 3 đứa con nhỏ. Những đứa trẻ chẳng có nổi chiếc áo để mặc, đánh trần, đen trũi và bụng đứa nào cũng ỏng ra. Thằng bé đầu năm nay đã lên lớp 1 nhưng nó vẫn ở nhà nghịch đất với em. Hỏi, sao không cho con đi học, Thiện chỉ cười trừ…
Những đứa trẻ con của Thiện lớn lên như cây cỏ trong thiếu thốn và nghèo đói.
17 tuổi, La Thị Lá (SN 1998, trú bản Khe Búng, Môn Sơn) đang mang bầu lần thứ hai được 5 tháng rưỡi. Lá lấy chồng năm 2012, khi đó mới gần 14 tuổi, chồng em là La Văn Nem khi đó 18 tuổi, ở cùng bản. “Có biết yêu đâu. Bố em mất sớm, mẹ bảo lấy chồng thì em lấy chồng thôi”, Lá nói về việc mình lấy chồng đơn giản như thế.
14 tuổi, Lá đã biết gì đâu. Về nhà chồng được gần 1 tuần lễ vẫn không cho chồng ngủ cùng. Sau, bà mối phải phân tích, dỗ dành mãi Lá mới chịu ngủ cùng chồng. 15 tuổi, Lá sinh đứa con đầu lòng. 17 tuổi, Lá sắp là mẹ của hai đứa con. Cơ thể chưa kịp lớn của em đã trở nên xồ xề bởi sinh nở và mang thai.
“Em đau đẻ từ đêm mà mãi đến chiều hôm sau mới đẻ. Chồng và mẹ chồng đưa ra Trạm xã xã để sinh. Đau khủng khiếp luôn, hộ sinh bảo vì em còn ít tuổi quá”, Lá thật thà nói. Do không có kinh nghiệm nên khi con bé mới được hơn 1 tuổi, Lá mang bầu đứa thứ hai.
Video đang HOT
17 tuổi, La Thị Lá đã sắp là bà mẹ của hai đứa con.
Hỏi, có đẻ nữa không. Lá cười: “Đẻ chứ. Đẻ đến khi nào có con trai thì thôi. Mẹ chồng với chồng nói thế. Hôm trước ra thị trấn siêu âm, họ bảo đứa thứ hai cũng là con gái”. Tôi nén tiếng thở dài. Lá sinh con rồi mang thai, chỉ quanh quẩn ở nhà, chồng Lá đi làm sắn, làm nứa chẳng đủ nuôi mấy mẹ con nên tiếng là vợ chồng trẻ nhưng vợ chồng Lá thiếu ăn quanh năm.
Bà Lê Thị Nàng – mẹ chồng Lá cười: “Ồ, nó còn bé quá, về nhà cái chi cũng phải bày hết. Chúng nó thương nhau thì cho lấy thôi, không ngăn cấm được”. Bà Nàng cũng mới sinh con. Đứa con út của bà cũng chỉ hơn đứa cháu nội 2 tuổi.
“ Lấy chồng sớm thế có khổ không?” – “Khổ”, Lá trả lời. “Có vất vả không? – Vất vả”. “Thế sau này có cho con gái lấy chồng sớm không? – tôi hỏi. Lá cười: “Nả biết” (Không biết – PV). Tiếng trả lời của Lá như rơi tõm vào cái nắng hoe hoắt của rừng già.
Cô dâu mới của bản Khe Búng cũng có tên là La Thị Lá. Lá mới lấy chồng đầu năm nay, khi vừa bước sang tuổi 15. Hỏi chồng tên gì, Lá bảo tên Tiến nhưng tôi tìm trong hộ khẩu, chàng trai này tên là La Văn Cười (SN 1994). Hỏi chồng bao nhiêu tuổi, Lá lắc đầu “Nả biết”. Hỏi chồng Lá vợ bao nhiêu tuổi, chàng trai này cũng lắc đầu “Nả biết”. Hỏi không biết tuổi mà cũng cưới nhau, không sợ bị phạt à, Tiến trả lời: “Thương nhau lâu rồi thì cưới thôi. Không thấy ai phạt nhưng chưa đi đăng ký kết hôn”.
Đưa vấn đề này trao đổi với ông Lê Văn Báo – Bí thư chi bộ bản Khe Búng, ông Báo nói: “Không cấm được. Người Đan Lai lấy vợ lấy chồng sớm từ xưa rồi mà. Chúng thương nhau thì cho lấy thôi. Ngày xưa có ai ngăn cấm mình đâu mà giờ mình cấm chúng nó”.
Tục cưới lại của người Đan Lai
Người Đan Lai kết hôn sớm nhưng mỗi cuộc hôn nhân đều phải trải qua 2 lần cưới. Nếu không được cưới lại, những cô dâu mới mãi mãi là người ngoài, không được phép đến quét dọn ở bàn thờ tổ tiên nhà chồng.
Cô bé La Thị Lá mới về làm dâu nhà ông La Văn Hoài (SN 1949) được vài tháng.Cũng như tất cả những cô gái mới về nhà chồng khác, Lá chỉ được phép quanh quẩn từ bếp vào phòng riêng của vợ chồng mình và chái nhà đồng thời cũng là nơi rửa ráy của cả gia đình.
Cô dâu mới của bản Khe Búng – La Thị Lá. Lá đi làm dâu khi mới bước sang tuổi 15.
“Con gái mới về nhà chồng, dù được cưới hỏi đàng hoàng cũng chưa được tính là thành viên chính thức của gia đình. Do vậy, con dâu mới không được lau chùi, quét dọn bàn thờ tổ tiên, thậm chí, không được ngồi quay lưng lại phía bàn thờ – là nơi thiêng liêng nhất của người Đan Lai”, ông La Văn Hoài nói.
Sau khi cưới một năm rưỡi đến 3 năm, người Đan Lai sẽ tổ chức lễ cưới lại. Sau khi thực hiện xong nghi lễ cưới lại, người con dâu mới chính thức xem là thành viên trong nhà chồng. Lúc này, người phụ nữ có thể đổi sang họ nhà chồng nếu muốn.
“Lễ cưới lại thì không nhất thiết phải làm lớn như lễ cưới ban đầu nhưng nhất thiết phải mổ một con lợn để mời anh em, làng xóm thân cận. Khách mời trong đám cưới lại cũng ít hơn cưới đầu, chủ yếu là anh em nội tộc thôi”, ông Lê Văn Báo – Bí thư chi bộ bản Khe Búng nói.
Ông Lê Văn Báo – Bí thư chi bộ bản Khe Búng: “Nếu chưa cưới lại thì con dâu chưa được tính là người của nhà chồng”.
Sáng sớm, gia đình nhà chồng buộc con lợn ngay dưới gầm nhà sàn, chỗ cây cột sát bàn thờ gia tiên. Phái trên sàn nhà chỗ gần cây cột sẽ chuẩn bị một chậu nước sạch. Cô dâu mới có nhiệm vụ dội chậu nước qua khe hở của sạp nứa lát sàn sao cho nước chảy trúng con lợn. Sau khi được “tẩy trần”, con lợn được mổ ra đãi khách. Ăn uống xong cũng là khi lễ cưới lại kết thúc.
Sau khi lễ cưới lại hoàn thành, người con dâu mới được phép thắp hương lên bàn thờ gia tiên nhà chồng. Từ đó, sẽ cùng chồng gánh vác việc nhà, chăm sóc nuôi dạy con cái và làm chủ gian bếp của gia đình .
Hoàng Lam
Theo Dantri
Gian nan đường vào bản "ngủ ngồi"
Xe máy ì ì leo dốc rồi đột ngột "âm côn" thả xuống chân đèo. Đường vào bản của người Đan Lai như đi trên mây. Khách cảm nhận hết mọi cung bậc cảm xúc khi băng đèo, lội suối, lắm lúc chỉ dám nhắm tịt mắt lại, phó thác tính mạng cho người cầm lái.
Đường vào vùng lõi vườn Quốc gia Pù Mát - nơi sinh sống của người Đan Lai phải vượt qua những cung đèo quanh co, dốc đứng.
Sau nhiều lần lỡ hẹn tôi cũng được tổ công tác Đội quản lý hành chính Công an huyện Con Cuông (Nghệ An) cho đi cùng vào Khe Khặng, thuộc vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát, nơi sinh sống của đồng bào Đan Lai. Dù trung sỹ Nguyễn Cảnh Thưởng cảnh báo "đường cực kỳ khó đi" nhưng tôi vẫn không mường tượng nổi chặng đường dài hơn 30km từ trung tâm xã Môn Sơn vào bản "ngủ ngồi" lại gian nan đến vậy.
Đan Lai là một nhóm người nhỏ sinh sống chủ yếu trong rừng sâu thuộc vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát. Chuyện kể rằng, bạo chúa Hoa Quân yêu cầu dòng họ Lê ở làng Đan Nhiệm (Thanh Chương, Nghệ An) kiếm 100 cây nứa bằng vàng và một con thuyền liền mái. Nếu không tìm được cả họ phải chịu tội. 100 cây nứa bằng vàng, 1 con thuyền liền mái là điều không tưởng đối với dòng họ Lê này.
Sợ bị giết, đoàn người họ Lê bồng bế nhau chạy trốn vào rừng sâu và hình thành một tộc người mới - tộc người Đan Lai. Do quá trình chạy trốn bạo chúa nên người Đan Lai phải ngủ ngồi, tay đỡ lấy trán hoặc sử dụng cây chàm ngam đỡ dưới cổ để khỏi ngã, bởi vậy người Đan Lai còn được gọi là "tộc người ngủ ngồi" hoặc "ngủ chạng".
Người Đan Lai ở xã Môn Sơn (Con Cuông, Nghệ An) tập trung tại các bản Khe Búng, Cò Phạt, Bản Cồn và một vài điểm bản lẻ bên cạnh dòng Khe Khặng - một nhánh của dòng sông Giăng. Từ trung tâm xã Môn Sơn vào bản xa nhất (bản Khe Búng) khoảng hơn 30km đường chim bay.
Một góc bản lẻ của người Đan Lai trong ánh chiều tà.
Thượng úy Ngân Văn Vinh - Đội quản lý hành chính Công an huyện Con Cuông, người bản Nam Sơn (xã Môn Sơn) là người to khỏe nhất tổ, lại là dân bản địa nên được phân công chở tôi. Thiếu úy Nguyễn Quang Liêng, trung sỹ Nguyễn Cảnh Thưởng và công an viên xã Môn Sơn Vi Viết Trại có nhiệm vụ chở theo lương thực, tài liệu, giấy tờ vào bản để làm chứng minh thư cho người dân.
Qua khỏi cầu treo sông Giăng 1, chúng tôi bắt đầu hành trình để vào với đồng bào Đan Lai. 4 chiếc xe máy bắt đầu những đợt leo dốc, đổ đèo liên tiếp nhau. "Đây là con đường tuần tra của lực lượng kiểm lâm Vườn quốc gia Pù Mát mới mở được gần chục năm thôi. Trước chưa có đường, chúng tôi phải đi bộ hoặc thuê thuyền men theo dòng nước sông Giăng, Khe Khặng để đi", anh Vinh cho biết.
Con đường ngoằn nghèo, nhìn từ trên cao xuống tôi đã thấy ngợp khi bóng người phía dưới chân đèo chỉ nhỏ xíu như cái chấm giữa mênh mông rừng núi. Anh Vinh cười bảo nếu đường này được đầu tư để làm đường đua công thức 1 thì biết đâu, đây sẽ là cơ hội để rút ngắn khoảng cách của người Đan Lai với bên ngoài hay chí ít cũng giúp Môn Sơn phát triển kinh tế dịch vụ phục vụ đoàn đua.
Con đường đất đầy sống trâu thách thức bất kỳ tay lái nào.
Nhìn con đường ngoằn ngoèo như sợi chỉ vắt từ quả đồi này qua quả đồi khác, uốn lượn, gấp khúc như sợi dây rừng rõ ràng là lợi thế để hình thành một đường đua mạo hiểm. Nếu con đường này được đầu tư như anh Vinh nói thì biết đâu, đồng bào nơi đây sẽ trở thành những tay đua cừ khôi chẳng kém bất cứ một tay đua chuyên nghiệp nào.
Đoàn xe 4 chiếc, lúc leo dốc chỉ nghe tiếng động cơ ì ì, anh Vinh liên tục đổi từ số 2 sang số 1 để xe đi lên. Chiếc xe "bò" được lên đỉnh dốc thì được tắt máy để "trôi" xuống. Thiếu úy Nguyễn Quang Liêng cười: "Tắt máy cho đỡ tốn xăng. Chân rà phanh nếu không muốn phi xuống vực. Lên dốc không nguy hiểm bằng xuống dốc. Xe trước và xe sau phải giữ một khoảng cách nhất định để không may có sự cố không bị đâm nhèo vào nhau. Chị đi chuyến này là may đấy. Hôm qua có mưa nhưng không đáng kể, đường chỉ ướt chứ không sục quánh như lần trước tổ công tác vào".
Tôi ngồi trên xe, thỉnh thoảng phải nhắm tịt cả mắt vì cảm giấc bị "hẫng" khi xe đổ đèo. Gặp những con dốc cao quá, tôi phải xuống cuốc bộ để anh Vinh đi xe một mình. Đến dốc Cây Kè (bản Cò Phạt) xe đổ đèo. Nhìn con dốc hun hút, hằn đầy vệt bánh xe tôi đành lựa chọn phương án men theo vách núi để đi bộ xuống. "Lần trước, 3 anh em vào đây trúng ngày mưa, dốc này xe không chạy được. Anh em phải dùng gậy thọc qua xe để đẩy lên dốc. Ì ạch hơn 1 tiếng đồng hồ mới qua được dốc này", trung sỹ Nguyễn Cảnh Thưởng kể.
Chỉ những chiếc xe có máy thật khỏe mới dám vượt khe để vào Khe Khặng.
Qua bản Cò Phạt, anh Vinh quyết định đi bộ. Từ đây vào bản Khe Búng phải lội qua 5 con khe, sợ xe không qua được. Thưởng và Liêng dồn tài liệu qua một xe, quyết định vượt khe. Liêng vác ba lô giấy tờ lên vai, lội qua khe trước. Thưởng rồ ga phi qua khe nước ngang bắp đùi. Chiếc xe lao xuống, ống xả sôi lên ùng ục, xe bị nước cuốn đi, Thưởng dùng cả hai chân "bơi" cùng xe, bị đẩy xuống một quãng mới sang được bờ bên kia. Chúng tôi chính thức chia làm 2 đoàn. Tôi, anh Vinh và Trại đi bộ.
Ba anh em ba lô vác vai, bắt đầu cuộc hành quân. Tôi tháo giày lội suối, anh Vinh và Trại phải thay nhau làm cọc tiêu cho tôi bám để khỏi bị nước tống đi. Nước Khe Khặng mùa khô, chỉ ngang bắp đùi nhưng chảy xiết, thỉnh thoảng bị người dân chặn lại để đặt tua pin phát điện. 3 cây số đường rừng, hết lội suối, xuyên qua bản làng rồi lại men theo khe. Tôi tháo giày cầm tay, chân buốt nhói vì đá cuội, vì nắng nóng.
Tôi trầy trật từng bước khiến hành trình của 3 anh em chậm hơn dự kiến. Trại cởi quần dài vắt lên vai, bận quần đùi lội. Anh Vinh kinh nghiệm hơn, mặc quần sóoc còn tôi ướt nhẹp lếch thếch vùa đi vừa chạy theo, thỉnh thoảng hai người phải đứng lại chờ.
Con đường quanh co men theo dòng Khe Khặng lổn nhổn đất đá.
10h trưa, chúng tôi với vào đến nơi. Làm việc cật lực, 2h30 chiều mới kịp ăn rồi lại làm việc. 5h30 hành quân ra bản Cò Phạt để sáng mai kịp cấp giấy CMTND cho đồng bào. Rừng sẫm màu rồi tối hẳn, ba anh em mồm miệng thi nhau thở. Bóng tối đặc quánh bao quanh, tôi không bước nổi, Trại phải mang hộ ba lô. Tôi nhặt một cây gậy ven đường để chống. Hành trình lại tiếp tục với việc leo dốc, đổ đèo, lội suối.
Lắm lúc tôi muốn dừng lại, muốn bỏ cuộc nhưng bóng tối đặc quánh, tiếng thú rừng, tiếng chim tắc tắc vang lên nghe rợn người. "Nếu không cố, không ra được bản Cò Phạt thì phải ngủ giữa rừng, chỉ tổ làm mồi cho vắt và mằn hăn (một loại muỗi) thôi", Trại bảo. Tôi chống gậy lê đôi chân mỏi nhừ, đau nhức bước từng bước khó nhọc. Gần 8h tối, 3 anh em mới ra đến Cò Phạt.
Ăn vội bát cơm các anh kiểm lâm chuẩn bị, tôi nằm vật ra giường. Đêm Cò Phạt chập chờn ánh điện tua pin, chỉ có chiếc đài bán dẫn nối chúng tôi với thế giới bên ngoài. Giấc ngủ mê mệt kéo đến. Đêm đầu tiên với đồng bào Đan Lai không phải ngủ ngồi...
Hoàng Lam
Theo dantri
Giáo viên mầm non bật khóc vì mức lương hưu quá thấp Hàng chục năm cống hiến cho giáo dục, vượt qua bao khó khăn gian khổ, đến lúc nghỉ hưu, hàng trăm giáo viên mầm non trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa bật khóc khi nhận đồng lương hưu chỉ từ 320.000đ - dưới 500.000đ. Với mức lương hưu nhận được, nhiều giáo viên (GV) mầm non cảm thấy tủi thân và bật khóc...