Tộc người “ngủ ngồi”: Người phụ nữ gây “chấn động” vì xin ra khỏi hộ nghèo
Người Đan Lai luôn tìm chỗ đầu nguồn nước để sinh sống, bởi lẽ, họ không muốn ở dưới người khác. Người Đan Lai nghèo đói quanh năm nhưng có những người đã dũng cảm xin ra khỏi danh sách hộ nghèo bởi “không muốn ai nghĩ người Đan Lai nghèo”.
Khe Khặng – thượng nguồn của con sông Giăng mùa này nước chỉ đến thắt lưng. Nước trong vắt, có thể nhìn thấy rõ cả những hòn đá cuội dưới đáy. Khe Khặng bao đời nay là nguồn thực phẩm chủ yếu của người Đan Lai, nơi có loài cá mát nổi tiếng ngon, thịt chắc và thơm. Người Đan Lai dựng vợ gả chồng từ sớm rồi sinh liền tù tì mấy đứa con. Đất ở ngày càng chật chội, nương rẫy ngày càng ít đi. Vậy nên cuộc sống của người Đan Lai chưa bao giờ thoát khỏi cái nghèo, cái đói.
Để giúp bà con Đan Lai thoát nghèo, giảm thiểu tác động xấu lên những cánh rừng thuộc vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An, một khu tái định cư cho người Đan Lai đã được xây dựng khá hoàn chỉnh tại bản Cửa Rào (xã Môn Sơn). Cửa Rào cách bản cũ của người Đan Lai hàng chục cây số, lại gần trung tâm xã Môn Sơn. Ở đây, người Đan Lai được ở trong những căn nhà xây khang trang, được chia ruộng nước để trồng trọt, chia đất rừng để phát triển kinh tế, được hỗ trợ vốn để phát triển sản xuất.
Bà La Thị Nguyệt – người Đan Lai đầu tiên xin ra khỏi danh sách hộ nghèo ở xã Môn Sơn.
Người Đan Lai nghèo nhưng có những người Đan Lai không cam chịu cái nghèo. Bà La Thị Nguyệt là người như thế. Ông Vi Văn Nam – Bí thư Đảng ủy xã Môn Sơn (huyện Con Cuông, Nghệ An) cho biết: “Bà La Thị Nguyệt là người Đan Lai đầu tiên xin ra khỏi hộ nghèo. Cuộc sống chưa hẳn là hết khó khăn nhưng do nhận thức và muốn phấn đấu thoát nghèo, bà La Thị Nguyệt đã xin ra khỏi hộ nghèo. Hành động của bà Nguyệt khiến Đảng ủy, chính quyền địa phương và nhân dân hết sức khâm phục, hoan nghênh”.
Năm 2002, cùng một số hộ dân khác, gia đình bà La Thị Nguyệt được di dời từ bản Cò Phạt ra bản Cửa Rào. Cũng như các hộ dân Đan Lai khác, bà Nguyệt cũng được xét vào diện hộ nghèo, hàng năm đều được hưởng các chính sách hỗ trợ dành cho nhóm đối tượng này. Khi cùng chồng đến nơi ở mới, thay vì ngồi đợi Nhà nước cấp phát lương thực thì vợ chồng bà nai lưng ra làm lụng, cuốc đất, san vườn trồng lúa nước.
Rồi Nhà nước đưa máy ủi về, san phẳng một khu đất trước làng, cho máy múc sâu xuống, lại đầu tư cho cả hệ thống đường dẫn nước tưới tiêu. Vợ chồng bà Nguyệt có thêm ruộng để làm. Rồi người phụ nữ Đan Lai này xoay ra cùng chồng trồng mét, trồng cây keo, trồng sắn, chăn nuôi lợn…
Một góc bản tái định cư Cửa Rào.
“Trong Hội nghị thôn bản vào cuối năm 2012, bà La Thị Nguyệt đã đứng lên, xin rút tên ra khỏi danh sách hộ nghèo của bản, của xã. Đó thực sự là một sự kiện “chấn động” ở đây vào thời điểm đó. Thực tế, trong quá trình phát triển kinh tế bà Nguyệt đã có nhiều cố gắng và đạt được một số thành quả đáng ghi nhận. Hiện nay, ngoài hộ gia đình bà La Thị Nguyệt còn có 2 hộ dân Đan Lai khác cũng đang xin rút khỏi danh sách hộ nghèo của xã”, ông Vi Văn Nam cho biết thêm.
Chúng tôi đến thăm khi bà đang cho đàn bò 9 con của mình ăn. Cho đàn bò ăn xong, bà Nguyệt quay vào bán hàng cho khách. Quán tạp hóa nhỏ này bà mới mở sau khi bán đàn lợn hồi Tết vừa qua. “Buôn bán nhì nhằng thôi. Cái gì cũng phải thử, dám thử mới nhanh thoát nghèo”, bà chia sẻ. Chỉ vào vườn lạc đang kỳ ra hoa, bà tiếp: “Lạc vụ đầu tiên đó. Chưa có kinh nghiệm nên trồng chưa tốt, củ không nhiều như mong đợi. Năm nay trồng rút kinh nghiệm, năm sau làm tốt hơn. Lạc phủ ni lông đấy”.
Video đang HOT
Bà La Thị Nguyệt với đàn bò gần chục con.
Hỏi về lí do xin ra khỏi danh sách hộ nghèo, người phụ nữ Đan Lai này cười: “Tôi chưa giàu nhưng tôi không thấy mình nghèo. Tôi không muốn người ta nghĩ người Đan Lai là nghèo, là khổ. Người Đan Lai có thể tự nuôi sống bản thân, nuôi sống gia đình và tiến tới làm giàu.
Mình cũng phải làm gương cho các con chứ. 4 đưa con của tôi thì 3 đứa đã lập gia đình nhưng đứa nào cũng là hộ nghèo. Tôi cũng động viên các con cố gắng làm lụng để nhanh thoát nghèo, ở mãi trong cái nghèo xấu hổ lắm”.
Nói thì là vậy nhưng để đi đến quyết định này, bà Nguyệt cũng phải trằn trọc biết bao nhiêu đêm, “tính toán” những được – mất khi rút khỏi danh sách hộ nghèo. Xin ra khỏi hộ nghèo nghĩa là không được miễn phí giống, phân bón phục vụ sản xuất; không được hỗ trợ gạo ăn mỗi kì giáp hạt cùng nhiều chính sách ưu đãi khác dành cho hộ nghèo…
Khi đưa ra ý kiến để bàn bạc với chồng, không ngờ ông La Văn Chương (SN 1964) cũng hết sức ủng hộ vợ. Vậy là trong kỳ xét bầu chọn danh sách hộ nghèo ở bản Cửa Rào cuối năm ấy không còn tên gia đình bà La Thị Nguyệt nữa. “Mình nên nhường cho những cặp vợ chồng trẻ. Chúng cần ưu đãi để phát triển kinh tế, để có điều kiện nuôi con ăn học. Có cái chữ thì con cháu chúng nó mới nhanh hết nghèo”, bà Nguyệt chia sẻ.
Cánh đồng lúa nước của đồng bào Đan Lai ở bản tái định cư Cửa Rào.
Sau hơn 10 năm ra bản mới, gia đình bà Nguyệt đã bắt đầu thu lợi từ công sức đã bỏ ra. 6 sào keo đã cho thu hoạch, vụ vừa rồi gia đình bà thu được 20 triệu đồng từ keo. Số tiền bán keo, sau khi dành một phần hỗ trợ con cái 13 triệu, còn 7 triệu làm vốn phát triển chăn nuôi lợn. Dịp Tết vừa rồi, đàn lợn xuất chuồng, ông bà thu về 15 triệu đồng. Dành 5 triệu giúp con gái mua ruộng làm ăn, số tiền còn lại ông bà lại đầu tư mở cửa hàng tạp hóa để kiếm thêm thu nhập.
“Giá mà Nhà nước cho tôi lên ô tô, đi học hỏi các mô hình phát triển kinh tế ở nơi khác để về áp dụng ở đây thì tốt quá”, bà ước ao.
Nhìn những thửa ruộng lúa nước đang kỳ chắc hạt, nhìn từng đàn bò thong thả về chuồng trong tiếng mõ lốc cốc thấy cuộc sống của người Đan Lai đang từng ngày đổi thay. Sự đổi thay của người Đan Lai không chỉ nhờ nỗ lực của các cấp, ngành, của chính quyền địa phương mà đang được thay đổi ngay trong cách nghĩ, cách làm của người dân nơi đây.
Hoàng Lam
Theo Dantri
Tộc người "ngủ ngồi": Nhúng trẻ sơ sinh xuống nước lạnh!
Trẻ con Đan Lai khi được sinh ra, dù mùa đông lạnh buốt hay mùa hè, đều được nhúng xuống dòng Khe Khặng. Người Đan Lai quan niệm, đó là thử thách mà mỗi con người phải vượt qua ngay từ ngày chào đời. Đứa trẻ nào vượt qua được thử thách này sẽ khỏe mạnh.
Thử thách đầu đời
Trải qua hàng trăm năm tồn tại trong rừng sâu, người Đan Lai giữ nguyên những nét riêng của đồng bào mình. Một trong số đó là tục tắm nước lạnh cho trẻ con mới sinh. Bất kỳ đứa trẻ Đan Lai nào mới được sinh ra, nghi lễ đầu tiên phải trải qua là thử thách dưới dòng nước Khe Khặng. Dù đó là ngày hè nóng nực hay ngày mùa đông rét thấu da, đứa trẻ sau khi lọt lòng mẹ sẽ được bế thẳng ra sông và được nhúng xuống dòng nước.
Những đứa trẻ Đan Lai lớn lên như cây cỏ trong thiếu thốn và nghèo đói.
"Đứa trẻ nào không vượt qua được thử thách này thì phải chịu thôi. Còn đứa trẻ nào vượt qua được thì sẽ có sức khỏe tốt, ít ốm đau. Nhưng mà trẻ con Đan Lai ít đứa không vượt qua được thử thách này lắm", cụ La Thị Mếnh (SN 1943, bản Khe Búng, xã Môn Sơn, Con Cuông, Nghệ An) tự hào nói.
Tôi không rõ lời cụ Mếnh nói có đúng không nhưng những đứa trẻ Đan Lai mà tôi gặp, giữa trưa hè nắng chói chang, đầu trần chân đất, chạy nhảy, lê la khắp nơi, được nắng "hun" cho màu da đen giòn,...
"Giờ phụ nữ Đan Lai đã biết đến Trạm y tế của xã để sinh con nhưng người nào sinh tại nhà đều bắt buộc phải cho con trải qua nghi thức tắm nước lạnh. Mùa đông, không cần phải đưa trẻ ra suối nữa mà có thể múc nước về nhà để tắm nhưng lần tắm đầu tiên trong đời vẫn bắt buộc phải tắm nước lạnh. Những lần sau đó có thể đun nước ấm lên để tắm", cụ Mếnh cho biết thêm.
Không quần áo, không mũ đội đầu, một đứa trẻ Đan Lai hồn nhiên chơi giữa nắng hè gay gắt.
Chia của cho người chết
Nếu như việc một đứa trẻ sinh ra là việc trọng đại của gia đình thì việc tang ma ít được người Đan Lai chú trọng. Người Đan Lai quan niệm "chết là hết", bởi vậy việc tổ chức tang ma hết sức đơn giản, không có việc cúng bái rình rang và cũng không có truyền thống tổ chức lễ giỗ hàng năm cho người đã khuất.
Anh Lê Văn Mão (trưởng bản Khe Búng) cho biết: "Người Đan Lai không để người chết quá 2 tiếng trong nhà. Nếu tử vong buổi đêm thì phải đợi đến sáng hôm sau là đưa đi ngay. Trước thì người chết được bó trong chiếu, nay thì được khâm liệm trong quan tài rồi huy động nhân lực gánh ra bãi tha ma của bản để chôn cất".
Người Đan Lai chia đều của cải cho người đã chết, từ nồi niêu xoong chảo cho đến con trâu, con bò...
Trước khi đưa người đã khuất đi chôn, người Đan Lai phải thực hiện nghi thức chia của cho người chết. Người Đan Lai quan niệm, của cải trong nhà phải chia đều cho nhau, trai cũng như gái, kể cả đối với người đã khuất. Với những tài sản lớn như trâu, bò, lợn, sau khi được phân chia, người đã khuất sẽ được nhận "tượng trưng" là dây chão (dây thừng) xâu qua mũi trâu bò hay rọ mõm của con lợn.
"Việc chia của chỉ là tượng trưng nhưng nhất thiết phải chia đều. Tùy vào từng điều kiện của mỗi gia đình, của cải sau khi được chia sẽ được giữ lại hay đưa ra bãi tha ma cho người chết", anh Mão cho biết thêm.
Cuộc đưa ma của người Đan Lai diễn ra vội vã, chóng vánh. Bãi tha ma là một khu vực riêng biệt trong rừng sâu, ít người lai vãng. Sau khi hoàn tất việc chôn cất, những của cải được chia cho người chết được đập nát. Sau lễ "đập bát" đó, những người đưa ma sẽ quay đầu chạy một mạch về nhà. Từ đó, không ai quay lại khu vực chôn cất người chết thêm một lần nào nữa bởi như ông Bí thư chi bộ nói: "Chết là hết rồi, không còn chi vướng bận nữa".
Bãi tha ma của người Đan Lai nằm trong rừng sâu. Sau khi chôn cất, người sống không bao giờ quay lại đó để viếng mộ.
"Chết là hết", bởi vậy người Đan Lai cũng không tổ chức cúng giỗ cho người đã khuất mà cúng chung cho tất cả mọi người trong dịp Tết. Trong bữa cúng đó, ngoài cơm, rượu, thịt, nhất quyết không được thiếu nước chè xanh - thứ nước mà cùng với trầu không và bếp lửa đã giúp người Đan Lai chống chọi với mùa đông khắc nghiệt của rừng già.
Không cúng giỗ không có nghĩa là người Đan Lai quên tổ tiên của mình. Những người đã khuất cùng với công lao của họ đối với bản mường vẫn được kể lại cho con cháu bên những bếp lửa bập bùng suốt đêm...
Hoàng Lam
Theo dantri
Tử hình 2 tên giết người, cướp vàng gây chấn động ở Đồng Nai Quen biết, được anh Học rủ về nhà, sau một thời gian, Long nảy sinh ý định giết anh Học để cướp tài sản đồng thời rủ Ngọc Anh và Tốt tham gia cùng Ngày 23/4, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Tp.HCM đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án giết người, cướp tiệm vàng từng gây xôn xao...